Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010-12-09
Lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam tính đến thứ Tư đã lên tới 18%, kéo lãi suất cho vay lên cao, vào khi các ngân hàng thương mại trong nước đua nhau áp dụng mọi hình thức hấp dẫn để chiêu dụ người gởi tiền.
AFP
Tiền đồng Việt Nam
Hậu quả dây chuyền khi tăng lãi suất tiền gởi
Lãi suất của đồng bạc Việt Nam, từ 11 đến 11,5%, tiếp tục leo thang trong hơn một tháng qua, đến thứ Tư vừa rồi thì đạt đĩnh 18% trên những khoản ký thác ngắn hạn. Hậu quả là lãi suất cho vay cũng tăng theo, từ 13 hay 14% vọt lên 19 đến 21% một năm tùy từng cách vay.
Trong lúc các ngân hàng thương mại đua nhau sử dụng những hình thức hấp dẫn để chiêu dụ khách hàng, dư luận lại thắc mắc phải chăng lãi suất đồng bạc được thả nổi, còn các chuyên gia kinh tế thì lo cảnh báo về tình trạng nghiêm trọng bất thường này.
Dưới mắt chuyên gia kinh tế tài chánh Bùi Kiến Thành, cố vấn cấp cao cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà Nội, đây là chuyện cần phải giải quyết:
Theo nguyên tắc thì không được cho vay trên 50% cái lãi suất cơ bản, ví dụ như 9% thì ngân hàng không được cho vay 9% cộng với 4,5 tức là 13,5. Đó là qui định của luật dân sự.
Nếu mà chính phủ bảo rằng không cần theo luật dân sự đó nữa không giới hạn gì cả, ngân hàng muốn huy động vốn trong nhân dân, tức là vào sổ tiết kiệm bao nhiêu thì huy động, cho vay với lãi suất bao nhiêu thì cho vay theo thị trường, thì từ ngày mùng 4 tháng Mười Một đến nay là nó loạn lên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ lãi suất huy động 11-12 %
Ngân hàng Vietcombank. Ảnh minh họa, AFP
nhảy lên 14-15% và hôm nay nhảy luôn lên cả 17-18% .
Đặt vấn đề là nếu lãi suất tiền gởi vào cao như vậy thì lãi suất cho vay ra cũng phải tăng rất cao:
Ngân hàng huy động vốn trong sổ tiết kiệm 17-18% thì cho doanh nghiệp vay với lãi suất nào bây giờ? Tất nhiên phải trên 17-18% , có nghĩa là lên tới 20- 21- 22%, như vậy rất là khó cho doanh nghiệp họat động.
Đây là vấn đề cực lớn trong việc phát triển cũng như ổn định kinh tế, ông nói tiếp, bởi khi lãi suất cao thì đương nhiên chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sẽ cao lên, kéo giá thành sản xuất cao lên:
Giá thành sản xuất cao lên thì gía bán cao lên, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng CPI, là thước đo lạm phát. Nhà nước muốn ghìm mức lạm phát dưới 7% , dưới 8% rồi bây giờ dưới bao nhiêu phần trăm mà thả nổi lãi suất như vậy thì tự nhiên nó phản ảnh lên giá sản xuất và giá tiêu dùng.
Tình hình cho thấy một số ngân hàng thương mại trong nước đang cố sức huy động vốn bằng lãi suất cao, mặt khác chừng như đang ngưng việc tung tiền cho vay ra.
Chuyên gia kinh tế tài chánh Bùi Kiến Thành cảnh báo rằng đây là điều nguy hiểm thứ nhì, bởi khi doanh nghiệp không vay được vốn sản xuất bị ngưng trệ, kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng thay vì phát triển bền vững.
Tiến Sĩ Vũ Đình Ánh, cũng là chuyên gia kinh tế trong nước, giải thích sự việc một số ngân hàng thương mại đẩy lãi suất lên đến 17-18% là chuyện có tính cách ngắn hạn:
Đó chỉ là những cái lãi suất trong ngắn hạn kể cả thời gian áp dụng cũng như thời gian trả lãi suất. Đó là vấn đề thứ nhất, chứ không phải là tất cả đồng lọat tăng lên 17-18% và sau đó chặn lại.
Ông cho rằng lãi suất ký thác và lãi suất cho vay hiện đã lên quá cao, cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện đã quá đà, và chính phủ cần phải có biện pháp can thiệp.
Làm sao kiểm soát và kiềm chế lạm phát
Theo kinh tế gia Vũ Đình Ánh, có hai nhóm biện pháp để can thiệp vào tình thế lãi suất đội trần hiện nay:
Nhóm thứ nhất là sử dụng các biện pháp kiểm soát liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất cơ bản, các công cụ khác về chính sách tiền tệ để làm sao thực hiện cho có hiệu quả nhằm kiểm sóat và kềm chế lạm phát, phải ngăn chặn vòng xoáy lạm phát . Kiểm sóat được lạm phát thì mới có cơ hội để hạ được lãi suất, không để chuyện tăng lãi suất đẩy lạm phát lên cao. Đó là nhóm thứ nhất.
Nhóm thứ hai, theo quan điểm của tôi, phải có sự kết hợp giữa công cụ của chính sách tiền tệ với các biện pháp liên quan tới tỷ giá hối đoái để tạo cân bằng trong thị trường tiền tệ cũng như thị trường tín dụng ngân hàng.
Nhóm thứ ba, kinh tế gia Vũ Đình Ánh trình bày tiếp, ngoài những biện pháp kinh tế đã nêu, nhà nước cũng cần áp dụng cả
Quầy rút tiền và gởi tiền ở ngân hàng. AFP
biện pháp hành chính để ngăn chặn cuộc đua lãi suất quá đả hiện nay từ các ngân hàng thương mại:
Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố thả nổi lãi suất cả. Theo tôi thì trên thế giới cũng chưa chính phủ nào dám thả nổi hay là để cho lãi suất muốn thế nào cũng được mà không can thiệp bằng chính sách tiền tệ. Đó là vấn đề thứ nhất.
Thế còn vấn đề thứ hai, cần phải bổ sung các biện pháp kinh tế khác để mong tạo ra cái hiệu ứng đồng bộ liên quan đến việc kiểm sóat lạm phát.
Thế còn liên quan đến câu chuyện về biện pháp hành chính thì có thể nói không phải là tất cả mà chỉ có một số ngân hàng thương mại thôi và họ tạo ra cái làn sóng chạy đua lãi suất, nên tôi cho rằng chính phủ có thể làm việc riêng với từng ngân hàng thương mại để mà giải quyết các vấn đề của họ, kể cả những vấn đề chủ quan do cách điều hành của ngân hàng như giải quyết những vấn đề nằm sâu trong bản chất của ngân hàng mà đã đi đầu trong sự việc chạy đua lãi suất nặng. Đó là những biện pháp hành chính tôi nghĩ là khả dĩ.
Khi đó, ông nhắc lại, lãi suất đã lên tới trên dưới 20%, trong khi lạm phát của cả năm 2010 này theo ông chỉ giao động ở mức khoảng 11 đến 12%.
Chính phủ cần phải có biện pháp hữu hiệu, ông kết luận, để có thể giải quyết tình trạng lãi suất bất hợp lý đang tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, làm méo mó hệ thống tài chính tiền tệ và khiến cho những nguồn vốn luân chuyển không hướng đến mục tiêu gia tăng phát triển kinh tế như chính phủ đề ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét