Pages

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Việt Nam nợ nước ngoài 32,5 tỷ đô la

Trái phiếu phát hành bằng đô la Mỹ của Chính phủ Việt Nam.
Gánh nặng nợ nước ngoài ngày càng đè nặng lên nền kinh tế và người đóng thuế Việt Nam

Nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng lên hơn gấp đôi trong vòng 5 năm trong khi dự trữ ngoại hối lại giảm nhanh chóng, theo số liệu Bộ Tài chính vừa công bố.

Chốt số liệu của cả năm 2010, bộ này nói nợ nước ngoài của Việt Nam cho đến cuối năm 2010 đạt 32,5 tỷ đô la, tức là bằng 42,2% GDP.

Tỷ lệ nợ 42,2% so với GDP trong năm 2010 cũng tăng hơn 3% so với năm trước đó và vượt mức dự kiến của Chính phủ là 38,8%.

So với mức nợ 15,64 tỷ đô la vào năm 2006 thì hết năm 2010 nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng lên hơn gấp đôi trong vòng 5 năm.

Ở một khía cạnh khác, cũng theo bản tin của Bộ Tài chính, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn.

Đây là một tiêu chí đánh giá quy mô dự trữ ngoại hối, tỷ lệ càng lớn thì dự trữ được cho là càng dồi dào. Tỷ lệ này giảm đi rất nhiều so với 290% và 2.808% tương ứng trong các năm 2009 và 2008.

Bội chi ngân sách

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã bị bào mòn cùng nợ nước ngoài tăng lên nhanh để bù đắp bội chi ngân sách vốn liên tục vượt 5% trong 5 năm vừa qua.
Điều đáng lưu ý là tuy lãi suất vay nợ nước ngoài của Việt Nam nói chung thấp, dư nợ ở các mức lãi suất cao lại đang gia tăng nhanh chóng.
Bản tin của Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng lãi suất vay nợ của Việt Nam hiện đang có xu hướng tăng lên.
"Nếu cộng cả hai khoản mục nợ công và nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ của Việt Nam đã trên 100% GDP."
TS Lê Đăng Doanh

Theo các chuyên gia tài chính, điều này có thể là hệ quả của việc Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình và uy tín nợ quốc gia bị ảnh hưởng bởi những bất ổn kinh tế vĩ mô và vụ vỡ nợ của Vinashin.

Việt Nam hiện đang nợ 15 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế, chưa kể các ngân hàng thương mại và các cá nhân nắm các trái phiếu mà Chính phủ phát hành bằng ngoại tệ trị giá 1 tỷ đô la trong năm 2010.

Trong năm 2010, Việt Nam đã trả các khoản nợ gốc, lãi và phí là gần 1,7 tỷ đô la, tăng gần 30% so với mức gần 1,3 tỷ đô la trong năm 2009.

Mặc dù tỷ lệ trả nợ nước ngoài của Việt Nam so với tổng thu ngân sách trong cùng năm 2010 chỉ vào khoảng 5,5%, thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn 12% do Ngân hàng thế giới quy định, mức tăng số nợ phải trả qua từng năm càng gia tăng sức ép lên việc thu thuế từ doanh nghiệp và người dân.

Mức nợ Việt Nam phải trả dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2020 vào khoảng 2,4 tỷ đô la khi số trái phiếu Chính phủ phát hành vào năm 2010 với lãi suất 7% sẽ đáo hạn.

Mặc dù tỷ lệ nợ của chính phủ Việt Nam chưa cao lắm nhưng chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh lưu ý, rằng tốc độ tăng nợ luôn nhanh hơn tăng GDP.
TS Doanh nói với BBC rằng nợ của doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ bảo lãnh cũng ‘rất cao và tăng nhanh” và hiện đạt khoảng 50% GDP.

“Nếu cộng cả hai khoản mục nợ công và nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ của Việt Nam đã trên 100% GDP,” ông nói.

“Hơn nữa, một bộ phận dân cư tiêu xài quá mức thu nhập của nền kinh tế cũng là tiêu dùng dựa vào vay nợ,” ông nói thêm.

Không có nhận xét nào: