Pages

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

“Không đủ chứng cứ buộc tội người ta thì phải trả tự do ngay”

Đó là ý kiến của Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo khi cho ý kiến vào dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 26.8.

Chứng khoán, Thuế, Kiểm ngư có được quyền điều tra?

Đó là vấn đề được bàn luận nhiều tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng nay. Báo cáo do ông Nguyễn Văn Hiện -Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội - trình bày nêu rõ: Về việc bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị, không bổ sung các cơ quan Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vì không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Một số ý kiến ĐBQH tán thành nội dung này; ý kiến khác đề nghị bổ sung cơ quan Thuế và Ủy ban chứng khoán nhà nước; có ý kiến đề nghị chỉ bổ sung Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.Trước vấn đề trên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm: Do địa bàn hoạt động của cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước gần các cơ quan điều tra chuyên trách, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho cơ quan điều tra nên không cần thiết phải giao cho các cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) - Ảnh: Xuân Hải.
Riêng đối với Kiểm ngư, do gần đây tình hình tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển thì cần thiết giao cho cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phúc đáp yêu cầu phòng, chống tội phạm trên biển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, chỉ bổ sung cơ quan Kiểm ngư, không bổ sung cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị cân nhắc bổ sung cơ quan Kiểm ngư có quyền điều tra. Lý giải cho quan điểm trên, ông Cương viện dẫn: Theo nghị định 102 của Chính phủ thì lực lượng kiểm ngư thực hiện tuần tra. phát hiện xử lý vi phạm trên vùng biển Việt Nam. Nếu bây giờ mà giao thêm hoạt động tố tụng là không ổn. "Cơ quan hành chính Nhà nước mà giao thêm hoạt động tố tụng thì sau này, các cơ quan hành chính khác cũng đòi quyền điều tra thì sao?. Hoạt động trên vùng biển có 4 lực lượng như: bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm ngư, cảnh sát biển, nên lực lượng kiểm ngư không khó khăn gì mà phải giao thêm quyền điều tra" - ông Cương đặt vấn đề.

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) lại bày tỏ quan điểm ủng hộ các cơ quan như: Ủy ban chứng khoán, Thuế, Kiểm ngư có quyền điều tra, bởi thông qua quản lý Nhà nước, các cơ quan trên có thể phát hiện tội phạm và thu thập chứng cứ ban đầu. Tuy nhiên do các cơ quan này không phải điều tra chuyên trách nên chỉ có quyền khởi tố vụ án, lập biên bản sau đó chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách.

Bảm bảo tranh tụng trong suốt quá trình tố tụng hình sự

Trước kiến nghị của Viện kiểm sát về việc trong trường hợp không đủ chứng cứ buộc tội nặng hơn thì xử lý theo hướng có lợi cho họ, ĐB Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp - bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng: Điều 31 Hiến pháp quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. "Trong quá trình xét xử, thấy bản án không đủ chứng cứ cũng phải kết luận không có tội. Vậy trong giai đoạn điều tra, thấy không đủ chứng cứ cũng phải trả tự do cho người ta, còn trong giai đoạn truy tố thấy không đủ chứng cứ buộc tội thì cũng phải kết luận người ta vô tội".- ông Thảo nêu rõ.

Theo ĐB Trần Văn Độ (An Giang), vấn đề tranh tụng quy định như dự thảo Bộ luật là hiểu không đúng tinh thần Hiến pháp. Vì Hiến pháp nêu phải bảo đảm tranh tụng, tranh tụng trong khởi tố, buộc tội, gỡ tội. Trong quá trình điều tra bị can có quyền đối chất với người làm chứng. Tranh tụng được đảm bảo toàn bộ quá trình tố tụng. Còn nếu quy định như dự thảo Bộ luật là ra tòa mới tranh tụng là thu hẹp tranh tụng lại. Bên buộc tội và gỡ tội phải bình đẳng với nhau, do đó cần tăng cường yếu tố tranh tụng để đảm bảo quyền con người, công lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, nguyên tắc suy đoán vô tội và bảo đảm tranh tụng cần rà soát chỉnh sửa lại, đảm bảo tranh tụng trong suốt tố tụng hình sự chứ không phải chỉ trong quá trình xét xử theo tinh thần Hiến pháp đặt ra là tranh tụng phải được đảm bảo.

Còn ĐB Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) lại không đồng tình với quy định “quyền im lặng”. Ông Đương viện dẫn hàng loạt vụ thảm sát trong thời gian qua. Ông Đương nói: “Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, nếu có quyền ấy thì đối tượng nói luôn “tôi im lặng cho đến khi có luật sư”. Rồi nhiều vụ thảm sát khác ở miền Trung, Tây Nguyên đấy, cứ im lặng hết thì làm sao? Không nói gì hết thì làm sao biết được vũ khí gây án ở đâu? Rồi vụ ở Vũng Tàu, không bắt được, nó tiếp tục giết người, rất nguy hiểm”. ĐB Đương nêu quan điểm, đồng thời đề nghị “đừng đưa ra quy định làm bó tay cơ quan tố tụng, như vậy là có lỗi với đất nước, với nhân dân”.


Theo Xuân Hải (Lao Động)

Không có nhận xét nào: