This photo taken on May 28, 2015 shows a demolition worker walking near abandoned buildings at the Shougang Capital Iron and Steel plant in Beijing. The outdated, unprofitable enterprise produced its last steel in 2011. (Greg Baker/AFP/Getty Images)
Một công nhân thi công đứng gần các tòa nhà bị bỏ rơi ở xưởng Shougang Capital Iron and Steel ở Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 5 năm 2015. Doanh nghiệp hết thời không ăn nên làm ra này đã sản xuất mẻ thép cuối cùng vào năm 2011. (Greg Baker / AFP / Getty Images)
Đây là bản dịch tóm tắt một bài giảng của Giáo sư Hứa Tiểu Niên ngày 26 tháng 7, năm 2015. Bài giảng gốc thảo luận hai vấn đề chính gây rắc rối cho nền kinh tế Trung Quốc: dư thừa công suất nghiêm trọng, và các khoản vay xấu và nợ công.
Hôm nay tôi sẽ nói về sự đổi mới và Internet. Tôi sẽ bắt đầu với nền kinh tế vĩ mô. Tại sao tôi lại nêu lên chủ đề đổi mới vào thời điểm này? Đó là bởi vì hiện tại nền kinh tế Trung Quốc không thể tiến lên phía trước mà không có sự đổi mới.

Suy thoái kinh tế

Dữ liệu kinh tế vĩ mô trong một hoặc hai năm vừa qua cho thấy sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Mặc dù tỷ lệ GDP của Q1 và Q2 năm nay được công bố là 7%, chỉ số tiêu thụ điện, tăng trưởng vận tải hàng hóa, doanh nghiệp, và đại loại như vậy rõ ràng cho chúng ta biết rằng nền kinh tế đang trượt vào suy thoái.
Tại sao sẽ có một cuộc suy thoái? Bởi vì sau nhiều năm tăng trưởng chóng mặt, vấn đề về cơ cấu vốn tích lũy trong nền kinh tế không còn có thể làm ngơ được nữa. Vấn đề trở nên rõ ràng hơn ở cấp vĩ mô khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, và ở cấp độ vi mô, các doanh nghiệp cảm thấy công việc làm ăn càng ngày càng khó khăn hơn.
Chúng ta đang che phủ lên những bong bóng cũ về năng lực sản xuất bằng những bong bóng mới, và kết quả là tạo ra những cái bong bóng lớn hơn.

– Hứa Tiểu Niên

Vì sao điều này lại xảy ra? Và làm thế nào chúng ta có thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn này? Lý do cho sự tăng trưởng chậm lại là hiện nay chúng ta đã phát triển thịnh vượng nền kinh tế quá mức dự kiến. Nếu, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chúng ta nắm lấy cơ hội này, chịu đựng một chút đau đớn, thực hiện điều chỉnh cơ cấu và nâng cấp ngành công nghiệp của chúng ta, thì sẽ không có những khó khăn như hiện nay. Nhưng chúng ta lại tung ra kế hoạch kích cầu kinh tế 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT). Chúng ta tránh được một cuộc suy thoái nhưng cũng bỏ qua một cơ hội rất tốt để chỉnh đốn nền kinh tế.
Việc chỉnh đốn nền kinh tế hiện nay khó khăn hơn nhiều so với việc nếu chúng ta thực hiện từ năm 2008. 4 nghìn tỷ NDT kích cầu kinh tế năm 2009 tiếp tục làm cho trình trạng mất cân đối cơ cấu kinh tế vốn đã nghiêm trọng càng trở nên tệ hại. Nhiều doanh nghiệp sản xuất truyền thống đối mặt với dư thừa công suất tại thời điểm đó. Những công nghệ của họ đã lỗi thời. Họ không thể bán sản phẩm của họ, và họ phải thay thế các sản phẩm cũ của họ với những cái mới.
Tuy nhiên, gói kích cầu lớn của chính phủ đã giúp các công nghệ và sản phẩm lạc hậu lưu lại và thậm chí duy trì các doanh nghiệp này cho đến ngày nay. Khi đà tăng trưởng vốn có của nền kinh tế suy yếu, chúng ta cần phải tăng cường sức khỏe của nó. Nhưng chúng ta không những không loại trừ cấu trúc nội bộ nhiễm bệnh mà chúng ta còn thúc đẩy nó và cho phép năng lực sản xuất lạc hậu mở rộng.

Công nghiệp thép đổ vỡ

Cách đây không lâu tôi đến thăm một nhà máy thép tư nhân. Họ nói với tôi công suất sản xuất thép của nước này là khoảng 1,1 tỷ tấn đến 1,2 tỷ tấn, trong khi tiêu thụ của cả nước chỉ là 600 triệu đến 700 triệu tấn. Nói cách khác, sản lượng thép của Trung Quốc đang dư thừa công suất khoảng 30% đến 40%. Giá thép sẽ không tăng trở lại cho đến khi vấn đề dư thừa được giải quyết.
Dưới áp lực của dư thừa công suất, nhà máy thép đang cố gắng bán ra với giá thấp, và kết quả là, không ai kiếm được lợi nhuận. Một số công ty thép dựa vào bảo hộ của chính phủ. Họ nên phải đóng cửa từ lâu. Khi họ không đóng cửa, các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn không thể tiến hành kinh doanh bình thường vì phải cạnh tranh với giá thành thấp.
Năng lực sản xuất thép của nước này là khoảng 1,1 tỷ tấn đến 1,2 tỷ tấn, trong khi tiêu thụ của cả nước là chỉ có 600 triệu tấn đến 700 triệu tấn.

– Hứa Tiểu Niên

Ngành công nghiệp thép là một ví dụ về tình trạng trong các lĩnh vực sản xuất truyền thống. Chúng ta đang che phủ lên những bong bóng cũ về năng lực sản xuất bằng những bong bóng mới, và kết quả là tạo ra những cái bong bóng lớn hơn. Trên thị trường vốn cũng có bong bóng, nhưng hầu hết các bong bóng nằm trong nền kinh tế trong hình thức dư thừa công suất.

Loại bỏ dư thừa công suất

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã dựa vào đầu tư trong một thời gian dài. Khi có công suất dư thừa, các doanh nghiệp không dám đầu tư, do đó, tăng trưởng chậm lại. Đây là một kết quả không thể tránh khỏi của biến dạng về cấu trúc. Liệu có lối thoát nào? Loại bỏ công suất dư thừa! Nếu chúng ta không loại bỏ dư thừa công suất, sản phẩm sẽ còn rớt giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động và tạo ra lợi nhuận. Nền kinh tế sẽ chạy ở số thấp trong một thời gian dài.

Các khoản nợ xấu

Công suất dư thừa trong nền kinh tế thực tương ứng với số lượng lớn các khoản cho vay trong lĩnh vực ngân hàng. Nếu các ngân hàng không cho vay quá nhiều, sẽ không có quá nhiều dư thừa công suất. Nền kinh tế thực sự cần phải loại bỏ dư thừa công suất này, và các lĩnh vực tài chính cần tháo gỡ đòn bẩy tài chỉnh.
Nếu các khoản cho vay thế chấp trao cho nhà đầu tư cổ phiếu hạng A được cho là vấn đề, nó vẫn chỉ là một vấn đề nhỏ so với các khoản nợ xấu tích lũy bởi lĩnh vực tài chính và chính quyền địa phương. Vay thế chấp cổ phiếu hạng A tổng cộng là 2 nghìn tỷ NDT đến 3 nghìn tỷ NDT (324 tỷ USD – 486 tỷ USD) trong khi nợ tồn đọng trong lĩnh vực tài chính tổng số hơn 80 nghìn tỷ NDT (khoảng 13 nghìn tỷ USD). Với tỷ lệ nợ xấu là 10%, sẽ có 7 nghìn tỷ NDT đến 8 nghìn tỷ NDT (1,13 nghìn tỷ USD – 1,29 nghìn tỷ USD) nợ xấu hoặc nhiều hơn. Nợ công ước tính là 20 nghìn tỷ NDT (3,24 nghìn tỷ USD). Đây là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Các thị trường cổ phiếu hạng A tăng mạnh do chính phủ tạo ra. Khi rủi ro dần dần lộ diện, chính phủ nhảy vào và ngăn cấm giao dịch ký quỹ. Sau đợt sụp đổ thị trường chứng khoán, chính phủ một lần nữa lại can thiệp giải cứu thị trường.
Bất chấp những hậu quả xã hội đáng kể, thị trường chứng khoán cổ phiếu hạng A chỉ là một vấn đề nhỏ trong nền kinh tế của Trung Quốc. Vấn đề lớn là nợ công, nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, và dư thừa công suất.
Công suất dư thừa nghiêm trọng đến thế nào? Mỗi ngành công nghiệp đều khác nhau. Có thông tin cho rằng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp xi măng là hơn 60%. Những con số này cho chúng ta biết rằng quá trình tháo gỡ đòn bẩy tài chính và dư thừa công suất có thể phải mất một thời gian dài. Vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị đầy đủ.

Phá sản

Tôi chỉ mới bàn về ngành công nghiệp thép. Nhiều công ty thép vừa và nhỏ sẽ phá sản. Đây là một thời điểm tốt để mua lại. Tuy nhiên, sự can thiệp của chính quyền địa phương ngăn chặn các thương vụ mua lại. Tôi đề nghị Chính phủ không cản trở các thương vụ thâu tóm hoặc ngăn không cho các doanh nghiệp chìm xuống.
Khi các doanh nghiệp chuẩn bị phá sản, việc đầu tiên chính quyền địa phương nghĩ đến là mất các khoản thuế và việc làm. Họ sử dụng nhiều cách khác nhau để cứu các doanh nghiệp chết. Tôi nói với họ rằng nền kinh tế cũng giống như tự nhiên: sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên. Nếu đó là thời khắc một số doanh nghiệp phải khai tử, bạn nên để cho họ khai tử, nếu không, bạn sẽ gây khó khăn cho những người đang sống. Các doanh nghiệp sắp phá sản sẽ cố gắng duy trì dòng tiền của họ bằng mọi giá. Họ sẽ cắt giảm giá thành, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khỏe mạnh tạo lợi nhuận và tồn tại.
Chính phủ và các nhà kinh tế không nghĩ như nhau. Bởi vì sự can thiệp của chính quyền địa phương, các công ty kinh doanh tốt không dám mua lại [các công ty sắp phá sản] khi bị ràng buộc bởi điều kiện tiên quyết là không sa thải nhân viên. Làm sao lại như thế được? Nếu tôi muốn mua một doanh nghiệp, tất nhiên tôi muốn cắt giảm những chi phí không cần thiết. Chính quyền địa phương cấm sa thải và do đó cản trở việc xây dựng lại ngành công nghiệp. Nếu không phải vì sự can thiệp của chính quyền địa phương, sẽ có rất nhiều cơ hội cho các vụ sáp nhập và thâu tóm. Các doanh nghiệp tốt có thể cải thiện thị phần của mình thông qua việc thâu tóm, có cơ hội quyết định giá cả và tăng lợi nhuận, và có cơ hội để hoạt động hiệu quả hơn.
Hứa Tiểu Niên là một giáo sư kinh tế và tài chính tại Trung-Âu Quốc tế Công thương Học viện (ceibs.edu) tại Thượng Hải.