Pages

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

VN trước những lựa chọn khó khăn


Chủ tịch Trương Tấn Sang
Chuyến đi ngắn của ông Sang tới Hoa Kỳ đang được chú ý
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đang là chủ đề nóng, thu hút sự chú ý của dư luận.
Và đặc biệt sau kết quả đáng thất vọng của chuyến thăm Trung Quốc từ 19 đến 21/6 vừa qua của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, một lần nữa vị thế nhạy cảm của Việt Nam giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới đang ngày càng tỏ ra kình nhau này lại được đưa ra mổ xẻ.

Đối mặt với một Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy với cuồng vọng bành trướng ngày càng lộ rõ, trước hết là yêu sách độc chiếm hầu hết Biển Đông cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam càng lúc càng cảm thấy đơn độc và đang cố tìm kiếm đồng minh cho cuộc đấu không cân sức này.
Cả Ấn Độ và Nga đều có quan hệ truyền thống với Việt Nam và đã tiến vào Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, nhưng họ lại quan tâm đến những thương vụ trên Biển Đông nhiều hơn.
Bắt tay với Philippines, Việt Nam không đơn độc khi thách thức Trung Quốc vì giữa hai nước cùng có lợi ích chung là Biển Đông và quần đảo Trường Sa, nhưng đây lại là một kiểu đối tác mà người ta thường nói là “ốc còn chưa mang nổi mình ốc”.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, lựa chọn đồng minh khả dĩ nhất của Việt Nam đủ sức đương đầu với Trung Quốc lại là một quốc gia mà trong thâm tâm các nhà lãnh đạo Việt Nam không hề muốn gọi là “bạn”: Hoa Kỳ, cựu thù của Đảng CSVN trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chưa kể đất nước biểu tượng của thế giới tự do này lại còn đề cao những giá trị mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam luôn cảm thấy dị ứng mỗi khi nghe đến, đó là tự do, dân chủ và nhân quyền.

'Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn'

Winston Churchill(1874-1965), cựu thủ tướng Anh, một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử thế giới, từng nói: “Thế giới này không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.”
Thế cuộc xoay vần, những cựu thù của cuộc chiến tranh đẫm máu ngót 40 năm trước lại tìm thấy lợi ích của mình trong đối thủ năm xưa.
"Hoa Kỳ không chỉ cần đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông mà quan trọng hơn là muốn kiềm chế kỳ phùng địch thủ đang lăm le thách thức ngôi vị cường quốc số 1 thế giới của mình. "
Hoa Kỳ không chỉ cần đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông mà quan trọng hơn là muốn kiềm chế kỳ phùng địch thủ đang lăm le thách thức ngôi vị cường quốc số 1 thế giới của mình.
Một trong không nhiều nước có thể giúp Hoa Kỳ đạt được mục đích đó chính là Việt Nam, ít nhất là một Việt Nam ở vị thế trung lập.
Việt Nam không chỉ muốn bác bỏ yêu sách độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, giữ nguyên các đảo mà mình đang kiểm soát ở Trường Sa và tiến tới đòi Trung Quốc phải trao trả các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa và cả Hoàng Sa, mà còn muốn ngăn chặn âm mưu khuynh loát và thôn tính Việt Nam theo nhiều cách khác nhau của Trung Quốc, từ kinh tế - chính trị - xã hội cho đến an ninh - quốc phòng.
Quốc gia duy nhất có thể giúp Việt Nam đạt được mục đích đó chính là Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu Hoa Kỳ sẵn lòng đồng hành với Việt Nam tới đâu, nhất là trong khi Hoa Kỳ còn có những lựa chọn khả dĩ khác?
Việt Nam vẫn là một nhà nước độc tài cộng sản với thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ. Mối quan hệ đang ấm lên kia đặc biệt gây khó chịu cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những người vẫn sợ rằng việc mở rộng hoạt động giao thương với Việt Nam đang diễn ra với một sự trả giá về nhân quyền.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có lợi ích thiết thân trong việc bảo vệ sức mạnh mềm quan trọng nhất của mình: đó chính là các giá trị tự do - dân chủ vốn đã biến đất nước này trở thành biểu tượng của thế giới tự do, là nguồn cảm hứng cho hàng tỷ người bị áp bức trên thế giới, trong đó có hàng chục triệu người Việt Nam, và khiến nó trở nên khác biệt so với các đối thủ khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Bài toán Trung Quốc

Việt Nam và Hoa Kỳ cùng có chung một bài toán khó giải là Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn những tranh chấp này được giải quyết trên cơ sở đa phương.
Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Sang hồi tháng 6/2013
Trung Quốc không muốn đa phương hóa vấn đề lãnh hải
Trong khi đó Trung Quốc, quốc gia đòi chủ quyền phần lớn Biển Đông và các đảo trong khu vực cũng như mong muốn giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương với các quốc gia tranh chấp, lại phản đối bất kỳ hình thức can thiệp quốc tế nào.
Không may cho Việt Nam là nó lại ở cạnh gã láng giềng luôn có âm mưu thôn tính mình. Mặc dù mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được cải thiện song Hà Nội vẫn chưa có một hiệp ước quốc phòng song phương để dựa dẫm như Philippines.
Một khi đã từ chối bán vũ khí cho Việt Nam thì không có gì đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ ra tay bảo vệ Việt Nam trong trường hợp xẩy ra chiến tranh, đặc biệt là một cuộc chiến chống Trung Quốc.
Việc Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ và phương Tây là điều tất yếu và dễ hiểu, bởi Việt Nam không thể nào tự đứng vững một mình khi buộc phải ra mặt chống Trung Quốc.
Dĩ nhiên, điều lý tưởng là Việt Nam không nên trở thành công cụ của nước này nhằm chống lại nước khác.
Láng giềng mãi mãi là láng giềng, và một Trung Quốc kẻ thù sát nách rõ ràng không phải là điều tốt nhất của Việt Nam, bởi hiểm hoạ chiến tranh là tai hoạ đối với tất cả các bên liên quan.
Sự tiết chế và hoạt động ngoại giao linh hoạt là điều cần thiết để Việt Nam đi đến tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ trong khi vẫn duy trì một mối quan hệ hiệu quả và cảnh giác với Trung Quốc.

Thay đổi để tồn tại

Hoa Kỳ đã nhiều lần tỏ ý rằng họ sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Việt Nam nếu Việt Nam chứng tỏ thiện chí cải thiện tình trạng nhân quyền, tôn trọng tự do chính kiến của người dân và cam kết cải cách chính trị theo chiều hướng tự do và dân chủ hóa đất nước thông qua tiến trình sửa đổi hiến pháp với sự tham gia rộng rãi của tất cả mọi người dân.
Với những gì mà nó vẫn đang thể hiện, chính phủ hiện hành ở Việt Nam chính là một trở ngại cho việc tăng cường mối quan hệ Việt–Mỹ.
"Liệu cuộc gặp Sang-Obama tại Tòa Bạch Ốc ngày 25/7 sắp tới có viết nên trang sử mới hào hùng cho Việt Nam không? Câu trả lời hiện giờ dường như rằng tất cả vẫn còn đang ở phía trước... và ở phía nhà lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch Trương Tấn Sang."
Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây nhân chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường phát biểu là "đã đến lúc Việt Nam-Hoa Kỳ cần xác lập khuôn khổ đối tác mới cho quan hệ hai nước” nhưng lại với điều kiện là Hoa Kỳ phải "tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam".
Điều đó có nghĩa là sẽ không tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng hay nhân quyền gì cả, mà chỉ có Đảng CS thôi!?
Điều này quả là khó có thể chấp nhận. Trong bang giao quốc tế, không nhất thiết hai quốc gia phải có cùng thể chế; tùy theo đặc tính riêng của từng quốc gia, dân tộc mà mỗi nước có thể chế chính trị riêng của mình và nhất định không bao giờ có chuyện sao chép 100%.
Điều mấu chốt là những giá trị chung mà toàn nhân loại vẫn đang theo đuổi, đó là những quyền cơ bản của con người thể hiện trong Hiến chương Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, hay chế độ bầu cử tự do với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị và thủ tục phúc quyết hiến pháp, v.v. Đây là những gì mà Việt Nam không có và cũng chính là những gì tạo ra sự khác biệt đáng ngại trong quan hệ Việt-Mỹ.
Dù khó khăn nhưng chắc chắn Việt Nam không thể không cải cách nếu muốn được Hoa Kỳ coi là bạn và, quan trọng không kém, nếu muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc về chính trị - kinh tế - xã hội hiện nay, sản phẩm tất yếu của hệ thống hiện hành.
Liệu cuộc gặp Sang-Obama tại Tòa Bạch Ốc ngày 25/7 sắp tới có viết nên trang sử mới hào hùng cho Việt Nam không? Câu trả lời hiện giờ dường như rằng tất cả vẫn còn đang ở phía trước... và ở phía nhà lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Bài viết có sự đóng góp của blogger Lê Anh Hùng từ Hà Nội.

Không có nhận xét nào: