Sau nhiều hoài nghi, kịch bản Trung Quốc có thể tăng trưởng thấp hơn đang trở thành hiện thực, nhất là từ các biến động tài chính tại Trung Quốc đã làm thị trường thế giới chao đảo từ Á Châu qua Âu Châu đến tận Bắc Mỹ trong mấy ngày liền. Nếu kinh tế Trung Quốc hạ cánh nặng nề thì tình hình sẽ ra sao cho kinh tế thế giới? Xin quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyên Lam với chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa về câu hỏi này.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, là một trong những người đã cảnh báo từ lâu rằng Trung Quốc không thể duy trì chiến lược phát triển cũ và sẽ bị suy trầm là hạ cánh nhẹ nhàng, hoặc suy thoái, là hạ cánh nặng nề, ông nghĩ sao về viễn ảnh kinh tế của xứ này sau những biến động tài chính vừa qua? Và về hiệu ứng của Trung Quốc cho kinh tế thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sản lượng kinh tế Trung Quốc có thể đứng hạng nhì sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản nhưng xứ này vẫn là một quốc gia lạc hậu về thông tin nên người ta mới ngạc nhiên về những tin xấu đang đồng loạt xảy ra từ hai tháng nay. Nhưng tin xấu này gây hốt hoảng toàn cầu, làm các thị trường cổ phiếu mất nhiều ngàn tỷ đô la trong mươi ngày, nhưng cũng xác nhận rằng kinh tế Trung Quốc chẳng là sự kỳ diệu và sau ba chục năm có mức tăng trưởng khoảng 10% thì cũng có lúc phải hạ cánh. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu trước tiên về các chỉ dấu hạ cánh này.
Nguyên Lam: Trên diễn đàn chuyên đề của chúng ta, ông dự báo nhiều lần là kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy trầm là tăng trưởng chậm hơn và thậm chí suy thoái là còn bị tăng trưởng âm, là hạ cánh nặng nề, với hàng loạt khủng hoảng tài chính, ngoại hối hay ngân hàng. Nghịch lý ở đây là kinh tế Trung Quốc có sản lượng rất cao, có khi bằng 15% của sản lượng toàn cầu, nhưng lại nghèo nàn về thông tin như ông vừa trình bày, thế thì làm sao thế giới bên ngoài có thể biết mà chuẩn bị?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới bị mê hoặc, và nhiều người mất tiền oan, vì cái gọi là sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc. Chúng ta sẽ khởi sự từ đó để nhìn trên toàn cảnh và dự đóan về hiệu ứng Trung Quốc cho thế giới.
- Người ta nông cạn mà cả tin vào thống kê kinh tế của Trung Quốc, vào những chỉ tiêu tăng trưởng như 7,4% hay 7% một năm được Chính quyền Bắc Kinh đưa ra, rồi từ đó lập kế hoạch đầu tư hay giao dịch với thị trường Trung Quốc. Diễn đàn của chúng ta đã nhiều lần đề cập tới tính chất thiếu minh bạch và bất khả tín của thống kê Trung Quốc dù Bắc Kinh đã nhiều lần cải sửa và tránh dùng số liệu báo cáo từ các địa phương.
Năm 2007, khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh, đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu rằng số liệu Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc là “nhân tạo”, tức là không đáng tinNguyễn-Xuân Nghĩa
- Năm 2007, khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh, đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu rằng số liệu Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc là “nhân tạo”, tức là không đáng tin. Ông còn nói thầm với Đại sứ Hoa Kỳ khi đó rằng bản thân thì ông tìm vào số liệu về tiêu thụ điện lực, lượng hàng hóa vận chuyển bằng hỏa xa và tín dụng cấp phát để ước tính sản lượng kinh tế của quốc gia. Cứ theo nguyên tắc thực tiễn ấy, nhiều trung tâm nghiên cứu của nước ngoài mới tính lại sản lượng thật của Trung Quốc. Gần đây nhất, trung tâm Capital Economics tại Anh quốc đưa ra mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ có 4,8%, còn trung tâm Lombard Street Research cũng của Anh thì tính ra một đà tăng trưởng là 3,7%. Những biến động liên tục trên thị trường địa ốc, cổ phiếu rồi ngoại hối đã xác nhận rằng tình hình Trung Quốc không được khả quan mà thật ra còn nguy ngập.
Nguyên Lam: Cho đến nay, người ta chưa đánh giá được mức độ nguy ngập ấy và Nguyên Lam còn nhớ rằng ông đã cảnh báo về khối nợ rất cao của Trung Quốc, với hậu quả tai hại cho hệ thống ngân hàng xứ này. Thưa ông, bây giờ nếu quả thật là kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng bằng phân nửa tiêu chí chính thức thì sự thể sẽ ra sao cho thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi đi vào lớp mây mù kỳ ảo đó thì tôi xin phép nhắc lại vài chuyện có tính chất tiên báo cho sau này.
- Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc bị nhiều nhược điểm nội tại, như cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo rồi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói nhiều lần; là thiếu cân đối, không phối hợp, ít công bằng nên chẳng bền vững. Yếu tố không phối hợp ấy rất quan trọng vì chế độ cứ dành cho đảng và nhà nước quyền can thiệp vô giới hạn vào kinh tế. Người dân thì tin là nhà nước có thẩm quyền và khả năng giải quyết mọi vấn đề để đem lại thịnh vượng cho quốc dân. Vậy mà bộ máy đầy quyền hạn ấy lại chẳng phối hợp thì làm sao điều tiết được thị trường? Điều đó mới giải thích những lúng túng hốt hoảng bùng nổ từ Tháng Sáu trên thị trường cổ phiếu và lan qua thị trường ngoại hối.
- Thứ hai, Trung Quốc có núi nợ rất cao, bằng 280% Tổng sản lượng, gần như cao nhất trong các nền kinh tế lớn mà bên trong là nhiều nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Đa số khoản nợ lại thuộc hệ thống kinh tế và ngân hàng của nhà nước, đã cấu kết với nhau nên dễ gây tác động dây chuyền và có thể dẫn tới vỡ nợ hay phá sản đồng loạt.
- Thứ ba, người ta lầm tưởng rằng lãnh đạo Trung Quốc có khối dự trữ ngoại tệ vĩ đại, tương đương với bốn nghìn tỷ đô la cho một nền kinh tế có sản lượng là 10 nghìn tỷ. Sự thật thì số dự trữ đã giảm từ năm 2013, nay chỉ còn khoảng ba nghìn 650 hay3 nghìn 600 tỷ, và đa số được đầu tư vào việc khác nên không dễ gì chuyển ra thanh khoản đề cấp cứu kinh tế khi hữu sự.
- Sau cùng, khi kinh tế thịnh đạt thì người ta có thể khỏa lấp hay đẩy lui các chứng tật nguy hại đó. Nhưng nếu đà tăng trưởng sút giảm, như một cơ thể bị suy yếu, thì ngần ấy vấn đề lập tức bùng phát và dễ gây ra khủng hoảng. Thí dụ như kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu bị suy trầm từ cuối năm 2007 thì vụ khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 đã dẫn tới tai họa lớn, bên Âu Châu cũng có vấn đề tương tự và tới nay vẫn chưa giải quyết được.
Nguyên Lam: Xin cám ơn ông Nghĩa về bối cảnh rất phức tạp này. Bây giờ chúng ta nhìn vào tương lai, thưa ông, khi mà nền kinh tế được đánh giá là “công xưởng toàn cầu” mà bị đình trệ hay suy thoái thì thế giới sẽ ra sao, các nền kinh tế khác sẽ gặp vấn đề gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi phải “giải ảo” nữa về sự lầm lạc của nhiều người nên dễ đưa tới kết luận sai. Tôi xin tạm dùng khái niệm gọi là “phân công lao động” giữa nền kinh tế tiêu thụ và nền kinh tế sản xuất.
Trung Quốc có núi nợ rất cao, bằng 280% Tổng sản lượng, gần như cao nhất trong các nền kinh tế lớn mà bên trong là nhiều nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Đa số khoản nợ lại thuộc hệ thống kinh tế và ngân hàng của nhà nước, đã cấu kết với nhau nên dễ gây tác động dây chuyềnNguyễn-Xuân Nghĩa
- Một quốc gia có thể là đầu máy lôi kéo đà tăng trưởng của các nền kinh tế khác nếu tiêu thụ nhiều và tạo ra nhu cầu sản xuất cho xứ khác. Trung Quốc không là đầu máy lôi kéo đó vì xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, và tiêu thụ ít hơn đầu tư cùng xuất khẩu. Chính là kinh tế Trung Quốc mới lệ thuộc vào sức tiêu thụ của thế giới. Cũng vì vậy, sau vụ sụp đổ tài chính Âu-Mỹ năm 2008 thì nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 làm nhập khẩu sút giảm - tức là xuất khẩu của Trung Quốc bị sụt. Vì vậy Bắc Kinh mới ào ạt tăng chi và bơm tín dụng vào kinh tế để kích thích sản xuất và chất lên núi nợ.
- Nói cho gọn, các nước tiêu thụ nhiều nên nhập cảng mạnh mới là đầu máy kinh tế của thế giới.
- Đầu máy mạnh nhất chính là Hoa Kỳ với tiêu thụ chiếm 70% của Tổng sản lượng và nhập siêu - là nhập cao hơn xuất - lên tới mức kỷ lục là 800 tỷ đô la cách nay mươi năm. Trái lại, Trung Quốc là xứ tiêu thụ ít mà xuất khẩu mạnh nên mới trông chờ túi tiền của xứ khác. Khi nhập siêu của Mỹ giảm từ năm 2006 thì Trung Quốc trông vào nhập siêu của các nước còn lại kể từ 2008. Khốn nỗi các nước đó lại mắc nợ và mắc nghẹn nên Trung Quốc mới chết kẹt. Ngày nay, nếu “công xưởng toàn cầu” là Trung Quốc mà suy sụp thì hậu quả cũng không bi đát như người ta thường nghĩ!
Nguyên Lam: Quả thật là ông Nghĩa đã giải ảo chuyện bất ngờ khi đảo ngược vấn đề như vậy. Nhưng Nguyên Lam xin hỏi ông hai điều. Thứ nhất, trong chương trình kỳ trước ông nhắc đến, rằng thị trường thương phẩm sản xuất ra nguyên nhiên vật liệu bắt đầu sa sút từ năm 2011 chính là do Trung Quốc tiêu thụ ít đi. Như vậy, kinh tế Trung Quốc mới là đầu máy cho các nước sản xuất chứ?
Cũng nên nói thêm rằng hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn còn bị kiểm soát và khép kín chứ không tỏa rộng và đan kết với các nước bên ngoài nên nếu Trung Quốc có bị khủng hoảng tài chính thì hậu quả cho xứ khác cũng sẽ giới hạn thôiNguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước sản xuất đó, đa số tại Mỹ châu La tinh, hay Úc, Canada và vài xứ Đông Nam Á, cứ tưởng rằng họ là đầu máy mà thật ra lại giàng vận mệnh kinh tế của họ vào sức tiêu thụ của Trung Quốc về năng lượng, kim loại hay nông sản. Đà tăng trưởng và xuất khẩu của họ lên xuống là tùy theo giá thương phẩm và thật ra đã xuống từ lâu rồi. Ngày nay, khi kinh tế Trung Quốc suy sụp thì dòng tư bản trút vào các xứ này sẽ còn sút giảm nữa. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều quốc gia lại có thể trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại, và hiệu ứng Trung Quốc sẽ là một trật tự sản xuất khác, trong đó vai trò của Trung Quốc bị lu mờ. Sau khi lầm tưởng rằng Trung Quốc là đầu máy, nhiều quốc gia nên nghĩ đến việc chính mình sẽ là đầu máy. Viêt Nam ở vào hòan cảnh đó nếu lãnh đạo thay đổi được tư duy và cải thiện được tổ chức.
Nguyên Lam: Câu hỏi thứ hai, thưa ông, sau khi Bắc Kinh tung ra hàng loạt biện pháp tiền tệ để bơm thêm tiền kích thích kinh tế vào ngày Thứ Ba 25 thì các thị trường tài chính thế giới đều có vẻ khởi sắc. Nếu như vậy thì Trung Quốc vẫn là một đầu máy đáng kể cho kinh tế thế giới chứ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nên thận trọng về phản ứng nhất thời của các thị trường. Các thị trường tài chính thế giới đều biến động mạnh từ hai tháng nay và tuần qua còn hốt hoảng vì sự thăng trầm không thể kiểm soát được tại Trung Quốc. Một thí dụ về sự hốt hoảng là thị trường chứng khoán Mỹ ngày Thứ Hai 24 khi chỉ số Dow Jones mất hơn ngàn điểm và chỉ số Standard & Poor’s mất gần 7% vào lúc mở màn. Chính là sự hốt hoảng tài chính mới gây tai họa kinh tế chứ Trung Quốc đã có dấu hiệu suy sụp từ trước rồi,
- Chúng ta đều biết kinh tế toàn cầu có thể bị suy trầm sau nhiều biến động, nhưng nguyên nhân lần này xuất phát từ Trung Quốc và hàng loạt quốc gia đang phát triển và ngược với nhận thức của nhiều người, yếu tố ổn định lại đến từ Hoa Kỳ và các nước công nghiệp hóa. Sau cùng, cũng nên nói thêm rằng hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn còn bị kiểm soát và khép kín chứ không tỏa rộng và đan kết với các nước bên ngoài nên nếu Trung Quốc có bị khủng hoảng tài chính thì hậu quả cho xứ khác cũng sẽ giới hạn thôi, vì vậy mà người ta đừng nên hốt hoảng hay lạc quan vì những chao đảo của Bắc Kinh!
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông Nghĩa, ông tổng kết thế nào về hiệu ứng suy sụp của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngày xưa, người ta thường nói du thuyền Titanic là con tầu không thể chìm được vậy mà nó vẫn vỡ đôi và chìm nghỉm. Trung Quốc ngày nay cũng vậy. Nhưng xứ này không là thủ phạm của nạn Tổng suy trầm sắp tới mà chỉ là nạn nhân của những sai lầm bên trong và cả sự hiểu lầm của thế giới bên ngoài. Và khác với các nước dân chủ tiên tiến đã từng vượt qua khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc sẽ từ khủng hoảng kinh tế mà gặp khủng hoảng chính trị. Vì vậy, ta nên sợ rạn nứt chính trị tại Bắc Kinh hơn là cổ phiếu tuột dốc ở Thượng Hải!
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét