Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Mỹ giảm ngân sách quốc phòng nhưng vẫn hiện diện mạnh mẽ tại Châu Á

Một thủy thủ trên khu trục hạm Mỹ USS Fitzgerald (Reuters)
Một thủy thủ trên khu trục hạm Mỹ USS Fitzgerald (Reuters)

Nợ công chồng chất đã buộc Mỹ phải cắt giảm ngân sách nhà nước, trong đó có phần liên quan đến quốc phòng, có thể lên đến cả trăm tỷ đô la mỗi năm. Sự kiện này đã làm dấy lên mối lo ngại là vai trò của Mỹ trên thế giới, nhất là tại Châu Á, có thể bị tác hại. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, do tính vượt trội của quân đội Mỹ, việc giảm ngân sách quốc phòng sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng.

Phải nói là hiện nay, chi phí quân sự hàng năm của nước Mỹ lên đến 700 tỷ đô la, nhiều hơn bất kỳ quốc gia khác trên thế giới. Theo một số ước tính, ngân sách quốc phòng của Mỹ tương đương với hơn 40% chi phí quân sự của toàn thế giới cộng lại. Ngay cả khi tính tỷ lệ ngân sách quốc phòng so với Tổng sản phẩm quốc nội GDP, Hoa Kỳ vẫn là nước giữ kỷ lục về mức chi cho quân sự. 
Chỉ lấy trường hợp của Trung Quốc, nước đứng thứ hai thế giới về chi phí quốc phòng, thì nước này cũng chỉ có ngân sách quân sự trung bình khoảng 80 tỷ đô la, chẳng thấm vào đâu so với Mỹ. Hai cường quốc quân sự khác là Anh và Pháp cũng chỉ chi tiêu khoảng 65 tỷ đô la một năm mà thôi.
Ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu phình lên từ năm 1998, và đã tăng lên liên tục trong vòng 13 năm cho đến năm nay. Tỷ lệ tăng trong giai đoạn đó được ước tính khoảng 70%. Quyết định của Lưỡng viện Quốc hội Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng vào đầu tháng Tám, do đó là một sự kiện hiếm thấy, phản ánh sự bức bách của tình thế.
Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ tiết giảm ngân sách quốc phòng. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Tổng thống Eisenhower đã cắt giảm 27%. chi tiêu quốc phòng. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, kết thúc năm 1975, đến lượt Tổng thống Nixon giảm bớt 29% chi phí quân sự. Ngay cả Tổng thống Ronald Reagan cũng hạn chế bớt quy mô chi tiêu quốc phòng trong thập niên 1980, khi thấy chiến tranh lạnh đã trở nên bớt căng thẳng, một xu thế được hai người kế nhiệm là George HW Bush và Bill Clinton đẩy mạnh, giảm đến 35% ngân sách quốc phòng vào giữa những năm 1990.
Quy mô cắt giảm rất đáng kể : gần một trăm tỷ đô la mỗi năm
Dẫu sao thì lần này, quy mô cắt giảm ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ rất đáng kể, lên đến cả ngàn tỷ đô la, trải dài trong vòng 10 năm. Một cách cụ thể, theo thỏa hiệp tại Quốc hội Mỹ về vấn đề nâng trần nợ công, thông qua hôm 2/8 vừa qua, ngân sách dành cho quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ bị cắt bớt 350 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới.
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa hết : Thỏa thuận ngày 2/8 còn dự trù thành lập một Ủy ban đặc biệt của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội để tính toán các khoản cắt giảm chi tiêu đợt hai. Nếu Ủy ban này không đạt được thỏa thuận về các khoản cắt giảm mới trước cuối năm nay, thì lập tức ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ còn có nguy cơ bị cắt giảm thêm 600 tỷ đô la nữa.
Lẽ dĩ nhiên, các giới chức trong Bộ Quốc phòng và Quân đội Mỹ hoàn toàn không hài lòng trước tình huống xấu đi rõ rệt này. Trong buổi họp báo đầu tiên trong cương vị lãnh đạo Lầu năm góc hôm 4/8, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã phản đối điều bị ông coi là “không thể chấp nhận được” vào lúc mà theo ông, nền an ninh Hoa Kỳ đang gặp nhiều thách thức.
Theo ông Panetta, nếu ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nhiều, nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ sẽ bị thiệt hại. Đối với ông, Hoa Kỳ “có trách nhiệm phải chứng tỏ mình là một cường quốc thế giới để những nước mới nổi lên hiểu rằng, Mỹ vẫn đang có một nền quốc phòng mạnh”.
Dù không nói trắng ra, ông Panetta hàm ý chỉ Trung Quốc, đang không ngừng tăng cường ngân sách quốc phòng để đánh bật ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi châu Á.
Cùng quan điểm với tân Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen cũng xác định là việc cắt giảm chi tiêu trong tương lai sẽ làm giảm sút năng lực của quân đội Mỹ trong các nhiệm vụ quốc tế.
Tranh luận như vậy đã nổi lên giữa chính quyền và giới chức quốc phòng Hoa Kỳ về tác động của việc xiết chặt chi tiêu quân sự. Câu hỏi đặt ra là liệu ngân sách bị eo hẹp đi có làm cho uy lực quân sự của Hoa Kỳ trên trường quốc tế bị thương tổn hay không ?
Đối với các nước châu Á đang lo ngại trước đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc, nước trong thời gian gần đây không ngần ngại dùng uy thế của mình để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ từ vùng biển Hoa Đông, đến vùng Biển Đông, câu hỏi lại càng gay gắt hơn vì cho đến nay, Bắc Kinh vẫn còn chưa dám hành động quá trớn vì còn e dè trước sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong vùng.
Để hiểu rõ thêm vấn đề này, RFI đã đặt câu hỏi cho nhà báo Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California. , Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Ngô Nhân Dụng xác định trước hết là quy mô việc cắt giảm ngân sách quốc phòng Mỹ lần này đã phần nào cụ thể, vì đã từng được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates loan báo ngay từ đầu năm 2011 trước Quốc hội Mỹ. Các khoản bị cắt giảm chủ yếu sẽ là các chương trình vũ khí tối tân nhưng tốn kém như các dự án trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội như loại chiến đấu cơ F-35 hay tàu đổ bộ loại lớn gọi là Littoral Combat Ship.
Tuy nhiên, đối với ông Ngô Nhân Dụng, dù cho ngân sách quân sự có bị cắt giảm, nhưng vì nền quốc phòng Mỹ vẫn thuộc loại hùng mạnh nhất thế giới hiện nay, vai trò của Mỹ trên trường quốc tế sẽ không bị tổn hại. Riêng tại vùng Châu Á, ông Ngô Nhân Dụng cho rằng Hoa Kỳ không chỉ tiếp tục duy trì sự hiên diện của lực lượng Hải quân Mỹ của họ, mà lại còn tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia đồng minh, từ Thái Lan cho đến Philippines, và mở rộng liên lạc với các nước khác như Indonesia hay Việt Nam. Mời quý thính giả theo dõi bài phỏng vấn.

Không có nhận xét nào: