Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN KHIẾU NẠI
“V/v Toà phúc thẩm Toà án Tối cao không cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa”
Kính gửi ông: Chánh toà phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao.
Chúng tôi là: Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu( tức Hiền)
Địa chỉ: Thuý Nẻo - Bắc Hưng – Tiên Lãng - Hải Phòng, là bị cáo trong vụ án “giết người, chống người thi hành công vụ” vừa bị Toà án nhân dân Hải Phòng xét xử ngày 5/4/2013 cùng làm đơn khiếu nại về công văn số 1436, 1437 ngày 25/06/2013 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao (V/v từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa ) . Đồng thời kính đề nghị ông ban hành Quyết định bãi bỏ hai công văn trên, cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Vũ Văn Luân để ông Luân thực hiện việc bào chữa cho chúng tôi, bồi thường thiệt hại cho chị em tôi, xem xét xử lí kỷ luật với tất cả tập thể, cá nhân liên quan đến viếc ban hành văn bản trái pháp luật trên theo quy định của Nhà nước vì lý do sau đây.
Lý do thứ nhất:
Vi phạm Điểm e Khoản 2 Điều 50 Luật Tố tụng hình sự
Tại Điểm e Khoản 2 Luật tố tụng hình sự Nhà nước quy định như sau
2 - Bị cáo có quyền:
e - Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa
Như vậy, việc chị em tôi có đơn nhờ ông Vũ Văn Luân là người bào chữa cho chúng tôi và chồng chúng tôi với tư cách người đại diện hợp pháp là hoàn toàn chính đáng, quyền đó của chúng tôi được Nhà nước thừa nhận tại Điểm e Khoản 2 Điều 50 Luật Tố tụng hình sự là điều không phải tranh cãi như chị em tôi đã biện dẫn ở trên. Do đó, tại công văn số 1436, 1437 có căn cứ vào Điều 50 Luật Tố tụng Hình sự từ chối không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Vũ Văn Luân mà chị em tôi đã lựa chọn là việc làm hoàn toàn trái pháp luật, tước đi quyền được mời người bào chữa mà Nhà nước và pháp luật cho phép.
Lí do thứ hai
Vi phạm Điều 56 Luật Tố tụng hình sự.
Điều 56 Luật Tố tụng Hình sự có ghi: “Điều 56: Người bào chữa:
1- Người bào chữa có thể là:
a- Luật sư.
b- Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
c- Bào chữa viên nhân dân.
2, Những người sau đây không được bào chữa:
a- Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
b- Người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, giám định hoặc người phiên dịch.
Như vậy, tại đơn mời người bào chữa cho chị em tôi. Chúng tôi mời ông Vũ Văn Luân có địa chỉ: Xóm 9 – Hùng Thắng – Tiên Lãng - Hải Phòng bào chữa cho chị em tôi với tư cách người đại diện hợp pháp theo điểm b khoản 1 Điều 56 Luật tố tụng Hình sự là hoàn toàn hợp pháp . Đồng thời với điều kiện Tại khoản 2 Điều 56 Luật Tố tụng Hình sự như chị em tôi trích dẫn ở trên thì ông Vũ Văn Luân không rơi vào một trong 2 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật tố tụng Hình sự. Do đó, ông Vũ Văn Luân hoàn toàn có đủ tư cách là người bào chữa cho chị em tôi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 56 Luật Tố tụng Hình sự mà chị em tôi lựa chọn.
Việc Toà phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao trong công văn số 1436, 1437 căn cứ vào Điều 56 Luật Tố tụng Hình sự không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Vũ Văn Luân để bào chữa cho chị em tôi là hoàn toàn bất hợp pháp như tôi đã chứng minh ở trên.
Lí do thứ ba
Vi phạm Nghị Quyết số 03/2004 ngày 02/10/2004, Nghị quyết số 05/ 2005 ngày 08/12/2005 của HĐTPTANDTC:
a- Vi phạm nghị quyết số 03/2004 của HĐTPTANDTC
Tại Điểm b Tiết 2 phần II Về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo có ghi
b - Đối với bị can, bị cáo là người đủ 18 tuổi trở lên, không có nhược điểm về tâm thần hoăc thể chất, thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa: do đó, trong trường hợp người thân thích của họ hoặc người khác lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ, thì cần phân biệt như sau:
b.1- Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa đã có sự đồng ý (hoặc sự uỷ quyền) của bị can, bị cáo thì Toà án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa.
Như vậy, căn cứ vào quy định này của HĐTPTANDTC thì chị em tôi đã trên 18 tuổi không có nhược điểm tâm thần, thể chất do đó chị em tôi có quyền lựa chọn người bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi là hoàn toàn chính đáng được pháp luật cho phép.
Căn cứ vào điểm b.1 việc chúng tôi lựa chọn ông Vũ Văn Luân cho chúng tôi và chồng chúng tôi nhưng không được Toà phúc thẩm Toà án tối cao chấp nhận là hoàn toàn bất hợp pháp vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết số 03/2004 của HĐTPTANTC mà tôi đã trích dẫn ở trên. Do đó việc Toà phúc thẩm Toà án tối cao căn cứ vào Nghị quyết số 03/2004 không cấp giấy chứng nhận báo chữa cho ông Vũ văn Luân để ông Luân bào chữa cho chúng tôi và chồng chúng tôi là hoàn trái pháp luật.
b- Vi phạm Nghị quyết số 05 ngày 08/12/2005 của HĐTPTANDTC:
1 - Về điều 231 của BLTTHS ( có ghi)
Chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm được xác định như sau:
1.1 Bị cáo, người đại diện hợp pháp(đại diện theo pháp luật)cuả bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
1.2 - Người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích cho bị cáo.
Như vậy với các trích dẫn trên đây, HĐTPTANDTC quy định rất rõ về quyền kháng cáo của người đại diện hợp pháp cho bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm tâm thần hoặc thể chất, chứ không phải như công văn số 1436, 1437 cho rằng (chỉ có các trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần mới có người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) tham gia tố tụng là hoàn toàn bất hợp pháp tiếp tục tước đi quyền được mời người bào chữa của chị em tôi mà Nhà nước đã quy định.
Tại Nghị quyết này tôi khẳng định không có bất kỳ điều nào quy định trường hợp chị em tôi không được mời người đại diện hợp pháp để bào chữa cho chị em tôi . Do đó việc Toà phúc thẩm Toà án Tối cao căn cứ Nghị quyết số 03/2004, Nghị quyết số 05/2005 của HĐTPTANDTC từ chối không cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho ông Vũ Văn Luân bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi là Đoàn Văn Vươn , Đoàn Văn Quý là hoàn toàn bất hợp pháp, cố tình tước đi quyền được mời người bào chữa cho gia đình chúng tôi, việc làm đó theo tôi là hoàn toàn trái pháp luật vi phạm đạo đức xã hội và pháp luật một cách nghiêm trọng.
Như vậy với tất cấ các lý do trên, so chiếu với căn cứ mà Toà phúc thẩm Toà án tối cao đưa ra thì: Tại Điều 50, 56 Luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 03/2004, số 05/2005 của HĐTPTANDTC không có bất kỳ điểm nào cho phép Toà phúc thẩm, Toà án Tối cao từ chối ông Vũ Văn Luân không được quyền bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi . Do đó căn cứ vào Luật Khiếu nại, chị em tôi làm đơn này kính đề nghị ông:
1 - Thụ lý đơn khiếu nại của chị em tôi, ra Quyết định thu hồi bãi bỏ công văn số 1436, 1437 ngày 25/06/2013 của Toà phúc thẩm Toà án Nhân dân Tối cao.
2- Cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Vũ Văn Luân để ông Vũ Văn Luân được quyền bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi trong phiên toà tới đây.
3 – Xem xét, xử lý kỷ luật với tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành công văn trái pháp luật trên theo quy định của pháp luật và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm về việc không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi trong phiên toà tới đây!
4 – Bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chị em tôi và ông Vũ Văn Luân mà Toà phúc thẩm đã gây ra cho chúng tôi theo quy định của Nhà nước.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
Nơi nhận: Bắc Hưng, ngày 28/6/2013
- Như kính gửi.
- Các cơ quan báo chí. Người làm đơn
- Lưu. Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét