Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-12-09
CG 2010 vừa kết thúc tại Hà Nội. Năm nay, các nhà tài trợ tiếp tục cam kết cho Việt Nam khoản vốn vay phát triển 7 tỷ 900 triệu đô la.
AFP photo
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (giữa) phát biểu tại phiên bế mạc CG 2010 hôm 8 tháng 12 năm 2010.
Nhân dịp này, Gia Minh hỏi chuyện tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia Cục Thống kê Liên hiệp quốc về nhận định tình hình vốn ODA, việc sử dụng hiệu qủa nguồn vốn đó, cũng như một số vấn đề kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Trước hết ông cho biết về cách biệt trong cam kết vốn vay cho Việt Nam và giải ngân trong thời gian qua:
Có sự cách biệt đó vì tùy theo việc thực hiện từ phía Việt Nam. Nếu việc thực hiện không phù hợp hay không đúng tiến độ, không đúng điều đã ký kết thì không được giải ngân. Đơn cử dự án cải tạo các dòng sông ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh đã được cam kết rồi nhưng bị rút lại vì không làm đúng cam kết.
Vấn đề cam kết chỉ là bước đầu, sau đó tùy thuộc vào cam kết thực hiện từ phiá Việt Nam.
Ai sẽ theo dõi?
Gia Minh: Phiá Việt Nam vẫn cho rằng họ sử dụng hiệu quả những nguồn vốn quốc tế cam kết cho các dự án phát triển tại Việt Nam?
Tiến sĩ Vũ Quang Việt: Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam tốt hơn các quốc gia Phi châu…; nhưng điều đó không có nghiã thật sự Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ODA. Nhiều chuyện mà ai cũng biết như việc xây dựng đường xá sau đó bị sụp… Như thế phải xét lại vấn đề.
Trên thế giới hiện còn rất ít quốc gia quá dựa vào ODA như Việt Nam. Do đó các Tổ chức Quốc tế cần có những chỗ để tích cực ủng hộ, mà Việt Nam là một trong những nước được chọn. Ngươì ta cũng cố làm cho hoạt động phát triển tại Việt Nam thành công. Tuy nhiên, điều đó không có nghiã trong đánh giá, người ta ‘hoàn toàn’ như thế.
Các tổ chức quốc tế khi được đặt ra phải kiếm được chỗ nào để ủng hộ. Sự sống còn của những tổ chức quốc tế như World Bank là phải cho vay là giúp những quốc gia thực hiện tốt. Có hai vấn đề: người ta không thể ‘đẩy’ nước vay đi quá mức, và cũng không thể phê bình nước đó quá mức được. Việc đánh giá thực hiện phải ‘đắn đo’.
Gia Minh: Việc theo dõi hiệu quả như thế nào?
Tiến sĩ Vũ Quang Việt: Vấn đề theo dõi hiệu quả là của chính quốc gia vay đó, chứ sự theo dõi của những tổ chức quốc tế cũng chỉ đến mức độ nào đó thôi.
Tôi có kinh nghiệm trong việc theo dõi thực hiện dự án. Nếu khi một dự án nào đó đã được đưa ra rồi, đã thực hiện một phần; giả dụ có theo dõi cũng không muốn gây quá khó khăn cho nước thực hiện đó. Nếu muốn có cản lại cũng không phải dễ dàng.
Nếu cá nhân theo dõi muốn dự án được làm đúng như điều đã cam kết, cá nhân đó phải ‘cực kỳ; cam đảm; nếu không chính cá nhân đó có thể bị chính phủ đó đẩy ra khỏi, và rồi tổ chức quốc tế cũng yêu cầu người đó đi về. Đây là vấn đề hết sức phức tạp.
Các nhà kinh tế có đánh giá: việc một nước dựa vào đầu tư, viện trợ của nước ngoài sẽ không thành công, hoàn toàn thất bại. Như các nước ở Phi Châu, nhiều tiền của đổ vào mà không thể phát triển được. Như thế việc sử dụng ODA để phát triển là do chính nước đó, chính các nhà chính trị, dân chúng, báo chí theo dõi. Còn sự theo dõi của các tổ chức quốc tế ở mức độ rất giới hạn thôi.
Lượng đổi chất có đổi?
Gia Minh: Chính quyền Việt Nam và các giới chức Việt Nam phản bác ý kiến cho rằng Việt Nam đang chạy theo phát triển về mặt lượng mà không về mặt chất; tức phát triển bền vững. Lập luận của phía Việt Nam là ‘lượng đổi thì chất đổi’, ông có ý kiến thế nào?
Toàn cảnh lễ khai mạc CG 2010 giữa Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc và các nước viện trợ cho VN tại Hà Nội. AFP photo
Tiến sĩ Vũ Quang Việt: Đó chỉ là biện hộ thôi. Ai cũng thấy, cũng biết phát triển hiện nay của Việt Nam không chất lượng, và như thế không bền vững được. Qua theo dõi báo chí từ đời sống con ngươì cho đến môi trường, những đầu tư đóng góp gì cho phát triển kinh tế? Câu trả lời cho thấy môi trường bị phá huỷ, kinh tế hạn chế…
Ai cũng biết điều đó, cho nên nói đó là chất lượng không đúng. Chất lượng nằm ở chỗ chính những đóng góp của đầu tư tại Việt Nam cho phát triển.
Trong thực tế đầu tư của Việt Nam rất lớn mà tạo ra sản phẩm rất thấp; như thế đầu tư phí phạm. Con số thống kê rất rõ, ví dụ đầu tư 7 mới sản xuất ra 1; trong khi đó ở nước khác người ta đầu tư 3 hay 4 để sản xuất ra 1.
Trong những tháng cuối năm nay, cũng như từ năm 2008 đến nay, Việt Nam không thể ngưng phát triển ‘nóng’ dẫn đến lạm phát và nhiều vấn đề khác. Nếu tiếp tục mức lạm phát trong hai tháng cuối năm nay, thì mức lạm phát lên 25% rồi. Đó là mức gần bằng năm 2008. Riêng cả năm nay lạm phát có thể hơn 10%. Đó là lý do đưa đến khủng hoảng vàng, đô la. Ngươì dân chạy theo vàng, đô la để phòng vệ trước lạm phát.
Đó là tình trạng bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam.
Gia Minh: Cám ơn Tiến sĩ Vũ Quang Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét