Hình minh họa
Đất nước ta đang trong giai đoạn đầy khó khăn về con đường phát triển, kinh tế văn hóa xã hội ngày càng bị tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực. Muốn tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước cần nói rõ sự thật, phân tích đúng nguyên nhân và đưa ra giải pháp hữu hiệu.
Hoàng đế Napoleon Bonaparte là nhà quân sự và chính trị kiệt xuất người Pháp (1769-1821) để lại câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay là quân lịnh phải: “Rõ, hiểu ngay, nhớ dai và làm theo không sai!”
Thể chế Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu kể cả Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng đức tin Cộng Sản, một loại nhà nước tôn giáo, ở đấy Giáo chủ (hoặc Tổng bí thư) giống như một ông vua. Điểm khác với thể chế Phong kiến là ông vua ấy không thể nhường ngôi kế nhiệm cho con mình. Nhưng lại độc quyền cai trị bằng liệu pháp “Chuyên chính vô sản” kiểu quân chủ
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, không phải là một ngoại lệ, việc đấu tranh vì quyền lực là bản năng tự nhiên, có tính quy luật. Mà đã là quy luật thì làm gì có ” tốt hay xấu” để mà phê phán, phê bình.
Gần đây, hầu như tất cả báo lớn của nước ta, cả báo giấy lẫn báo điện tử, cả báo hình lẫn báo nói đều đăng tải, giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về 30 năm đổi mới với tựa đề: “Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong một thế giới thay đổi nhanh, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” . (dưới đây xin dùng cụm từ “Bài viết của Chủ tịch” để chỉ bài viết này).
Để có cảm nhận, để hiểu được ý nghĩa và viết ra những điều đó về bài viết của một vị nguyên thủ quốc gia, một trong những lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cộng sản Việt Nam như Ông Trương Tấn Sang, cần phải có thời gian, công sức. Bởi, ngay một vấn đề đơn giản là bài viết này nhân dịp nào, nhằm mục tiêu gì…thì các tờ báo lớn của nước ta cũng có ý kiến khác nhau, chẳng hạn, Báo Nhân dân và Nhân dân điện tử: Không có lời “phi lộ”; Cổng TTĐT Chính phủ đã viết “xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với nhan đề[…] “nhân cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm thành lập nước; tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.”; Báo Tuổi trẻ thì ghi “ Trong bối cảnh sau 30 năm đổi mới, cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm thành lập nước; tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài viết[…]”; Báo Tiền phong ghi “Vượt qua thách thức đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại: Trong bối cảnh sau 30 năm đổi mới, cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm thành lập nước; tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài viết:[…]; Còn Báo Hà Nội Mới lại viết “Chủ tịch nước: 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước, mang tầm vóc, ý nghĩa cách mạng sâu sắc. Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhan đề:[…] “…
Vì vậy, khi đọc bài viết nói trên của Chủ tịch nước đã thôi thúc người viết bài báo này viết ngay ra băn khoăn lớn, đầu tiên của mình, với mong muốn tiếng nói của những người có trách nhiệm cao của Đảng và Nhà nước cần chỉ rõ được những vấn đề cấp thiết và định hướng cụ thể của sự phát triển đất nước đang được xã hội quan tâm.
Điều băn khoăn, khó hiểu thứ nhất: Bài viết của Chủ tịch còn chưa nói đúng sự thật của tình hình khó khăn, thách thức của đất nước ta hiện nay và nguyên nhân cốt lõi của nó.
Ông Chủ tịch nước đã dành phần quan trọng của bài viết để đánh giá “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước ta.”. Về thành tựu trong 30 năm đổi mới Bài viết của Chủ tịch ghi rõ: “Bằng những cải biến sâu sắc và toàn diện, quá trình đổi mới đã đem lại những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử” . Bên cạnh đó, Bài viết của Chủ tịch đã dành thời lượng lớn (khoảng 2000 từ trên 7000 từ) để nói về những “khó khăn, thách thức” của nước ta hiện nay và những nguyên nhân gây ra nó. Tuy vậy, Bài viết của Chủ tịch vẫn chưa “nói rõ sự thật”, chưa “nói hết sự thật” và cũng chưa nói “đúng sự thật” về những khó khăn thách thức của nước ta hiện nay.
Nêu vài thí dụ:
Mở đầu phần nói về khó khăn, thách thức, Bài viết của Chủ tịch nêu “đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức[…], làm tăng nguy cơ tụt hậu của nước ta với các nước công nghiệp và ngay cả với nhiều nước trong khu vực”. Nhận định như vậy là không đúng, không phù hợp với thực tế đang diễn ra. Việt Nam đã bị tụt hậu xa hơn chứ không còn ở tình trạng có hay tăng “nguy cơ tụt hậu” như Bài viết của Chủ tịch nêu và không chỉ tụt hậu về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội so với các nước. Mong muốn đuổi kịp nước này, nước khác trong vùng về thu nhập đầu người đã trở nên hết sức khó khăn.
Lấy vài thí dụ minh chứng: Năm 2005, GDP bình quân đầu người của Thái Lan là 2690 USD và VN là 700 USD, cách nhau 1990 USD. Đến năm 2014 lần lượt là 5561 USD và 2052 USD, cách nhau 3509 USD, tức khoảng cách doãng ra gấp 1,8 lần, sau có 9 năm. Theo cách lập luận trên đây với các số liệu tuyệt đối đã công bố: Khoảng cách giữa VN so với Malaysia về GDP bình quân đầu người năm 2005 là 4854 USD/người thì năm 2014 là 8778 USD/người, đã doãng ra gấp 1,81 lần; tương tự như vậy so với Indonesia đã doãng ra gấp 2,55 lần, so với Philippines đã doãng ra gấp 1,58 lần; so với TQ đã doãng ra gấp 5,37 lần; so với Hàn Quốc đã doãng ra gấp 1,55 lần.
Về chất lượng cuộc sống của người dân hiện nay, Việt Nam được website Numbeo.com đánh giá là quốc gia có chất lượng cuộc sống thấp bậc nhất trên thế giới với số điểm – (âm)13,89, xếp sau cả Lào và Campuchia. “Chất lượng cuộc sống” được tính toán khá toàn diện dựa trên hàng loạt yếu tố, bao gồm mức độ an toàn, chăm sóc sức khỏe, giá tiêu dùng, sức mua, giao thông đi lại, giá nhà đất so với thu nhập và mức độ ô nhiễm môi trường. Nước được xếp có chất lượng cao nhất là Thụy sĩ với 288,03 điểm; VN xếp thứ 6 từ dưới lên với số điểm – (âm)13,89; Campuchia xếp thứ 8 từ dưới lên với số điểm – (âm) 0,01…(Theo Vietnamnet công bố ngày 17/5/2015).
Bài viết của Chủ tịch đã dành đến 1/7 thời lượng để vạch ra những nguyên nhân gây ra những yếu kém, thách thức của nước ta hiện nay, chủ yếu tập trung vào nguyên nhân yếu kém trong quản lý phát triển kinh tế và trong quản trị quốc gia.
Theo tôi hiểu các nguyên nhân gây ra yếu kém Chủ tịch nước đã vạch ra trong bài viết đều đúng, nhưng còn chưa đủ, còn quá xa so với sự thật. Bởi lẽ, Bài viết của Chủ tịch mới dừng lại nguyên nhân bề nổi, trung gian, các nguyên nhân gây ra yếu kém chỉ thuộc về trách nhiệm của những người tổ chức thực hiện, chưa “động” đến nguyên nhân cốt lõi gây ra khó khăn, thách thức hiện nay của nước ta mà thực tế vẫn đang có nguy cơ tiếp diễn là rất đáng lo ngại. Không ít nhà nghiên cứu, nhà báo, những người tâm huyết với đất nước, kể cả những đảng viên kỳ cựu cho rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra tình hình khó khăn hiện nay của Việt Nam là những do sai lầm nghiêm trọng trong đường lối gây ra. Tạm nêu vài dẫn chứng :
– Chính quan điểm sai lầm “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. […]. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” (Cương lĩnh)…là nguyên nhân sâu xa dẫn đến các nguyên nhân phát sinh như Chủ tịch nước nêu trong bài viết: “Khu vực kinh tế tư nhân trong nước, chưa được khuyến khích phát triển,”; “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm”;…
– Chính sự độc quyền tuyệt đối về công tác tổ chức và cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam thiếu tính khoa học đã và đang tạo ra bộ máy kém năng lực, thiếu tư chất và trách nhiệm. Đảng vẫn duy trì mô hình về tổ chức bộ máy cầm quyền lỗi thời, lạc hậu, kìm hãm quá trình phát triển của đất nước. Đảng vẫn duy trì tình trạng mất dân chủ trong bầu cử kiểu “Đảng cử, dân bầu” …đó là nguyên nhân dẫn đến tình hình như Bài viết của Chủ tịch đã chỉ ra: “Hệ thống quản trị quốc gia và thể chế kinh tế đang bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém”; “Đội ngũ công chức, viên chức đông nhưng không mạnh,”; “Tình trạng tham nhũng, lãng phí và trục lợi ở những thay đổi của chính sách, lợi ích nhóm đang trở thành nguy cơ ngày một lớn có thể kìm hãm, thậm chí đẩy lùi quá trình đổi mới đất nước.”…. Nếu không chỉ ra được nguyên nhân mà chỉ nói về hiện tượng như trên thì không có tính thuyết phục mà còn mất niềm tin của nhân dân đối với đảng. Với bất cứ một thể chế chính quyền nào , muốn bền vững thì dân phải là điểm tựa. Mất điểm tựa vững chắc này thì chính quyền sẽ tựa vào đâu!?.
Điều băn khoăn, khó hiểu thứ hai: Bài viết của Chủ tịch chưa đủ dũng cảm để chỉ ra được “ai là người bắt buộc phải đổi mới tư duy”và “những nhận thức mới trong đổi mới tư duy”.
Với những diễn biến của tình hình thế giới và mối quan hệ ngoại giao quốc tế của Việt Nam hiện nay, Bài viết của Chủ tịch rất đúng khi chỉ ra: “Đây là vận hội (Đại hội XII) lớn của đất nước ta sau 30 năm đổi mới, thực sự là thời điểm và cơ hội để chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn trong tư duy” Tuy nhiên, người viết bài này rất thất vọng khi đọc đi, đọc lại toàn bộ phần nói về đổi mới tư duy. Bài viết của Chủ tịch không chỉ ra được ai là chủ thể đi đầu trong đổi mới tư duy, những nhận thức mới trong đổi mới tư duy so với hoàn cảnh hạn chế trước đây. Khi buộc phải nói đến chủ thể đổi mới tư duy thì Bài viết của Chủ tịch chỉ nói chung chung “chúng ta”. Thực tế chỉ ra rằng, một khi nói “chúng ta” chịu trách nhiệm về một việc cụ thể nào đó thì có nghĩa là “không ai chịu trách nhiệm cả”. Đây là điều thụt lùi rõ ràng nhất so với Đại hội Đảng lần thứ VI (1986). Lúc bấy giờ đã chỉ ra được đổi mới tư duy bắt đầu tư đảng cầm quyền, còn hiện nay, ngay trong chỉ đạo biên soạn văn kiện Đại hội XII đã chụp lên đầu mọi người cái vòng kim cô “nội dung văn kiện không được vượt Cương lĩnh”, tức là mọi thứ vẫn “Vũ Như Cẩn”.
Nếu Đảng cầm quyền vẫn giữ nếp tư duy cũ kỹ như hiện nay thì những điều Bài viết của Chủ tịch đặt ra: “Đổi mới tư duy và phương thức đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.”; “Cải cách hệ thống quản trị quốc gia một cách toàn diện và sâu sắc.” với 4 nội dung (từ i đến iv) ở cuối bài viết…chỉ tồn tại trên giấy, chẳng bao giờ đi vào cuộc sống.
Thay cho lời kết
Tôi đã được nghe nhiều thành viên Ban biên tập văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 kể các câu chuyện liên quan đến việc Ông Trường Chinh, sau khi nhậm chức Tổng bí thư (tháng 5 năm 1986) đã bổ sung thành viên Ban biên tập ra sao, đã chỉ đạo việc biên tập lại, mà thực chất là viết lại dự thảo văn kiện Đại hội đã đưa về thảo luận ở Đại hội đảng các cấp chỉ khoảng 6 tháng trước khi Đại hội toàn quốc khai mạc theo tinh thần: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”… Nhờ đó, dự thảo văn kiện chính thức trình Đại hội VI đã “minh oan” cho những việc làm của những cá nhân, ngành, địa phương, cơ sở mà trước đó đã từng bị kết tội “phá rào”; làm trái Nghị quyết của Đảng…. Dự thảo văn kiện mới đã phản ảnh đúng hơn, trung thực hơn hiện tình kinh tế – xã hội của đất nước và nguyên nhân đích thực gây ra nó. Trên cơ sở đó, Đại hội VI đã đề ra được các giải pháp đột phá đưa đất nước dần phát triển theo quy luật.
Trước thềm Đại hội Đảng XII hiện nay cũng có tình hình tương tự như cách đây 30 năm, nhân Bài viết của Chủ tịch, các câu chuyện được nghe kể lại trên đây thôi thúc tôi viết ra những suy nghĩ của mình về hiện tình thực tế của đất nước (dĩ nhiên là chưa phải tất cả); nguyên nhân cốt lõi gây ra nó với một mong mỏi duy nhất là góp tiếng nói nhỏ bé của mình cho những người chịu trách nhiệm chính chuẩn bị văn kiện Đại hội XII với cảnh báo: Hãy kìm chế bớt sự lạc quan về những thành tích mang tính tạm thời, bề nổi; Hãy nhìn thẳng vào tình hình đất nước đúng hơn, trung thực hơn;…trên cơ sở đó hãy đưa ra cho được các giải pháp thực sự đột phá nhằm đưa đất nước ta phát triển theo đúng quy luật vốn có của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét