Pages

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Ngẫm mình , xét người trong vụ Tiên Lãng

Bùi Văn Bồng

“Liệu có để kéo dài cho vụ việc “chìm xuồng”? Hoặc vẫn bài quen thuộc là “để lâu cứt trâu hóa bùn”? Nay lại câu rê, kéo dầm dề sự việc, bao giờ mới giải quyết dứt điểm để ông Vươn trở về mà tiếp tục sản xuất, lo trả nợ, lo cho đời sống?”
Tại một bệnh viện nọ có câu chuyện như sau: Vừa nhận được điện thoại, vị bác sĩ vội vã tới bệnh viện. Ông khoác vội y phục phẫu thuật và tiến ngay tới phòng mổ. Lúc đó, người cha của cậu bé sắp sửa được mổ đang ngồi đợi tại cửa phòng.
Thấy bóng bác sĩ, người cha nói như xối xả:
- Tại sao giờ này ông mới đến? Ông không hay biết con trai tôi rất nguy kịch sao? Thực lòng ông có trách nhiệm nghề nghiệp không vậy?
Bác sĩ điềm tĩnh trả lời:
- Thật xin lỗi, lúc này không phải ca tôi trực nên tôi không có mặt tại bệnh viện. Thế nhưng vừa nhận được điện báo tôi đến ngay đây… Và lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật.

Người cha giận dữ:
- Tịnh tâm à?! Giả như con của ông đang nằm trong phòng cấp cứu thì ông có tịnh tâm được không? Nếu như con trai ông sắp chết, ông sẽ làm gì?
Vị bác sĩ điềm tĩnh trả lời:
- Những bác sĩ không ai dám khẳng định có khả năng giữ lại mạng sống. Ông hãy đi và cầu nguyện cho con trai ông. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa.
- Khuyên lơn người khác khi mà bản thân mình chẳng dính dáng gì xem ra quá dễ dàng” – Người cha phàn nàn.
Cửa buồng phẫu thuật đóng lại. Vị bác sĩ miệt mài vài giờ liền trong buồng mổ. Và ông rời khỏi buồng phẫu thuật trong niềm hạnh phúc: “Cảm tạ Chúa. Con trai ông đã được cứu. Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy hỏi cô ý tá vừa giúp tôi”.
Không chờ câu trả lời của người cha, vị bác sĩ tiến thẳng ra cổng và rời khỏi bệnh viện. Ngay khi nhìn thấy dáng dấp cô y tá xuất hiện, người cha nông nổi kia nói ngay:
- Loại người gì mà lại cao ngạo đến như thế kia chứ! Thậm chí ông ta không thèm dành vài giây trả lời cho tôi biết hiện trạng con trai tôi.
Cô y tá cúi xuống, không giấu được những giọt nước mắt. Trong xúc động, cô chậm rãi trả lời: “Con trai duy nhất của bác ấy mới qua đời hôm qua do một tai nạn. Hôm nay bác ấy đang lo tang sự cho cậu. Thế nhưng vừa nhận được điện báo bác ấy tới ngay để cứu con trai ông. Bây giờ thì bác ấy trở về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình”.
Đừng vội kết án, truy chụp ai khi chưa hiểu nỗi đau trong lòng và hoàn cảnh bức xúc của họ. Vì bạn không biết cuộc sống của họ thế nào cũng như điều gì đang diễn ra trong tâm hồn họ và những gì họ đang phải nỗ lực vượt qua. Thế nên, nghĩ đến mình mà không biết nghĩ cho người khác, quá nóng vội dễ gây oan sai, thiệt thòi cho người khác.
Từ câu chuyện trên, tôi thấy có một hiện tượng xã hội đáng phải quan tâm. Đó là phải đặt mình trong hoàn cảnh cụ thể của người khấc, sống phải biết quan tâm, biết nghĩ đến người khác. Không nên cái kiểu: “Chỉ biết mình, không biết đến ta”, hoặc là : “Trên đời mát mẻ riêng tôi / Chung quanh thiên hạ nắng nôi kệ đời”. Trong vụ Tiễn Lãng (Hải Phòng), nay còn lính sình chưa giải quyết cho nhanh, cũng là biểu hiện của lối sống chỉ lo xét đoán người, không tựu nhận ra cái tôi quá to, lấn cả cái ta. Các vị lãnh đạo ở Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và huyện Tiên Lãng chỉ thấy nổi máu tham cồn cồn khi ông Vươn không giao lại đất theo quyết định của địa phương. Quyền lợi chưa thu về được, thì tìm cách hối thúc người ta, dồn ép mọi cách, buộc ông Vươn phải sớm giao đất thật nhanh cho địa phương.
Nhưng họ đâu có biết rằng, ông Vươn có hoàn cảnh vay vốn ngân hàng còn găm nợ tiền tỉ, nay sản xuất chưa được bao nhiêu, phải trả đất cho địa phương thì đau đời lắm, thiệt thòi lớn lắm. ngoài vay nợ ngân hàng, gần 20 năm qua bền bỉ lấn biển, ông Vươn đã phải bỏ ra biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt, mất cả đứa con và đứa cháu ruột nơi thủy tai đầu sóng, nay mới đi vào ốn định, chưa thu hồi được vốn, ngày đêm còn lo sốt vó. Thế mà, hơn 3 năm ông Vươn khiếu kiện xin được sử dụng đất, chính quyền địa phuwong không giải quyết cho người ta một cách công bằng đúng pháp luật, để cho ông Vươn bỏ cả sản xuất đi hầu tòa, hầu quan huyện vẫn không xong. Xét thấy muốn cưỡng chế mạnh tay để thu hồi đất của ông Vươn nhưng bị vướng là đơn thưa kiện của ông Vươn còn nằm ở tòa án. Theo đúng nguyên tắc pháp luật, đất còn tranh chấp, hồ sơ, đơn kiện còn tại tòa, nguyên đơn còn chờ đợi tòa giải quyết, thì không được cưỡng chế. Chính quyến huyện Tiên Lãng cũng đủ khôn ranh nghĩ cách hòa giải, vận động ông Vươn rút đơn. Và chính quyền cũng hứa với ông Vươn là sẽ cho tiếp tục thuê đất. Ông Vươn rút đơn rồi thì huyện dùng áp lực mạnh cưỡng chế đẻ thu hồi đầm tôm cho kỳ được. Họ chỉ biết có lợi cho mình, đâu biêt nổi lo canh cánh ngày đêm của người lao động.
Đất bãi bồi hoang hóa. Những người dân sở tại lâu nay đã ai đề xuất với chính quyến địa phương cho phép được khai hoang để nuôi trồng thủy sản chưa? Trong khi đó, ông Vươn từ xã Bắc Hưng, có chí làm ăn lợi nhà lợi nước, không sợ gian nan, đã ra tận đây bỏ nhiều công sức làm nên khu đầm tôm này. Đó là tấm gương lao động mà Hội nông dân Việt Nam đã coi là điển hình. Do khắc nghiệt của việc khai hoang, ông Vươn đã mất đi đứa con và đứa cháu. Dù trong nỗi đau ấy, ông Vươn vẫn bền gan, vững chí lo cải tạo đất, lo cho sản xuất. Chính quyền địa phương có thấu hiểu cho hoàn cảnh và những dằn vặt nỗi đau nội tâm của ông Vươn hay không? Thế mà, phát biểu với 300 đảng viên trong huyện, ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng nói: “Thưa các bác, chúng tôi là người dân Vinh Quang sống ở ven đê, nói tóm lại cái người dân ở đấy tâm lý người ta cũng chẳng muốn giao cho ai. Vì sao? Bởi vì chúng tôi chỉ cần ra ngoài ấy hai tiếng đồng hồ là chúng tôi bắt được bữa cáy về ăn ngon lành. Ra chân đê chỉ cần hơn tiếng là được bữa cá về ăn rồi. Người dân chúng tôi chẳng muốn giao cho ai để chúng tôi ra khai thác về cải thiện bữa ăn, sướng!”. Nói ra là tự bộc lộ “cái tôi” quá lớn, cái máu thực dụng, ích kỷ đến thế là cùng. Ông Chuân còn nói là ông Vươn không phải người gốc của xã Vinh Quang, là dân ngụ cư, chính quyền xã không cần quan tâm. Thế ông Nguyễn Văn Thành là người tận Ninh Bình về làm Bí thư thành phố thì sao? Bây giờ sao vẫn còn mang nặng tư tưởng cục bộ, bản vị địa phương, cái kiểu “làng choa làng bay” như thế?
Cũng vì tránh tội, đánh lạc hướng dư luận, ông Chuân còn cao giọng lý sự: “Xung quanh cái vụ việc này các cái blog và các cái trang mạng, tất nhiên là có bàn tay đạo diễn của các thế lực đứng đằng sau, không loại trừ các thế lực phản động bên ngoài, đã tung hết lên mạng. Các thông tin đó hoàn toàn không đúng bản chất sự việc. Về công tác tư tưởng tôi thấy có mấy vấn đề mà chúng ta phải đấu tranh, phải phản bác”. Vụ việc tự các ông gây ra, lại đi đổ vấy cho “kẻ địch” nào đó, rồi thế lực thù địch nào đó không rõ mặt mũi tung tích ra sao. Ngoài chính quyền đầy uy lực thì có địch nào mà về tận Cống Rộc hẻo lánh bãi bồi này để gây ra vụ lùm xùm này không? Đúng ra, ai làm mất uy tín Đảng lãnh đạo, ai làm mất đi bản chất ưu việt của chế độ dân chủ nhân dân, gây bất ổn xã hội, làm mất lòng tin của dân với chế độ thì có đó mới chính là địch. Cán bộ ta có những vị còn cái kiểu ăn nói hàm hồ, nói lấy được, vơ đúng về mình, đổ sai cho người khác.
Nay nghe nói vụ Tiên Lãng kéo dài mà chưa giải quyết nhanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, là do sự trì kéo néo nhằng của các phe, nhóm (cả nhóm lợi ích kinh tế và lợi ích quyền hành) nên cứ để ông Vươn chịu cảnh tạm giam hoài. Trong khi đó, đầm tôm bỏ hoang, không người sản xuất, nợ tiền ngân hàng của ông Vươn bao giờ mới trả hết? Lại còn đời sống, gia đình người ta nữa. Nguyên Phó Chủ tịch HĐBT Đoán Duy Thành, từng làm Bí thư thành ủy Hải Phòng chỉ đạo lấn biển ở Tiên Lãng trước đây, người có công với vùng đất này và thấu hiểu gian nan, cơ cực của người dân lấn biển đã trả lời phỏng vấn các nhà báo với nội dung là: Phải đặt mình trong hoàn cảnh người dân, phải thấu hiểu những mất mát đau thương của họ. Và đừng vì cái gì khác là phải biết nghĩ đến hoàn cảnh của người ta. Ông Vươn có nỗi khổ, nỗi lo bị mất đất, bị cướp công, bức xúc quá mới có sự phản ứng đến mức như vậy. Đừng vội truy chụp là âm mưu chống đối này kia. Đặt mình trong hoàn cảnh người lao động nghèo thì mới thấu hiểu cho họ. Đừng thù hằn, trả đũa, hãy nhanh chóng ổn định cho sản xuất. Nếu không thì lãng phí lớn lắm. Mà cũng kéo dài đau khổ cho người ta.
Các vị lãnh đạo ở thành phố Hải Phòng chỉ bức xúc việc lấy nhanh đất của ông Vươn mà làm sai luật, làm trái cách trong cưỡng chế thu hồi đất. Như cái ông người nhà bệnh nhân chỉ việc chửi xối xả một vị bác sĩ đầy nhiệt tình với bệnh nhân và tâm huyết với nghề. Chỉ đạo ngành chuyên môn cố tìm chuyện, tìm việc để tiếp tục truy cứu ông Vươn với sự đưa ra chứng lý, chứng cớ để “đánh” ông Vươn cho kỳ được ý muốn oán thù, vậy ai truy cứu trách nhiệm lãnh đạo của các ông đến đầu đến đũa chưa? Chẳng qua cũng là chỉ biết chăm chắm vì quyền lợi của mình thôi. Còn nay vụ việc lại bị kéo nhằng không giải quyết nhanh và dứt điểm để ông Vươn được ra khỏi trại giam, rồi giao đất cho ông Vươn tiếp tục sản xuất. Khi công luận, dư luận cả nước rần rần, lại có chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, thì cũng họp hành, rồi làm như là khẩn trương.
Nhưng khi dư luận tạm lắng, lại cứ từ từ, làm dần, để đó cái đã. Thế là cũng chỉ biết có cá nhân mình, không nghĩ đến ai. Liệu có để kéo dài cho vụ việc “chìm xuồng”? Hoặc vẫn bài quen thuộc là “để lâu cứt trâu hóa bùn”? Nay lại câu rê, kéo dầm dề sự việc, bao giờ mới giải quyết dứt điểm để ông Vươn trở về mà tiếp tục sản xuất, lo trả nợ, lo cho đời sống? Họ thử đặt hoàn cảnh của họ vào hoàn cảnh ông Vươn xem sao? Vậy mà vẫn cái lối chỉ biết được việc cho ta, ai sao mặc kệ!
Bùi Văn Bồng
Theo: Blog NLG

Không có nhận xét nào: