Pages

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 3)


Đoan Trang - Ngoại trừ nguyên nhân xung đột, nội chiến, việc nhà báo ở một số nước bị sát hại, chứng tỏ ở các quốc gia đó tồn tại báo chí độc lập, báo chí điều tra, chống tham nhũng. Còn ở Việt Nam, chưa có nhà báo nào bị giết, rất có thể là vì chúng ta chỉ có một nền truyền thông nhất loạt chịu sự định hướng, chỉ đạo chặt chẽ của Nhà nước, hoàn toàn không độc lập; không tồn tại báo chí điều tra, chống tham nhũng, chống tiêu cực. Nói đơn giản, nhà báo Việt Nam nhìn chung chưa được làm gì và chưa làm được gì để mà bị giết cả – họ không đủ nguy hiểm!...


*

Năm 2012, toàn thế giới có 71 nhà báo bị sát hại, trong đó nước có nhiều nhà báo thiệt mạng nhất là Syria với 29 trường hợp (*). Nếu loại trừ hai điểm nóng, trong tình trạng nội chiến và xung đột, là Syria và phần lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng, thì nhà báo bị giết chủ yếu ở một số nước châu Phi, Mỹ Latin và Nam Á. Trong khu vực Đông Nam Á, Campuchia và Philippines mỗi nước cũng góp một vụ.

Việt Nam từ trước đến nay không có trường hợp nào nhà báo bị sát hại trong khi tác nghiệp hoặc vì nguyên nhân liên quan đến công việc. Chỉ có một thảm kịch, có thể coi như mưu sát bất thành, là vào ngày 4/7/1991, nhà báo Trần Quang Thành bị tạt axit vào mặt, gây bỏng nặng và tàn phế. Trước đó, ông đã bị xã hội đen đe dọa sẽ trả thù, và theo lời ông khẳng định thì “chỉ có công an tiết lộ cho chúng biết là tôi cung cấp tài liệu thôi”. Điều đáng nói là không một tờ báo trong nước nào đăng tin về chuyện của ông Thành, và vụ việc đến nay đã rơi vào quên lãng. 

Ngoài sự kiện bi thảm này (trong đó nạn nhân chưa bị sát hại), Việt Nam không bị liệt kê vào danh sách quốc gia nguy hiểm chết người đối với nhà báo; hay nói cách khác, trong câu chuyện về quản lý báo chí ở Việt Nam, biện pháp “giết” chưa bao giờ được dùng đến. Điều đó khiến cho các nhà quan sát nước ngoài, khi bàn đến tự do báo chí, có thể cho rằng dù gì đi nữa, Việt Nam vẫn có tự do báo chí, nhà báo được bảo vệ và môi trường tác nghiệp của họ rất an toàn. 

Nhưng điều đó lại cũng hé lộ một khía cạnh khác để chúng ta suy nghĩ: Ngoại trừ nguyên nhân xung đột, nội chiến, việc nhà báo ở một số nước bị sát hại, chứng tỏ ở các quốc gia đó tồn tại báo chí độc lập, báo chí điều tra, chống tham nhũng. Còn ở Việt Nam, chưa có nhà báo nào bị giết, rất có thể là vì chúng ta chỉ có một nền truyền thông nhất loạt chịu sự định hướng, chỉ đạo chặt chẽ của Nhà nước, hoàn toàn không độc lập; không tồn tại báo chí điều tra, chống tham nhũng, chống tiêu cực. Nói đơn giản, nhà báo Việt Nam nhìn chung chưa được làm gì và chưa làm được gì để mà bị giết cả – họ không đủ nguy hiểm! 

“Biển Đông dậy sóng” 

Trang blog Ba Sàm hôm 3/7 đưa ra một phát hiện mới về một chuyện không hề mới trong nền báo chí Việt Nam: “Trên đất nước xã hội chủ nghĩa tươi đẹp này, có hai nơi được giữ bí mật như cung cấm. Đó là phòng họp Ban Chấp hành Trung ương/ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, và... nhà tù”. 
Quả thật đúng như vậy. Liên quan đến hai nơi này, tất cả các vấn đề, các chính sách lớn, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của “chế độ” hay nói đúng hơn là của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng được giữ bí mật và/hoặc được “xử lý linh hoạt” theo từng trường hợp cụ thể. Một trong các vấn đề đó là chính sách ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc, mà một phần của nó là tranh chấp chủ quyền trên đất liền và trên biển giữa hai nước.
Các nhà báo đã, đang và sẽ không bao giờ có thể tìm ra một văn bản nào nêu cụ thể đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng với “nước bạn”, hay một văn bản nào cụ thể hóa cách quản lý báo chí trong vấn đề này. Dư luận chỉ có thể đồn đoán rằng đây có lẽ là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, bằng chứng là những vụ blogger và nhà báo bị xử lý trong vòng 6 năm qua (2007-2013) đều có yếu tố Trung Quốc:
- Tháng 12/2007: VietNamNet bị phạt vì bài “Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: nhìn từ Hoàng Sa-Trường Sa” 

- Tháng 1/2009: Tạp chí Du Lịch bị đình bản ba tháng, Tổng Biên tập bị cách chức, vì bài “Tản mạn cho đảo xa” 

- Tháng 8-9/2009: Một số blogger bị bắt tạm giam vì “xâm hại an ninh quốc gia” (in áo phông kêu gọi chống dự án bauxite). 

- Năm 2009, 2010, 2011: Tại các hội thảo quốc tế về Biển Đông, tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM, nhà báo bị kiểm soát chặt chẽ và bị ngăn chặn khiến không thể tác nghiệp. Thông tin về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc không được đăng tải trên bất kỳ tờ báo chính thống nào, trừ phi để chỉ trích và để “vạch trần âm mưu của các thế lực phản động lợi dụng lòng yêu nước”. 

Đó là chưa kể hàng trăm cuộc gọi điện thoại kín và tin nhắn cho tòa soạn, cho cá nhân phóng viên và lãnh đạo của cơ quan báo chí, để dặn dò, chỉ đạo trước khi đăng bài, để nhắc nhở, phàn nàn sau khi bài đã được đăng tải. 

Trong khi đó, điều mà người làm báo nào cũng nhận thấy, là vấn đề quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thật ra là một đề tài được độc giả rất quan tâm hiện nay. 

Cung không đáp ứng cầu 

Trong kinh tế, sự can thiệp của Nhà nước luôn là yếu tố quan trọng khiến thông tin thị trường bị bóp méo và gây nhiều hệ luỵ. Trong truyền thông, mà ví dụ điển hình là trong chủ đề tranh chấp Biển Đông, khi cung và cầu về thông tin không được cân xứng thì một số hậu quả sau đây xảy ra:
- Thông tin vỉa hè lên ngôi, thuyết âm mưu tràn ngập. Một trong những thông tin đầy tính chất thuyết âm mưu là “Đảng Cộng sản Việt Nam bán nước cho Tàu”. Những người muốn giữ sự khách quan và duy lý hẳn sẽ khó mà đồng ý với lời buộc tội này, vì lấy đâu ra bằng chứng. Nhưng với những hội nghị, hội thảo triệt để ngăn chặn phóng viên tác nghiệp, với những tin nhắn và cú điện thoại chỉ đạo bí mật, với những văn bản “định hướng thông tin tuyên truyền”rất sơ sài và chung chung như nghị quyết, nhà báo nào duy lý sẽ khó mà không tự hỏi: “Họ(chính quyền) đang thực sự làm gì?”. 
- Việc đưa tin, viết bài về tranh chấp Biển Đông trở thành một thứ “trái cấm” hấp dẫn, đưa đến hiện tượng một số báo và phóng viên thích tìm cách xé rào, trong khi không phải trình độ của ai cũng đáp ứng được đòi hỏi của công việc. (Có một thực tế là viết về tranh chấp Biển Đông tự nó đã khó, số lượng chuyên gia và nguồn tài liệu đáng tin cậy mà phóng viên có thể viện dẫn khi viết bài lại quá hiếm). Điều này gây ra hiện tượng mà người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, từng phàn nàn, rằng một số tờ báo coi chuyện chủ quyền quốc gia như đề tài để câu khách, bán báo. 

Cách câu view, câu khách cũng không khó lắm: Sử dụng tựa đề thật giật gân; thông tin mang tính giai thoại/ sai/ thiếu/ không kiểm chứng được cũng sử dụng hết; đặc biệt nên phỏng vấn các nhân vật có quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ, thậm chí nặng màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Hậu quả: Chất lượng sản phẩm báo chí tiếp tục thấp (như nó vẫn thấp); và đặc biệt, chính quyền càng có thêm cớ để nói rằng cần phải quản lý báo chí chặt chẽ trong lĩnh vực “thông tin - tuyên truyền” về Biển Đông.
Đừng bắt chúng tôi phải đồn đoán! 

Lý luận được các dư luận viên hoặc người mang phong cách dư luận viên ưa dùng là “nếu thực sự quan tâm thì ắt sẽ tự tìm hiểu và có thông tin”. Với quan điểm này, việc công khai, minh bạch, cung cấp thông tin cho người dân (trong đó có báo chí) từ chỗ là nghĩa vụ của Nhà nước lại trở thành một trò thách đố đối với nhân dân.
Thêm nữa, với sự “tự do báo chí kiểu Việt Nam”, có những thông tin mà nhà báo chính thống còn chẳng thể tiếp cận được, nói gì đến blogger.
“Kể từ tháng 12/2006 khi đồng chí Hồ Cẩm Đào sang Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh APEC đến nay (2011), chưa có đoàn cấp cao nào của Trung Quốc sang Việt Nam, dù ta sang thăm bạn rất nhiều. Phía Trung Quốc thường đòi ủy viên Bộ Chính trị - cụ thể là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - của ta sang thăm chính thức bạn, còn phía bạn chưa có ai sang ta, viện dẫn các lý do như là bận nọ kia... Điều này cũng gây tâm tư cho phía ta, vì bạn kêu bận mà một thời gian dài, bạn không thăm ta song lại đi thăm khắp các nước trong khu vực, kể cả Lào, Campuchia...”
Blogger nào có thể tiếp cận những thông tin như trên chăng? 
(*) Số liệu năm 2012 của Uỷ ban Bảo vệ Các Nhà báo (Committee to Protect Journalists)

Không có nhận xét nào: