Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Thực lực sức mạnh quân sự Trung Quốc

Bài 1: Hiện đại hóa quân sự

Trung Quốc ngày nay, không như thời Đặng Tiểu Bình với phương châm “Thao quang dưỡng hối” (Ẩn mình để không lộ thực lực), sẵn sàng phô diễn sức mạnh quân sự và thậm chí không che đậy tham vọng “tranh bá đồ vương” với Mỹ. Sự phô bày những con tàu chiến mang tính đe dọa để bảo vệ luận điểm “đường lưỡi bò” của họ tại biển Đông là một cụ thể. Tuy nhiên, liệu quân sự Trung Quốc đã thật sự đủ mạnh để học làm anh siêu cường như được miêu tả và mong muốn, hay tất cả chỉ là những cường điệu thái quá, với mục đích gì đó; và đó là mục đích gì?

* Đề Án Chiến Lược Hành Lang Trung-Lào-Campuchia
* Cuộc chạy đua vũ trang không tránh khỏi ở biển Đông
“Tân thời kỳ quốc gia quân sự chiến lưc phương châm” thể hiện điều gì?


Trung Quốc đã khiến giới chức quân sự phương Tây bất ngờ khi đem “khoe” hơn 25 mẫu máy bay không người lái (UAV) tại cuộc triển lãm hàng không Chu Hải (Quảng Đông) giữa tháng 11-2010 (1). Một số mẫu UAV thế hệ mới có thể bắn tên lửa và có một mẫu (WJ-600) hoạt động bằng động cơ phản lực – có nghĩa về lý thuyết, có thể bay nhanh hơn các loại UAV Predator và Reaper (chạy bằng cánh quạt) mà quân đội Mỹ sử dụng tại Iraq, Afghanistan và Pakistan. Chưa hết, cuối tháng 12-2010, loạt tin “rò rỉ” cho thấy Trung Quốc đã chế tạo thành công máy bay “tàng hình” thế hệ thứ tư J-20 (vài nguồn khác ghi “thế hệ thứ năm”). Một tuần sau khi những bức ảnh J-20 “lộ” lên mạng, Phó đô đốc David Dorsett (giám đốc Cục tình báo hải quân Hoa Kỳ) dãi bày lo ngại rằng Trung Quốc đã tiến nhanh trong khả năng hiện đại hóa quân sự và rằng Mỹ lâu nay đã đánh giá thấp sức mạnh Trung Quốc (năm 2009, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates từng nhận định, Trung Quốc không thể có máy bay thế hệ thứ năm, tương đương Mỹ, vào trước năm 2020). Ngoài J-20, Trung Quốc đang sửa lại một hàng không mẫu hạm hơn 50.000 tấn (chiếc Varyag mua của Ukraine với giá 20 triệu USD vào năm 1998) và lên kế hoạch đóng mới hai chiếc 50.000 tấn nữa tại một nhà máy Thượng Hải (chiếc đầu tiên dự kiến hạ thủy trước năm 2014 và các chiếc khác vào trước năm 2020). Về kho vũ khí hạt nhân, giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc có không dưới 160 đầu đạn hạt nhân, được lắp trong tình trạng sẵn sàng tác chiến vào các dàn phóng di động và tàu ngầm từ năm 2008 (2).
Sự phát triển quân sự Trung Quốc đã song hành với việc triển khai hải quân tại nhiều vùng biển chiến lược, đặc biệt những nơi giàu tài nguyên và nằm trong khu vực tranh chấp (hải quân Trung Quốc đã được đầu tư đáng kể, chiếm hơn 1/3 ngân sách quốc phòng). Cuối tháng 3-2010, đô đốc Robert F. Willard, tổng tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ, báo cáo Quốc hội Mỹ rằng sự triển khai hải quân Trung Quốc hiện ở mức độ “đáng ngại” (3). Trung Quốc cũng đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa DF-21/CSS-5 với khả năng triệt hạ hàng không mẫu hạm (4), và rằng “sự hiện đại hóa quân sự Trung Quốc đã được thiết kế để thách thức sự tự do hành động của chúng ta ở khu vực” – tướng Willard nói. Và chuyện Vịnh Yalong (Á Long loan) tại đảo Hải Nam, với bề ngoài là trung tâm nghỉ mát năm sao nhưng ngầm bên dưới là một căn cứ tàu ngầm, nay đã chẳng còn là một “bí mật quân sự”. Phó tư lệnh Hạm đội biển Đông của Trung Quốc, Trương Hoa Thần, đã chẳng dè dặt khi nói “với chiến lược hải quân đang thay đổi, chúng ta đang đi từ việc bảo vệ bờ biển đến bảo vệ vùng biển”.
Tiến trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc nói chung đã được thể hiện trong kế hoạch “Tân thời kỳ quốc gia quân sự chiến lược phương châm”, được tung ra khoảng năm 1993, phản ánh những ảnh hưởng, tác động và khả năng thích ứng đối phó với những sự kiện từ cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 và sự sụp đổ Liên Xô, và được cập nhật liên tục theo tình hình từng thời kỳ. Năm 2003, Bộ chính trị Trung Quốc chuẩn y thêm khái niệm “Tam chủng chiến pháp” (Ba loại chiến pháp) – gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý (sử dụng công cụ pháp lý để tranh chấp các vấn đề liên quan chủ quyền biển đảo), như được kể trong Báo cáo về phát triển quân sự Trung Quốc của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đệ trình Quốc hội năm 2010 (5).
Mỹ bắt đu “rét” trước sức mạnh quân sự Trung Quốc?
Trong nguồn (5), báo cáo Lầu năm góc cho biết, Trung Quốc hiện có chương trình tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đất đối không hoạt động mạnh nhất thế giới, với những nghiên cứu và thử nghiệm liên tục (chẳng hạn tên lửa DH-10, hoặc YJ-62 được trang bị cho khu trục hạm Luyang II, tức Lữ Dương II…). Tên lửa liên lục địa DF-31A với tầm xa 11.200km có thể bắn đến nhiều khu vực thuộc Mỹ. Đến tháng 12-2009, quân đội Trung Quốc đã triển khai từ 1.050-1.150 tên lửa đạn đạo tầm ngắn CSS-6 và CSS-7 hướng đến Đài Loan. Về hải quân, Trung Quốc hiện có lực lượng với dàn tàu chiến cùng tàu ngầm hùng hậu nhất châu Á và đứng nhì thế giới-chỉ sau Mỹ (với khoảng 75 tàu chiến, hơn 60 tàu ngầm, 55 thiết hạm lội nước và 85 tiêm kích cơ được trang bị tên lửa). Về không quân, Trung Quốc có 490 chiến đấu cơ… Việc hiện đại hóa quân sự cũng thể hiện ở việc Trung Quốc đầu tư cho đội ngũ “chiến binh ảo” với khả năng tấn công các mạng máy tính toàn cầu (tháng 3-2009, giới nghiên cứu Canada phát hiện một hệ thống gián điệp trực tuyến tinh vi đặt tại Hoa lục từng tổ chức các chiến dịch thâm nhập vào hệ thống máy tính của Chính phủ Ấn Độ cũng như nhiều chính phủ thế giới; hơn 1.300 máy tính tại 103 quốc gia bị đột nhập đã được ghi nhận). Ngày 4-3-2010, Bắc Kinh cho biết ngân sách cho quốc phòng Trung Quốc tăng 7,5% – lên 78,6 tỉ USD (giới chuyên gia quốc phòng Mỹ tin rằng con số thực có thể khoảng gấp đôi). Trong thực tế, phân tích dữ liệu tài chính 2000-2009 cho thấy ngân sách Trung Quốc thật ra tăng trung bình 11,8%, so với tỉ lệ tăng 9,6% của GDP trong cùng thời gian…
Cuối năm 2010, James Kraska – nguyên cố vấn chính sách của giám đốc Cục hoạch định chính sách chiến lược thuộc Bộ tổng tham mưu lục quân Hoa Kỳ và hiện là giáo sư luật Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ – đã hình dung rằng, vào năm 2015, sự thống trị hàng thập niên của Mỹ về khả năng hải chiến có thể kết thúc bằng vụ chiếc hàng không mẫu hạm trị giá 9 tỉ USD USS George Washington (chạy bằng hạt nhân) bị Trung Quốc đánh chìm tại biển Đông! Sự kiện không chỉ cho thấy bức tranh thay đổi cán cân về sức mạnh hải quân tại châu Á mà còn “đưa đến một giai đoạn mới về trật tự quốc tế mới trong đó Bắc Kinh bắt đầu nổi lên thay thế Mỹ” (6). Đưa ra một sự kiện khó có khả năng xảy ra, James Kraska muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể triệt hạ Mỹ trong các cuộc hải chiến trong tương lai gần, bởi với nhiều thập niên đầu tư sau Chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã ngày càng tiến gần Mỹ về năng lực hải quân và thậm chí qua mặt ở một số lĩnh vực chẳng hạn xây dựng lực lượng tàu ngầm chạy điện và dầu diesel. Cần nhắc lại, tháng 10-2006, một tàu ngầm chạy bằng diesel, Type 039 (“Song class”), của Trung Quốc đã lượn lờ gần như ngay trước mũi hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk rồi trồi lên cách chỉ bốn dặm mà đến lúc đó hải quân Mỹ “mới bắt đầu biết”! (Lầu năm góc không xác nhận chính thức thông tin trên).
Trong các báo cáo đệ trình Quốc hội và Nhà trắng cũng như trên những trang nhất báo chí Mỹ, người ta còn thấy nhiều ý kiến “báo động đỏ”, liên tục, với mật độ dày đặc, từ những gương mặt tên tuổi tương tự James Kraska. Trong một bài viết (7), cây bút lão làng người Mỹ gốc Do Thái Robert D. Kaplan (mà vào năm 2009 được Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates mời vào Hội đồng chính sách quốc phòng Hoa Kỳ) đã nhấn mạnh việc Mỹ bỏ lỏng khu vực biển Đông khiến Trung Quốc có cơ hội trỗi dậy, rằng “66 chiếc tàu ngầm của Trung Quốc hiện hơn gấp đôi số tàu chiến của toàn bộ lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh”; và nếu kinh tế Mỹ tiếp tục trì trệ trong khi kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng giúp ngân sách quốc phòng nước này tăng ổn định trung bình gần 10%/năm, cán cân sức mạnh hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn thay đổi. Kaplan nhắc lại rằng trung tâm địa chính trị về cuộc chiến cạnh tranh “sức mạnh cứng” với Trung Quốc sẽ là biển Đông, nơi luân chuyển 1/3 tất cả giao dịch thương mại hàng hải thế giới. Đó là vùng biển mà Bắc Kinh có thể tiếp cận Ấn Độ Dương qua eo Malacca; và từ đó tiến đến toàn bộ vòng cung Hồi giáo, từ Tây Phi đến Đông Nam Á. Viết rằng “anh bạn đế quốc này đang được xây và phát triển ngay trên lưng chúng ta (Mỹ)”, Kaplan nói thêm, tương tự việc Mỹ thống trị Caribê khi con kênh Panama được đào để trong suốt thời gian dài sau đó Mỹ làm trùm khu vực Tây bán cầu, Trung Quốc cũng đang muốn thống trị khu vực biển Đông để trong tương lai gần họ làm trùm khu vực Đông bán cầu…
Việc Trung Quốc đầu tư hiện đại hóa quân sự, tóm lại, đã là điều ai cũng có thể thấy và thậm chí được nghe đi nghe lại đến mức cứ như Trung Quốc đã nghiễm nhiên là một cường quốc quân sự thật sự. Tuy nhiên, điều ít được đề cập là Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh đó bằng năng lực và thực lực của mình hay nhờ đến ngoại lực? Nói cách khác, Trung Quốc đã có thể tự mình làm nên một quân đội đủ mạnh với kho tiềm lực vũ khí đủ nguy hiểm để làm bá chủ áp đảo thế giới?

Bài 2: Con cọp giấy!

Vấn đề đang đặt ra là sức mạnh quân sự Trung Quốc có tương thích với khả năng phát triển kỹ thuật quân sự của họ hay không. Nói cách khác, Trung Quốc đã “luyện công” đủ để có một nội lực thâm hậu về công nghiệp quốc phòng và chẳng cần bất cứ ai hỗ trợ vẫn có thể xưng hùng một cõi?
Kỹ thuật quân sự Trung Quốc “tiến bộ” đến đâu?
Một phần trong câu trả lời có thể tìm thấy ở mẫu máy bay tàng hình J-20 mà Trung Quốc mới tiết lộ. Trong thực tế, công nghệ chế tạo máy bay tàng hình ngày nay chẳng là bí mật gì ghê gớm và cũng chẳng là thứ công nghệ kỹ thuật cao mà chỉ vài nước tiên tiến mới có thể sở hữu. Không chỉ Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Đức – những nước có bề dày lẫn kinh nghiệm trong công nghiệp vũ khí, mà Hàn Quốc, Ấn Độ, Thụy Điển và thậm chí Serbia… cũng đã chế tạo thành công từ lâu chiến đấu cơ có khả năng tác chiến cao (8). Kỹ thuật tàng hình cũng chẳng bí mật nốt. Yếu tố giúp máy bay “tàng hình” – tức không bị radar phát hiện – là (kỹ thuật thiết kế) hình dáng (giúp triệt tiêu sóng radar). Trong khi đó, như nhà báo chuyên đề tài hàng không quân sự Bill Sweetman (biên tập chuyên san Defense Technology International) cho biết, bất cứ ai cũng có thể biết được “công nghệ” trên bằng cách vào bất kỳ cửa hàng đồ chơi nào của hãng Testors (Mỹ) để mua mô hình máy bay quân sự tàng hình được thiết kế (với tỉ lệ thu nhỏ) giống thật 100%! (9).
Một trong những lý do khiến có ít nền công nghiệp quốc phòng đầu tư cho máy bay tàng hình là chi phí. Việc chế tạo máy bay tàng hình tốn kém đến mức Nga không thể đầu tư sản xuất thế hệ T-50 mới nhất nếu không có sự hùn vốn từ Ấn Độ. Chính yếu tố chi phí nên, năm 2009, Lầu năm góc đã rút lại chương trình sản xuất thế hệ F-22 chỉ còn 187 chiếc sau khi chi hơn 64 tỉ USD trong 20 năm (chương trình nghiên cứu-sản xuất máy bay tàng hình B-2 đã ngốn ngân sách không quân Mỹ đến gần 45 tỉ USD). Ngoài chi phí cao, vấn đề quan trọng nhất ở đây là động cơ. Đó là thứ mà đến nay Trung Quốc vẫn chưa tự làm được! Gần như tất cả chiến đấu cơ mà Trung Quốc “chế tạo” đều phải lắp động cơ AL-31F của Nga, cho dù họ từng nhiều lần cố mày mò nghiên cứu sao chép (10). Gần đây nhất, cuối năm 2010, Trung Quốc tiếp tục đặt mua động cơ từ hai nhà máy Salyut và Chernyshev (Nga) để lắp cho loại máy bay chiến đấu mới “chế tạo” J-11B (phiên bản lai từ chiếc Su-27 của Nga); dòng J-10 (được tin là có sự giúp đỡ của Israel); và FC1 – mô phỏng theo một thiết kế bỏ dở của Nga (11). Không chỉ chiến đấu cơ, oanh tạc cơ H-6 của họ cũng phải sử dụng động cơ D-30KP của Nga…
Richard Aboulafia, nhà phân tích quân sự thuộc tập đoàn US Teal Group, nói với tờ Defense Tech rằng, một chiến đấu cơ hiện đại cần ít nhất 11 hệ thống hỗ trợ để có thể hoạt động hiệu quả trong đó có việc hoạch định sứ mạng kỹ lưỡng, phi công giỏi, đội ngũ kỹ sư bảo trì tốt, vũ khí tinh vi, hệ thống radar hoàn hảo, các hệ thống điện tử khác… Trong tất cả hệ thống cần có nói trên, Trung Quốc chỉ mới làm được duy nhất một – theo Aboulafia – đó là chế tạo phần thân cho máy bay. Thiếu động cơ, máy bay (hoặc bất kỳ hệ thống nào khác) chỉ như một cái xác rỗng vô tích sự! Nói như John Pike, nhà phân tích của trang web nổi tiếng Globalsecurity.com, kỹ thuật quân sự Trung Quốc – dù được ráo riết hiện đại hóa – vẫn còn thua Mỹ “khoảng hai thập niên” (12). Những gì giới kỹ sư quân sự Trung Quốc đạt được vài năm gần đây thật sự là một chuyển biến đột phá, một quá trình dày công, so với chính bản thân họ, nhưng hoàn toàn không thể so với bước tiến kinh khủng của công nghiệp quốc phòng thế giới nói chung, bởi những gì Trung Quốc chế tạo được trong khả năng giới hạn của họ đã được “người ta” làm ra từ lâu (nếu không nhờ thừa hưởng “di sản” từ các cuộc hợp tác trong quá khứ với Liên Xô, công nghiệp không gian Trung Quốc chắc còn lâu mới có được những chiếc Thần Châu!). Thời điểm hiện tại, Trung Quốc là nước duy nhất trong các thành viên thường trực Hội đồng bảo an là không có hàng không mẫu hạm (trong khi các nước nhỏ hơn như Thái Lan, Ấn Độ, Brazil đều có!). Cần nhắc lại, trước khi bước vào Thế chiến thứ hai, Hải quân Hoàng gia Nhật đã sở hữu một hạm đội “khủng” với 10 hàng không mẫu hạm (so với 7 của Mỹ và 8 của Anh). Điều đó cho thấy kỹ thuật hàng hải nói riêng và kỹ thuật quân sự nói chung của Nhật, nước từng đóng được hàng không mẫu hạm từ Thế chiến thứ nhất, đã phát triển cỡ nào!
Lấy thêm ví dụ máy bay không người lái (UAV). Dù trong cuộc triển lãm Chu Hải (xin xem kỳ 1), Trung Quốc đã làm “ngạc nhiên” và “bất ngờ” với hơn 25 mẫu UAV quân sự nhưng có thể những chiếc UAV trên chẳng là gì so với thế hệ UAV mới nhất của Mỹ mà điển hình là RQ-4B Global Hawk do hãng Northrop Grumman sản xuất. So với RQ-4B, UAV Predator cũng chỉ đáng mặt là con “cào cào”, bởi RQ-4B to gần bằng máy bay dân dụng – dài 13,45m; sải cánh 35,41m; cao 4,62m; nặng 3,8 tấn. Điều khiển hoàn toàn từ xa, RQ-4B là thế hệ UAV mạnh nhất hiện nay, được sử dụng chuyên do thám, có thể “khảo sát” 100km2 địa hình/ngày (ngày lẫn đêm) với hệ thống dò tín hiệu cực nhạy và hệ thống viễn thông vệ tinh truyền dữ liệu cho trạm chỉ huy mặt đất cũng như chiến đấu cơ. RQ-4B có thể quan sát mọi động tĩnh của tàu chiến và tàu ngầm đối phương…
Lầu năm góc hiện có 3.000 UAV với đủ kích cỡ, từ loại nhỏ như chiếc Raven (AeroVironment) chỉ to bằng máy bay mô hình đồ chơi lắp ráp đến Predator (đã được nâng cấp nhìn “xuyên tường”) và Reaper (đều của General Atomics) dài từ 8-11m. Ngoài ra còn có RQ-170 (Lockheed Martin) với khả năng “tàng hình” và được trang bị thiết bị có thể “phóng” virus để phá hủy và làm tê liệt bộ não điều khiển của hệ thống điện tử đối phương. Ngoài các loại UAV thông thường, các hãng vũ khí Mỹ cũng đã tung ra (và đang được sử dụng) thế hệ UAV lên thẳng (trực thăng không người lái), chẳng hạn RQ-8A Fire Scout (Northrop Grumman-Ryan Aeronautical), A160 Hummingbird (Boeing)… Đang được nghiên cứu còn là chiếc Phantom Eye (Boeing) với phiên bản to hơn, bay cao hơn và thậm chí mạnh hơn RQ-4B, được thiết kế để làm chiến đấu cơ và oanh tạc cơ không người lái (ngày 5-10-2010, Boeing đã cho trình diễn mẫu chiến đấu cơ-do thám không người lái Phantom Ray). Lầu năm góc cũng sở hữu hàng trăm vệ tinh quân sự trong khi quân đội Trung Quốc chỉ mới hơn 10 chiếc (nguồn 12). Chỉ một góc nhỏ của bức tranh, đã có thể thấy mức độ “tương quan lực lượng” như thế nào, mà cũng chỉ mới đề cập lĩnh vực nghiên cứu chứ chưa nói đến ứng dụng thực tế (chiến trường). Không chỉ đối với Mỹ, nhiều lĩnh vực công nghiệp vũ khí Trung Quốc vẫn lạc hậu so với các nước khác, chẳng hạn Ấn Độ, Pakistan, Israel hay Thụy Điển – nơi xuất khẩu số vũ khí trị giá 13,5 tỉ kronor (1,9 tỉ USD) năm 2009, đến các khách hàng Úc, Nam Phi, Hàn Quốc, Singapore, Pakistan, thậm chí Anh và cả Mỹ (14).
“Lớn lên” bằng sức mạnh người khác
Trong gần hai thập niên, khách hàng Trung Quốc chiếm từ ¼ đến ½ doanh số vũ khí Nga, với các thương vụ nhiều hơn tất cả nước khác cộng lại. Thập niên 1990, giá trị số thương vụ vũ khí Trung Quốc mua từ Nga đạt khoảng 1 tỉ USD/năm; và tăng hơn 2 tỉ USD vào giữa thập niên đầu thế kỷ 21 (13). Cũng theo nguồn này, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết, Trung Quốc nhập vũ khí qui ước nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào từ 2005-2009. Theo báo cáo của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ năm 2010 (ANNUAL REPORT TO CONGRESS, trang 33-36-45-46-48), Trung Quốc hiện sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không SA-10, SA-20 PMU1/PMU2 cũng như dùng các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư Su-27, Su-30, Su-30MK2… của Nga. Quân đội Trung Quốc cũng sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, GLONASS của Nga; bởi hệ thống Bắc Đẩu (Beidou-1 và Beidou-2) của họ hoạt động kém. Tổng quát, trong hầu hết lĩnh vực then chốt của công nghiệp quốc phòng, Trung Quốc đều phải dựa vào kỹ thuật nước ngoài, từ hệ thống điều khiển, động cơ turbine đến các thiết bị chính xác cao. Từ năm 2003 đến nay, Trung Quốc liên tục vận động hành lang Liên minh châu Âu để EU xóa lệnh cấm các nước thành viên bán vũ khí cho Trung Quốc, được áp dụng kể từ sự kiện Thiên An Môn 1989.
Và trong khi chờ EU mở cửa cho xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, quân đội nước này vẫn tiếp tục dựa chủ yếu vào nhà cung cấp truyền thống là Nga. Tuy nhiên, sự nóng vội trong “thể hiện bản thân” của Trung Quốc đã khiến Nga bắt đầu dè chừng. Anatoly Isaikin – tổng giám đốc Rosoboronexport – dự báo doanh số vũ khí Nga bán cho Trung Quốc trong vài năm tới chỉ chiếm khoảng 10%. Sự lo ngại khả năng Trung Quốc chôm chỉa kỹ thuật đã khiến Chính phủ Moscow xét lại việc bán tiêm kích cơ hiện đại Su-33 có thể được dùng cho hàng không mẫu hạm tương lai của Trung Quốc (mối nghi ngờ xuất phát từ việc Trung Quốc chỉ đặt mua vỏn vẹn hai chiếc Su-33 “để bay thử”). Cần nhắc lại, quan hệ thương mại quân sự Nga-Trung từng có lúc căng thẳng, bắt đầu từ năm 2004 với hai sự kiện. Thứ nhất, đó là vụ Trung Quốc sao chép kỹ thuật chiến đấu cơ Su-27 trong khi họ chỉ được phép nhận lắp ráp theo hợp đồng gia công cho Nga. Thứ hai, đó là vụ Nga chơi trả đòn bằng việc ký hợp đồng giao cho Trung Quốc một “lô” vận tải cơ quân sự IL-76 nhưng cuối cùng không hề sản xuất! Vụ việc khiến Trung Quốc nổi giận. Sau khi nhận 105 trong 200 chiếc Su-27 trong thương vụ đã ký, Trung Quốc hủy hợp đồng và ngừng các cuộc đàm phán thương vụ vũ khí trong vài năm. Tuy nhiên, sau loại thất bại việc nghiên cứu-chế tạo động cơ cho chiến đấu cơ, Trung Quốc lại làm hòa với Moscow, cốt để mua hệ thống phòng thủ S-300 và đặc biệt là động cơ cho máy bay chiến đấu. Cần biết, động cơ mà Trung Quốc chế tạo cho chiếc Su-27 chỉ “chạy tốt” được 30 tiếng (!) trong khi động cơ Nga hoạt động đến 400 tiếng mới cần được bảo trì. Khi các cuộc đàm phán được nối lại năm 2008, Nga – lần này – bắt đầu chơi rắn. Họ không còn (dám) “nhờ” Trung Quốc lắp ráp (theo kiểu gia công sản phẩm) chiến đấu cơ nữa. Tháng 11-2010, Nga nói họ chỉ có thể cung cấp chiến đấu cơ Su-35 cho chương trình hàng không mẫu hạm Trung Quốc nếu “anh bạn” này chịu mua 48 chiếc – số lượng đủ để Nga “hoàn vốn và có tí lãi” trước khi bị kỹ sư Trung Quốc chôm chỉa kỹ thuật! Nga còn nói, Trung Quốc phải ráng “kiên nhẫn” chờ thêm “ít lâu” để quân đội Nga nhận trước dàn tên lửa phòng thủ S-400 rồi mới đến lượt họ “được” mua (nguồn 11)!
Sự lệ thuộc nước ngoài thật ra đã phản ánh đúng thực lực và trình độ kỹ thuật trong công nghiệp nói chung của Trung Quốc, nơi mà bây giờ vẫn còn kém xa Nhật về công nghiệp điện tử dân dụng; nơi nổi tiếng thế giới với những vụ đánh cắp bản quyền cũng như gián điệp kinh tế (và cả quốc phòng – tất nhiên!).

Bài 3: Mặt trận gián điệp

Một khi năng lực cá nhân còn hạn chế, cách tốt nhất để “đi tắt” của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là chôm chỉa kỹ thuật quốc phòng nước ngoài…
Một vụ điển hình
Trong tất cả vụ án tình báo quốc phòng liên quan Trung Quốc bị lộ vài năm gần đây, vụ Ko-Suen “Bill” Moo là sự kiện gây chú ý nhiều nhất (15)…
Vào một ngày nóng bức ở Florida năm 2005, Ko-Suen “Bill” Moo bắt đầu chuẩn bị kết thúc trò chơi ú tim mà mình thực hiện sau gần hai năm. 5g sáng ngày 7-11-2005, doanh nhân Hàn Quốc Bill Moo đến thành phố Fort Lauderdale, đăng ký phòng tại Harbor Beach Marriott Resort & Spa. Theo kế hoạch, vài ngày tới, Bill Moo sẽ đến sân bay quốc tế Hollywood, thuê máy bay để chở một kiện hàng đặc biệt. Sau đó, Bill Moo đáp riêng chuyến bay thương mại đến Thẩm Dương để đón “hàng”. Món hàng đã khiến Bill Moo tốn đến gần 4 triệu USD nhưng cũng đáng công vì đương sự có thể bỏ túi 1 triệu USD tiền lời, sau khi giao nó cho khách hàng – đó là giới chức quân sự cấp cao Trung Quốc. Món hàng của Bill Moo là chiếc động cơ cánh quạt F110-GE-129 do General Electric chế tạo để lắp cho F-16 nhằm giúp chiến đấu cơ này có thể phóng đến vận tốc hơn Mach 2 (tức khoảng 2.400km/giờ). Địa điểm chính xác mà Bill Moo sẽ đến là Công ty phi cơ Thẩm Dương, nơi Trung Quốc đã chế tạo động cơ máy bay nội địa đầu tiên – Lyulka AL-31 (nhưng… với sự giúp đỡ của Nga)…
Trong một bữa trưa tại khách sạn Marriott, Bill Moo (lúc đó 58 tuổi) còn nói với “khách hàng” rằng mình sẽ kiếm thêm vài động cơ máy bay nữa hoặc thậm chí cả nguyên chiếc F-16! Tuy nhiên, “khách hàng” nói cái mà họ đang “thèm nhỏ dãi” là AGM-129A (tên lửa hành trình có thể lắp đầu đạn hạt nhân phóng từ không trung của Không quân Mỹ). AGM-129A (trông từ xa hệt như một máy bay) bay với vận tốc khoảng 1.287km/giờ; có thể mang đầu đạn W80 để diệt mục tiêu cách nó gần 3.000km. Như tất cả loại “hàng” mà Bill Moo rao bán, AGM-129A là thứ “bảo bối” của quân đội Mỹ, được xếp vào loại không được phép bán hoặc chuyển giao (bản vẽ) kỹ thuật cho nước ngoài. Tất nhiên một người làm việc lâu năm cho ngành hàng không-không gian Mỹ như Bill Moo không thể không biết luật trên. Trong hơn 10 năm, Bill Moo là nhà tư vấn giao dịch quốc tế cho Lockheed Martin và một số công ty quốc phòng Mỹ khác tại Đài Loan.
Tuy nhiên, Bill Moo không biết rằng nhất cử nhất động của mình đều đã bị theo dõi từ nhóm của Anthony Mangione, thuộc Lực lượng Hải quan và Di trú Hoa Kỳ (ICE), với đơn vị Điều tra kỹ thuật chiến lược và vũ khí (ASTI) có nhiệm vụ theo dõi hoạt động buôn bán vũ khí tại 43 quốc gia. Năm 2008, ASTI đã thực hiện hơn 2.500 vụ theo dõi khắp thế giới, trong đó có Trung Quốc. Vụ Bill Moo bắt đầu được ASTI chú ý sau khi hai lái buôn – vốn cũng là “đặc tình” được Mỹ trả lương – giới thiệu nhân viên chìm của Mangione cho một tay người Pháp tên Maurice Serge Voros. Trong một cuộc điện thoại ngày 26-2-2004, Voros đề nghị bên “nhà cung cấp” (vỏ bọc của nhân viên ASTI) giúp mua động cơ dùng trong trực thăng chiến đấu Black Hawk do General Electric sản xuất – mặt hàng nằm trong (danh sách) U.S. Munitions List (các loại vũ khí-kỹ thuật quân sự được Ban quân sự-chính trị thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê và qui định cấm bán-chuyển giao cho nước ngoài mà không có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ). Năm 2005, ASTI bắt đầu biết rằng Voros chỉ là một tên cò trung gian. Sau lưng hắn là Bill Moo và sau lưng Bill Moo là đại diện giới chức quân sự Trung Quốc. Tháng 3-2005, Voros nói với tay “nhà cung cấp” (ASTI) rằng Bill Moo bắt đầu thay đổi sự quan tâm hàng hóa. Thứ mà y cần bây giờ là động cơ F-16. Ngoài ra, còn có tên lửa hạt nhân, động cơ phản lực…
Sau loạt cuộc gặp tại London và Orlando (Florida), Bill Moo, Voros và “đại diện nhà cung cấp” (ASTI) đồng ý cái giá cuối cùng là 3,9 triệu USD cho một động cơ F-16. Ngày 5-10-2005, Bill Moo chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ do hắn đứng tên. Ngày 8-11-2005, Bill Moo được “nhà cung cấp” chở đến một nhà chứa máy bay để xem “hàng” làm tin. Trước đó, hắn đã chuyển 140.000 USD từ một tài khoản ở Singapore đến một tài khoản do ASTI quản lý, làm “phí vận chuyển”. Hắn yêu cầu được chụp hình động cơ F-16 nhưng bị từ chối. Dù vậy, hắn vẫn đồng ý thanh toán nốt phần còn lại của 3,9 triệu USD; và nói thêm rằng, sau khi trở lại từ Trung Quốc, hắn muốn mua nguyên chiếc F-16. “Khách hàng tỏ ra rất tin tưởng mấy ông. Họ dự định mua một chiếc F-16 hai chỗ” – Bill Moo nói với “nhà cung cấp”. Lúc này, ASTI quyết định kết thúc trò chơi. Ngày 9-11-2005, họ ập đến phòng khách sạn Marriott Resort và bắt đương sự…
Từ gián điệp truyền thống đến “Võng điện nhất thể chiến”
Nhiều nhà phân tích quốc phòng cho rằng phiên bản máy bay tàng hình J-20 mà Trung Quốc mới tiết lộ là một bản sao lai tạp từ ít nhất hai “nguồn”. Nó không chỉ giống chiếc MIG-1.44 (của hãng Mikoyan-Nga) mà còn “hao hao” chiếc F22-Raptor (Lockheed Martin/Boeing). Theo Cavin Dsouza (16), hệ thống máy chủ liên quan dự án (trị giá 300 tỉ USD) về chiến đấu cơ thế hệ mới JSF (Joint Strike Fighter) của Lầu năm góc từng bị đột nhập từ năm 2007. Tất nhiên đây không là lần đầu tiên. Ngày 17-11-2010, kỹ sư gốc Hoa Xiang Dong Yu làm cho hãng xe hơi Ford trong hơn một thập niên đã bị kết tội đánh cắp các kỹ thuật trị giá 50 triệu USD để bán cho Trung Quốc. Nhiều kỹ thuật trong đó đều có thể được ứng dụng cho quân sự. Trung tuần tháng 2-2011, nhà chức trách Ukraine cũng xử 6 năm tù đối với công dân Nga Aleksandr Yermakov tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Tình báo quân đội Trung Quốc đã chỉ thị Yermakov đánh cắp tài liệu mật liên quan khu huấn luyện-thử nghiệm hàng không-hải quân (NITKA), tập trung vào những thông tin hữu ích giúp Trung Quốc xây dựng đề án cũng như cơ sở đào tạo nhân sự chuyên biệt cho hàng không mẫu hạm của họ (trong tương lai).
“Cộng tác” với Trung Quốc một thập niên qua, cùng con trai, Yermakov còn có nhiệm vụ tổ chức săn lùng các cựu giới chức quốc phòng Nga, Ukraine và vài nước khác để đưa đến Trung Quốc, với bề ngoài là khách du lịch, dự các hội thảo chuyên đề vũ khí và kỹ thuật quân sự. Yermakov được trả 1.500 USD cho mỗi “du khách” mà đương sự “rủ” được đến Trung Quốc – theo SBU (Cơ quan tình báo Ukraine). Tình báo Trung Quốc cũng hứa trả cho cha con Yermakov “1 triệu USD việc giao tài liệu liên quan NITKA cũng như mọi hoạt động của nó, dưới dạng bản vẽ, ảnh kỹ thuật số, thông tin lưu trên ổ USB”. Mọi việc diễn ra gần như trót lọt và cha con Yermakov đã thu thập khoảng 1.500 trang tài liệu, “giá trị hàng trăm triệu USD”, nhưng bất ngờ bị thộp khi chuẩn bị chuyển cho Trung Quốc. Theo một số viên chức quốc phòng Mỹ, căn cứ huấn luyện không quân tại Hưng Thành (Liêu Ninh) có nhiều đặc điểm thiết kế hệt như phiên bản gốc NITKA của Ukraine (17). Đầu năm 2010, loạt gián điệp Trung Quốc cũng đã bị lộ. Tháng 2-2010, kỹ sư gốc Hoa Dongfan “Greg” Chung làm việc cho Boeing từ năm 1973 đã bị bắt quả tang với hơn 200.000 trang tài liệu giấu tại nhà riêng cùng 3 triệu USD mà đương sự không thể giải thích nguồn gốc (18). Trước đó vài năm, tháng 8-2005, nhà buôn vũ khí Hàn Quốc Kwonhwan Park đã bị xử tội bán thiết bị kính nhìn đêm và động cơ trực thăng Black Hawk cho Trung Quốc; rồi vụ Ting-Ih Hsu (công dân Mỹ gốc Hoa) và Hai Lin Nee (công dân Trung Quốc) buôn lậu 25 con chip với ứng dụng dùng cho tên lửa Hellfire được trang bị cho trực thăng chiến đấu Apache và Cobra… Đầu tháng 2-2010, một cựu kỹ sư máy bay tàng hình B-2 tại Hawaii đã bị qui tội (và bị kết án 32 năm tù) việc bán tài liệu mật liên quan kỹ thuật tên lửa hành trình cho Trung Quốc. Gần đây hơn, đầu năm 2011, Zhen Zhou Wu đã bị Mỹ xử 8 năm tù tội mua thiết bị dùng cho radar và tên lửa rồi bán cho Trung Quốc qua ngả Hong Kong. Toàn cảnh, hoạt động gián điệp Trung Quốc nhằm vào công nghiệp quốc phòng Mỹ đã trở nên nhộn nhịp với mức độ ráo riết vài năm gần đây, song song với việc Trung Quốc “đạp ga” tăng cường kế hoạch hiện đại hóa quân sự. Ít nhất 44 người đã bị truy tố chỉ trong hai năm 2008-2009 (20).
Không chỉ tiến hành các phi vụ gián điệp truyền thống (săn lùng, chiêu dụ, thuê mướn… những kỹ sư gốc Hoa và gốc Á làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và châu Âu), Trung Quốc còn tổ chức các chiến dịch “gián điệp trực tuyến”. Vấn đề tỏ ra ngày càng nghiêm trọng đến mức nhiều công ty quốc phòng Mỹ đã gửi báo cáo cảnh báo Quốc hội. Tháng 10-2009, tập đoàn Northrop Grumman đã thực hiện một báo cáo tỉ mỉ về cái gọi là “Võng điện nhất thể chiến” – 网电一体战 – “Integrated Network Electronic Warfare”), tức hình thái cuộc chiến trên mạng trong đó Trung Quốc hoạch định và tiến hành các chiến dịch thu thập tài liệu cũng như phá rối hệ thống quốc phòng Mỹ. Báo cáo cho biết giới “điệp viên mạng” Trung Quốc đã chôm chỉa các tài liệu kỹ thuật trị giá 40-50 tỉ USD/năm từ các tổ chức Mỹ. Trong một vụ năm 2007, “điệp viên mạng” Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch do thám, rình mò và nhận biết được trương mục máy tính của nhân viên tại các công ty mục tiêu tại Mỹ. Một số trương mục máy tính thậm chí được “thăm” thường xuyên đến gần 150 lần! Từ đó, họ có thể đánh cắp mật mã công ty để mò vào hệ thống máy chủ chứa các tài liệu có mức độ nhạy cảm cao. Các nhóm “đặc nhiệm mạng” Trung Quốc còn “đục tường” thâm nhập vào mạng NIPRNet của Lầu năm góc (nơi chứa các thông tin nhạy cảm nhưng không thuộc loại tài liệu mật). Theo tướng William Lord, “Trung Quốc đã truy xuất từ 10-20 terabyte dữ liệu từ NIPRNet (21)…
Với các chiến dịch gián điệp ráo riết, đặc biệt bằng “kỹ thuật” gài “con ngựa thành Troy” (một số sinh viên-công dân Trung Quốc học và làm việc tại Mỹ và châu Âu) để tìm thời cơ đánh cắp kỹ thuật, Trung Quốc đã đạt không ít bước tiến trên con đường hiện đại hóa quốc phòng. Thực tế là họ biết họ yếu chỗ nào và do đó họ ra sức rút ngắn khoảng cách với trình độ tiên tiến của kỹ thuật quốc phòng phương Tây. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự Trung Quốc, dù còn nhiều hạn chế, vẫn liên tục được phóng đại. Vì sao?

Bài 4: Tại sao sức mạnh quân sự Trung Quốc được cường điệu?

Với thực lực và khoảng cách còn kém xa phương Tây về hầu hết phương diện, quân đội Trung Quốc vẫn được cường điệu như một sức mạnh đang dần tạo thế cân bằng với Mỹ. Những ý kiến và “bình luận” ngây thơ này vẫn được nhai đi nhai lại hàng ngày trên các mặt báo Mỹ lẫn thế giới. Hẳn là có mục đích gì?
Tìm cái gót chân của Achilles
Ruslan Pukhov – giám đốc Trung tâm phân tích kỹ thuật chiến lược, cố vấn Bộ trưởng quốc phòng Nga – nói rằng Trung Quốc cần một thập niên nữa mới có thể hoàn thiện được động cơ máy bay chiến đấu cũng như những kỹ thuật then chốt khác của công nghiệp vũ khí; và thời điểm hiện nay thì “Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào chúng tôi và tiếp tục như thế trong tương lai gần”. Nhận định về thế hệ tàu ngầm Jin (“Tấn cấp tiềm đĩnh”), Phòng tình báo hải quân Hoa Kỳ cho biết Jin giúp hải quân Trung Quốc lần đầu tiên có khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân với dàn tên lửa tầm xa 6.400km nhưng Jin lại chạy ồn tương tự các thế hệ tàu ngầm hạt nhân mà Liên Xô đóng cách đây 30 năm (!) và do đó chúng dễ dàng bị phát hiện ngay vừa khi nổ máy khởi hành khỏi cảng. Vấn đề quan trọng nữa đối với hải quân Trung Quốc nói riêng (và quân đội nước này nói chung) là thiếu kinh nghiệm thực tế chiến trường. Toàn bộ hạm đội hơn 60 chiếc tàu ngầm Trung Quốc chỉ mới thực hiện vài cuộc tuần dương năm 2009. Họ thiếu hẳn thực tế “đánh đấm”. Giáo sư Thì Ân Hoàng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân Dân (Trung Quốc), nhận định: “Từ năm 1980 đến nay, không có một binh lính quân đội Trung Quốc nào và không một vũ khí quân đội Trung Quốc nào là được thử nghiệm thực tế. Tất cả chúng ta phải bình tâm lại và nhận ra thực tế rằng những loại vũ khí (hiện đại) như vậy vẫn còn một con đường dài phải đi, trước khi tất cả được sẵn sàng” (22). Ngay cả tiềm lực tên lửa Trung Quốc, giới chuyên gia vẫn không thật sự đánh giá cao. Tên lửa DF-21 được miêu tả là át chủ bài chiến lược có thể tấn công hàng không mẫu hạm (anti-ship ballistic missile – ASBM) nhưng liệu Trung Quốc đã thật sự sở hữu loại vũ khí nguy hiểm như vậy? Liên Xô từng nghiên cứu ASBM nhiều thập niên nhưng đều thất bại. Và Mỹ thì chưa bao giờ. Vệ tinh Mỹ có thể phát hiện tức thời ngay khi ASBM được phóng và do đó hàng không mẫu hạm (mục tiêu) đã có thể di chuyển cách xa hàng dặm trước khi bị trúng đòn. Để tấn công một hàng không mẫu hạm đang di chuyển, giới chuyên gia quân sự cho biết, Trung Quốc cần có hệ thống xác định mục tiêu siêu tối tân, “tốt hơn cả đẳng cấp thế giới”. Cần biết, tự thân tên lửa không thể hoạt động. Nó cần một hệ thống phức tạp gồm trạm chỉ huy, kiểm soát, do thám… Để xây dựng hệ thống hỗ trợ cho ASBM, với Trung Quốc, hiện vẫn là điều ngoài khả năng!
Việc Trung Quốc dàn hải quân đến Vịnh Aden vào năm 2009 với mục đích chống hải tặc đã được diễn giải là một bước tiến lớn trong việc triển khai quân đội ra khỏi phạm vi biên cương quốc gia. Tuy nhiên, điều đó cũng vô hình trung làm lộ ra điểm yếu của quân đội Trung Quốc – như phân tích của Christopher Yung (nguyên viên chức Lầu năm góc, hiện là giảng viên Đại học quốc phòng quốc gia Hoa Kỳ) – đó là việc thiếu các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa Trung Quốc không thể tác chiến và duy trì lâu dài một đạo quân ở nước ngoài. Việc thiếu cơ số trực thăng – thành phần không thể thiếu đối với tác chiến hải quân – càng khiến hải quân Trung Quốc chưa đủ dũng mãnh để tung hoàng ngang dọc trong các trận đụng độ hải chiến. Christopher Yung thậm chí cung cấp thêm thông tin rằng, hệ thống làm lạnh bảo quản thực phẩm trên các tàu Trung Quốc kém đến nỗi không thể giúp hải quân duy trì việc lênh đênh và cắt liên lạc với đất liền nhiều ngày…  (nguồn 11; xin xem chú thích nguồn kỳ 2).
Đằng sau việc phóng đại sức mạnh quân sự Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về quân sự, Chu Phong (thuộc Đại học Bắc Kinh), đã thành thật nói rằng một số báo cáo chính phủ (Trung Quốc) về sự tiến bộ nhanh về vũ khí hiện đại chẳng hạn máy bay tàng hình thật ra chẳng gì khác hơn là trò quảng cáo “Sơn Đông mãi võ” (nguồn 2, xin xem chú thích nguồn kỳ 1). Vũ Nhật Cường, người từng làm việc cho tập đoàn công nghiệp-khoa học không gian Trung Quốc trong sáu năm với tư cách nhà thiết kế tên lửa, nói rằng mình chưa bao giờ thật sự biết đến ASBM!…
Làm thế nào mà một quân đội như vậy vẫn được miêu tả như một sức mạnh với “tiềm năng kinh khủng” sẽ sớm làm chủ thế giới trong tương lai không xa? Ai đã thổi phồng sức mạnh quân sự Trung Quốc? Chính Trung Quốc là nơi xuất phát những thông điệp trên! Thứ nhất, họ muốn cho phương Tây thấy khả năng quân sự lớn mạnh “từng ngày từng giờ” của họ, rằng họ bây giờ không dễ bị “ăn hiếp”, rằng họ đang tiệm cận đến ngưỡng cửa của một cường quốc toàn diện, từ kinh tế đến quân sự, rằng Washington đừng có tiếp tục “hồ đồ” hiện diện quân sự ở biển Đông làm ảnh hưởng đến quyền lực và quyền lợi Trung Quốc… Như vậy, việc nhấn mạnh sức mạnh đã bắt đầu trở thành một chiến lược của Trung Quốc. Hù dọa và kỹ thuật hù dọa cũng là một đòn binh pháp thời toàn cầu, như lão gia Tôn Tử từng dạy trong “Tam thập lục kế”: Vô trung sinh hữu (Không có mà làm thành có; kế thứ  8 ) và Hư trương thanh thế (Thổi phồng thanh thế; kế thứ 26). Ẩn ý cốt lõi của việc phô diễn cơ bắp quân sự là thông điệp hiển hiện rằng Trung Quốc bây giờ hoàn toàn đủ lực để đối phó bất cứ mối đe dọa nào làm ảnh hưởng quyền lợi (kinh tế) Trung Quốc. Điều này đã khẳng định trong các ý kiến được nêu trên các phương tiện truyền thông nước này vài năm qua.
Giới học thuyết quân sự Trung Quốc tin rằng Trung Quốc ngày nay chẳng cần phải e dè và che giấu việc biểu dương sức mạnh quân sự và đó là hành động cần làm để khẳng định sức mạnh nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là bảo vệ lợi ích kinh tế. Tướng Trương Triệu Ngân nói rằng quân đội Trung Quốc phải bỏ ngay thứ học thuyết cũ rích lỗi thời về việc “xây dựng một quân đội hướng đến mục tiêu hòa bình trong thời bình” và rằng “việc chuẩn bị chiến tranh và thắng trận phải luôn là nhiệm vụ cơ bản thiết yếu của quân đội”. Cây bút bình luận của tờ Giải phóng quân báo Hoàng Côn Lôn thậm chí còn đưa ra khái niệm mới về “biên giới lợi ích quốc gia” trong đó lợi ích quốc gia Trung Quốc nằm ngoài khuôn khổ lãnh thổ, đất đai, hải phận và không phận mà nó phải hàm chứa cả những vùng rộng lớn, chẳng hạn đại dương nơi ghi dấu các cuộc hải hành của những con tàu dầu Trung Quốc, và thậm chí không gian. “Bất cứ nơi nào quyền lợi quốc gia của chúng ta mở rộng, sứ mạng quân đội chúng ta phải đi theo” – họ Hoàng viết – “Xét đến sứ mạng lịch sử mới của chúng ta, quân đội (Trung Quốc) bây giờ không chỉ phải bảo vệ biên cương mà còn phải bảo vệ cả “những đường biên giới lợi ích quốc gia” (23). Một phần trong “những đường biên giới lợi ích quốc gia” của Trung Quốc có thể hiểu là khu vực biển Đông, nơi một “đường lưỡi bò” đang thèm liếm vào 100 tỉ thùng dầu và 210 tỉ m3 khí đốt, nơi 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua eo biển Malacca (số liệu từ báo cáo Lầu năm góc 2010 – ANNUAL REPORT TO CONGRESS, trang 17 và 20)…
Lợi bất cập hại
Những lập luận tương tự tiếp tục được nhấn mạnh và được nâng lên tầm chính sách đối ngoại. Tháng 9-2009, giới phân tích chính trị và báo chí Ấn Độ đã một phen lo lắng khi xuất hiện bài báo của nhà phân tích Trung Quốc Lý Thu Lâm với nội dung kêu gọi quân đội Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách hiện diện quân sự tại Nam Á (24). Và trong bài viết 17-8-2010 trên Nhân dân nhật báo, cây bút bình luận Lý Hồng Mai cũng “khuyên” rằng Việt Nam không nên “chơi với lửa” khi quốc tế hóa vấn đề Biển Đông… Tuy nhiên, sự lên gân quá sớm của Trung Quốc, đi ngược với luận thuyết “Thao quang dưỡng hối” (Ẩn mình chờ thời) của Đặng Tiểu Bình thật ra chỉ khiến Trung Quốc gặp bất lợi. Sự bành trướng hải quân và ý đồ không che giấu việc tự cho mình có quyền làm chủ và quyền sinh sát khu vực biển Đông đã khiến họ, cuối cùng, lại bị vây bởi một quan điểm ngoại giao phổ biến hiện nay – đó là sự cảnh báo về “mối đe dọa Trung Quốc”. Hiểm họa Trung Quốc đã khiến các nước Đông Nam Á nhích lại gần nhau để tạo thế cân bằng quyền lực với Trung Quốc (đặc biệt quan hệ quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật). Và cũng bởi xuất phát từ nỗi lo lắng về mối đe dọa Trung Quốc, được đánh động liên tục trên các mặt báo Mỹ, mà Washington mới có thể gõ cửa yêu cầu Quốc hội rộng tay mở hầu bao cho ngân sách an ninh-quốc phòng khu vực châu Á hoặc bán vũ khí cho các nước đồng minh. Cần nhắc lại, chỉ một năm sau khi vào Nhà trắng, Tổng thống Barack Obama đã ký xoẹt quyết định bán số vũ khí trị giá hơn 6 tỉ USD cho Đài Loan (gồm 114 tên lửa Patriot, 60 trực thăng Black Hawk, thiết bị viễn thông cho chiến đấu cơ F-16…).
Nếu không tô đậm thêm bức tranh, vốn được chính tay Trung Quốc vẽ, về sức mạnh quân sự Trung Quốc, làm sao các hãng vũ khí kiếm ăn được? Cuộc chạy đua vũ trang đang nóng dần tại khu vực đã cho thấy điều đó. Đầu năm 2011, Ấn Độ vừa hoàn thành chiếc đầu tiên trong dự án sáu tàu ngầm chiến đấu (loại Scorpène). Tháng 12-2010, Nhật bắt đầu xem xét lại chính sách quốc phòng và có kế hoạch mua năm tàu ngầm, ba khu trục hạm, 12 chiến đấu cơ, 10 máy bay tuần tra và 39 trực thăng (Nhật dự tính chi 284 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội, từ năm 2011-2015). Doanh số nhập khẩu vũ khí cũng đang tăng tại Malaysia. Singapore, dự định mua thêm hai tàu ngầm, hiện là một trong 10 nước nhập vũ khí nhiều nhất thế giới! Úc cũng dự tính chi 279 tỉ USD trong 20 năm tới cho tàu ngầm, khu trục hạm và tiêm kích cơ. Sự chạy đua vũ trang tại khu vực hiện ở mức độ và tốc độ chưa từng có kể từ thời chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh lạnh (25). Nó diễn ra song song và tỉ lệ thuận với các liều lượng đậm đặc các cảnh báo về mối đe dọa của (con hổ giấy) Trung Quốc. Hạ tuần tháng 2-2011, Tổ chức Kokoda tại Úc đã tung ra báo cáo, nhấn mạnh rằng sự đe dọa Trung Quốc đang làm kích nổ một “nhu cầu khẩn cấp về việc tái nhìn nhận” sự phát triển quân sự, “nhằm lập kế hoạch cũng như khả năng ngăn chặn thái độ bành trướng cực nhanh của Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA)”, rằng “Úc không thể thờ ơ trước mức độ, cách thức và tốc độ của sự phát triển PLA; điều đang thay đổi an ninh Tây Thái Bình Dương”. Tại Washington, ngày 8-2-2011, báo cáo Chiến lược quân sự quốc gia của Lầu năm góc một lần nữa lại nhắc rằng “ưu tiên và quan tâm chiến lược” của Mỹ sẽ tăng dần tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương…
Đúng là sự bành trướng sức mạnh Trung Quốc đang tạo ra ngòi nổ thật sự, về quân sự lẫn ngoại giao, dẫn đến những động thái mới trong nhận thức mới về chính sách đối ngoại của các nước khu vực. Họ đáng lý “nên nhìn lại thế khó xử mà họ tạo ra” khi đề cao quá mức và quá sớm sức mạnh quân sự – như nhận định của giáo sư Vương Tập Tư, khoa trưởng Khoa nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh; giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng trung ương Trung Quốc (26). Trung Quốc bây giờ có muốn dừng lại cũng không kịp nữa rồi! Trung Quốc đã đi quá xa (trong việc “tự sướng” và thổi phồng sức mạnh quân sự của họ) đến mức không thể quay đầu lại. Tội nghiệp chưa, con hổ giấy không biết rằng nó đang đốt lửa tự thiêu mình!

(1) China’s New Drones Raise Eyebrows, Jeremy Page, Wall Street Journal (18-11-2010)
(2) China’s Push to Modernize Military Is Bearing Fruit, Michael Wines và Edward Wong, New York Times (5-1-2011)
(3) Chinese Military Seeks to Extend Its Naval Power, Edward Wong, New York Times (23-4-2010)
(4) China Testing Ballistic Missile ‘Carrier-Killer’, Andrew Erickson, Wired (29-3-2010)
(5) ANNUAL REPORT TO CONGRESS. Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China. 2010 (74 trang)
(6) How the United States Lost the Naval War of 2015, James Kraska, chuyên san Orbis (thuộc Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Hoa Kỳ), Winter 2010 (11 trang)
(7) While US is Distracted, China Develops Sea Power, Robert D. Kaplan, Washington Post (26-9-2010)
(8) At What Cost Stealth, David Axe, The Diplomat (1-2-2011)
(9) Did Shot-Down F-117 Aid J-20 Development, Bill Sweetman, Aviationweek.com (24-1-2011)
(10) China’s Over-Hyped Stealth Jet, David Axe, The Diplomat (7-1-2011)
(11) Military Strength Is Eluding China, John Pomfret, Washington Post (25-12-2010)
(12) US Drones Trump China Theatrics, David Axe, The Diplomat (7-2-2011)
(13) Why China Snubs Russia Arms, Richard Weitz, The Diplomat (5-4-2010)
(14) Swedish weapons exports on the rise, Paul O’Mahony, The Local (3-3-2010)
(15 ) How China Steals U.S. Military Secrets, Simon Cooper, Popular Mechanics (10-7-2009)
(16) Did China steal stealth technology from US and Russia for Chengdu J-20?, Cavin Dsouza, Defence Aviation (27-1-2011)
(17) Russian sold secrets for China’s first carrier, Reuben F. Johnson, Washington Times (14-2-2011)
(18) Another Chinese Spy Goes Down, strategypage.com (13-2-2010)
(19) Capability of the People‘s Republic of China to Conduct Cyber Warfare and Computer Network Exploitation, Northrop Grumman Corporation, October 9, 2009 (88 trang)
(20) China’s Spy Games, Investors.com (17-8-2010)
(21) Trojan Dragon: China’s Cyber Threat, John Tkacik Jr., The Heritage (8-2-2008)
(22) China Flexes Weapons Muscles Military Superpower? Not so fast, Peh Shing Huei (Bạch Thắng Huy, chánh văn phòng Bắc Kinh của tờ Straits Times), The Straits Times (14-1-2011)
(23) Beijing Learns to be a Superpower, Willy Lam-giáo sư Đại học quốc tế Akita, FEER (1-5-2009)
(24) It’s not time to panic. Yet, Drew Thompson, Foreign Policy (MARCH/APRIL 2010)
(25) Asia’s New Arms Race, Amol Sharma, Jeremy Page, James Hookway, và Rachel Pannett, Wall Street Journal (12-2-2011)
(26) China’s Search for a Grand Strategy, Wang Jisi (Vương Tập Tư), Foreign Affairs (March/April 2011)

Không có nhận xét nào: