Pages

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Chỉnh Đảng - Âm mưu và trò hề !!! (phần 1)

Kính thưa quý thính giả, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài xã luận nhan đề “Chỉnh Đảng - Âm mưu và trò hề !!!”. Bài của ban biên tập bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, số ra ngày 15 tháng 3 vừa qua.



*****

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, khi lý giải về sự liêm chính, bất tham nhũng của bộ máy nhà nước (đồng thời là của đảng ông) ở Singapore (vốn lừng danh khắp thế giới), đã cho biết có 3 nhân tố: một chế độ lương bổng xứng đáng để người ta không cần tham nhũng, một định chế pháp luật nghiêm minh để người ta không dám tham nhũng, và một nền giáo dục lương tâm đầy đủ (nhờ tôn giáo) để người ta không nỡ tham nhũng!

Đảng Cộng sản Việt Nam, do phải nuôi dưỡng 4 bộ máy quản lý đất nước rất cồng kềnh (bộ máy đảng, bộ máy chính quyền, bộ máy công an, bộ máy Mặt trận) nên không thể trả lương đủ sống. Pháp luật của đất nước thì chỉ áp dụng cho nhân dân chứ không cho đảng viên, và trong nội bộ đảng thì chỉ có luật thanh trừng (trên đối với dưới), luật mua chuộc (dưới đối với trên) và luật cát cứ (địa phương là vua một cõi). Cuối cùng, cộng sản chủ trương vô tôn giáo, coi lương tâm danh dự là đồ bỏ, quan niệm đạo đức là những gì có lợi cho đảng và nhất là cho mình. Những điều này đương nhiên dẫn đến sự suy thoái dần nhân cách, đạo đức của đảng viên và gây nguy cho quyền lực lẫn tồn vong của đảng. Thành thử những cuộc chỉnh đảng không ngừng được đặt ra, nhất là từ Đại hội VI năm 1986, lúc bắt đầu mở cửa kinh tế và đảng viên được phép làm giàu. Từ đó đến nay, người ta đã tính tới có 14 Nghị quyết chỉnh đảng. Nhưng vấn đề suy thoái nhân cách đạo đức của hàng ngũ đảng viên từ thấp đến cao vẫn chưa bao giờ được giải quyết cách triệt để, thậm chí ngày càng trở nên trầm trọng. Hai năm trước, ngày 10-10-2009, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành trung ương đảng khóa X, cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: công tác xây dựng Đảng là “nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng, ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ”. Đến Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá XI hôm 26-12-2011, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải lặp lại: “Chỉnh đốn Ðảng là điều kiện quyết định sự tồn vong của chế độ”. Rồi chỉ hai tháng sau, tại Hội nghị cán bộ đảng viên toàn quốc ngày 27-02-2012, ông Tổng bí thư lại càng gào to tiếng hơn, cuống quít hơn quanh việc “quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng đảng” (tức cứu nguy đảng) trước “một ngàn đại biểu gồm toàn bộ thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 11, cán bộ chủ chốt các cơ quan ban ngành ở Trung ương: Bí thư, Phó bí thư, cán bộ chủ chốt của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Cái gì đã thúc đẩy đảng phải mở 2 hội nghị to lớn chỉ cách nhau 2 tháng? Ðó là tình hình phản kháng của dân chúng ngày một dâng cao, tạo nên một trận cuồng phong có thể quật ngã chế độ bất cứ lúc nào. Ðộng cơ mới nhất của cuộc phản kháng đó khiến đảng choáng váng mặt mày là vụ Ðoàn Văn Vươn nổ súng chống lại bọn cướp trá hình nhân viên công lực, tiếp đến là vụ bắt nhốt nhạc sĩ Việt Khang, tác giả của 2 bài hát mang tính tố cáo (Anh là ai? và Việt Nam tôi đâu?) vốn đã làm náo động lòng dân Việt từ quốc nội ra tới hải ngoại. Song song đó là chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa Thành ủy Ðảng bộ Hải Phòng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một sự xung đột giữa Ðảng với Nhà nước, giữa trung ương với địa phương, và cả giữa đảng viên cấp cao với đảng viên cấp thấp. Ngoài ra, sự tranh giành quyền lực bên trong đảng, nhất là giữa Tổng bí thư vốn là người đứng đầu Bộ Chính trị, nắm quyền lực lớn nhất theo nguyên tắc đảng trị nhưng nay xem chừng lép vế, với Thủ tướng vốn chỉ phụ trách bộ máy chính phủ, lo bề mặt ngoại giao, nhưng nay trở thành kẻ quyền uy số một, vì vừa nắm trong tay công cụ bạo lực là công an, vừa nắm trong tay công cụ tài lực là hơn 20 tổng công ty lẫn đại tập đoàn. Yếu tố “nhân dân chống đảng có vũ trang”, yếu tố “loạn đảng từ trên xuống dưới” và yếu tố “khuynh đảo quyền lực trong Bộ Chính trị” đã khiến cho Ðảng thấy nguy cơ sụp đổ thực sự nên mới cấp tốc mở một Hội nghị to lớn gọi là để “chấn chỉnh cho được những sai lầm, khuyết điểm, những biểu hiện tiêu cực lệch lạc, phai nhạt, xa rời mục tiêu lý tưởng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm dân chủ… của nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí cao trong bộ máy Ðảng và Nhà nước”. Thật ra, cuộc chỉnh đảng lần này chỉ là một âm mưu và là một trò hề.

1- Âm mưu:

Trước hết, đó là sự đánh nhau giữa các phe phái, như nhận xét của giáo sư Ngô Vĩnh Long (con trai bà Ngô Bá Thành, một đảng viên cao cấp vỡ mộng): “Hội nghị vừa rồi nói là chỉnh đảng, nhưng thực chất ra, từ trước tới nay, bao nhiêu cuộc chỉnh đảng từ những năm 1950 đến gần đây, chỉ là các phe phái đánh nhau.” Quả vậy, trước khi có Hội nghị Trung ương 4 và Hội nghị Cán bộ toàn quốc với trọng tâm là chỉnh đốn đảng thì lề lối gia đình trị của Nguyễn Tấn Dũng đã phơi bày trước mắt mọi người: con trai trưởng được cất nhắc làm Thử trưởng bộ Xây dựng, con gái nắm vai trò chủ chốt trong nhiều ngân hàng và công ty quan trọng, còn con trai út thì được giữ chức cao trong Đoàn Thanh niên Cộng sản. Chưa kể bản thân ngài Thủ tướng đang thao túng toàn bộ nền kinh tế và tài chính đất nước qua việc làm sếp các tổng công ty, đại tập đoàn và đang tạo vây cánh gồm những tướng tá công an đầy quyền lực. Nên chẳng lạ gì mà trong diễn văn ngày 27-2, Nguyễn Phú Trọng đã khuyên các “cán bộ lãnh đạo,… đặc biệt là người đứng đầu” “phải tự giác, gương mẫu làm trước”, “tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình” cũng như đã long trọng nhắc lại Quy định số 47 của Ban Chấp hành trung ương mà Trọng đã ký ngày 1-11-2011, nói đến 19 điều đảng viên bị cấm chỉ. Theo nhiều chuyên gia phân tích, đây chính là “19 thông điệp nhắn gửi gia đình Nguyễn Tấn Dũng. Người gửi là Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang. Nội dung cốt lõi của nó, dài dòng là “Cấm một mình cầm chuôi chính trị để mài lưỡi kinh tế mà thẻo hết thịt da đất nước chẳng chừa ai”. Còn ngắn gọn chỉ ba từ: “Đủ rồi, Dũng!” (Đinh Tấn Lực, Cái Âm Ai Cấm Ai Cầm Cấm Ai?).

Kính thưa quý thính giả, ngoài âm mưu để đấu đá lẫn nhau như vừa kể, còn âm mưu nào khác nữa trong chuyện chỉnh đảng, và màn chỉnh đảng được trình diễn như thế nào? Mời quý vị đón nghe phần hai bài xã luận của báo Tự Do Ngôn Luận sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới

Không có nhận xét nào: