Các biến động, thay đổi của kinh tế Trung Quốc đương nhiên gây tác động đến thế giới và các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Việt Nam cần xem xét lại lợi thế của mình để đối phó tốt hơn với những biến động từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, theo một nhà báo và phân tích gia từ BBC Hoa ngữ.
Trao đổi tại cuộc tọa đàm bàn tròn hôm 27/8/2015 của BBC Việt ngữ, nhà báo Trần Trang, phóng viên BBC từ ban Tiếng Trung nói:
"Việc phá giá tiền đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có một tác động quan trọng tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất hàng thứ hai trên thế giới, và đặc biệt những quốc gia như Việt Nam ở Đông Nam Á, cũng như Indonesia.
"Bởi vì bất cứ việc phá giá đồng Nhân dân tệ nào của chúng tôi (Trung Quốc) càng gây thêm áp lực hơn nữa lên các đồng tiền của Việt Nam, Indonesia trong việc cũng phá giá hơn nữa các đồng tiền này, ít nhất dưới áp lực này...
"Bởi vì Trung Quốc là công xưởng lớn và cái gọi là những kho lớn hàng hóa 'sản xuất tại Trung Quốc' được giải quyết trên thị trường thế giới, Trung Quốc muốn giảm thiểu áp lực đối với nền kinh tế của mình bằng cách phá giá đồng tiền nội tệ của nó.
"Nhưng điều này có thể tạo ra một cái vòng luẩn quẩn, do đó làm thế nào chấm dứt được nó là một vấn đề lớn."
BBC và các khách mời thảo luận về đợt trượt dốc nghiêm trọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc và điều này ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam cũng như giảm thiểu lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc của Việt Nam.
Việt Nam cần làm gì?
Khi được hỏi Việt Nam cần xử lý như thế nào về cơ bản để đối phó với những biến động mà có thể là gây ra bất lợi, thiệt hại kinh tế, thương mại trước các biến động, đột biến của Trung Quốc, nhà báo Trần Trang nêu quan điểm:
"Nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã xây dựng sự thành công dựa trên lao động giá rẻ, do đó chúng ta có thể thấy Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
"Tuy nhiên tính cạnh tranh này tới nay đang dần mất đi, bởi vì lao động không còn rẻ nữa ở Trung Quốc và giá cả lao động tăng lên, và lợi thế đó dần được thay thế chỗ bởi một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam.
"Tôi nghĩ điều mà Việt Nam có thể tiến hành hợp lý ở đây là không nên lặp lại những gì Trung Quốc đã làm.
"Mà nên tận dụng hết sức nguồn nhân lực của mình trong giai đoạn này và nâng cao năng lực của nhân công để sản xuất tốt hơn, cạnh tranh hơn các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam," nhà báo Trần Trang nói.
Nên mừng hay nên sợ?
Trong một cuộc trao đổi với BBC ngay trước Bàn tròn trực tuyến này, một chuyên gia kinh tế từ Việt Nam, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nói với BBC ông cho rằng việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỷ giá đồng nhân dân tệ và cho 'thả nổi' trên thị trường, thay vì 'neo cứng' tỷ giá là một 'tin mừng' với các quốc gia trên toàn cầu.
Bình luận về nhận định này, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, nhà phân tích chính sách kinh tế, tài chính từ Hà Nội, nói:
"Vấn đề trước đây là đồng Nhân dân tệ được định giá quá cao so với một số chuyên gia Việt Nam ở trong nước, cũng như nước ngoài, thậm chí các chuyên gia mà nơi nào có những nền kinh tế dễ bị tổn thương, vấn đề phá giá nhân dân tệ thì có ý kiến khác.
"Còn những nơi khác như bên Mỹ cho rằng phá giá đồng Nhân dân tệ là một vấn đề đại hại cho kinh tế ấy.
"Thì chúng ta không thể nào mà nhìn theo góc nhìn của đất nước Việt Nam này mà thấy hết tất cả mọi vấn đề trên thế giới như thế, để mà nói là chúng ta nên mừng hay nên sợ.
"Nhìn vào tình hình, sự thật của đất nước Trung Quốc thì chúng ta mới thấy rõ hơn, chúng tôi thấy rằng vấn đề là Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế rất là rõ ràng.
"Vì đã tiến triển nhanh như thế mấy chục năm thì tới lúc nó phải có sự điều chỉnh thôi, mà Trung Quốc hai năm vừa rồi, nhất là năm vừa rồi đi quá đà đi, phải phanh lại," ông Bùi Kiến Thành nói.
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu trong các bài vở tiếp theo ý kiến của các vị khách trong cuộc Tọa đàm mà quý vị có thể theo dõi trên kênh YouTube của chúng tôi tại: http://bit.ly/1EjsLiH
Cuộc Tọa đàm hôm thứ Năm có sự tham gia của nhà báo Trần Trang, BBC Tiếng Trung tham gia từ Studio của chúng tôi ở London; kinh tế gia Bùi Kiến Thành từ Hà Nội, kinh tế gia, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strassbourg, Pháp và phóng viên Ben Ngô của BBC Việt ngữ, tham gia từ Bangkok, Thái Lan.
Bối cảnh
Hôm 27/8, chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu tăng điểm trở lại, sau đợt lao dốc làm chấn động thị trường toàn cầu.
Sàn chứng khoán ở một số nước châu Á khác cũng tăng điểm trong phiên đầu ngày nhờ các diễn biến tích cực tại Phố Wall hôm 26/8.
Tuy nhiên sự đảo chiều này vẫn chưa đủ để bù đắp lại tổn thất trong tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 3% trong năm nay để tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Trong khi đó dường như chưa có đối sách hiệu quả cho tình trạng chênh lệch thương mại quá lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hôm 19/8, truyền thông trong nước dẫn báo cáo của Cục Hải quan cho biết, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm tăng 4,5 tỷ đôla so với cùng kỳ năm ngoái.
Trả lời BBC ngày 19/8, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nói tình trạng nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề "không thể giải quyết được trong thời gian ngắn và không thể chỉ bằng đối sách phá giá".
Trước đó, một số ý kiến từ các chuyên gia trong nước cũng đã cảnh báo động thái phá giá VND sẽ làm tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc.
"Nếu giá nhập khẩu Trung Quốc giảm đi thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi ở trước mắt vì chi phí vật liệu thấp hơn", Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC hôm 13/8.
Trong phỏng vấn với BBC hôm 12/8, ông Trần Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán trong nước, cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc tại Việt Nam nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nội tệ.
"Về mặt nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, và nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai vấn đề nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa.
"12 năm trước Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại," ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét