Pages

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Hải quân Mỹ sẽ gia tăng tập trận ở Biển Đông với mục tiêu răn đe

Đô đốc Harry Harris tại Tổng hành dinh quân đội Philippines ngày 26/08/2015.Reuters
Ngay sau khi Lầu Năm Góc công bố Chiến lược mới về An ninh Biển ở Châu Á Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã đến Manila ngày 26/08/2015, để bàn cách tăng cường thêm sức mạnh của Hoa Kỳ ở Biển Đông, nhằm thực hiện các mục tiêu được đề ra trong chiến lược. Theo tiết lộ từ phía Philippines, một trong những đề xuất của Mỹ là tăng cường các cuộc diễn tập hải quân trong vùng cả về chất lẫn về lượng.

Theo Đại tá Restituto Padilla, phát ngôn viên quân đội Philippines, trong cuộc tiếp xúc với Tướng Hernando Iriberri, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Đô đốc Harris đã nêu bật các mục tiêu trong chiến lược mới của Mỹ là bảo vệ các quyền tự do trên biển, răn đe để ngăn chặn xung đột và các hành vi cưỡng chế, đồng thời thúc đẩy việc tuân thủ luật lệ quốc tế.



Phát ngôn viên quân đội Philippines xác nhận rằng Washington mong muốn tăng cường năng lực quân sự của Mỹ trong vùng, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể về các biện pháp đã thảo luận.


Tuy nhiên, một quan chức quân sự hiện diện trong cuộc hội đàm giữa Đô đốc Harris và Tướng Iriberri, đã tiết lộ với hãng tin Anh Reuters rằng Mỹ và Philippines dự trù gia tăng các cuộc tập trận trong khu vực, cả về quy mô, tần suất lẫn về tính chất phức tạp của các bài tập.


Cho đến nay, Hoa Kỳ thường xuyên tập trận chung với Philippines, và gần đây, đã không ngần ngại diễn tập gần khu vực Biển Đông nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Manila và Bắc Kinh với quy mô rầm rộ


Ngoài Tướng Iriberri, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines. Nhân cuộc họp vào hôm nay, ông Voltaire Gazmin đã đề nghị Mỹ tiếp tục cho phi cơ tuần tra tới Biển Đông để « bảo vệ » Philippines trong việc vận chuyển binh sĩ hay tiếp tế cho bính sĩ nước này đang đồn trú trên các bãi đá ở Biển Đông, tránh nguy cơ bị tàu Trung Quốc cản trở.


Đây là điều mà Hoa Kỳ đã từng làm, cụ thể là vào năm ngoái, khi một chiếc phi cơ Mỹ bay vào khu vực Bãi Cỏ Mây ở Trường Sa, nơi có một toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên một chiếc tàu mắc cạn. Tàu Trung Quốc trước đó đã ngăn cản không cho tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho đơn vị trên đó, nhưng sau khi máy bay Mỹ xuất hiện, các hành vi sách nhiễu đã bớt hẳn đi.


Bộ Quốc phòng Philippines cũng yêu cầu được Hoa Kỳ giúp đỡ để có thể theo dõi các diễn biến trên Biển Đông trong « thời gian thực », bằng cách cung cấp thông tin thu thập được từ việc giám sát hay tuần tra./Trọng Nghĩa (RFI)

Không có nhận xét nào: