Pages

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

'VN cần Đổi Mới 2 và cải cách thể chế'

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trả lời BBC
Image captionTS Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam đang cấp bách cần tới một cuộc đổi mới hai về thể chế và kinh tế, xã hội.
Sau 70 năm Cách mạng Tháng Tám và gần 30 năm cuộc Đổi Mới khởi xướng từ Đại hội lần thứ sáu của Đảng Cộng sản, Việt Nam nay đang có nhu cầu 'cấp bách' tiến hành một cuộc ' Đổi Mới lần hai' về cải cách kinh tế - xã hội và thể chế.
Ý kiến trên được một nhà phân tích kinh tế, chính trị Việt Nam đưa ra bên lề một Hội thảo tư tại Đại học Humboldt, CHLB Đức trong dịp Hè 2015.

Trao đổi với BBC tại Berlin, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nêu quan điểm:
"Việt Nam hiện nay đang đứng trước một yêu cầu rất cơ bản và cấp bách là đổi mới lần thứ hai, mà trong đó trọng tâm là cải cách thể chế.
"Một là Việt Nam đang hội nhập rất sâu và thể chế của Việt Nam có nhiều điểm chưa tương thích với thể chế mà Việt Nam đang hội nhập.
"Điều thứ hai cũng quan trọng là với thể chế hiện nay của Việt Nam, thì xếp hạng của Việt Nam về 'môi trường kinh doanh' của Ngân hàng Thế giới về 'năng lực cạnh tranh' của Diễn đàn Kinh tế thế giới và về 'chỉ số cảm nhận tham nhũng' của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đều rất thấp và chậm có cải tiến."

Trở ngại chính

Trước câu hỏi đâu là trở lực chính cho một cuộc đổi mới, cải cách lần thứ hai về kinh tế, thể chế, nếu có ở Việt Nam trong thời gian tới đây, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho hay:
"Trở ngại chính cho cuộc cải cách lần thứ hai ấy là có một số người hiện nay đã hình thành các lợi ích nhóm và những người ấy có chức, có quyền.
"Họ dùng quyền, chức vụ của họ để thu lợi một cách bất chính và lợi ích nhóm một cách bất chính đó đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra, nhưng cho đến nay chưa thấy đã làm được những động tác gì để giảm lợi ích nhóm và kiểm soát lợi ích nhóm.
"Và chính những người này là những người hiện nay đang trì hoãn, cản trở hoặc không muốn thực hiện cải cách thể chế."
Khi được hỏi đâu là nút bấm chính mà Việt Nam cần nhấn vào đó để khai mở và khởi động cuộc cải cách lần thứ hai này, nguyên thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dưới thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói:
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionViệt Nam đã nhận thức được trở lực chính cho cải cách, nhưng liệu có thể dám xử lý để vượt qua và đi tới?
"Cuộc cải cách hai đó, cái nút bấm đó phải là quyết định của Quốc hội cải cách một cách rất cơ bản mô hình thể chế của Việt Nam hiện nay, phải đảm bảo có các tổ chức giám sát độc lập để giám sát quyền lực, để giám sát bộ máy, giám sát việc chi tiêu của chính phủ và giám sát việc đầu tư công một cách độc lập.
"Và người dân có thể tham gia. Vì Chính phủ Việt Nam hiện nay tuyên bố là chính quyền 'của dân, do dân, vì dân' và 'dân biết, dân làm, dân tham gia', nhưng hiện nay không có luật tiếp cận thông tin thì người dân biết gì?"

Giám sát độc quyền

Và nhà phân tích nhấn mạnh thêm khi đưa ra một ví dụ về ai giám sát các tổ chức độc quyền ở Việt Nam hiện nay.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói: "Cần phải có một bộ máy trực tiếp và độc lập để giám sát, chứ nếu không có bây giờ ai giám sát công ty độc quyền?
"Bây giờ cũng lại Bộ ấy vừa quản lý nhà nước, vừa là chủ sở hữu lại vừa giám sát mấy ông độc quyền.
"Ông độc quyền thì ông có quyền của ông ấy, tài chính của ông ấy, tiền bạc của ông ấy rất lớn, thế còn dân đông đảo như thế này, thì dân biết gì? Chả biết gì cả, lại cũng không có quyền, cho nên dân trở thành một đa số im lặng.
"Còn một số thiểu số hết sức có quyền lực và có khả năng chạy đến nói với ông này, nói với ông kia, rồi lobby (vận động hành lang) các chính sách, các luật pháp, các dự án đầu tư công...
"Và Việt Nam chưa có luật về lobby, tức là không biết những ai được ảnh hưởng gì tới những quyết định của Chính phủ. Đầy là những điều mà chúng ta (Việt Nam) cần phải làm trong thời gian sắp tới đây.
"Và điều ấy không dễ dàng bởi vì nó sẽ hạn chế, thậm chí nó tước bỏ lợi ích nhóm của một số người, nhưng một số người hiện nay giàu lên rất nhanh vì người ta có quyền ăn chênh lệch giá đất, vì là người ta cho phép ai đó đốn hết gỗ ở Tây Nguyên đi.
"Vì là người ta cho phép ai đó được khai thác mỏ, tài nguyên, rồi sau đó (tài nguyên) mỏ đó được xuất đi đâu cũng không rõ ràng."

Nhân tố hy vọng

Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội 6 đã khởi động cuộc đổi mới kinh tế và thể chế, trước câu hỏi liệu Đại hội lần thứ 12 tới đây 'có dám' đưa ra một cuộc đổi mới hai mang tính chất lịch sử hay không, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm:
Image copyrightBBC World Service
Image captionViệt Nam đã cam kết gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo nhà phân tích.
"Hiện nay đang có những nhân tố để chúng ta có thể hy vọng, nhân tố rất quan trọng là chuyến thăm lịch sử của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ và được Tổng thống Obama đón tiếp rất trọng thị ở phòng Bầu dục và trong đó hai bên đã có cam kết tôn trọng lẫn nhau.
"Và Việt Nam cam kết sẽ gia nhập Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu gia nhập cái đó, Việt Nam phải tôn trọng một số cam kết về mặt nhân quyền, về mặt tự do được thành lập công đoàn.
"Và nhân quyền ở đây không có cái gì to tát, cũng không có câu chuyện gì là diễn biến hòa bình cả, đấy là quyền của người dân được biết thông tin.
"Đấy là quyền của người dân được phát biểu ý kiến, đấy là quyền của người dân được biểu tình; như là đốn cây xanh ở Hà Nội thì người dân có quyền đi biểu tình để phản đối việc đốn cây xanh ấy. Tất cả điều đó không có gì ghê gớm cả và một quyền nữa là quyền lập hội.
"Tất cả quyền đó, Hiến pháp Việt Nam đã có quy định, nhưng đến bây giờ chưa có luật, thì hy vọng Đại hội 12 này sẽ có một bước chuyển biến và thừa nhận những quyền đó, thực thi Hiến pháp mà chính Quốc hội Việt Nam đã thông qua," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC.
Quý vị có thể theo dõi toàn văn nội dung cuộc phỏng vấn của BBC với TS. Lê Đăng Doanh trên kênh YouTube của chúng tôi tại đây.

Không có nhận xét nào: