Pages

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Ý nghĩa của các “trục châu Á” đối với an ninh khu vực?

Mỹ có vẻ muốn cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng cách khôi phục quan hệ đối tác với các đồng minh cũ trong khu vực, đồng thời vươn tới các nước “đồng chí hướng” khác nhằm thu hút sự ủng hộ của họ đối với các sáng kiến của nước này.

101229_98408649.jpg

Năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tên gọi “xoay trục sang châu Á" hay còn gọi là “chiến lược tái cân bằng”, với mục đích nhấn mạnh vai trò của nước này và bơm luồng sinh khí mới vào sự hiện diện kinh tế và an ninh của họ trong khu vực. Mỹ có vẻ muốn cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng cách khôi phục quan hệ đối tác với các đồng minh cũ trong khu vực, đồng thời vươn tới các nước “đồng chí hướng” khác nhằm thu hút sự ủng hộ của họ đối với các sáng kiến của Mỹ.

Một năm sau đó, Mỹ lại cố gắng tiếp sinh lực cho các liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Úc, đồng thời cố gắng vươn tới các nước khác như Ấn Độ nhằm tạo thành một nhóm lớn hơn và hiệu quả hơn để ủng hộ lập trường của Mỹ trong nền chính trị khu vực. Tuy nhiên, có thể nói, sự quay lại của Mỹ không gây ấn tượng mấy bởi có nhiều chia rẽ trong nội bộ các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như sự thiếu tin cậy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, thiếu đồng thuận giữa các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Ấn Độ và các nước thành viên của ASEAN về động thái của Mỹ, và quan trọng hơn là sự suy giảm năng lực của nước này. Những yếu tố đó khiến chính sách “xoay trục” của Mỹ kém hấp dẫn hơn trong những năm tiếp theo. Mới đây, Hội nghị tại Hawaii để thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không đạt được bước tiến rõ ràng nào. Trong khi đó, kế hoạch thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã triển khai thành công, với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc.

Một trục nữa chưa được nói đến, nhưng cũng không kém phần quan trọng so với “trục châu Á” của Mỹ, đang nổi lên từ từ nhưng với nhịp độ dứt khoát hơn trong không gian chính trị và kinh tế của châu Á-Thái Bình là “trục châu Á” của Trung Quốc. Trung Quốc đã nổi lên như một trung tâm châu Á-Thái Bình Dương, hiện là đối tác thương mại số 1 của hầu hết các nước trong khu vực. Với việc thiết lập thành công AIIB và triển khai sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc hầu như đã trở thành một trục của toàn khu vực trong lĩnh vực kinh tế. Trong lĩnh vực an ninh cũng vậy, Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh bạo hơn. Bắc Kinh đã thận trọng loại bỏ chính sách cũ “giấu mình chờ thời” và trở nên mạnh bạo trong các mục tiêu ngoại giao. Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ không chấp nhận bất cứ bộ luật ứng xử nào đối với Biển Đông. Năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông. Có khả năng Trung Quốc muốn tuyên bố “trục” của mình một cách rõ ràng và công khai trong thời điểm này, cho dù họ chưa nóng lòng thực hiện ngay lập tức.

Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, cũng có ý định thiết lập "trục châu Á" riêng. Sự thay đổi hướng đi của Nhật Bản trong những năm gần đây đã tạo nên một chính sách hiếu chiến, làm xói mòn hiến pháp hòa bình và loại bỏ tất cả những hạn chế về vai trò của quân đội nước này trong nền chính trị khu vực. Lấy lý là Trung Quốc ngày càng có những hành động hiếu chiến và sự cần thiết phải có phản ứng tại châu Á-Thái Bình Dương, Tokyo đã thuyết phục được Mỹ rằng sự thay đổi diện mạo của Nhật Bản là rất cần thiết. Tuy nhiên, Nhật Bản nhận thấy các nước láng giềng không tỏ ra vui vẻ với nỗ lực trở thành một “trục châu Á” của Tokyo. Do đó, họ đang cố gắng vươn tới các nước ở xa, trong đó có Ấn Độ, để thu hút sự ủng hộ.

Trong khoảng một năm rưỡi qua, tức là sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga cũng cố gắng can dự nhiều hơn với châu Á. Moskva đã ký một thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ và đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Có tin cho biết Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cũng là một phần trong chương trình xây dựng “trục châu Á” của Nga. Nga quan tâm hơn đến lĩnh vực kinh tế của khu vực. Tháng 4/2014, Moskva đã tuyên bố thành lập Đặc khu kinh tế tại Vladivostok để vươn tới các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Còn một số “trục châu Á” nữa, như tập thể ASEAN, vẫn đang cố gắng tạo nên một con đường chính trị khu vực. Trong khi đó, những lợi ích khu vực ngày càng tăng của Ấn Độ cũng có thể là yếu tố quan trọng định hình tương lai của khu vực này.

Với tất cả các “trục châu Á” trên, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành nơi cạnh tranh giữa nhiều “người chơi”. Một khu vực có vô số “trục” có nghĩa là không ai có ảnh hưởng quan trọng đối với an ninh và kinh tế khu vực, do đó sẽ dẫn tới tình hình phức tạp và gây bất ổn hơn đối với khu vực.

Tác giả là Giáo sư Sandip Kumar Mishra thuộc Khoa Nghiên cứu Đông Á, trường Đại học Delhi. Bài viết đăng trên “IPCS.”

Anh Thư (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: