Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

VN: khủng hoảng thi đại học 'kiểu mới'


Cải cách chế độ thi cử và xét tuyển đại học vừa lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam năm nay đang đã gây nhiều bức xúc và trở thành đề tài bàn luận sôi nổi tại Việt Nam.
Nhiều người cho rằng việc tổ chức thi hai trong một, tức sử dụng điểm thi trung học phổ thông để xét tuyển đại học, đã được thực hiện với ý định tốt, nhằm phần nào giúp giảm áp lực thi cử và tốn kém cho sinh viên và xã hội, nhưng việc tổ chức và thực hiện còn quá nhiều bất cập.
Tình trạng sinh viên nộp và rút hồ sơ tại các trường trước khi hết hạn tuyển sinh đợt một đã được ví như cảnh mua bán tại thị trường chứng khoán và thậm chí cư dân mạng đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từ chức.
Mới đây một cựu sinh viên đã bị bắt khi cầm tấm biển ghi "Học sinh, sinh viên không phải là chuột bạch" đứng trước trụ sở Bộ hôm 23/8 để phản đối Bộ Giáo dục về cách tổ chức tuyển sinh mới này.

Nhiều nguyên nhân

Việc "có gần 43.000 thí sinh cả nước đã thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học" gây "hoang mang, hỗn loạn và bất an trong xã hội trong mấy ngày qua," theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh nói với BBC Việt Ngữ hôm 22/8, có nguyên nhân chủ yếu là do Cục Khảo thí chưa có kinh nghiệm làm tuyển sinh.
"Việc Bộ để Cục khảo thí ôm đồm quản lý dữ liệu, cho thí sinh chọn bốn nguyện vọng trong một đợt phá vỡ hệ thống hướng nghiệp," ông Cường nói.


Tuy nhiên theo một cựu lãnh đạo cao cấp trong Bộ Giáo dục nói với BBC Việt Ngữ hôm 27/8 thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn đó.
"Sinh viên chưa lường được sức mình, nên nộp hồ sơ vào và khi không được thì lại rút ra chạy sang trường khác do vậy đã tạo ra khủng hoảng lớn, thí sinh thì được chọn trường tự do sau khi có điểm, đồng thời hệ thống phần mềm phục vụ tuyển sinh lại chưa hoàn chỉnh, nguồn thông tin không được đầy đủ, vì thê học sinh vẫn đổ về Hà Nội ăn trực nằm chờ.v.v," cựu quan chức Bộ Giáo dục nói.
Trong cuộc trò chuyện với BBC Tiếng Việt, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, cho biết theo ông kỳ thi 2 trong 1 đã không thành công. Ông nói:
"Thử nghiệm này là không thành công và hậu quả của thử nghiệm này là khá nặng nề. Nó không những không giải quyết được những bất cập trong việc tổ chức những kỳ thi đặc biệt là tuyển sinh vào các trường đại học mà nó gây ra tâm lý hết sức nặng nề rằng nền giáo dục Việt Nam quá nhiều thử nghiệm, quá nhiều chủ trương, kế hoạch đề ra không sát với thực tế.
"Có thể những người thiết kế có ý định tốt và có những việc làm muốn cho tốt hơn, nhưng vì trình độ chuyên môn, vì ý thức trách nhiệm và vì không sát thực tế cho nên để xảy ra kết quả không được tốt của những chủ trương đổi mới hay là cải cách," ông Hảo nói.

Những bức xúc


Giáo sư Chu Hảo và ông Nguyễn Xuân DiệnImage copyrightblog nguyenxuandien
Image captionGiáo sư Chu Hảo cho rằng cải cách thi cử lần này là không thành công

Theo Giáo sư Chu Hảo vụ việc khiến gây ra làn sóng những bức xúc trong xã hội: "Chả nhẽ lại cứ để cho Bộ Giáo dục và những người phụ trách ngành giáo dục nước nhà làm hết những cải cách này, thí điểm này đến thử nghiệm khác không chỉ gây tốn kém mà còn gây ra những bức xúc trong xã hội."
Ông nói thêm: "Ngay trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học cùng lúc như thế này, đã có nhiều ý kiến của các nhà giáo và các nhà giáo dục trong nước phát biểu, mà tôi đồng tình với hầu hết, cho rằng nó không hợp lý."
Có đây cũng là suy nghĩ được nhiều người trong giới giáo dục chia sẻ. Ông Dương Thắng, giảng viên Khoa toán, Đại học Khoa học Tự Nhiên - thuộc ĐHQGHN với hơn 30 năm kinh nghiệm, nói với BBC Tiếng Việt rằng một trong những thất bại của kỳ thi 2 trong 1 lần này là cách ra đề thi.
"Tôi cho rằng cách ra đề và cách tuyển sinh trong kỳ thi vừa rồi là một thất bại lớn vì nó không phân biệt được học sinh trung bình, trung bình khá, khá, giỏi và xuất sắc v.v.

Ông Dương Thắng, giảng viên ĐHQGHNImage copyrightDuong Thang
Image captionÔng Dương Thắng, giảng viên ĐHQGHN, cho rằng đề thi năm nay là một thất bại

"Vì hai kỳ thi trong một nên cùng lúc phải đạt được hai mục đích: là làm sao trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp và vừa dùng đề đó để tuyển sinh vào đại học, mà phổ của các trường ĐH lại rất rộng, từ những trường có những đòi hỏi rất bình thường cho tới những trường đòi hỏi rất cao, mà chung một đề thì rất khó, hay có thể nói là không thể giải quyết được," ông Dương Thắng nói.
Do cấu trúc đề thi đa phần là câu hỏi dễ chỉ có 30% là câu hỏi khó đòi hỏi học sinh phải rất giỏi mới làm được do vậy dẫn đến tình trạng một số học sinh học trung bình, đượ 6-7 điểm nhưng thuộc diện được cộng thêm điểm và nhờ đó cũng bằng điểm với những học sinh rất giỏi, hay xuất sắc và như thế về thực chất sẽ không tuyển được người có năng lực thật.
Khi được nỏi nếu phải chọn một trong hai kỳ thi, cựu quan chức Bộ Giáo dục Việt Nam nói trên cho rằng nên lấy kỳ thi đại học thay vì kỳ thi THPT với lý do "qua nhiều năm chỉ có kỳ thi đại học tuyển sinh toàn quốc là tin cậy được."

Các kiến nghị

Việc thay đổi cách thức thi cử vừa qua lại một lần nữa dấy lên những câu hỏi tính cấp bách về cải cách giáo dục tại Việt Nam. Ông Hảo cho rằng nhà nước phải nhìn nhận một thực tế của ngành giáo dục "nếu cứ để cải cách giáo dục tiếp tục như thế này thì sẽ vô cùng có hại cho không những nền giáo dục mà cho sự phát triển của đất nước nói chung".
Ông kêu gọi ngưng mọi "cải tiến cải lùi mà cần tiến hành một nh giá toàn diện và hết sức khách quan"
"Không phải Bộ GD đánh giá mà phải là một ủy ban hay một bộ phận nào đó được nhà nước giao cho, đánh giá hết sức khách quan, xem xem nền GD Việt Nam hiện nay có những vấn nạn ở chỗ nào, từ khâu triết lý cho đến khâu dạy và học cụ thể.
"Sau đó nên có một ủy ban gồm các nhà chuyên môn, chứ không phải Thứ Bộ trưởng các bộ mà chính phủ tập hợp lại, vạch ra một lộ trình cải cách giáo dục triệt để và toàn diện, rồi cần thông qua QH,
thông qua chính phủ sau đó mới thực hiện chứ không thể cứ tiếp tục kéo dài tình trạng chắp vá như thế này," ông Hảo nói.

Giáo sư Ngô Bảo ChâuImage copyrightAFP Getty Hoang Dinh Nam
Image captionGiáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại giáo dục đã có những kiến nghị về cải cách giáo dục đại học

Ngoài ra ông cũng nhắc tới có ít nhất 4-5 lần tính từ năm 2004 các nhóm các nhà giáo dục, tri thức khác nhau đã gửi kiến nghị tới chính phủ và Bộ với những đề xuất cải cách giáo dục.
  • Kiến nghị vào năm 2004 có nhóm của Giáo sư Hoàng Tụy và 23 giáo sư và các nhà hoạt động giáo dục đề nghị chính phủ phải xem lại toàn diện nền GD VN
  • Kiến nghị vào cuối 2004 đầu 2005 của nhóm bà Nguyễn Thị Bình, tập hợp các chức sắc của Bộ GD cũ, Thứ Bộ trưởng và một số các chuyên viên, những người đã làm một khảo sát và đề xuất kiến về cải cách giáo dục được giáo sư Hảo cho là "hết sức có giá trị"
  • Kiến nghị năm 2005 của Liên hiệp các hội KHKT VN về cải cách GD gửi lên QH.
  • Kiến nghị của nhóm những người tham gia Viện nghiên cứu độc lập, được coi là Think Tank đầu tiên của Việt Nam
  • Kiến nghị của một số nhà khoa học và nghiên cứu ở nước ngoài đứng đầu là ônng Vũ Quang Việt, Ngô Vĩnh Long .v.v.
  • Kiến nghị của nhóm Đối thoại giáo dục do Giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì về cải cách giáo dục đại học

Việc cần làm


Sinh viên tại Hà NộiImage copyrightHoang Dinh Nam AFP Getty
Image captionNhững đổi mới về xét tuyển sinh đại học năm nay đã dẫn tới cảnh rút, nộp hồ sơ đầy lo lắng cho sinh viên

Ông Hảo cho rằng các những kiến nghị đó đều có những ý kiến xác đáng tuy nhiên mỗi một bản đều phản ánh quan điểm của những người nhìn từ góc độ của mình tập hợp lại.
"Tất cả những bản đó đáng ra phải được chính phủ xem xét, triệu tập, thảo luận, tổng hợp lại để giao cho một ủy ban cải cách gồm những nhà chuyên môn xem xét và đề xuất bước tiếp theo phải đi.
"Nhưng cho đến bây giờ kể cả kiến nghị của nhóm Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng không hề được tổ chức thảo luận hay được trả lời hay được đối thoại và điều đó là hết sức tệ hại," ông nói.
Ông tin rằng phải cần có một ủy ban, kể cả mời chuyên gia nước ngoài, đánh giá nghiêm túc thực trạng nền GD để biết thực bệnh, cũng như cần phải có điều tra xã hội học để làm việc này.
"Phải là các nhà chuyên môn điều tra, các nhà chuyên môn ngồi lại để vạch ra phương hướng cải cách, chứ không phải là các nhà chính trị và các nhà quản lý các bộ các ngành," ông quả quyết.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được báo Vnexpress trích thuật giải thích "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này".
Bộ trưởng Luận cũng thừa nhận 'những bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên gây phiền hà, tốn kém cho người dân, đồng thời công bố những chỉ đạo khắc phục trong đợt xét tuyển thứ hai'.
Được biết nay Bộ đã rút kinh nghiệm và sẽ áp dụng quy định mới trong kỳ xét tuyển đại học đợt 2, theo đó thí sinh chỉ được nộp hồ sơ ở ba trường và phải chốt ở ba trường đã chọn chứ không được rút hồ sơ chuyển sang trường khác như đợt một.

Không có nhận xét nào: