Pages

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Trần Huỳnh Duy Thức - Chỉ cần đa nguyên kinh tế là đủ?


Độc giả có thể đọc trực tuyến hoặc tải cuốn sách "Trần Huỳnh Duy Thức - Con đường nào cho Việt Nam?" về qua đường link sau:
"Một thiết chế chính trị độc đảng luôn triệt tiêu dân chủ, dân chủ lại là một cơ chế tự điều chỉnh những vấn đề của xã hội, kinh tế, chính trị hiệu quả để tạo ra sự hài hòa bền vững. Thể chế chấp nhận đa nguyên kinh tế nhưng chuyên chế độc đảng chính trị như Trung Quốc và Việt Nam thì sự phát triển chỉ có được nhờ may mắn xuất hiện các lãnh đạo giỏi giang nhất thời. Điều may mắn không phải lúc nào cũng đến nên một xã hội vận hành mà chỉ dựa vào sự may mắn thì chắn chắn sẽ bất ổn.

Không ai có thể sáng suốt trong một thời gian dài, nhất là khi người ta cảm thấy mình luôn có công nhưng không có cái gương để soi rọi lại mình. Nhưng nguy hiểm hơn là những nhà lãnh đạo đó thường có xu hướng giải quyết những xung đột xã hội bằng vũ lực. Sự kiện Thiên An Môn đẫm máu là một ví dụ, cho dù nó tạm thời dẹp tan hiện tượng của xung đột nhưng mầm mống loạn vẫn còn đó và tiếp tục tạo ra những sóng ngầm u uất mà không có một thành tích kinh tế nào có thể xóa nhòa đi được."

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - THUỐC CHỮA BÁCH BỆNH?

"Người ta hô hào xây dựng một chính quyền gần dân, nhưng với phần đông dân chúng cái gần gũi nhất với họ là tiêu cực và tệ nạn xã hội và phải chung sống với nó mà chẳng còn cách nào khác. Nhưng bằng một ít lợi lộc người ta đã làm cho một số lượng không nhỏ thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng cứ tập trung phát triển kinh tế thì các vấn đề xã hội tự nhiên sẽ được giải quyết và sau đó sẽ dẫn đến một nền chính trị tốt đẹp. Cách này đã tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn cản đáng kể sự đòi hỏi chính đáng của dân chúng thông qua tầng lớp xã hội quan trọng này. Người nghèo phải hèn đã đành, kẻ giàu giờ đây cũng hèn không kém."
[...]
“Một số người đổ lỗi cho việc chúng tôi mắc phải những vấn đề như hiện này là do một âm mưu có tổ chức. Tôi ước gì nó chỉ đơn giản như vậy. Các thành viên của một âm mưu có thể bị phanh phui và đưa ra xét xử. Song, những gì thực sự đang nuôi dưỡng hệ thống này còn nguy hiểm hơn cả âm mưu. Nó không chỉ do một nhóm người nhỏ lẻ nào điều khiển mà nó chịu sự chi phối của một khái niệm đã được coi là chân lý: đó là ý tưởng cho rằng mọi sự tăng trưởng kinh tế đều có lợi cho loài người và rằng càng tăng trưởng thì lợi ích càng lớn… Tất nhiên các khái niệm này hoàn toàn sai lầm. Chúng ta biết rằng ở rất nhiều nước, tăng trưởng kinh tế chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ người dân và thực ra là đẩy đa số những người còn lại đến bờ tuyệt vọng… Khi con người được thưởng vì lòng tham thì sự tham lam sẽ trở thành một động lực tồi tệ.” (Lời thú tội của một sát thủ kinh tế - trang xiv)
Dù quá trình thôn tính chưa hoàn tất nhưng xã hội ta đã là một xã hội lệ thuộc. Người nghèo lệ thuộc người giàu, người giàu lệ thuộc quan chức, quan chức thì bị chi phối bởi những kẻ cơ hội. Người ta bị điều khiển bởi đồng tiền và những động lực vật chất, thật đúng như Rousseau nói trong Khế ước Xã hội: “làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ”. Sự lệ thuộc vật chất dẫn đến ý thức lệ thuộc và ích kỷ. “Thôi, lo làm mà kiếm tiền, để ý chi đến những việc đó, gặp phiền phức bây giờ” là câu nói mà nhiều người bật ra khi nghe ai đó bức xúc về những vấn đề của xã hội và chính quyền. Những ý thức và suy nghĩ độc lập ngày càng hiếm hoi làm sức đề kháng của xã hội ngày càng xuống thấp. Khi mà thế lực thôn tính nhận thấy rằng nó có thể dẫn dắt các hành động của số đông bằng những tin đồn liên quan đến quyền lợi của họ, đó là lúc mà nó ra sẽ đòn quyết định. Một vài phép thử đã được thực hiện như cơn sốt vàng năm trước và gần đây là chứng khoán."

KHI NÀO VẬT CHẤT CÒN QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC THÌ KHI ĐÓ SỰ SUY THOÁI XÃ HỘI LÀ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI

"Các vấn nạn xã hội chưa bao giờ được nhìn nhận và phân tích khách quan theo qui luật nhân quả để tìm ra bản chất của nó mà chữa trị hiệu quả. Giai đoạn đầu sau khi mở cửa người ta đổ lỗi cho chúng là do kinh tế thị trường, còn bây giờ phát triển kinh tế thuần túy được xem là cứu cánh để giải quyết chúng. Nhũng nhiễu cửa quyền, tham nhũng, thiếu dân chủ và minh bạch, tai nạn giao thông nghiêm trọng, môi trường bị hủy hoại trầm trọng, v.v… được cho là do dân trí còn thấp, trình độ phát triển kinh tế chưa cao, chúng sẽ tự cải thiện khi mà kinh tế phát triển hơn nữa. Nền kinh tế Việt Nam sau khi Pháp thuộc phát triển hơn nhiều thời tự chủ phong kiến trước đó, nhưng dân ta đã được hưởng những gì? Ai cũng thấy rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển nhanh liên tục thời gian qua, nhưng nhanh bao nhiêu thì các vấn nạn xã hội lại phát triển mạnh hơn bấy nhiêu lần.
Sao không chịu nhìn nhận rằng chúng là sản phẩm của sự mất cân đối giữa các chính sách kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội; chúng chẳng do kinh tế thị trường mà do chính cái cơ chế tạo động lực cho xã hội đã bị vật chất hóa. Khi nào vật chất còn quyết định ý thức thì khi đó sự suy thoái xã hội là không thể tránh khỏi.
Tấm gương làm giàu của những kẻ cơ hội đã tạo ra một tâm lý lao vào kiếm tiền một cách thiếu trách nhiệm. Bây giờ quá nhiều kẻ giàu nhờ thế lực, nhờ ăn may và liều lĩnh mà không nghĩ đến những tai họa mình tạo ra cho cộng động. Đầu cơ nhà đất để trục lợi mặc cho nhiều người chưa có nhà, nông dân bị mất đất mà chưa có việc làm mới; thầy thuốc tiếp tay đẩy giá thuốc mặc cho bệnh nhân của mình rơi vào cảnh khốn cùng; nạn mãi lộ và ăn tiền để cấp phép giao thông kém chất lượng mặc cho hàng chục nghìn người chết vì tai nạn; tạo sự khan hiếm giả nhằm kích giá chứng khoán lên rồi bán ra cổ phần riêng của mình để trục lợi thay vì phát hành thêm nhiều nữa để huy động vốn phát triển, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, v.v… chỉ là một vài trong hàng ngàn kiểu kiếm tiền bất chấp đạo đức. Những người làm giàu bằng trí tuệ nhờ mục tiêu tạo ra lợi ích cho cộng đồng thật đáng trân trọng nhưng còn quá hiếm hoi.
Thay vào đó, những kẻ giàu thể hiện tấm lòng với cộng đồng bằng cách bỏ ra ít tiền để làm từ thiện, rồi dùng từ thiện để quảng bá hình ảnh của mình bằng những chiến dịch rầm rộ kêu gọi chung tay góp sức vì người nghèo. Để tự trấn an mình thì họ ra sức cúng bái, lễ chùa và thuê thầy thực hành các nghi lễ tâm linh; rồi thông qua lễ để cầu xin quan lộc. Họ hứa với thánh thần rằng nếu được thì họ sẽ cúng lễ nhiều hơn. Nhưng trớ trêu là rất nhiều người trong họ cho rằng làm thế là mình sống có tâm đạo. Chính quyền thì cho rằng đó đã là sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Những giá trị thuần khiết như tâm linh giờ đây cũng bị biến thành công cụ để kinh doanh kiếm tiền.
“Dân sính lễ là điềm suy xã tắc, dân ngộ đạo là điềm thịnh quốc gia”. Xã hội giờ đây đã thực sự suy thoái trầm trọng."

Không có nhận xét nào: