Pages

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

TQ đau đầu vì chỉ có 1 lựa chọn: "Trả giá cho vai trò cường quốc"

Trung Quốc rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì chính chiến lược của mình ở Afghanistan, theo học giả người Úc.
Toan tính với Taliban
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung bảo vệ lợi ích riêng trong phạm vi hẹp của mình, cụ thể là ngăn không để tình hình bất ổn ở Afghanistan - do phiến quân Hồi giáo và những đường dây ma túy gây ra - ảnh hưởng tới “điểm nóng” Tân Cương.
Đồng thời, nước này cũng tìm cách đảm bảo rằng mình vẫn có thể tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, cho tới nay, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây đã giảm xuống chỉ còn 9.500 người, còn chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani thì đang phải vật lộn đối phó với không chỉ khủng bố Taliban mà còn cả khả năng IS tràn tới.

Điều này, theo phó giáo sư người Úc Michael Clarke, đã đẩy Bắc Kinh phải đối mặt với 3 thách thức lớn.
Trong bài phân tích trên tờ National Interest, ông Clarke chỉ ra rằng, thách thức đầu tiên là cái chết của thủ lĩnh tối cao Taliban ở Afghanistan Mullah Muhammad Omar, dẫn tới rạn nứt rõ ràng trong nội bộ lực lượng này dưới sự lãnh đạo của Mullah Akhtar Mansour.
Nó đã “làm suy yếu khả năng Bắc Kinh có thể đặt được kết quả có lợi cho mình - giải pháp chính trị thông qua đàm phán giữa Taliban và chính phủ của Tổng thống Ghani” nhằm giảm thiểu bất ổn.
Ông Clarke phân tích, kể từ sau sự ra đời của Taliban vào giữa những năm 1990, Trung Quốc đã phải chuẩn bị để đối phó với nhóm này, hòng bảo toàn lợi ích của mình.
Điều này đã được thể hiện rõ trong cuộc gặp hồi tháng 11/2000 giữa Đại sứ Trung Quốc ở Pakistan khi đó là Lu Shulin với Mullar Omar tại Kanahar, nhằm tìm kiếm một sự đảm bảo rằng phiến quân Duy Ngô Nhĩ không gây rối.
Sau sự kiện 11/9 và việc Mỹ cùng NATO can thiệp để tiêu diệt Taliban, Bắc Kinh lại tiếp tục tìm kiếm một sự đảm bảo tương tự từ Quetta Shura - hội đồng lãnh đạo lưu vong của nhóm này ở Pakistan.
Chuyên gia người Úc đánh giá, toan tính của Bắc Kinh trong vấn đề về Taliban dựa trên đánh giá của chính họ rằng, vấn sẽ có một nhân vật chính trị chủ chốt trong nước và rằng về cơ bản, mục tiêu của họ vẫn là tiếp cận có giới hạn ở Afghanistan.
Dấn sâu vào "rủi ro lớn"?
Tuy nhiên, các báo cáo gần đây về sự đào thoát tới IS của một vài phần tử Taliban cùng một số nhóm nổi dậy có quan hệ thân thiết với tổ chức khủng bố này như IMU đã buộc Bắc Kinh phải xem xét lại các quyết định của mình, bởi vấn đề đang trở nên đáng lo ngại.
IMU đã từng chứa chấp những phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ tại căn cứ của mình dọc biên giới Afganistan - Pakistan.
Thứ hai, theo ông Clarke, hàng loạt các cuộc đánh bom rung chuyển Kabul ngày 10 - 12/8 là lời nhắc nhở với Bắc Kinh về việc phải hỗ trợ thêm trang thiết bị cũng như tăng cường giúp sức cho các lực lượng an ninh ở Afghanistan.
Các quan chức Trung Quốc vẫn thường liên hệ các cuộc tấn công khủng bố ở Tân Cương với tình hình bất ổn tại Afghanistan.
Sự gia tăng số lượng các vụ khủng bố ở “điểm nóng”, cùng với việc IS “vươn vòi” mạnh mẽ khiến ông Clarke cho rằng, Bắc Kinh có thể phải thay đổi lập trường ở Afghanistan cho phù hợp với góc nhìn về ảnh hưởng cũng như lợi ích đang ngày càng tăng lên của mình.
Mặc dù không có bất cứ sự thay đổi chính thức nào được Bắc Kinh thừa nhận, song rõ ràng là một vài người đã bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả của chính sách hiện nay.
Ngay cả Thời báo Hoàn Cầu cũng từng đăng tải một bài bình luận dự đoán rằng mặc dù việc dấn sâu thêm vào Afghansitan "sẽ là một rủi ro lớn", song Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc "ở đó" và "trả giá vì là một cường quốc".
Thách thức thứ ba tới từ việc Tổng thống Ghani tuyên bố rằng, qua việc cung cấp nơi trú ẩn an toàn choTaliban, Pakistan đã đặt mình trong tình trạng "chiến tranh không chính thức tuyên bố với Afghanistan”.
Ông Ghani cũng nhắc tới việc sẽ tìm cách làm gia tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ "bạn bè đồng cam nhưng không cộng khổ" giữa Trung Quốc và Pakistan.
Theo ông Clarke, mấu chốt trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị ở Afghanistan được xây dựng dựa trên niềm tin rằng, nước này có thể tận dụng ảnh hưởng của mình với Pakistan nhằm buộc Taliban ngồi vào bàn đàm phán.
Thế nhưng, việc Pakistan tiếp tục cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho Taliban ở Pakistan và các phiến quân có quan hệ thân thiết với lực lượng này không nhưng đi trái với niềm tin trên mà còn làm xói mòn lợi ích của Trung Quốc trong việc thúc đẩy một Afghanistan ổn định.
“Trong thời điểm Taliban đang chia rẽ, ảnh hưởng của IS ngày càng tăng và lợi ích từ mối quan hệ thân thiết với Pakistan đang suy giảm, câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ sẵn sàng trả giá cao tới mức nào để đảm bảo lợi ích của mình như một cường quốc ở Afghanistan?”.

Không có nhận xét nào: