Pages

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Việt Nam trước nguy cơ nước biển dâng cao

Việt Nam trước nguy cơ nước biển dâng cao
 
Một cánh đồng lúa gần Hà Nội. Nông nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do mực nước biển dâng caoReuters

    Một trong những tác động của biến đổi khí hậu đó là mực nước biển dâng cao, không chỉ đe dọa đến sự tồn tại của các đảo quốc, mà còn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến các vùng ven biển của những nước như Việt Nam.Các nhà khoa học dự đoán là đến cuối thế kỷ XXI, tức đến năm 2100, theo kịch bản cao, tức là kịch bản tồi tệ nhất, mực nước biển có thể dâng cao 1 mét. Trong trường hợp đó, 4,4% diện tích của Việt Nam sẽ bị ngập vĩnh viễn, 6 triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng. Mực nước biển dâng cao 1 mét cũng sẽ ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam.


    Trong phần tạp chí hôm nay, xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, phân tích về những tác động nói trên của hiện tượng mực nước biển dâng cao đối với Việt Nam.
    RFI: Xin kính chào tiến sĩ Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông cho biết là khi nước biển dâng cao như vậy, thì những vùng nào ở Việt Nam sẽ bị ngập nước?
    TS Huỳnh Long Vân: Phúc trình của Ủy ban Liên Chánh phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) (IPCC 2007) dự đoán vào cuối thế kỷ XXI nhiệt độ trung bình của không khí sẽ tăng lên khoảng từ 2,0 - 4,5°C và mực nước biển toàn cầu sẽ dâng cao 1-2 m ; trong khi đó, những nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về những tác động của nước biển dâng cao trên các quốc gia đang phát triển cho biết riêng đối với Việt Nam, là 1 trong 4 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, mực nước biển có thể dâng cao 1-3 m vào năm 2100.
    Phát triển kinh tế của Việt Nam gắn liền với địa hình đặc biệt trải dài từ Bắc xuống Nam trên một bờ biển dài 3200 km với 112 cửa sông và 4000 hòn đảo. Những dải đất dọc theo bờ biển và những vùng châu thổ tạo nên cột sống của nền kinh tế Việt Nam.
    Theo đánh giá của Trung Tâm Quốc Tế Quản Lý Môi Trường của Úc châu (ICEM), khi mực nước biển dâng cao (MNBDC) 1m sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng trên các lãnh vực kinh tế, xã hội, và môi trường của Việt Nam.
    Khoảng 14.528 km2 hay 4.4% diện tích của Việt Nam bị ngập vĩnh viễn. Hơn 60% hay 39 của 64 tỉnh thành và 6 khu kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng. Khoảng 20%, hay 2057 trong số 10511 làng xóm, bị ngập từng phần hay toàn bộ.
    Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích bị ngập lụt chiếm 85% diện tích ngập lụt của toàn xứ, ảnh hưởng đến 12 tỉnh thành trên một diện tích rộng 12.376 km2:
    * Trong đó 11 tỉnh thành nằm trong hệ thống sông Cửu Long; Long An và Kiên Giang là hai tỉnh có diện tích bị ngập nước lớn nhứt. Long An và Bến Tre mỗi tỉnh có 50% diện tích bị ngập vĩnh viễn; Trà Vinh ngập 45,7% và Sóc Trăng ngập 43,7%.
    * TP Hồ Chí Minh nằm trong hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai có đông đảo dân cư và 43% diện tích sẽ bị ngập vĩnh viễn.
    Hơn 1.100 km2 của khu kinh tế miền Đông Nam (phần Bình Dương, Biên Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu) hay 7,65% diện tích toàn quốc bị ngập nước.
    Bốn khu kinh tế khác - châu thổ sông Hồng, Đông Bắc (Quảng Ninh), Bắc Trung (phần Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế) và Nam Trung (phần Đà Nẳng, Khánh Hoà, Bình Định) - sẽ bị ngập nước vĩnh viển mỗi nơi từ 180 đến 340 km2, tổng cộng tương đương với 7% diện tích của toàn xứ.
    RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, đa số người dân Việt Nam sống ở các vùng duyên hải và vùng châu thổ, vậy thì mực nước biển dâng cao sẽ tác động như thế nào lên đời sống cư dân?
    TS Huỳnh Long Vân: Việt Nam có dân số gần 90 triệu, 74% dân cư sống tập trung dọc theo vùng duyên hải và châu thổ; những nơi này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng cao; MNBDC 1 m sẽ ảnh hưởng đến 6 triệu người dân.
    Nặng nề nhứt là TP Hồ Chí Minh với hơn 600.000 hay 12% dân số của TP sẽ sống trong vùng nước ngập; con số này tăng dần theo tình trạng đô thị hoá nhanh chóng của TP Hồ Chí Minh, mỗi năm có thêm 1 triệu dân cư.
    Nơi châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, vùng có mật độ dân cư đông đúc nhứt ở Việt Nam, gần 20 triệu và mỗi năm tăng lên khoảng 300 ngàn người; MNBDC 1 m ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 5 triệu người. Bến Tre, có 55% dân cư và Bạc Liêu 45% dân cư sống trong vùng ngập nước; khoảng 1,5 triệu người hay 90% người dân nghèo nơi đây sẽ bị ảnh hưởng và sống trong vùng ngập do nước biển dâng cao. Hai tỉnh Long An và Bến Tre sẽ có gần một nửa triệu dân nghèo sống trong vùng đất ngập do nước biển dâng cao.
    Số người nghèo ở đồng bằng Cửu Long ngày càng tăng, từ 21% vào năm 2002 tăng lên 30-35% vào năm 2010, nguyên nhân do nhiều thành phần nghèo khó từ những nơi khác di dân đến đây; những người này không quen với điều kiện sinh sống ở đây, cũng như không có bà con thân thuộc để được trợ giúp vì thế không có khả năng ứng phó trước tình trạng ngập lụt và nước biển dâng cao.
    RFI:Đối với các cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thì hiện tượng nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng như thế nào?
    TS Huỳnh Long Vân: Trong vòng 20 năm qua, nhằm mục đích phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, Việt Nam gia tăng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, hầu hết tập trung ở vùng duyên hải và vào 3 vùng kinh tế trọng điểm ở Bắc, Trung và Nam. Tuy nhiên, trước đây, trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng chỉ chú tâm đến tình trạng ngập nước do mưa bão và không để ý đến những ảnh hưởng của nước biển dâng cao. Năm 1996, nhà cầm quyền Việt Nam phối hợp với chánh phủ Đan Mạch đánh giá mức độ tổn thương của vùng ven biển, có dự đoán là dưới điều kiện khí hậu và mực nước biển vào thời điểm lúc ấy thì 720 triệu tiền vốn đầu tư vào các cơ sở hạ tầng sẽ bị đe dọa do tình trạng ngập nước và trong trường hợp MNBDC 1 m, những tổn thất còn nặng nề hơn, tăng lên đến 17 tỷ Mỹ kim.
    Đường xá là một thí dụ tiêu biểu của cơ sở hạ tầng. Trong vòng 20 năm qua, chiều dài đường bộ ở Việt Nam đã tăng gấp đôi lên đến 216.000 km. Khi MNBDC 1 m, khoảng 4,3% hay 9.200 km quốc lộ và tỉnh lộ sẽ bị ngập vĩnh viễn kể cả 574 km đê biển. 90% đường xá bị ngập vĩnh viễn nằm trong châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Trà Vinh. Hầu hết đường xá bị ngập là những tỉnh lộ thiếu tiêu chuẩn và những đường đất của vùng nông thôn mới.
    Những hệ thống cung cấp nước sạch và thoát nước cống rãnh ở những vùng ven biển cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao và trong trường hợp gặp thêm giông bão lớn các đê biển sẽ bị hư hỏng khiến nước mặn xâm nhập và làm hủy hoại các hệ thống ống dẫn và thoát nước, và các chất phế thải sẽ xâm nhập nguồn nước mặt gây nguy hại cho đời sống và sức khỏe của cộng đồng cư dân ở đây. Điển hình là ở châu thổ sông Hồng, mỗi năm có từ 2 đến 5 trận cuồng phong lũ lụt từ tháng 6 đến tháng 9 gây nên những tổn hại nặng nề về sinh mạng lẫn vật chất và môi sinh.
    Mức độ tổn hại này sẽ trầm trọng hơn trong trường hợp cuồng phong xảy ra cùng lúc thủy triều dâng cao 3,5 - 4 m thì mực nước biển dâng cao đến 5 - 6 m. Trong tương lai, khi MNBDC thêm 1 m thì vùng châu thổ sông Hồng sẽ phải gánh chịu những tác động nặng nề nguy hại nhiều hơn gây ra bởi giông bão, sóng to.
    Nước biển dâng cao 1 m, dịch vụ cung cấp nước ngọt để tiêu thụ và tưới tiêu cũng trở thành một vấn đề nan giải. Thành phố Đà Nẵng, với dân số hơn 1 triệu người và là một trung tâm kinh tế đang phát triển nhanh chóng, nguồn nước ngọt cung cấp cho thành phố lấy từ 2 địa điểm của sông Vu Gia và 2 nơi này nằm rất gần với “chót lưởi của luồng nước mặn” trong mùa khô.
    Vì thế khi nước biển dâng cao, lưởi nước mặn sẽ vượt qua 2 nơi rút nước hiện nay và như thế, trong tương lai vào mùa khô, người dân Đà Nẳng không có đủ nước ngọt sử dụng. (Đây cũng là trường hợp sẽ gặp phải đối với các hệ thống thủy lợi rút nước ngọt từ các sông chánh để tưới tiêu các nông trường như ở Quản Lộ Phụng Hiệp (Cà Mau), Măng Thít (Trà Vinh), Bắc Bến Tre, Gò Công v .v...). Những lớp nước ngầm dọc theo duyên hải và nằm gần mặt đất cũng sẽ bị nhiễm mặn khi MNBDC 1 m.
    Riêng ở vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, nền đất rất thấp có nơi chỉ ngang hay nằm dưới mực nước biển và việc thiết kế những hệ thống lấy nước ngọt, các trạm bơm thủy lợi và các hồ chứa nước chỉ dựa vào mực nước biển ở thời điểm xây dựng và không để ý đến những ảnh hưởng của BĐKH vì thế khi MNBDC 1 m những công trình này sẽ bị ảnh hưởng và không còn hữu dụng.
    RFI : Thưa ông, còn về tác động của mực nước biển dâng cao đến sản xuất công nghiệp của Việt Nam?
    TS Huỳnh Long Vân: Khi MNBDC 1 m, một số khu kỹ nghệ sản xuất của 20 tỉnh thành sẽ bị ngập nước vĩnh viễn. Tổng cộng 16 khu kỹ nghệ ở TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng, trong đó 9 khu gồm khoảng 500 doanh nghiệp bị ngập vĩnh viễn, làm gián đoạn sản xuất, thu nhập suy giảm, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội của Việt Nam.
    Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam sản xuất 56% tổng sản phẩm chế xuất của Việt Nam nhưng là hai nơi có nhiều khu kỹ nghệ bị ảnh hưởng nhất.
    * Ở vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long có 19 khu kỹ nghệ đang hoạt động hay hiện đang được xây dựng bị ảnh hưởng khi nước biển dâng cao; 13 khu sẽ bị ngập vĩnh viễn, trong đó riêng tỉnh Long An có đến 6 khu gồm khoảng 100 doanh nghiệp sẽ bị ngập nước vĩnh viễn, đáng kể nhứt là nhà máy giấy Phương Nam được đầu tư với số vốn 92 triệu Mỹ kim để sản xuất giấy từ vật liệu của cây đay mọc ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây.
    * Ở các tỉnh miền Đông Nam (phần Bình Dương, Biên Hoà, Bà Rịa -Vũng Tàu), 55 khu kỹ nghệ sẽ bị ảnh hưởng hoặc bị ngập vĩnh viễn.
    MNBDC không chỉ gây ra gián đoạn hay khó khăn trong sản xuất mà còn dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Những tác động của tình trạng ô nhiễm môi trường trên ngư nghiệp, chất lượng của nguồn nước tiêu thụ và y tế công cộng gây ra bởi nước biển dâng cao chưa được đánh giá, tuy nhiên, chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng.
    RFI: Còn về ảnh hưởng trên sản xuất nông ngư nghiệp của Việt Nam?
    TS Huỳnh Long Vân: Khi MNBDC 1 m, những vùng đất phì nhiêu nhứt nằm trong châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn; 76% diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiện nay của Việt Nam sẽ bị ngập, và 90% diện tích bị ngập này nằm trong vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
    Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có những nơi nước mặn đã nhập sâu vào đất liền đến 50 km : như trong tháng 2 năm 2008, gặp lúc gió mạnh, thủy triều dâng cao đẩy nước mặn vào phía Nam các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Kiên Giang. Ở những cửa sông chánh của tỉnh Bến tre, nước mặn vào sâu đến 30-40 km và vào tháng 3 và tháng 4 lấn sâu vào đến 60 km. Ở tỉnh Trà Vinh, nước biển xâm nhập sông Tiền và sông Hậu khoảng 40 km. Nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn khi MNBDC 1 m thu hẹp diện tích canh tác nông nghiệp và năng xuất theo đó cũng bị giảm sút.
    MNBDC 1 m cũng ảnh hưởng đến ngư nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, với bờ biển dài khoảng 700 km và một hệ thống sông rạch chằng chịt cung cấp 69% thuỷ sản cho cả nước. Cà Mau trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô; thủy sản nuôi trồng trị giá 145 triệu Mỹ kim năm 1999 vượt lên đến 500 triệu vào năm 2005. Nuôi trồng thuỷ sản và đánh bắt cá góp phần cho cuộc sống của những người dân nghèo ở đây, tuy nhiên những thôn xóm và các ao nuôi tôm của thành phần này sẽ bị ngập nước hoàn toàn hay từng phần khi nước biển dâng cao 1 m.
    RFI: Mực nước biển chắc là cũng gây nhiều ảnh hưởng tai hại đến các vùng đa dạng sinh học và những khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam?
    TS Huỳnh Long Vân: Trước hết là về các vùng đa dạng sinh học.
    * Vùng cách bờ biển từ 0-1 km : bị ngập vĩnh viễn hay cực kỳ đe dọa.
    Ở đây có 22 vùng đa dạng sinh học sẽ bị ngập vĩnh viễn khi nước biển dâng cao 1 m, trong đó 20 vườn chim và 2 vườn quốc gia quan trọng là Cát Bà và Núi Chúa.
    * Vùng nằm trong vùng cách bờ biển từ 1-20 km : được xem như bị nguy hại, có 19 khu có thể bị đe dọa, trong đó có 8 vườn quốc gia và 2 vườn chim.
    * Vùng nằm ngoài khu vực 20 km có 62 khu vực đa dạng sinh học, không bị ảnh hưởng trực tiếp của nước biển dâng cao 1 m
    Trong số những vườn quốc gia bị ngập nước, có một số sinh vật đặc hữu của Việt Nam, như 9 loài chim hiện rất hiếm trên thế giới, trong đó có chim Già Đẩy Java, có thể bị tuyệt chủng, nếu không thể di trú đến nơi thích hợp khác.
    Còn về những khu bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam có 128 khu bảo tồn thiên nhiên.
    * Nằm trong phạm vị bị ngập vĩnh viễn hay cực bị kỳ đe doạ bởi nước biển dâng cao 1 m, có 36 khu bảo tồn thiên nhiên, rộng 604 km2 bị ngập vĩnh viễn. Ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, hai khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng và vườn chim Bạc Liêu sẽ bị ngập vĩnh viễn (hai khu thiên nhiên bảo tồn này có chức năng điều hòa phẫm chất của đất đai và nguồn nước xung quanh).
    * Những khu bảo tồn thiên nhiên khác tuy chỉ bị ngập từng phần nhưng cũng trở nên bị đe dọa trầm trọng trong trường hợp có giông bão và lụt lội lớn.
    * 29 khu thiên nhiên nằm cách xa bờ biển hơn 20 km không bị đe dọa ngập nước vĩnh viễn. Tuy nhiên, đây là những nơi một số dân cư sẽ di dời đến để tránh tình trạng ngập lụt do nước biển dâng cao. Điều này có thể gây ra những xáo trộn rất thường thấy trong xã hội Việt Nam như lấn chiếm đất đai, trộm cắp tài sản của người khác, phát hoang để sinh nghiệp khiến cho việc quản lý môi trường trở nên khó khăn hơn.
    RFI: Trước tình trạng nước biển dâng cao gây ra những tác động như trên thì theo ông, Việt Nam nên đề ra những biện pháp gì để ứng phó?
    TS Huỳnh Long Vân: Đứng trước những đe dọa của nước biển dâng cao 1 m vào năm 2100, để bảo vệ cuộc sống người dân và nền kinh tế của xứ sở, thiết nghĩ giới hữu trách của Việt Nam cần phải nghiên cứu và đề ra những biện pháp ứng phó
    Tuy nhiên, trước hết :
    1. Cần phải thận trọng trong việc thiết lập các kế hoạch ứng phó với những tác động của BĐKH vì mỗi địa phương gánh chịu những tác động và ảnh hưởng khác nhau.
    2. Các cấp của chánh quyền địa phương cần đạt được sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong các chương trình ứng phó với những tác động của BĐKH.
    3. Cần phải có những chương trình phác họa rõ rệt tầm vóc của những tác động của BĐKH trên từng ngành nghề và từng địa phương.
    4. Cần phải có kế hoạch cấp quốc gia để hướng dẫn cho các cấp ở địa phương thiết lập những chương trình thích ứng và giảm nhẹ những rũi ro gây ra bởi BĐKH.
    5. Cung cấp đầy đủ ngân sách để thực hiện các kế hoạch ứng phó.
    6. Cung cấp đầy đủ phương tiện kỹ thuật để các cơ quan đảm trách kế hoạch ứng phó có thể phân tích và đánh giá những rũi ro và từ đó thiết lập kế hoạch ứng phó.
    Một cách tổng quát, trước những tác động của MNBDC 1 m, Việt Nam cần phải nâng cấp và kiện toàn hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống đê của các vùng đã được ngọt hoá trong sản xuất nông nghiệp ; xây dựng và hoàn thiện các công trình giữ nước ngọt trong đồng bằng ; thiết lập các hệ thống cống đầu kinh. (Việt Nam cần phải thận trọng trong việc quy hoạch xây dựng các cống ngăn mặn vì các phương án loại này có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, làm acid hoá đất đai xung quanh, làm giảm khả năng sinh tồn của các loài thực vật, biến vùng nước phía sau các cống ngăn mặn thành những hồ chứa acid, ngăn cản cá di chuyển, làm giảm khu vực cung cấp dinh dưỡng cho các thủy sinh vật và nước biển không vào được bên trong để trung hoà các vùng đất chua. Trường hợp này đã xảy ra ở Úc khi các cống ngăn mặn thiết kế ở các vùng đất phèn) ; nghiên cứu xây dựng các đập ngầm ở các dòng sông chính, nghiên cứu những kỹ thuật canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi thích hợp với những điều kiện của BĐKH, tái tạo rừng phòng hộ v. v.
    Đối với các đề án xây dựng các khu kỹ nghệ, các cơ sở hạ tầng trong tương lai, tác động của nước niển dâng cao cần được đặt trong phương trình thiết kế xây dựng.
    Mặc dù Việt Nam là quốc gia nạn nhân của BĐKH gây ra bởi các quốc gia tân tiến, nhưng trước mối đe dọa chung của nhân loại thiết tưởng Việt Nam cũng cần áp dụng những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính như ngoài việc tận dụng nguồn thủy điện, cần nghĩ đến việc sử dụng những nguồn năng lượng thay thế khác như điện gió, điện mặt trời v. v.
    Ngoài ra, Việt Nam cần nắm lấy cơ hội chánh phủ Nhật Bản trong đầu tuần tháng 7/2015 đồng ý viện trợ cho 5 quốc gia hạ lưu Mekong (Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam) xây dựng và phát triển “các cơ sở hạ tầng có phẩm chất cao” và từ đó giảm dần sự lệ thuộc vào các chương trình viện trợ ODA của Trung Quốc để khỏi phải tuân thủ những điều kiện bắt chẹt của các hợp đồng PCE buộc phải mua sắm những trang bị máy móc gây ô nhiễm môi trường thuộc loại phế thải của Trung Quốc
    Những cam kết cắt giảm khí nhà kính đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH ở Copenhagen năm 2009 chỉ làm giảm 40% khối lượng khí nhà kính phát thải cần thiết để giữ nhiệt độ không khí không tăng quá 2°C so với thời kỳ tiền kỹ nghệ. Vì thế hy vọng ở Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH sắp tới ở Paris vào cuối năm 2015 với đông đủ thành phần lãnh đạo các quốc gia, tổ chức Liên Hiệp Quốc và đại diện của những tập đoàn sản xuất hàng đầu trên thế giới, có thể đạt được những quyết định cụ thể và tích cực nhằm ứng phó với những tác động nguy hại của BĐKH.
    Chúng ta không mong đợi một sớm một chiều thế giới sẽ thiết lập được một nền kinh tế “hoàn toàn phi CARBON” như các “tổ chức green bảo vệ môi trường” đòi hỏi, nhưng chuyển hướng việc sử dụng năng lượng theo đường hướng thân thiện hơn với môi trường là phương sách hợp lý đáng theo đuổi (sử dụng tối đa khí đốt thiên nhiên, điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện hạt nhân - nếu điều kiện an toàn cho phép -, than sạch v. v.).
    Trong chiều hướng này, chúng ta mong mỏi các quốc gia phát triển đầu tư nhiều hơn nữa vào các chương trình phát triển nguồn năng lượng sạch khác, nghiên cứu tiềm năng của sóng biển, nghiên cứu những kỹ thuật khả thi để thu gom và chôn nén khí thải trong lòng đất hay dưới đáy các đại dương và tìm cách cải thiện, nâng cao hiệu xuất và hạ thấp giá thành thiết kế của nguồn điện mặt trời để trong tương lai không xa mỗi mái nhà sẽ là một lò phát điện nhỏ gọn của từng gia đình.
    RFI: Xin cám ơn tiến sĩ Huỳnh Long Vân.

    Không có nhận xét nào: