Nguyễn Trang Nhung - Bài viết này bàn về tội giết người không người chết, đi từ các lý luận của khoa học pháp lý hình sự nói chung và xét trong trường hợp cụ thể của Đoàn Văn Vươn nói riêng.
1. Về lý luận của khoa học pháp lý hình sự
Trước hết, cần xác định rằng trong luật hình sự Việt Nam, hậu quả chết người không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội giết người. Tùy thuộc vào hình thức lỗi của người phạm tội mà hậu quả chết người là bắt buộc hay không.
Lỗi, trong luật hình sự, được định nghĩa là “thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý và vô ý” [1]. Hiểu một cách đơn giản, lỗi của người phạm tội được thể hiện qua khả năng nhận thức và mong muốn của người phạm tội khi thực hiện tội phạm. Khi xem xét đến khả năng nhận thức và mong muốn của người phạm tội, cần trả lời các câu hỏi sau:
- Về khả năng nhận thức: (1) người phạm tội nhận thức đến đâu về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội? và (2) người phạm tội thấy trước đến đâu về khả năng hậu quả xảy ra?
- Về mong muốn: (3) người phạm tội có mong muốn hậu quả xảy ra hay không? và (4) nếu người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra thì có thái độ như thế nào đối với khả năng hậu quả xảy ra, một khi thấy trước khả năng đó?
Trả lời các câu hỏi trên đối với tội phạm cụ thể sẽ giúp xác định hình thức lỗi thuộc một trong bốn trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Lỗi cố ý trực tiếp:
1. người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội
2. người phạm tội thấy trước, một cách rõ ràng, hậu quả chắc chắn hoặc có thể xảy ra
3. người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra
4. (không cần trả lời)
Trường hợp 2: Lỗi cố ý gián tiếp:
1. người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội
2. người phạm tội thấy trước, một cách rõ ràng, hậu quả có thể xảy ra
3. người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra
4. người phạm tội để mặc hậu quả xảy ra
Trường hợp 3: Lỗi vô ý vì quá tự tin:
1. người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội
2. người phạm tội thấy trước, một cách chung chung, hậu quả có thể xảy ra
3. người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra
4. người phạm tội chủ quan cho rằng có thể ngăn ngừa hậu quả
Trường hợp 4: Lỗi vô ý vì cẩu thả:
1. người phạm tội không nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội
2. người phạm tội không thấy trước, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả có thể xảy ra
3. người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra
4. (không cần trả lời)
Đối với tội giết người, hình thức lỗi chỉ có thể là cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp), mà không thể là vô ý, bởi hành vi giết người trong tội giết người, về bản chất, là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Người ta không thể vô ý giết người mà chỉ có thể vô ý làm chết người mà thôi. Do đó, bài viết này sẽ chỉ bàn tiếp về lỗi cố ý mà không bàn tiếp về lỗi vô ý.
Như trên đã cho thấy, lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp có sự khác biệt về mong muốn của người phạm tội đối với hậu quả (hậu quả ở đây là hậu quả được mô tả trong cấu thành tội phạm mà không phải là hậu quả bất kỳ). Việc phân định người phạm tội có mong muốn hậu quả xảy ra hay không là rất quan trọng trong việc định tội nói chung và trong việc định tội giết người nói riêng.
Trong trường hợp của tội giết người có người chết, hình thức lỗi có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp, bởi, dù anh có mong muốn hậu quả chết người xảy ra hay không thì hậu quả chết người đã xảy ra và anh phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả chết người đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp của tội giết người không người chết, hình thức lỗi không thể là lỗi cố ý gián tiếp, bởi, khi anh không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, và trên thực tế hậu quả chết người không xảy ra, thì anh không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả không xảy ra ấy. Khi này, hậu quả đến đâu (khác với hậu quả chết người) thì phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó, ví dụ, người phạm tội dẫn đến hậu quả thương tích với tỷ lệ thương tật, chẳng hạn từ 11% đến 30%, thì bị định tội cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 104, Bộ luật Hình sự (BLHS) [2].
Phạm tội giết người khi hậu quả chết người không xảy ra là phạm tội chưa đạt. Theo quy định tại Điều 18, BLHS, phạm tội chưa đạt là “cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.” [3] Như vậy, có thể hiểu rằng trong trường hợp phạm tội giết người chưa đạt, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài mong muốn của người phạm tội. Điều này cũng có nghĩa là, người phạm tội mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Nếu người phạm tội không mong muốn hậu quả chết người xảy ra thì không thể nói người đó phạm tội chưa đạt. Xét riêng về mặt ngôn ngữ, một cách lôgic, người ta không thể chưa đạt cái mà người ta không mong muốn.
2. Về trường hợp cụ thể của Đoàn Văn Vươn
Trong vụ án Đoàn Văn Vươn, do hậu quả chết người không xảy ra nên chỉ có thể truy tố và xét xử Đoàn Văn Vươn về tội giết người khi ông có lỗi cố ý trực tiếp, tức có mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
Trên thực tế, Đoàn Văn Vươn có mong muốn hậu quả chết người xảy ra hay không? Để trả lời câu hỏi này, cần trả lời các câu hỏi nhỏ hơn sau đây:
- Nguyên nhân: Điều gì dẫn đến sự chống trả của Đoàn Văn Vươn?
- Động cơ: Điều gì thúc đẩy sự chống trả của Đoàn Văn Vươn?
- Mục đích: Điều gì Đoàn Văn Vươn muốn đạt được từ sự chống trả của mình?
Phương tiện: Súng hoa cải, mìn tự tạo, cùng các phương tiện chống trả khác có đủ khả năng gây chết người hay không, theo ý nghĩ chủ quan của Đoàn Văn Vươn và trên thực tế?
Những vấn đề trên đã được không ít các bài viết bàn đến khi phân tích tội danh và các vấn đề xung quanh vụ án. Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ đề cập một chút tới câu hỏi nhỏ cuối cùng như là một điểm mấu chốt quan trọng.
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự (VKHHS) – Bộ Công an, khi sử dụng các khẩu súng mà Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý đã dùng trong vụ cưỡng chế "để bắn vào cơ thể người ở khoảng cách 30m đều có thể gây sát thương (chết hoặc bị thương)" [4]. Về điểm này, ông Vươn và ông Quý có ý kiến rằng súng hoa cải bằng đạn bắn chim hạt chì từ 2.5mm đến 3.5mm không thể gây sát thương dẫn đến chết người, và đề nghị VKHHS giám định lại [5]. Nếu đây thực sự là điều ông Vươn và ông Quý nghĩ khi chống trả đoàn cưỡng chế, có thể nói, hai ông không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, bởi không thể nào một người mong muốn hậu quả chết người xảy ra khi người đó dùng phương tiện chống trả mà người đó nghĩ là không gây ra hậu quả chết người.
Để có thể trả lời một cách chắc chắn và đầy đủ hơn nữa cho câu hỏi nhỏ trên đây về phương tiện được dùng để chống trả đoàn cưỡng chế, cần có sự giám định lại của VKHHS. Tuy nhiên, không có sự giám định lại nào được thực hiện. Bởi vậy, liệu Đoàn Văn Vươn có mong muốn hậu quả chết người xảy ra hay không là câu hỏi không có câu trả lời khách quan từ cơ quan giám định và cơ quan tiến hành tố tụng.
Bất chấp câu trả lời thực sự là gì, Đoàn Văn Vươn vẫn phải chịu tội giết người không người chết. Đây có thể được xem như điều hổ thẹn của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án Đoàn Văn Vươn nói riêng và của ngành tư pháp Việt Nam nói chung.
Sài Gòn, 28/07/2013
Nguyễn Trang Nhung
* Chú thích:
[1] Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, tập 1, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 128
[2][3] Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2007
[4][5] LS. Trần Vũ Hải đề nghị hoãn phiên tòa phúc thẩm xử Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét