Pages

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Tương lai nào cho TPP?

Đã đi được 98% chặng đường, dù chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng trong phiên đàm phán vừa kết thúc ngày 31/7, nhưng trong cuộc đám phán tiếp theo, có nhiều cơ sở để tin rằng hiệp định này sẽ cán đích.

Trong cuộc đám phán tiếp theo, có nhiều cơ sở để tin rằng hiệp định TPP sẽ cán đích...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, bộ trưởng các nước thành viên đều cam kết tiếp tục tham gia tích cực để tìm tiếng nói chung. Những tiến bộ đạt được trong phiên đàm phán vừa diễn ra phản ánh triển vọng đi đến thành công của một hiệp định TPP toàn diện và tiêu chuẩn cao sẽ giúp cho tăng việc làm, tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực chiếm gần 40% GDP toàn cầu.

Đã giải quyết xong 98% vướng mắc

Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không thể hoàn tất sau 4 ngày thảo luận vừa kết thúc tại đảo Maui, Hawaii như kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, các bên đều khá lạc quan về triển vọng sớm kết thúc đàm phán.

Đại diện thương mại Mỹ, ông Michael Froman cho biết hiện chỉ còn một số bất đồng và các bên liên quan cam kết nỗ lực giải quyết trong thời gian tới thông qua các cuộc thảo luận song phương. Các vấn đề vướng mắc chủ yếu đang nằm ở bốn nền kinh tế lớn là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico trong bối cảnh các nước đã giải quyết được đến 98%.

Hiện, có dư luận cho rằng vòng đàm phán vừa diễn ra không kết thúc như kỳ vọng là một bước lùi đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama bởi TPP được coi là công cụ kinh tế của chính quyền Mỹ trong chính sách xoay trục châu Á và là thời cơ để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực và đây là cơ hội cuối cùng, kịp lúc để Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong năm nay, trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2016.

Với thất bại lần này, thì TPP có thể sẽ chỉ được phê chuẩn trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ, như trường hợp ý tưởng về Thỏa thuận mậu dịch tự do Bắc Mỹ của tổng thống George H.W. Bush được chốt lại trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống Bill Clinton.

Như vậy, các nước sẽ phải chờ đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017 mới có thể ký được TPP.

Tuy nhiên, bộ trưởng các nước thành viên đang nhắm đến việc họp lại vào cuối tháng 8 này để nỗ lực hoàn tất TPP ngay trong năm nay.

“Những tiến triển trong vòng đàm phán vừa qua cho thấy triển vọng sớm kết thúc đàm phán TPP. Trong giai đoạn đàm phán cuối cùng này, chúng tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết rằng TPP đang nằm trong tầm tay”, Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nói.

Tại phiên đàm phán vừa diễn ra, đã đạt được một số thành công liên quan đến các vấn đề như bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử trong trường hợp xảy ra xung đột lợi ích.

Theo thỏa thuận về môi trường, các nước cam kết tuân thủ các hiệp ước chống buôn bán động vật hoang dã hiện hành cũng như Luật Môi trường của từng nước. Các biện pháp hỗ trợ gây hại tới môi trường như hỗ trợ của Chính phủ cho việc đóng tàu cá tại các khu vực bị khai thác quá mức đều bị cấm.

Thỏa thuận cũng nhấn mạnh biện pháp bảo vệ lâu dài đối với các loài động vật có nguy cơ như rùa biển, chim biển, cá voi, cá mập... Các nước vi phạm có thể sẽ bị trừng phạt về thương mại.

Thỏa thuận về môi trường được xem là sẽ có tác động sâu rộng khi 12 nước tham gia đàm phán TPP chiếm khoảng 25% thương mại thủy sản và 25% sản lượng gỗ và bột giấy trên thế giới. 5 trong số các nước này nằm trong danh sách các nước đa dạng sinh thái hàng đầu thế giới.

Không kém lạc quan dù lỡ hẹn

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, “TPP đã lỡ hẹn nhiều lần, thêm một lần lỡ hẹn nữa cũng không có gì là bất ngờ hay phải kém lạc quan, mặc dù khi chính quyền Obama có quyền đàm phán nhanh (TPA), chúng ta đều đã kỳ vọng đây là cơ hội để đạt được TPP sớm nhất. Những vấn đề còn lại đều là những vấn đề gai góc, không dễ đồng thuận, song với nhiều nỗ lực thì không khó để kết thúc đàm phán trong năm 2015”.

Chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói, “ngay cả khi chưa thể kết thúc đàm phán lần này thì tiến trình đàm phán cũng đã đạt được nhiều tiến bộ, một số vấn đề “xương xẩu” đã được các nước cùng giải quyết. Quá trình đàm phán đã kéo dài nhiều năm, các nước đã cố gắng vượt qua nhiều khác biệt, nên tôi cho rằng các nước sẽ đi đến thỏa thuận chung để có thể kết thúc đàm phán trong năm 2015”.

Vòng đàm phán đầu tiên của TPP diễn ra vào tháng 3/2010. Sau 5 năm, số quốc gia tham gia đàm phán hiệp định này đã lên tới 12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ hạn chế thương mại (thuế quan và các biện pháp sau biên giới) đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Xây dựng quy chuẩn chung với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, lao động, đầu tư, chính sách cạnh tranh; xây dựng các quy tắc điều tiết của Chính phủ một cách hợp lý nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư giữa các nước.

TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, nếu đàm phán thành công, TPP sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với dân số gần 1 tỷ người và tổng sản phẩm chung đạt 29.000 tỷ USD. Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng GDP Việt Nam trong những năm tới, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn đồng thời đề ra các chuẩn mực cho thương mại và đầu tư trong tương lai.

Hiệp định TPP cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời thuận lợi trong việc tiếp cận với hai thị trường lớn hiện nay là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản của Việt Nam có khả năng mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu (hiện tại ngành dệt may xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế suất trung bình 17%, cao nhất 32%, thì khi thuế giảm xuống 0%, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng mạnh)...


Theo Đoàn Trần (Vneconomy)

Không có nhận xét nào: