Pages

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Nợ xấu: Ai giấu và giấu ai?

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía chuyên gia. Nguyên nhân chủ yếu là giới này cho rằng, NHNN có những bất cập về nội bộ thông tin, chính sách. Nhưng thực tế, NHNN đang rà soát rất chặt vấn đề minh bạch thông tin từ các ngân hàng thương mại (NHTM).

Nợ xấu: Ai giấu và giấu ai?

Thị trường nói lệch?

Từ giữa năm 2013, các chuyên gia liên tục lên tiếng về sự bất nhất số liệu nợ xấu ngành NH. Đỉnh điểm là vào tháng 2/2014, Moodys công bố báo cáo triển vọng hệ thống NH năm 2014, trong đó đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH Việt Nam đến cuối năm 2013 ít nhất phải chiếm 15%.

Nhưng NHNN lại khẳng định nợ xấu cuối năm 2013 là 3,63% và được xác định dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và các thông tin chính thức.

Vào đầu tháng 4, sau khi Thống đốc NHNN cho biết tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6 - 3,9%, nhiều chuyên gia lại đánh giá tỷ lệ nợ xấu của NHNN phải ở mức 7%.

Gần đây nhất, khi Thống đốc công bố nợ xấu tính đến hết tháng 7/2014 các TCTD báo cáo nợ xấu ở mức 4,11%, một chuyên gia tiếp tục phản bác rằng, tại thời điểm đó, theo giám sát của NHNN tỷ lệ nợ xấu đã là 8%... Cách phản ứng dần bị đẩy lên mức tiêu cực khi một số NHTM bị "mổ xẻ” báo cáo con số nợ xấu sai.

Cụ thể, OceanBank công bố nợ xấu 2,56%, trong khi báo cáo tài chính khẳng định nợ xấu của NH này là 5,03%. Báo cáo tài chính quý II/2014 của OceanBank ghi rõ: Tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/6 theo quy định tại Thông tư số 02/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/6 của OceanBank là 2,56%, và đây cũng chính là số liệu OceanBank báo cáo NHNN.

Tuy nhiên, theo nhiều thông tin, nếu tính theo cách tính cũ mà các NH vẫn áp dụng từ trước, tức tỷ lệ nợ xấu là tổng nợ nhóm 3,4,5 chia cho tổng dư nợ, thì tỷ lệ nợ xấu của NH đã tăng từ 3,99% cuối năm 2013 lên 5,03%.

Từ đây, nhiều chuyên gia quy kết rằng nếu đến thời điểm này, số liệu nợ xấu được công bố vẫn không tạo được sự tin tưởng, người dân và doanh nghiệp vẫn tồn tại tâm lý NHNN và các NHTM đang che giấu nợ xấu thực.

Một chuyên gia NH khác cho rằng, nếu con số nợ xấu liên tục nhiễu loạn sẽ không thể biết rõ nợ xấu là bao nhiêu và kế hoạch xử lý nợ xấu được đưa ra sẽ thiếu tin cậy.

Nợ xấu không phải là vấn đề dễ xử lý và không thể xử lý nhanh được nên nếu không có sự minh bạch sẽ không thể nào xử lý dứt điểm được. Hơn nữa, nếu không giải quyết nợ xấu triệt để tại các NH thì khối này sẽ không nới lỏng cho vay được...

Nhà nước nói không!

Về việc này, Cơ quan Thanh tra giám sát NH thuộc NHNN khẳng định, sự khác nhau về số liệu do trích dẫn từ các nguồn khác nhau ở những thời điểm khác nhau.

Chẳng hạn, tại OceanBank, trong báo cáo tài chính của NH này lý giải rằng, trước thời điểm 1/6/2014, nợ xấu tính trên dư nợ thị trường 1 (cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân), nhưng từ 1/6/2014 trở đi, cách tính nợ xấu theo Thông tư 02 có hiệu lực bao gồm thị trường 1, thị trường 2, trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết và tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng khác, do đó tổng nợ tăng lên thì tỷ lệ nợ xấu giảm đi.
3,9%
Theo báo cáo bổ sung của NHNN gửi các đại biểu Quốc hội, nợ xấu của toàn hệ thống, cả TCTD đến cuối tháng 8 là 3,9% tổng dư nợ, thấp hơn mức báo cáo trước đó.
Thừa nhận điều này, đại diện OceanBank cho biết, chi phí trích lập dự phòng tăng đột biến là do thay đổi quy định phân loại nợ từ 1/6/2014 theo Thông tư 09 sửa đổi bổ sung Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Dù tới 1/1/2015, NH mới phải thực hiện phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn (theo kết quả xếp hạng của Trung tâm Thông tin tín dụng), nhưng OceanBank đã chủ động trích lập sớm, trước thời điểm quy định bắt buộc.

Cũng theo Cơ quan Thanh tra giám sát thuộc NHNN, trên thực tế, cơ chế giám sát đã được NHNN làm tốt hơn nên nợ xấu đã minh bạch hơn. Bởi, NHNN đang đi vào giai đoạn 2 của việc tái cơ cấu ngành tài chính. Thách thức lớn nhất NHNN phải đối mặt là việc không xác định được tỷ lệ nợ xấu chính xác của các NHTM.

Thời gian qua, đối với những NH có nợ xấu cao hơn báo cáo đã bị NHNN xử lý rất chặt chẽ. Như trường hợp của Habubank, khi NH này xin sáp nhập vào SHB đã công bố nợ xấu lên tới hơn 16%, gấp tới 5 lần tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống nên NHNN đã giám sát chặt chẽ quá trình tái cơ cấu của NH này.

"Nếu nợ xấu càng kéo dài, các NH càng suy kiệt, áp lực nợ xấu ảnh hưởng không nhỏ đến lãi suất khó hạ xuống, khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp nên nền kinh tế cũng phục hồi chậm hơn. Đây không phải là mục tiêu của NHNN. Do đó, không có chuyện NHNN giấu nợ xấu, mà bản chất là các TCTD giấu nợ đối với NHNN mà thôi", một lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM nói.

Như vậy, sự minh bạch nợ xấu không chỉ là thách thức trong tái cơ cấu NH mà còn là thách thức của cả quá trình vận hành hệ thống NH. Một trong những nội dung quan trọng của đề án tái cơ cấu được Thống đốc nhắc đi nhắc lại trong thời gian gần đây là phải đảm bảo tính minh bạch thông tin.

NHNN cũng đặt ra các chuẩn mực an toàn phải được đảm bảo và NHTM phải công bố một cách rõ ràng các cơ quan giám sát phải tiếp cận đầy đủ các thông tin đó, kịp thời phát hiện nợ xấu phát sinh để có giải pháp ngăn ngừa.

Thực ra, NHNN hiện nay vẫn cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh bằng cách cho khách hàng vay, tuy nhiên quy định chặt chẽ hơn để tránh các TCTD lợi dụng việc cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu.

Song song đó, NHNN cũng cam kết xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực NH thông qua phối hợp với các bộ, ngành triển khai việc thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực NH; xử lý cổ đông sở hữu vượt quá giới hạn quy định của pháp luật; sáp nhập, hợp nhất TCTD cùng sở hữu của nhóm cổ đông lớn...

Nhìn chung, mỗi bên đều có cái lý của mình đối với vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, ở điểm này, các chuyên gia khuyến cáo nên quy định chặt chẽ hơn để tránh các TCTD lợi dụng chính sách cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu.

Và sự minh bạch nợ xấu không chỉ là thách thức trong quá trình tái cơ cấu NH mà còn thách thức cả quá trình vận hành hệ thống. Một trong những nội dung quan trọng của đề án tái cơ cấu là phải đảm bảo tính minh bạch thông tin của các TCTD.

LINH CHI

(Doanh nhân SG)

Không có nhận xét nào: