Pages

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Gây bất ổn tại Biển Đông: Trung Quốc “tự bắn vào chân” mình

Mỹ và Nhật Bản đều không muốn công khai đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước muốn Trung Quốc lưu ý một thực tế đơn giản rằng: các hành động gây bất ổn ở Biển Đông sẽ chỉ khiến Bắc Kinh chịu nhiều thiệt hại hơn.


Một lần nữa những tuyên bố chủ quyền và hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã chi phối các cuộc thảo luận của giới lãnh đạo châu Á tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vừa diễn ra ở Kuala Lumpur (Malaysia). Trung Quốc tiếp tục từ chối những nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận đa phương để giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, lập trường này đang đe dọa chính những lợi ích của Trung Quốc.

Trung Quốc đang tăng gấp đôi nỗ lực nhằm giành được sự "bá chủ chiến lược" ở Biển Đông. Để tạo "sự đã rồi" liên quan đến những tuyên bố chủ quyền ở khu vực này, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc cải tạo những rạn san hô ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, triển khai tàu quân sự, bán quân sự và máy bay kèm những đe dọa về tự do hàng hải - điều mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cực lực lên án tại các hội nghị ở Kuala Lumpur vừa qua.

Sự phản đối của Mỹ đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã đi xa hơn những lời phát biểu. Mỹ đã tuyên bố một cách rõ ràng sẽ tiếp tục việc tuần tra quân sự, cả hải quân và không quân, ở các vùng biển và không phận mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Mỹ cũng thảo luận hợp tác quân sự tay ba với Nhật Bản và Úc nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù không trực tiếp ủng hộ Philippines trong vụ kiện đưa ra tòa án Liên hợp quốc nhưng Washington vẫn khẳng định rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp theo Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS). Ngoài ra, vụ kiện này cũng nhận được sự ủng hộ ngầm của hầu hết các đồng minh của Philippines.

Việc giữ cho các tuyến đường biển ở Biển Đông luôn mở rộng và hòa bình là có lợi cho Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Biển Đông bất ổn sẽ cản trở việc vận chuyển những hàng hóa và vật liệu quan trọng đối với các chuỗi cung cấp toàn cầu, trong khi sự gián đoạn các dòng dầu khí từ khu vực vùng Vịnh Persian tới các thị trường châu Á có thể gây thiệt hại lớn.

Trung Quốc đang "đánh bạc" với sự thiếu thận trọng về an ninh của các tuyến đường biển nhưng cũng phụ thuộc vào các tuyến đường này nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Ngoài Trung Quốc, các nước khác có thể sử dụng các tuyến đường biển xung quanh sườn phía Nam của Indonesia, nhất là các eo biển Lombok, Sape, hay Ombai, sau đó là Eo biển Makassar và biển Philippines. Tuyến đường thay thế này chỉ xa hơn chút ít, nhưng không khó đi, lại không khiến tàu thuyền phải vào một trong những tuyến “nút thắt cổ chai” đông đúc nhất thế giới là Eo biển Malacca, đầy những rủi ro an toàn và an ninh như cướp biển và va chạm.

Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường biển này bởi mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào các ngành chế tạo hướng vào xuất khẩu, cũng như các cảng Hồng Công, Thâm Quyến và Quảng Châu. Do xuất khẩu đóng góp hơn 40% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Trung Quốc, nên sự gián đoạn của các tuyến đường biển này có thể gây hại lớn cho kinh tế Trung Quốc.

Sự thật trên là một cơ hội quan trọng cho các nước như Mỹ và Nhật Bản, đang cố gắng để đưa Trung Quốc vào "khuôn khổ" tại Biển Đông bằng việc phô trương sức mạnh hải quân vượt trội và cả khả năng không cho phép Trung Quốc tiếp cận những tuyến đường biển chủ chốt. Thông qua những hợp tác an ninh phi truyền thống như: cứu trợ thiên tai, chống khủng bố... Mỹ và Nhật Bản có thể thường xuyên đưa đến khu vực tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm và máy bay chống tàu ngầm - lĩnh vực mà Mỹ và Nhật Bản dẫn trước Trung Quốc nhiều thập kỷ. 

Mỹ và Nhật Bản đều không muốn công khai đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước muốn Trung Quốc lưu ý một thực tế đơn giản rằng: các hành động gây bất ổn ở Biển Đông sẽ chỉ khiến Bắc Kinh chịu nhiều thiệt hại hơn. Mỹ và Nhật Bản vừa không có những tuyên bố chủ quyền, vừa không quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông (bao gồm dầu mỏ, khí đốt và hải sản) nên sẽ là những ứng cử viên lý tưởng để đưa ra thông điệp này và có thể thuyết phục Trung Quốc thương thuyết một hiệp định an ninh đa phương.

Theo Projec Syndicate

Trần Quang (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: