Pages

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Đơn Dương giờ đã thênh thang đời cát

Bùi Văn Phú


Nghệ thuật điện ảnh thế giới đã sản xuất nhiều phim mang những thông điệp chính trị của các thời đại: JFK, Gandhi, Seven Years in Tibet, Tora Tora, Schindler’s List, Platoon, Dr. Zhivago, Private Ryan, Years of Living Dangerously. Gần gũi với người Việt có Indochine, Quiet American, Green Dragon (Rồng xanh), Mê Thảo thời vang bóng, Journey to the Fall (Vượt sóng), Mùa ổi.
Các diễn viên thường không phát biểu quan điểm chính trị và khán giả không ai lên án họ vì các vai đóng trong phim mà chỉ phê bình cách diễn xuất hay dở.
Tuy nhiên cá nhân người nghệ sĩ cũng có lúc lên tiếng cho tự do và nhân quyền. Richard Gere trong một lần nhận giải Oscar đã phát biểu ủng hộ cuộc tranh đấu cho nhân quyền của người Tibet.

Giới làm phim Mỹ nhiều người cũng đã lên tiếng cho tự do nghệ thuật khi nhà nước Việt Nam kết án diễn viên Đơn Dương vì các vai anh diễn trong một số phim sản xuất tại Hoa Kỳ, đặc biệt là We Were SoldiersGreen Dragon.
Tờ Quân Đội Nhân Dân lên án Đơn Dương là “kẻ phản quốc”, “bán rẻ lương tâm”. Hai con của anh đi học bị chế diễu, khinh chê. Hàng quán gia đình bị công an đến phá.
Vì tham gia đóng những phim đó mà anh bị sách nhiễu, trù dập khiến cuộc sống gia đình không được yên ổn. Năm 2003 Đơn Dương đã cùng vợ và hai con cất bước rời khỏi quê hương.
Trong giới làm phim Việt Nam, Đơn Dương là một diễn viên chỉ vì nghệ thuật mà bị nhà nước lên án nặng nhất. Một nghệ sĩ được quần chúng yêu thích mà bị chính quyền đuổi ra khỏi quê hương thì không còn trừng phạt tinh thần nào nặng hơn.
Ngày 8-12-2011 diễn viên Đơn Dương đã qua đời ở San Jose, California ở tuổi 54, sau tám năm lưu vong với ước mộng trở về quê cũ không thành.
Một người chị nói cuộc sống của anh ở Mỹ không vui và vướng phải nhiều oan ức.
Không vui vì anh không được làm công việc theo tài năng đóng phim thiên phú. Anh đã nhiều lần xin về Việt Nam, tìm cách trở lại phim trường quê nhà nhưng không được cấp vi-sa cho đến gần đây. Nhưng giờ đã muộn cho một lần hội ngộ trong nước với bạn bè xưa.
Hôm tang lễ, bài giảng của linh mục chủ tế và ai điếu của một người bạn tiễn anh đều nhắc đến con người Đơn Dương tuy vang danh nhưng giản dị, hoà đồng, thường ca hát líu lo như chim khi còn ở dương trần.
Có phải vì nổi tiếng, tính tình lại hoà nhã, bình dân nên anh đã vướng vào những lụy tình oan ức?
Anh ra đi để lại trong lòng khán giả và bạn bè niềm thương tiếc một tài năng điện ảnh và nỗi băn khoăn về sinh hoạt nghệ thuật ở Việt Nam.
Tang lễ Đơn Dương ở San Jose, California ngày 13-12-2011
Hãy điểm qua nét chính trong một số phim liên quan đến cuộc chiến Việt Nam mà Đơn Dương đã đóng những vai nổi bật, thành công về nghệ thuật và cũng vì nó mà anh bị nhà nước lên án.
1/ Three Seasons – Ba mùa (Đạo diễn Tony Bùi, 1999). Đơn Dương đóng vai Hải đạp xích lô, mơ ước được một lần ngủ với cô gái điếm hạng sang, giá 50 đô, bằng hai tháng lương lao động của Hải. Để thực hiện giấc mơ, Hải cố luyện tập và đã thắng giải đua xích lô đạp. Nhờ đó có tiền. Nhưng khi gần cô gái và hiểu ra vì hoàn cảnh mà cô nữ sinh phải bán thân để kiếm sống, Hải đã tặng cô quyển sách học làm người Rèn nhân cách đã cũ tơi, đưa cô trở về khung trời thơ mộng xưa với con đường ngập phượng đỏ.
Đây là một phim Mỹ đầu tiên được hoàn toàn quay tại Việt Nam kể từ khi chiến tranh chấm dứt và là dự án phối hợp sản xuất giữa Hãng phim Giải Phóng và October Film, đánh dấu tiến bộ trong sự mở cửa hợp tác nghệ thuật giữa hai nước, giữa Việt kiều Mỹ và nhà nước Việt Nam.
2/ Green Dragon – Rồng xanh (Đạo diễn Timothy Linh Bùi, 2002). Phim phản ánh những sinh hoạt và cảm xúc của người tị nạn từng sống qua khoảnh khắc 30-4-1975 khi cuộc chiến chấm dứt. Đơn Dương trong vai Tài, thông dịch viên cho trưởng trại Camp Pendleton, là cầu nối giữa ban điều hành trại và người tị nạn. Đêm 30-4 Tài cùng nhóm bạn ngồi đàn hát trong một căn lều khi hay tin bộ đội tiến vào thủ đô, chính quyền Sài Gòn sụp đổ: “Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời / Sài Gòn ơi thôi đã hết thời gian tuyệt vời / Giờ còn đây những kỉ niệm sống trong tôi / Những nụ cười ngắt trên môi / Những giọt lệ ôi sầu đắng …”
Những lời ca đã làm ray rức người Việt hải ngoại trong những năm đầu xa quê hương. Khi được lồng trong khung cảnh trại tị nạn đã tạo cảm giác buồn rất thực cho những ai từng trải qua đời sống trại lúc bấy giờ.
Phim với cảnh rất buồn về một ngày mà theo quan điểm chính thống của Hà Nội phải là ngày mang dấu ấn lịch sử vinh quang. Chỉ vì diễn theo cách nhìn của người tị nạn về ngày 30-4 nên Đơn Dương đã bị những hệ lụy.
3/ We Were Soldiers (Đạo diễn Randall Wallace, 2002) là phim về trận đánh Ia-Drang trên Tây nguyên với hơn bốn trăm lính Mỹ đối đầu với một lực lượng bộ đội cộng sản đông hơn gấp bốn lần. Mel Gibson đóng vai sĩ quan chỉ huy lính Mỹ, Đơn Dương trong vai chỉ huy bộ đội Bắc Việt. Đây là trận đánh qui mô và cam go nhất xảy ra vài tháng sau khi lính chiến đấu Mỹ đổ bộ vào Nam Việt Nam năm 1965. Kết cuộc bộ đội Bắc Việt rút lui, Mỹ giữ được căn cứ. Hai bên đều thiệt hại nặng về nhân mạng.
Đơn Dương đóng vai Thiếu tá Nguyễn Hữu An, sau này lên tướng, chỉ huy trận đánh ở Ia-Drang mà bộ đội thua. Điều này không được lãnh đạo Hà Nội chấp nhận nên thêm một lí do nữa để nhà nước kết án Đơn Dương.
4/ Đời cát (Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, 1999) là câu chuyện về ông Cảnh do Đơn Dương diễn vai một người đi tập kết sau Hiệp định Genève 1954. Ra đi ông bỏ lại vợ là bà Thoa. Nơi đất xa ông có gia đình mới. Sau tháng 4-1975 ông trở về để chứng kiến những mất mát vì chiến tranh của gia đình và ngang trái của những cuộc tình. Thế rồi ông lại ra đi.
Năm 2005 được xem Đời cát người viết đã nhận định về khiá cạnh thiếu tinh thần tha thứ, hoà giải trong phim (talawas.org 20-7-2005).
Sự việc là khi ông Cảnh trở về và được bà Thoa đưa ra nghĩa địa thăm mộ người thân từ ông bà, cha mẹ đến o, dì, cậu, mợ chết vì chiến tranh. Tại mỗi nấm mồ ông Cảnh đều cắm nhang. Đến mộ của Trần Văn Thỏ, ngày trước là bạn học cùng lớp đệ tam, sau làm xã trưởng, bị bắn chết khi toan hiếp bà Thoa. Bà Thoa đề nghị ông thắp một que nhang cho đồng môn. Nhưng ông Cảnh chỉ lẳng lặng bỏ đi.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập năm 2009 đưa kịch bản do ông viết theo truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của Hữu Phương, lên Blog Quê choa. Theo kịch bản, ông Cảnh có cắm nhang lên mộ Thỏ. Trong phim không hiện lên hình ảnh đó.
Như thế là có sự kiểm duyệt của cơ quan văn hoá để khi phim được trình chiếu thiếu sự hoà giải với kẻ thù cũ. Dù là người đã chết.
Đó là câu chuyện về phim Đời cát được sản xuất trong nước năm 1999 với Đơn Dương đóng vai chính.
Đơn Dương giờ đã thênh thang đời cát, bỏ lại những oán thù, oan khiên. Anh đã về cùng cát bụi nhưng chưa một lần được trở lại quê hương như nguyện ước.
Nhiều người ngậm ngùi thương tiếc vì tài năng và những tác phẩm nghệ thuật anh để lại cho đời, trong khi truyền thông chính thống trong nước không còn nhắc nhiều đến diễn viên Đơn Dương chỉ vì anh đã đóng các vai không phù hợp với quan điểm nhà nước.
Như thế những ai muốn qua văn hoá nghệ thuật để tiến đến hoà giải sẽ băn khoăn tự hỏi bao giờ chính phủ mới thôi áp đặt quan điểm lên sinh hoạt văn hoá và tầm nhìn của người làm nghệ thuật ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào: