Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Phân tích phép lạ của kinh tế Trung Quốc: Chuyện cổ tích ru ngủ trẻ em

                                                                Ảnh: Wikipedia

Trái với những con số kỳ diệu công bố, nền kinh tế của Trung Quốc tồi tệ hơn nhiều so với sự vỗ ngực của chế độ cộng sản ở Bắc Kinh, theo đánh giá từ các nhà phân tích của tờ Business Insider.

Trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc là nước có nền kinh tế bong bóng lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư và bất động sản – một hiện tượng có thể dễ dàng nhận thấy đó là trong tháng 7, khi thị trường chứng khoán bốc hơi và giá trị cổ phiếu giảm đến đỉnh điểm.

Bị dẫn dắt bởi sự bất ổn của thị trường tài chính Trung Quốc, các nhà phân tích đã cẩn thận phân tích số liệu thống kê chính thức, sau đó đã cảnh báo rằng các dữ liệu kinh tế được công bố bởi chế độ cộng sản là không thực, mà lại còn cố ý thổi phồng, sửa đổi số liệu.

Chiến lược hiện nay của các nhà lãnh đạo cộng sản nhằm duy trì quyền lực chủ yếu là dựa vào lực lượng lao động tại các trại lao động – được gọi là hệ thống Laogai (lao cải), lao động ở đó được ước tính là hơn 4 triệu người – và dựa vào việc tuyển dụng lao động phổ thông, tay nghề thấp (chủ yếu là nông thôn) để xây dựng nhiều khu nhà và cơ sở hạ tầng nhiều hơn là thực sự cần thiết, kết hợp với sự di cư ồ ạt của người lao động không có tay nghề từ nông thôn ra thành thị với quy mô chưa từng có trong lịch sử.

Chương trình này, vốn dĩ cũng được thực hiện ở bất kỳ nước nào có nền kinh tế do Đảng cộng sản kiểm soát, đã tạo ra trong nền kinh tế tư bản giả của Trung Quốc bong bóng bất động sản chưa từng thấy, hàng loạt các thành phố hiện không có người ở. Thặng dư các căn hộ của Trung Quốc theo BBC tối thiểu là 64 triệu căn hộ, mà đang có rất ít cơ hội để được ai đó mua vào – nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Nhu cầu thậm chí không còn tồn tại trên thị trường. Các đảng viên đảng cộng sản chỉ đơn giản là xây dựng những thứ mà không ai sử dụng, cốt cho mọi người được bận rộn, được tuyển dụng và được hài lòng, và GDP được thổi phồng lên. Tất nhiên, những người được hưởng lợi trước tiên từ tất cả các hợp đồng khủng đó là giai cấp đặc quyền, tầng lớp giàu mới với “các ông hoàng đỏ” – là các quan chức cộng sản hàng đầu, cùng với các gia đình có liên quan.

Rõ ràng, tình trạng này không thể kéo dài mãi, sự gia tăng này là hoàn toàn không bền vững – vì tiêu dùng trong nước nhỏ và suy thoái kinh tế đang ám ảnh thị trường bên ngoài. Và thời điểm mà chiến lược này của chính quyền đi đến điểm chết, Đảng sẽ không thể ngăn chặn người dân nổi loạn chống lại chế độ.

Di dân khổng lồ

Bắt đầu từ năm 1983, hơn nửa tỷ người Trung Quốc đã di chuyển vào khu vực đô thị, và trong số này, 220 triệu người đã di chuyển kể từ năm 2002. Hiện nay ở Trung Quốc có hơn 220 triệu cư dân đô thị không phải là công dân hợp pháp ở những nơi mà họ đang sống.

Trong trường hợp canh bạc lâu đài do chế độ cộng sản dựng nên sụp đổ, sẽ có hàng trăm triệu công nhân lao động phổ thông bị mắc kẹt trong thành phố, họ thậm chí sẽ không thể quay trở về với cánh đồng lúa của họ – vì rất có khả năng những mảnh đất đó hiện đã được bao phủ bằng xi măng và các khối căn hộ.

Hiện tại, Đảng Cộng sản tin rằng nếu những người này có việc làm, họ sẽ không chất vấn về hệ thống tham nhũng đang tồn tại trong nước. Vì vậy, ở tâm điểm, phiên bản chính thức là chính phủ trung ương Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch của mình thông qua các chính quyền địa phương, đang dính gần như toàn bộ vào đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh doanh – mà hoàn toàn không tính đến thị trường tự do.

Các nhà kinh tế gọi chiến lược này là “phép lạ kinh tế”. Mô hình tư bản mới “do nhà nước lãnh đạo”.

Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn không đơn giản. Các chính quyền địa phương đang ngập trong nợ – chủ yếu vì tham nhũng, gia đình trị và thực hiện đầu tư không tuân thủ các quy luật kinh tế.

Tất cả mọi thứ càng trầm trọng hơn bởi nền kinh tế Trung Quốc đang bị tác động mạnh của thị trường cổ phiếu trong nước, nó đã giảm hơn 35% – theo một số ước tính, nó có thể giảm tới 50% nếu các quan chức Trung Quốc đã không can thiệp mạnh và đã không thao túng thị trường vì lợi ích của họ… họ một lần nữa lại chà đạp quy luật của kinh tế tự do.

Số liệu kinh tế giả

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, sự phát triển của vận tải hàng hóa đường sắt tăng 20% ​​vào đầu năm 2010. Tại sao? Một kích thích mạnh mẽ từ phía chính phủ! Nhưng kể từ đó, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đã trượt xuống thành một mô hình tăng trưởng âm từ giữa năm 2012 và giữa năm 2013. Vào đầu năm 2014 nó lại một lần nữa đi lên (nhờ gói kích thích kinh tế khác) và bây giờ nó lại giảm xuống, lần này là 12%. Biến động lớn này chắc chắn không giúp cho sản xuất và xuất khẩu.

Có thể nói về một nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển?

Theo số liệu thống kê gần đây, có khoảng 27% số căn hộ mới xây dựng là không có người ở. Ngoài ra, theo số liệu thống kê khác, điện năng tiêu thụ đã tăng 28% vào đầu năm 2010 (một lần nữa bởi vì ưu đãi của chính phủ trung ương), nhưng kể từ khi đó, nó đã giảm đều đặn. Tiêu thụ diện năng lại giảm vào tháng 7 năm 2014 và tháng 3 năm 2015, còn hiện giờ chỉ tăng 1,8%.

Một khía cạnh khác chỉ ra tình trạng u ám của nền kinh tế Trung Quốc đó là chỉ số bán xe hơi – một chỉ số của phúc lợi tầng lớp trung lưu. Chỉ số này đã tăng vào đầu năm 2010 và kể từ đó, nó đã giảm một cách hệ thống. Trong năm 2015, doanh số bán xe đã giảm và hiện đang ở mức 3,4%.

Tất cả những số liệu thống kê được là dấu hiệu của một nền kinh tế đang tăng 7% – như con số chính thức được chế độ cộng sản công bố?

Mô hình kinh tế của Trung Quốc là một trong những mô hình không bền vững nhất trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Tình hình càng nghiêm trọng hơn, vì mô hình này đã góp phần vào sự hình thành bong bóng bất động sản khổng lồ mà sẽ phát nổ, sẽ gây ra hậu quả toàn cầu.

Tất cả những điều này, cộng thêm với các dự án để thúc đẩy quyền lực mềm của chế độ cộng sản – như vừa thành lập ra ngân hàng đầu tư AIIB, hay chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Con đường tơ lụa, hoặc ngân hàng BRICS – tất cả để thay thế cho các tổ chức tài chính thành lập sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, mà theo thời gian đã không còn hoạt động hiệu quả nữa. Tương lai của cái gọi là phép lạ Trung Quốc đang ngày càng xiêu vẹo.

Tác giả: Andrei Popescu, ET Romania | Dịch giả: Kim Xuân

(Việt Đại Kỷ Nguyên)

Không có nhận xét nào: