Pages

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Bắc Kinh hô hào tăng cường quân sự đánh thắng "chiến tranh cục bộ"

Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trước Quốc hội (Reuters/ Jason Lee)
Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trước Quốc hội (Reuters/ Jason Lee)
Đức Tâm
 
Hôm nay, 05/03/2012, phát biểu trong phiên họp đầu tiên kỳ họp thường niên của Quốc hội, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố cần phải tăng cường khả năng của quân đội giành chiến thắng trong các cuộc « chiến tranh cục bộ » trong thời đại công nghệ thông tin.
Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nói : « Chúng ta sẽ tăng cường khả năng của lực lượng vũ trang để hoàn thành các nhiệm vụ quân sự trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là đánh thắng các cuộc chiến tranh cục bộ, thông qua việc sử dụng các công nghệ thông tin ».

Theo hãng tin AFP, thủ tướng Trung Quốc đã phát biểu như trên vào lúc Bắc Kinh ngày càng có thái độ quyết đoán, khẳng định chủ quyền của mình trong các vùng biển đang có tranh chấp với những nước láng giềng.
Ngày hôm qua, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh thông báo là ngân sách quốc phòng trong năm 2012 sẽ tăng 11,2%, lên tới 80,6 tỷ euro.
Từ hơn một thập niên qua, cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng thường xuyên vượt quá 10%. Theo giới chuyên gia, chi phí thực cho quân sự của Trung Quốc có thể cao hơn rất nhiều con số được công bố. Một số chi phí hiện đại hóa bộ máy quân sự lại được cài vào trong ngân sách của một số lĩnh vực khác.
Theo giới quan sát, cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 đã làm lộ rõ những khó khăn, lạc hậu của quân đội Trung Quốc, được thành lập từ năm 1927 với nòng cốt là lực lượng bộ binh. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã tiến hành hiện đại hóa quân đội.
Bên cạnh việc phát triển, cải tiến những vũ khí quy ước, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong công nghệ vệ tinh và chiến tranh tin học. Đồng thời, Bắc Kinh còn có chương trình chế tạo máy bay tiêm kích ném bom tàng hình J-20, đóng hàng không mẫu hạm.
Phát biểu của thủ tướng Ôn Gia Bảo về « chiến tranh cục bộ » cho thấy rõ, việc gia tăng liên tục chi phí quân sự không nhằm mục đích thuần túy « quốc phòng » như Bắc Kinh vẫn thường tuyên bố để trấn an các nước láng giềng.
Tại Biển Đông, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có tranh chấp trong khu vực quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đơn phương khẳng định chủ quyền của mình đối với gần 80% diện tích Biển Đông.
Bắc Kinh còn có tranh chấp với Tokyo về chủ quyền đối với nhiều hoang đảo trong khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong vùng biển Đông Bắc Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi là biển Hoa Đông.

Không có nhận xét nào: