Nguyễn Vạn Phú: Nghe ông “chuyên gia” Bùi Kiến Thành phán “Lẽ ra nên cân nhắc trước khi cho Coca Cola vào Việt Nam”, thiệt tình không chịu nổi.Trong chuyện Coca-Cola chơi trò chuyển giá làm sao ngăn cản, cách dễ nhất là đánh thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu; cách mang tính “toàn cầu hóa” là triệt tiêu động lực chuyển giá của các công ty đa quốc gia sao cho không chuyển giá có lợi hơn chuyển giá. Ai lại dùng cách tệ hại nhất là cấm cửa người ta.
Chuyển giá nhìn từ toàn cầu hóa
Hai tuần nay dư luận lại xôn xao chuyện một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hiện tượng chuyển giá. Trường hợp nổi bật nhất là CocaCola, doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam từ năm 1994 nhưng đến nay chưa bao giờ có lãi, tức chưa bao giờ nộp đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cả. Điều gây bức xúc ở người đọc tin là doanh thu của Coca-Cola trên thị trường Việt Nam ngày càng tăng, tăng hơn ba lần từ năm 2004 - 2010, mới đây lại tuyên bố đầu tư thêm 300 triệu đô la để mở rộng sản xuất. Theo phân tích của các quan chức ngành thuế, doanh nghiệp này khai lỗ, lũy kế đến nay là 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng, là vì chi phí mua nguyên phụ liệu, chiếm đến 70% giá vốn, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Có thể khép Coca-Cola vào “Tội” chuyển giá được không? Rất khó, vì ngay chính cơ quan thuế cũng thừa nhận làm sao xác định được giá hương liệu thế nào là hợp lý. Có thể lên án Coca-Cola Việt Nam được không? Cũng khó vì họ nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu, phải tuân theo luật chơi của công ty mẹ. Câu chuyện chuyển giá với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác cũng nằm trong vòng luẩn quẩn tương tự. Hiện tượng các công ty đa quốc gia tìmmọi cách để tránh đóng thuế là chuyện thường xuyên diễn ra, ngay cả hãng Apple cũng tìm cách trốn thuế ởMỹ, sang nộp ở Luxembourg cho thấp.
Vì thế, để giải quyết, cần đặt mình vào chuỗi toàn cầu hóa này và ứng xử như thế nào đó để làm sao thu lợi nhiều nhất choViệt Nam, chứ không nên bài xích, lên án hay tẩy chay. Cách dễ nhất với Coca-Cola là đánh thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, ví dụ chỉ cần đánh thuế 10% là thu về còn cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp này lãi lớn. Nhưng phương cách mang tính“toàn cầu hóa”là triệt tiêu động lực chuyển giá của các công ty đa quốc gia sao cho không chuyển giá có lợi hơn chuyển giá.
Ví dụ, họ khai lỗ ở Việt Nam để tránh phải đóng thuế theo thuế suất 25% mà chuyển sang nước có thuế suất 23%, nay chúng ta giảm thuế suất xuống còn 20%, ngay lập tức họ sẽ khai lãi ở Việt Nam, thậm chí còn chuyển lãi ở nước có thuế suất 23% sang nữa. Vì thế các nước là trung tâm sản xuất và kinh doanh của khu vực thường đánh thuế thấp để thu hút các công ty đa quốc gia. Thật ra do hiện nay đến 60% tổng lượng giao thương toàn cầu là do các doanh nghiệp mua bán trong nội bộ với nhau nên các nguyên tắc chống chuyển giá đã được hình thành khá rõ ở nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế.
Ví dụ mọi giao dịch phải tuân thủ nguyên tắc “giá thị trường” (arm’s length principle), tức là giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con cũng phải định giá như thể đó là giao dịch trên thị trường cạnh tranh giữa hai thể nhân độc lập với nhau. Nếu giá được khai quá thấp hay quá cao so với giá thị trường, cơ quan thuế có quyền yêu cầu tính lại và doanh nghiệp phải có trách nhiệm chứng minh mình đã tuân thủ nguyên tắc “giá thị trường” qua hồ sơ xác định giá. Nguyên tắc cũng như công cụ đã có, vấn đề là cơ quan thuế có làm được không, có nhân lực đủ trình độ và khả năng ngoại ngữ để thúc đẩy việc áp dụng hay không? Internet và các cơ sở dữ liệu là những hỗ trợ đắc lực cho công tác chống chuyển giá có được coi trọng và phát huy chưa? Việc liên lạc phối hợp với cơ quan thuế nơi công ty có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thu nhập chính đã được tiến hành chưa? Nếu làm được những điều này, ắt hẳn doanh nghiệp sẽ cân nhắc chi phí phải gánh chịu khi cố ý chuyển giá và so sánh thiệt hơn để chấm dứt hành vi chuyển giá.
TS (Theo TB KTSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét