Pages

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Nỗi vinh nhục của tượng đài

Tạp ghi Huy Phương
Tượng Lenin ở Kiev, Ukraine, bị kéo đổ hôm 8 Tháng Mười Hai, 2013. (Hình: Anatoli Boiko/AFP/Getty Images)
Tượng Lenin ở Kiev, Ukraine, bị kéo đổ hôm 8 Tháng Mười Hai, 2013. (Hình: Anatoli Boiko/AFP/Getty Images)
Năm 1999, việc Trần Trường treo ảnh Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng trong tiệm băng nhạc của y đã đưa đến một cuộc biểu tình phản đối dữ dội của những người tỵ nạn Cộng Sản tại Nam California kéo dài 52 ngày đêm ròng rã. Trần Trường nghĩ rằng hành động của y đáng để cho Việt Cộng mang ơn, nhưng sự thật đây là một chuyện trắc nghiệm, gây hậu quả không ai lường trước được và lòng căm thù Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản bộc phát, dâng cao.

Vào đầu Tháng Tám năm nay, chính quyền tỉnh Sơn La vừa tuyên bố sẽ xây tượng đài Hồ Chí Minh 1,400 tỷ tại đây. Chuyện chưa biết sẽ ra sao, nhưng từ ngày Sơn La có quyết định này, cả nước, và đồng bào hải ngoại không ngớt lên tiếng chê bai, chửi rủa hết lời. Hình ảnh xấu xa của Hồ Chí Minh và bọn cầm quyền vô lại, lại được đưa ra làm mục tiêu cho quần chúng ném đá, trát bùn. Phải chăng đây cũng là một lần trắc nghiệm nữa về hình ảnh của “Bác?”
Bọn bồi bút và ngay cả “chính Bác”(CB) vẫn thường tranh nhau viết về cuộc đời thanh liêm, đơn giản của “Bác.” Tiêu biểu nhất là chuyện “đôi dép râu.”
Trong thời gian kháng chiến, mà sau ngày trở về Hà Nội, “Bác” vẫn đi đôi dép cao su đã mòn vẹt, “bảo vệ” đề nghị với “Bác” mua một đôi dép mới để thay, nhưng “Bác” gạt đi cho là lãng phí! Anh em “bảo vệ” liền tráo một đôi dép khác, không mới để “Bác” khó nhận ra, nhưng còn tươm tất. Nhưng cuối cùng “Bác” cũng biết, và nằng nặc đòi bảo vệ trả lại đôi dép cũ cho “Bác!”
Trong thư gửi Báo Vệ Quốc Quân vào Tháng Ba, 1947, “Bác” có câu: “Tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân; khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ; mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường.”
Chuyện này, đám con cháu “Bác” chuyên làm ngược lại.
Trong di chúc trước khi “bước sang từ trần,” “Bác” đã dặn phải thiêu xác và rải tro đi khắp nước, tuy nhiên chúng nó không chịu thiêu “Bác” mà rình rang xây lăng mộ như các bậc vua chúa thời xưa. Số tiền tốn kém cho lăng này không bao giờ được tiết lộ, nhưng chỉ việc phải nhờ chuyên viên ướp xác Liên Xô, lăng chống được bom đạn, địa chấn, được xây dựng bằng đủ các thứ gỗ, đá, cây trồng quý giá vận chuyển từ khắp các địa phương trong nước, trong lúc còn chiến tranh thì tổn phí phải nói là không nhỏ.
Xây lăng xong, Bắc Việt phải nghĩ đến việc bảo vệ lăng.
Để bảo vệ lăng “Bác” một đơn vị quân đội được đặt tên là Đoàn 969 với quân số của một sư đoàn (10,000 người) do nhân dân đóng thuế nuôi, chỉ dùng cho mỗi việc bảo vệ một các xác khô. Bảo vệ là đúng, vì chúng ta còn nhớ, vào ngày 3 Tháng Hai, 2014, bốn thành viên của Pháp Luân Công đã mang búa tạ vào để đập bể lăng “Bác.”
Về chuyện “không động đến cái kim sợi chỉ của dân; …mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường” như lời “Bác” dạy thì chúng không thèm “động đến cái kim sợi chỉ của dân” nhưng tham ô, cướp đất, đuổi nhà, làm giàu trên chuyện tham ô, hối lộ khiến cho đảng càng ngày càng giàu mà dân mỗi năm mỗi đói.
Câu kinh nhật tụng của bọn tham ô vận dụng để xây tượng “Bác” là “nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm” của đồng bào các dân tộc, trong khi thật sự nguyện vọng của đồng bào xứ này là cầu cho có bữa cơm no, có trường cho trẻ em học đàng hoàng và đến trường khỏi đu dây “biệt kích!” Trong khi nguyện vọng của chính quyền là muốn có thêm tiền bỏ túi.
Chúng ta khó tưởng tượng ra là hiện nay trên cả nước đã có 134 tượng đài “Bác” xây dựng trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị, trong đó có tới 45 tượng “Bác” với bộ đội Biên Phòng và “Bác” đứng ngồi tại các quảng trường là 31 cái.
Như vậy cũng chưa đủ, hiện nay chúng còn muốn xây thêm 58 tượng đài “Bác” nữa, theo đề nghị ở các tỉnh đủ loại như “Bác” đứng vẫy tay chào, “Bác” ngồi đọc sách, “Bác” với các cháu thiếu nhi, “Bác” với đồng bào dân tộc… Đại khái là sẽ có tượng đài “Bác” với thanh niên xung phong ở tỉnh Bắc Kạn; tượng “Bác” với nông dân ở Thái Bình; tượng “Bác” và bố “Bác” tại Bình Định… Các tỉnh được hưởng “xái” xây tượng đài là Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Ngay tại Tòa Đô Chánh cũ ở Sài Gòn trước đây đã xây tượng “Bác” ngồi đọc sách, có lẽ ngồi lâu sợ “Bác” đau lưng, không tiếc tiền của dân, Cộng Sản đập đi và thay vào đó là bức tượng “Bác” đứng, lại khánh thành tưng bừng, có các em chân dài múa may trước mặt “Bác.” Các tỉnh tranh nhau để được xây tượng “Bác.” Bắc Ninh nói: “Tỉnh có vinh dự đón Bác 18 lần, vậy mà chưa có tượng đài nào!” Hải Phòng cũng khiếu nại muốn dựng tượng Bác vì “Bác” đã chín lần về thăm Hải Phòng. Như vậy rồi đây, tượng “Bác” sẽ lềnh khênh, ra ngõ là “gặp anh… hồ!”
Sẽ có tượng “Bác” ở làng Sen, nơi Bác sinh ra; ở Pắc Bó nơi “Bác” tắm suối và gặp mẹ của Nông Đức Mạnh; ở số 66 Hàng Bông Nhuộm, nơi xảy ra mối tình “Bác” với Nông Thị Xuân; ở Phan Thiết, nơi “Bác” đi qua, ở bến Nhà Rồng nơi “Bác” lên tàu… Ôi làm sao kể xiết những dấu chân của “Bác” để lại!
Việt Nam sẽ điên đầu với những tượng đài!
Với chủ trương tôn sùng cá nhân, tượng đài các quốc gia Cộng Sản mọc lên như nấm sau cơn mưa. Từ Lenin, Stalin, cho đến Mao Trạch Đông, cha con nhà họ Kim II-sung, Kim Jong-il, và Hồ Chí Minh. Cũng theo thứ tự như thế, lần lượt các chế độ Cộng Sản tàn lụi trên trái đất, sẽ chôn vùi theo các tượng đài.
Những năm gần đây, thế giới đã muốn xóa bỏ dấu tích của quá khứ Cộng Sản. Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ một thời gian, hàng ngàn người tụ tập ở quảng trường Dushanbe (thủ đô của Tajikistan), kéo sập tượng Lenin. Năm 1994, chính quyền Hungary đã quyết định hạ tượng Karl Marx ở khuôn viên đại học Corvinus, và ở khắp nơi các tượng đài Lenin, Stalin đều đã bị phá bỏ.
Cuối năm 2012, Mông Cổ đã cho dỡ bỏ bức tượng Lenin cuối cùng khỏi thủ đô Ulan-Bator. Tháng Tám, 2013, tượng Lenin ở Kiev đã bị giật sập, khởi đầu từ đó, tượng của Lenin trở thành mục tiêu phá bỏ tại các thành phố Ukraina khác như Zhytomyr, Boyarka, Slavuta, Bila Tserkva, Khmelnitsky và Bila Tservka.
Trong khi ở Việt Nam, ông Lenin của nước Nga vẫn còn đứng ở vườn hoa nước mình!
Ngày nay Stalingrad đã trở lại với Volgograd, Leningrad đã trả lại cái tên cũ là Saint Petersburg.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày trở lại tên Sài Gòn là lúc dân chúng Việt Nam “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…” chúng ta kéo nhau đi đập nát những tượng đài…
Nỗi nhục của tượng đài không phải là lúc bị lật đổ, mà cả những lúc được dựng lên trong nỗi ta oán của quần chúng. Đó cũng là một lối tiêu xài hoang phí của đám cầm quyền trên nỗi lầm than, cơ cực của những người dân sống chung quanh tượng đài.

Không có nhận xét nào: