Pages

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Cơ quan ngôn luận của Đảng đưa Giang Trạch Dân vào tầm ngắm

Former Chinese leader Jiang Zemin during the closing of the 18th Communist Party Congress in Beijing on Nov. 14, 2012. (Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân trong lễ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 tại Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 11 năm 2012. (Wang Zhao / AFP / Getty Images)


Tờ báo chính thống của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – Nhân Dân Nhật Báo – vừa cho đăng một bài xã luận, trong đó đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc đối với các cựu lãnh đạo đảng mà vẫn còn can thiệp vào công việc của những người kế vị họ.

Ngôn ngữ được dùng trong bài xã luận đăng ngày 10 tháng 8 này, cũng như thời điểm đăng, bối cảnh chính trị, và việc diễn giải gần như nhất trí của cư dân mạng Trung Quốc về chủ ý của bài báo, dường như trỏ đến một mục tiêu: người đứng đầu trước đây của ĐCSTQ, Giang Trạch Dân.

Trong phần mở đầu, những câu chữ sắc sảo đã phân ra các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu, ai hay ai dở. “Nhiều người trong số các nhà lãnh đạo đảng ta, một khi họ rời khỏi vị trí, đã xử sự một cách phù hợp với sự thay đổi về địa vị của mình. Họ không can thiệp vào công việc của các vị lãnh đạo mới.”

“Tuy nhiên,” bài báo lên tiếng, “có những nhà lãnh đạo đảng khi còn đang cầm quyền, đã chỉ định ‘những phụ tá đáng tin cậy’ của họ vào những vị trí chủ chốt nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của họ trong tương lai. Hơn nữa, sau khi những lãnh đạo đảng này rời vị trí, họ không sẵn sàng từ bỏ việc cố gây ảnh hưởng trên các vấn đề lớn … ”

Mặc dù bài viết không nêu đích danh tên Giang Trạch Dân, kết luận dường như không thể sai khác được từ phía các nhà quan sát. Các tờ báo đảng nổi tiếng với các ám chỉ “mã hoá” về các nhân vật chính trị. Cuộc Cách mạng Văn hóa đầy bạo lực và hưng cảm được nhiều người cho là đã bắt đầu với việc tờ Nhân Dân Nhật Báo đăng bài chỉ trích một vở kịch về việc sa thải một quan chức triều đại nhà Minh.

“Với những người có mắt quan sát, rõ ràng chỉ thoáng nhìn thì thấy ngay bài báo này là lời chỉ trích Giang Trạch Dân, mà không nêu tên ông ta,” Hồ Bình, một nhà bình luận chính trị kỳ cựu sống lưu vong ở New York, viết trên trang web của đài phát thanh Á Châu Tự Do (Radio Free Asia).

Hãng thông tấn Pháp AFP, hãng tin điện báo chính của Pháp, bóng gió rằng Giang nhiều khả năng là mục tiêu.

“Nỗ lực đầy tính công khai hoá trong việc chống tham nhũng của ông Tập đã thu hoạch được một danh sách dài các quan chức đủ cấp lớn nhỏ, trong đó có cả cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, người vừa bị kết án tù chung thân vào tháng 6″, AFP viết. “Chu được coi là một đồng minh của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân … nhiều suy đoán đang lan rộng về việc liệu Giang có phải là mục tiêu của Tập và cơ quan điều tra nội bộ của đảng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), hay không.”

Luận thuyết cho rằng Giang Trạch Dân là mục tiêu cuối cùng trong chiến dịch thanh lọc Đảng dưới chiêu bài tấn công chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã là một phần bản tin của Đại Kỷ Nguyên trong việc đưa tin về bối cảnh chính trường Trung Quốc trong nhiều năm qua. Những người viết chuyên mục và các phóng viên của báo từ đầu năm 2012 đã dự đoán sự sụp đổ của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, và nhiều người khác, trước khi họ chính thức trở thành những mục tiêu. Sự đánh giá của họ dựa trên những quan sát về các xu hướng chính trị của Trung Quốc, và việc tiếp xúc thường xuyên với các nguồn tin cấp cao trong chính quyền. Đường lối bình luận chung của báo tin rằng các trợ lý hàng đầu khác của Giang, và chính Giang, cuối cùng sẽ là những mục tiêu.

Ban biên tập của tờ Nhân Dân Nhật Báo sử dụng một phương pháp liên tưởng tương đồng hơi tối nghĩa để đưa ra quan điểm của mình: tư tưởng “người đi thì trà nguội”, một câu có từ thời nhà Minh. Bài viết đưa vào cụm từ này trong tiêu đề bài viết đăng trên chuyên mục “Ý Kiến” của ấn  bản trực tuyến, và trên trang 7 trong ấn bản in. Tiêu đề khuyến khích người đọc có “một cái nhìn chính xác” về vấn đề trà nguội đi khi đến lúc phải nguội – nghĩa là, họ không nên hỗ trợ một quan chức đảng đang tìm cách duy trì quyền lực sau khi rời chức vụ.

“Về mặt lý thuyết trong môi trường hoạt động, cái việc nước chè dần nguội đi một khi người dùng đi khỏi là điều thông thường. Tại sao có những người khăng khăng cho rằng trà vẫn còn nóng một khi con người đã rời đi? ”

Dưới ngôn ngữ được “mã hóa” đó, họ đã đưa ra một điểm sắc bén: “không hài lòng khi về hưu … họ làm tất cả mọi thứ có thể để mở rộng quyền lực của mình, không quan tâm đến những chính sách gì đang được thực hiện, không quan tâm đến tác động về mặt đạo đức của sự cai quản, làm tất cả có thể để chắc chắn rằng ‘trà’ vẫn luôn nóng. ”

Giang Trạch Dân tai tiếng vì đã cài đặt một hệ thống những bạn hữu thân thiết vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, trung tâm đầu não của đảng, khi ông ta rời nhiệm sở vào năm 2002. Trong suốt nhiệm kỳ, ông ta cũng giúp bổ nhiệm những người bạn nối khố vào trong các bộ máy đảng và nhà nước, ban cấp cho họ các khả năng làm giàu như một cách để mua lòng trung thành chính trị, dù Giang đã không thiết lập cơ sở quyền lực trong chế độ khi ông ta bất ngờ lên nắm quyền vào năm 1989. Trước khi từ bỏ các vị trí quân sự và các chức danh vào năm 2004 và 2005, Giang cũng đã đảm bảo việc những tay chân của mình kiểm soát được quân đội một cách hiệu quả. Hiện nay, nhiều người trong số đó đã bị bỏ tù bởi đương kim lãnh đạo Tập Cận Bình.

Với mạng lưới sắp đặt này, Giang có được sức mạnh kiểm soát to lớn tại các nút mạng quan trọng trong nền chính trị Trung Quốc trong hơn một thập kỷ sau khi ông ta nghỉ hưu. Rõ ràng nhất là trường hợp Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo bộ phận an ninh nội địa, người đã được Giang thăng chức rất nhanh sau khi Chu chứng minh lòng trung thành trong việc thực hiện chiến dịch đàn áp và khủng bố bạo lực nhằm loại bỏ môn thực hành tâm linh Pháp Luân Công, một dự án chính trị yêu thích của Giang Trạch Dân. Pháp Luân Công là một môn khí công truyền thống bao gồm các bài tập chậm rãi và việc tuân theo các nguyên tắc đạo đức Chân, Thiện, Nhẫn. Môn tập này đã bị bức hại ở Trung Quốc kể từ năm 1999, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang.

Lý Hồng Quyền, một nhà bình luận về nền chính trị Trung Quốc trong nhiều năm điều hành VIP Reference, một bản tin điện tử đầu tiên theo phong cách du kích ở Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Tân Đường nhân rằng “mục đích của bài viết kiểu này không phải là để tạo ra các cuộc thảo luận … Đó là để cảnh báo người nào đó. ”

Nhiều cây viết phụ trách chuyên mục của phiên bản tiếng Trung báo Đại Kỷ Nguyên từ lâu đã kết luận rằng, Giang Trạch Dân là mục tiêu chính trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Trong ba năm qua, những dự đoán này dường như đã ngày càng được chứng thực thông qua nhiều diễn biến sự việc, khi từng người trung thành của Giang, tiếp sau những người khác, bị cơ quan cảnh sát mật nội bộ đảng loại bỏ, bị thẩm vấn, sau đó bị lôi ra trước hệ thống tòa án do đảng kiểm soát và bị kết án hàng năm, hoặc chung thân, trong ngục tù.

Trong tháng 2, Tăng Khánh Hồng, kẻ chủ mưu chính trị và tên đồ tể chủ chốt của Giang, dường như đã bị chọn tách ra theo một cách tương tự như bài viết của tờ Nhân Dân Nhật Báo gần đây, bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng, thông qua một tham chiếu đến một vụ tham nhũng dưới thời nhà Thanh. Tăng không bao giờ bị nêu tên, nhưng các nhà quan sát chính trị Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt được vấn đề.

Bài viết trên tờ Nhân dân gần đây xuất bản dưới tên của Cổ Bá Xung, được xác định là một sĩ quan của Tổng cục chính trị thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Những người sử dụng Internet Trung Quốc, trong các bình luận ​​không bị xoá trên mạng Sina Weibo, đưa ra nhiều nhận xét xác định mục tiêu của bài báo là Giang Trạch Dân, với phong cách giấu mặt điển hình. “Đây có phải là nói về con cóc”, một người lấy tên Night Glass viết. Việc ví Giang như một con cóc là một biểu tượng hài hước phổ biến trong không gian mạng ở Trung Quốc, một tham chiếu nói về diện mạo béo tròn của cựu lãnh đạo với đôi mắt kính tròn lớn, và thói quen mặc quần cạp cao trên vòng eo.

“‘Big Papa’ Tập đang có một động thái chống lại Ha Ha”, một người dùng khác viết, chơi chữ bằng cách sử dụng ký tự đầu tiên của tiếng Trung Quốc cho từ cóc (hama – hàm mô).

“Tôi khá tò mò,” người dùng yanhing nói, “con cóc có lên mạng không đây? để biết được bao nhiêu điều ghê tởm mà hắn ta gây ra?”

Tác giả: Matthew Robertson, Epoch Times | Dịch giả: Xuân Dung

(Đại Kỷ Nguyên)

Không có nhận xét nào: