Pages

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Sài Gòn cần ‘luật riêng’: Hiện tượng gì?

Ngày 8/8/2015, trong không khí “lập thành tích chào mừng đại hội lần thứ 12 đảng Cộng sản Việt Nam” và chuẩn bị diễn ra đại hội đảng cấp tỉnh thành, báo Tuổi Trẻ cho đăng một bài viết với tựa đề có vẻ khó hiểu “Xé rào, bứt phá và luật riêng cho TP.HCM”.

 

Võ Văn Thưởng (phải), người được cho là có nhiều triển vọng thay thế Lê Thanh Hải làm bí thư thành ủy sau đại hội 12
Hiện tượng “luật riêng” đã xuất hiện ở VN từ khoảng 3 năm qua. Đi tiên phong là Đà Nẵng về cơ chế ‘chính quyền đô thị’ với nhân vật gây ồn ào dư luận Nguyễn Bá Thanh. Tuy nhiên sau khi ông Thanh được điều chuyển ra Hà Nội để đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Nội chính trung ương, cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng hình như không còn được yêu cầu sôi động như trước đó. Còn từ khi ông Thanh qua đời vào đầu năm 2015 với hoài nghi xen cài giữa nguồn gốc căn bệnh ung thư và “bị nhiễm độc”, cho tới nay không còn nghe nhiều người nhắc đến việc Đà Nẵng sẽ đi đầu trong việc thí điểm ‘chính quyền đô thị’.
Thay cho Đà Nẵng, hai địa phương nổi lên về “cơ chế đặc thù” là Quảng Ninh và huyện đảo Phú Quốc. Đặc biệt Phú Quốc đã được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chấp thận cơ chế ‘đặc khu kinh tế’, tuy khá nhiều ý kiến trong Ủy ban thường vụ quốc hội đề nghị cần làm rõ tính chất ‘đặc biệt’ của Phú Quốc ra sao, và Quốc hội có được quyền ‘quản lý’ huyện đảo trù phú cùng cơn sốt đất đang bùng nổ này hay không.
Riêng với Sài Gòn của Bí thư Lê Thanh Hải - người được nhiều dư luận cho là gần gũi với ông Nguyễn Tấn Dũng, cơ chế ‘vùng kinh tế’, bao gồm cả một số tỉnh kéo dài đến Bà Rịa - Vũng Tàu được được xác định từ vài năm trước. Năm 2014, Bộ chính trị đảng VN ban hành nghị quyết 16 về ‘cơ chế đặc thù’ cho thành phố này. Tuy nhiên cho tới nay, tính chất đặc thù cùng những ưu đãi mà giới lãnh đạo thành phố này đòi hỏi hầu như vẫn chưa được cụ thể hóa, nếu so sánh với Hà Nội - thủ phủ đã có được Luật thủ đô dành cho Ủy viên bộ chính trị - Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị.
Chi tiết đáng chú ý trong bài báo Tuổi Trẻ ngày 8/8 là không chỉ nêu ý kiến của một số quan chức về việc Sài Gòn cần có ‘luật riêng’, mà theo ‘chỉ đạo’ của một lãnh đạo thuộc lớp ‘măng non’ là Phó bí thư thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng: nên có cơ chế điều hành vùng cho thành phố để phát huy vai trò của Sài Gòn trong vùng kinh tế, từ trước đến nay chưa có cơ chế này.
Có thể hiểu như thế nào về “cơ chế điều hành vùng”? Sẽ là cơ cấu mở rộng và làm sâu sắc hơn các tương tác kinh tế giữa một số địa phương, với Sài Gòn là trung tâm?
Hay hơn thế, sẽ trở thành một mô hình hành chính liên tỉnh với Sài Gòn là trung tâm chính trị? Nếu khả năng này ứng với một chủ ý sâu xa và lo xa, tình hình bố trí nhân sự để ‘điều hành cơ cấu vùng’ sẽ biến chuyển ra sao?
Hiện tượng một số địa phương đòi hỏi ‘cơ chế đặc thù’ và ‘luật riêng’, trong đó đặc biệt là Phú Quốc và Sài Gòn, có thể làm cho người ta hình dung rằng khác với cơ chế tập quyền trung ương trước đây, xu hướng ‘tản quyền’ và hơn nữa là ‘ly tâm chính trị’ đang diễn ra với gia tốc ngày càng lớn ở VN, trong bối cảnh đại hội đảng 12 chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa sẽ quyết định những nhân sự then chốt của đảng cầm quyền.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: