Pages

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Đằng sau việc tướng Trung Quốc đề nghị thành lập Đặc khu Nam Hải

(Tamnhin.net) - Một viên tướng Trung Quốc đã đề xuất một loạt biện pháp mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, trong đó sáp nhập ba quần đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát hay đòi chủ quyền thành một đặc khu hành chính, đưa người đến khai thác và đưa quân đến canh giữ.


Tướng Trung Quốc "diều hâu" La Viện

Người nêu lên đề nghị thiết lập Đặc khu Nam Hải là thiếu tướng La Viện, ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, nguyên Phó Phòng nghiên cứu quân sự thế giới thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc và hiện là Giám đốc điều hành Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc.

Quan điểm diều hâu

Trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc hôm 05/03/2012, tướng “diều hâu” La Viện đã cho rằng Trung Quốc cần phải thành lập một đặc khu hành chính ở Nam Hải (Biển Đông) để xác lập chủ quyền chủ quyền Trung Quốc trên các quần đảo và vùng biển trong khu vực, trong đó có Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) đang tranh chấp với Việt Nam.

Theo báo China Daily ngày 6/3, tướng La Viện đã đề xuất các biện pháp bao trùm năm lãnh vực chính: hành chính, pháp lý, kinh tế, quân sự và truyền thông. Các phương tiện ngoại giao, kinh tế và pháp lý nên được sử dụng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, còn quân sự là biện pháp dự phòng.

Quan điểm diều hâu của viên tướng này bộc lộ rõ qua đề nghị Trung Quốc phải cho đóng quân trên các hòn đảo, cho hải quân đến tuần tra trong khu vực và dùng cờ Trung Quốc để đánh dấu chủ quyền. Chính quyền cũng nên khuyến khích ngư dân đến đánh cá trong khu vực và thúc giục hai tập đoàn dầu khi Nhà nước Trung Quốc CNOOC và CNPC đến thăm dò dầu khí.

Tướng La Viện còn đề nghị chính quyền Bắc Kinh công bố một sách trắng về Biển Đông để chứng minh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên các quần đảo và vùng biển tại khu vực này. Viên tướng này còn đề nghị hợp nhất các lực lượng trên biển của Trung Quốc thành một lực lượng tuần duyên duy nhất.

Câu hỏi mà giới phân tích đặt ra sau các đề nghị của tướng La Viện có phải là quả bóng thăm dò mà Bắc Kinh tung ra để thử phản ứng dư luận trước khi áp dụng hay không? Hay đó chỉ là những luận điểm hung hăng của phe diều hâu đang phô trương lực lượng để giành thế thượng phong trên chính trường Trung Quốc vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị đại hội vào cuối năm nay?

Theo phân tích của hãng tin Anh Reuters, La Viện không phải là phát ngôn viên chính thức của quân đội Trung Quốc và nổi tiếng là người thường có những phát biểu bạo dạn hơn đường lối chính thống của Bắc Kinh. Tuy vậy, quan điểm hung hăng của ông ta lại được sự tán đồng của một số tướng lĩnh quân đội cũng như của một bộ phận có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ.

Phát biểu của tướng La Viện đã được tờ “Giải phóng quân báo”, cơ quan ngôn luận của Quân đội Trung Quốc, dành cho một vị trí trang trọng trên trang web ngày 7/3/2012.

“Khiêu khích”, “bất khả thi”...

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia (Trường Đại học New South Wales) cho rằng ý tưởng thiết lập Đặc khu Nam Hải của tướng La Viện là một hành vi vừa khiêu khích, vừa bất khả thi.

Giáo sư Carl Thayer nhận định: “Việc thành lập một Đặc khu Nam Hải sẽ là một động thái vô cùng khiêu khích và là một hành động vi phạm bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Đề nghị này không khả thi vì Việt Nam đang nắm giữ phần lớn các hòn đảo và thực thể địa dư khác ở quần đảo Trường Sa. Để hành xử quyền tài phán của mình, Trung Quốc sẽ phải đánh bật Việt Nam ra khỏi những nơi đó. Về hai vùng còn lại, thì Trung Quốc đã chiếm đóng và áp dụng quyền tài phán trên quần đảo Hoàng Sa, còn quần đảo Trung Sa (Bãi Macclesfield) là một nhóm đá ngầm, Trung Quốc có thể hành xử thẩm quyền của họ trên vùng biển xung quanh”.

Tuy nhiên, theo ông Thayer, khái niệm “Đặc khu Nam Hải” là một động thái “hâm lại” một quyết định được cho là đã được ban hành trước đây, nhưng sau đó ít được nhắc tới: “Ngay từ năm 1953, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thiết lập tại tỉnh Quảng Đông cơ quan quản lý các quần đảo Hoàng sa, Trường Sa, và Trung Sa – được điều hành từ đảo Phú Lâm (Woody Island) ở Hoàng Sa. Qua năm 1984, trách nhiệm quản lý nhóm quần đảo này được chuyển qua cho Khu Hành chính Hải Nam và đến năm 1988 thì giao cho tỉnh Hải Nam và chính thức đặt tên Cơ quan đặc trách quần đảo Hoàng Sa, Trường sa và Trung Sa thuộc tỉnh Hải Nam. Vào tháng 11 năm 2007, một tờ báo Hong Kong cho biết là một đơn vị hành chánh mới đã được Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập, đặt tên là Tam Sa, một đơn vị cấp huyện. Cho dù Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối, quyết định thành lập đơn vị hành chánh được giao trách nhiệm quản lý ba quần đảo này đến nay vẫn chưa được xác nhận chính thức”.

... và dẫn đến một liên minh chống Trung Quốc

Giáo sư Thayer cho rằng nếu cứ quyết tâm theo đuổi ý tưởng thiết lập Đặc khu Nam Hải, Bắc Kinh sẽ vấp phải một liên minh chống Trung Quốc được Mỹ và quốc tế hậu thuẫn: “Trung Quốc chỉ có thể biến Biển Đông thành một đặc khu nếu chiếm đóng được tất cả các hòn đảo và mỏm đá ở Trường Sa. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực thì điều đó sẽ phản tác dụng vì sẽ khuyến khích một liên minh của các nước chống lại Trung Quốc, với hậu thuẫn của Mỹ cũng như các cường quốc khác. Tàu chiến Trung Quốc khi ấy sẽ phải hoạt động ở những địa bàn xa xôi cách trở, liên lạc khó khăn, khiến cho lực lượng Trung Quốc tại những đảo mới chiếm được dễ bị nguy hiểm”.

Theo giáo sư Thayer, ngày nào Trung Quốc còn ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các nước láng giềng, thì ngày đó những ý kiến “cực đoan” như của ông La Viện sẽ bị gạt qua một bên.

Ông nói: “Trung Quốc sẽ không thực hiện đề nghị của tướng La Viện chừng nào mà họ vẫn muốn chơi trò ngoại giao với các quốc gia ASEAN khi thương thuyết về cách áp dụng Hướng dẫn thực thi tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) ký kết hồi năm ngoái. Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây đã tuyên bố rằng không có quốc gia nào đòi hỏi chủ quyền của toàn thể Biển Đông. Điều đó khiến người ta suy luận rằng Trung Quốc không đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông, mà chỉ đòi các đảo, bãi đá và vùng biển chung quanh các thực thể này. Đề nghị của tướng La Viện phản ánh xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Trung Quốc và thái độ cao ngạo đi kèm theo đà phát triển kinh tế của Trung Quốc”.
Minh Châu (theo RFI)

Không có nhận xét nào: