Pages

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Trung Quốc: Cường quốc đơn độc

Minxin Pei

“Hầu hết các nước châu Á đều muốn Mỹ duy trì vai trò cân bằng chủ chốt trong khu vực; những người bạn mà Trung Quốc có được ở những vùng khác trên thế giới không đem lại lợi ích gì cho cuộc đối đầu này”
Vì sao chỉ còn lại những nước xảo trá là bạn thật sự của Trung Quốc?
Suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa, những vị khách hiếm hoi từng đặt chân đến Trung Quốc thường nhìn thấy tấm áp phích khổng lồ đặt tại sân bay, với những dòng chữ khoe khoang đến nực cười, “Chúng tôi có bạn bè khắp nơi trên thế giới”. Thực sự, nước Trung Hoa theo chủ nghĩa Mao – một nhà nước xảo trá chuyên xuất khẩu cách mạng và đấu tranh vũ trang đi khắp thế giới, một kẻ thù không đội trời chung của phương Tây và khối Xô-viết cũ – từng bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trong quá khứ, Trung Quốc chỉ có mối giao hảo với một vài nước như Rumani của Ceausescu, Campuchia của Pol Pot; duy nhất chỉ có quốc gia bé nhỏ Albania, từng là đồng minh thật sự của Trung Quốc, nhưng chỉ trong những năm tháng ngắn ngủi và ảm đạm.

Bốn mươi năm sau, một Bắc Kinh quả quyết và hùng mạnh có thêm nhiều bạn. Sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc được nhiều chính phủ châu Phi chào đón nồng nhiệt (không nhất thiết dân địa phương có hoan nghênh hay không); các nước châu Âu thì xem Trung Quốc như một “đối tác chiến lược”, và Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ với các nền kinh tế đang nổi lên hàng đầu như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Nam Phi. Tuy có Pakistan, nước phụ thuộc vào trợ giúp của Trung Quốc về kinh tế và quân sự, được Trung Quốc yểm trợ với mục đích chủ yếu nhằm tạo thế đối trọng chống Ấn Độ, Bắc Kinh thiếu hẳn những đồng minh thật sự đến mức khó tin.
Quan hệ hữu nghị hay đồng minh chiến lược thật sự không phải là thứ hàng hóa có thể mua hoặc đổi chác theo cách thông thường. Nó đặt trên nền tảng cùng chia sẻ những mối quan tâm về an ninh, được củng cố bằng những giá trị tư tưởng giống nhau và sự tin cậy lâu dài. Trung Quốc nổi tiếng về “thủ đoạn ngoại giao con buôn” – đi khắp thế giới giở trò mua chuộc một cách dễ dàng bằng tập chi phiếu dày cộm, ủng hộ những chế độ (thường là thối nát, bị cô lập, là nước nghèo) như Angola, Sudan để đổi lại những điều khoản có lợi về khai thác tài nguyên thiên nhiên, hoặc biểu quyết chống lại những nghị quyết do phương Tây bảo trợ, có nội dung chỉ trích thành tích nhân quyền của Trung Quốc. Và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn thiếu hẳn những đồng minh chiến lược đáng tin cậy, nguyên nhân từ ba yếu tố có quan hệ với nhau: địa lý, ý thức hệ và chính sách.
Trước hết, Trung Quốc nằm ở vị trí địa chính trị là một trong những nước láng giềng khó chịu nhất thế giới. Trung Quốc có cùng biên giới với Nhật, Ấn Độ và Nga; cả ba cường quốc chủ chốt này từng trực tiếp xung đột quân sự với Trung Quốc trong thế kỷ 20. Trung Quốc vẫn còn tồn tại những tranh chấp lãnh thổ với Nhật, Ấn Độ, và người Nga đang lo sợ những dòng người Trung Quốc di cư, đến sinh sống tràn ngập khu vực Viễn Đông thưa thớt dân cư. Là những đối thủ địa chính trị tự nhiên như vậy, những quốc gia này không dễ dàng trở thành đồng minh với Trung Quốc. Vùng Đông Nam Á có Việt Nam, một nước không dễ khuất phục, không những từng trải qua nhiều cuộc chiến với Trung Quốc, nước này có vẻ đang tăng cường nỗ lực đấu tranh vì chủ quyền đối với vùng biển đang tranh chấp, thuộc khu vực biển Đông. Và ngang qua biển Hoàng Hải là Hàn Quốc, trong lịch sử từng bị Đế quốc Trung Hoa đô hộ, nhưng nay trở thành một đồng minh vững chắc của Mỹ.
Còn lại các nước như Myanmar, Campuchia, Lào và Nepal, những nước yếu kém này là những “cục nợ chiến lược” thật sự của Trung Quốc: duy trì rất tốn kém nhưng mang lại lợi ích rất nhỏ. Thập niên vừa qua, Trung Quốc ra sức tranh thủ thuyết phục các quốc gia có vai trò quan trọng hơn ở Đông Nam Á gia nhập quỹ đạo của mình với chiêu bài tự do thương mại và những hứa hẹn ngoại giao. Trong lúc chiến dịch này chỉ tạo ra thời kỳ trăng mật ngắn ngủi giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, nó đã nhanh chóng tuột dốc khi Trung Quốc tăng cường khẳng định chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên biển Đông, điều này khiến các quốc gia Đông Nam Á nhận ra rằng, sự lựa chọn an ninh tốt nhất của họ vẫn là Mỹ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vừa qua ở Bali, tháng 11 năm 2011, hầu hết các nước thuộc khối ASEAN đều lên tiếng ủng hộ lập trường của Washington về vấn đề biển Đông.
Trung Quốc có thể là nước bảo trợ của Bắc Triều Tiên, nhưng hai quốc gia này lại không ưa gì nhau. Nỗi lo ngại về một Triều Tiên tái thống nhất khiến Trung Quốc phải tiếp tục bơm viện trợ ồ ạt cho Bình Nhưỡng. Mặc dù có được Trung Quốc như cái máy rút tiền và trạm tiếp nhiên liệu, nhưng Bình Nhưỡng vẫn không tỏ ra biết ơn đối với Bắc Kinh, cũng như rất hiếm khi chịu để những mối quan tâm an ninh của mình song hành với Trung Quốc: cứ xem tham vọng theo đuổi vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, rõ ràng đã làm tồi tệ hơn môi trường an ninh của Trung Quốc. Thậm chí còn tồi tệ thế này, Bình Nhưỡng từng nhiều lần tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Washington sau lưng Bắc Kinh trong suốt quá trình đàm phán sáu bên do Trung Quốc bảo trợ, cho thấy Bắc Triều Tiên luôn sẵn sàng bán đi “người bạn” và láng giềng của mình cho kẻ ra giá cao nhất. Tuy Trung Quốc có ít sự lựa chọn, nhưng nước này nên cư xử đẹp, không nên hằn học dù mối quan hệ giữa họ và nước Triều Tiên thống nhất có thể xấu đi: Nếu Hàn Quốc dân chủ thâu tóm được Bắc Triều Tiên, quốc gia mới tất nhiên sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ, thay vì gần gũi hơn với Trung Quốc.
Trong tất cả các nước láng giềng, duy chỉ có Pakistan tạo ra được lợi ích an ninh thật sự cho Trung Quốc. Nhưng do tình hình bất ổn trong nước làm suy yếu chính phủ Pakistan, lợi ích sau cùng của mối quan hệ này đang suy giảm. Việc Trung Quốc mở rộng quan hệ an ninh, thương mại với các chế độ chuyên quyền Trung Á gặp phải sự cạnh tranh từ Nga (nước bảo hộ truyền thống của họ) và Mỹ; những chính phủ này có thể cần Trung Quốc để cân bằng trong quan hệ với các cường quốc khác, vốn đang thèm muốn nguồn tài nguyên và vị trí chiến lược của họ, nhưng các nước Trung Á cũng rất lo sợ trước viễn cảnh bị rơi vào quỹ đạo Trung Quốc, dẫn đến việc thiết lập liên minh thật sự với quốc gia này.
Nếu phương diện địa lý góp phần làm cho Bắc Kinh mất đi những đồng minh an ninh lâu bền, hệ thống độc đảng của Trung Quốc cũng làm hạn chế nghiêm trọng một loạt các ứng viên có thể đưa vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Các nền dân chủ tự do – hầu hết là những nước giàu mạnh và có ảnh hưởng – đều ngoài tầm với của Trung Quốc, do những ảnh hưởng bất lợi trong nước và quốc tế khi họ thành lập liên minh với một chế độ độc tài. EU và Trung Quốc sẽ không có chuyện xúc tiến một liên minh an ninh; việc nâng cấp mối quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược” chỉ là lối nói hoa mỹ, ngay lập tức trở nên rỗng tuếch bởi lệnh cấm vận vũ khí EU đang áp đặt lên Trung Quốc và những tranh chấp thương mại triền miên.
Các chế độ dân chủ thông qua bầu cử chiếm đến khoảng 60% tổng số các nước trên thế giới, làm cho số lượng các nước đồng minh chính trị tiềm năng của Trung Quốc trở nên nhỏ hơn rất nhiều so với thập niên 1960 và 1970. Những thể chế dân chủ tự do mới sau này như Mông Cổ, nước láng giềng của Trung Quốc, tỏ ra miễn cưỡng khi bang giao với một gã khổng lồ độc tài, đặc biệt trong quan hệ láng giềng. Thay vào đó, Mông Cổ theo đuổi liên minh với phương Tây vì mục đích an ninh (và người ta cho rằng Bắc Kinh không hài lòng về cuộc tập trận quân sự chung được tổ chức gần đây giữa Mỹ và Mông Cổ). Ngày nay, mối quan hệ được thổi phồng từ thời chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Romania, Albania đã sụp đổ. Mặc dù nền dân chủ của họ còn nhiều khiếm khuyết, nhưng lãnh đạo hai nước này có vẻ hiểu rằng, nếu ràng buộc vận mệnh đất nước mình vào Trung Quốc sẽ làm hỏng cơ hội trở thành một phần của phương Tây. Kinh doanh, giao dịch buôn bán với Trung Quốc là một chuyện – có lẽ đó là điều không tránh được trong nền kinh tế hiện đại và toàn cầu hóa, nhưng đồng hành với nhau trong chính sách đối ngoại lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Trong ba thập niên qua, chiến lược chính sách đối ngoại của Bắc Kinh không tập trung vào việc xây dựng khối đồng minh chiến lược. Thay vào đó, Trung Quốc nhấn mạnh vào việc duy trì quan hệ ổn định với Mỹ, tận dụng môi trường hòa bình ở bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Chính sách ngoại giao Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông ở trạng thái tăng tốc làm việc hết sức chỉ đúng có hai lần: khi Trung Quốc gây sức ép lên Đài Loan vào thời điểm chính phủ ủng hộ độc lập lên nắm quyền tại đảo quốc này (giai đoạn 1995-2008), và khi Trung Quốc tập hợp các nước đang phát triển nhằm làm thất bại chiến dịch nhân quyền của phương Tây chống lại Trung Quốc. Đó là những lần Bắc Kinh phải dựa vào mối quan hệ ngoại giao (đi kèm theo sự đe dọa ngấm ngầm) để đạt được mục đích của mình, chẳng hạn Trung Quốc từng thuyết phục các nước như Algeria, Sri Lanka tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình vào tháng 12 năm 2010 nhằm vinh danh nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba. Nhưng mặt khác, giới lãnh đạo Trung Quốc có niềm tin chắc chắn rằng phương cách đáng tin cậy nhất để một cường quốc có thể bảo đảm những lợi ích và an ninh của mình vẫn là tập trung phát triển mọi tiềm năng của đất nước, trong khi đó lại không quan tâm đến phần còn lại của thế giới.
Như các cường quốc khác, Trung Quốc cũng có những quốc gia chư hầu, chẳng hạn như Bắc Triều Tiên và Myanmar. Nếu Bắc Triều Tiên thể hiện một nước chư hầu có thể trở thành kẻ phá rối nguy hiểm đến dường nào, thì Myanmar lại là một ví dụ cho thấy, vì sao một nước bảo trợ không nên cho rằng vai trò “thượng quốc” của mình mãi là điều hiển nhiên. Cho đến khi xảy ra những biến chuyển chính trị mạnh mẽ gần đây tại Myanmar, Trung Quốc vẫn nghĩ rằng chính quyền quân sự của quốc gia cô lập này vẫn ngoan ngoãn nằm trong túi của mình. Thế nhưng, giới tướng lĩnh cầm quyền Myanmar dường như đã có kế hoạch khác, họ đã hủy một hợp đồng với Trung Quốc liên quan đến việc xây một con đập gây tranh cãi. Trước khi Bắc Kinh tỏ thái độ tức giận, Myanmar đã thả tù chính trị, và mời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Yangon trong chuyến thăm lịch sử. Hiện nay, Myanmar hình như đang rời khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể có một vài nước thật sự đúng nghĩa bạn bè, như Venezuela của Hugo Chávez, Zimbabwe của Robert Mugabe, Cuba của anh em nhà Castros. Nhưng nhìn chung, đây là những nhà nước nằm dưới sự lãnh đạo của các chính trị gia thường bị thế giới xa lánh, chuyên trục lợi khi quan hệ với các cường quốc. Bên cạnh việc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhận được sự ủng hộ tại Liên Hiệp quốc, mức độ quan trọng chỉ có thế, việc quan hệ tốt với những quốc gia đó chỉ đem lại cho Bắc Kinh lợi ích nhỏ nhoi. Vả lại, hầu hết lãnh tụ của những nước này đều già yếu. Một khi thế hệ chính trị gia mới, giỏi giang hơn, theo đường lối dân chủ lên nắm quyền, quan hệ giữa những nước này với Trung Quốc có thể không còn nồng ấm.
Nga, một nước gần gũi nhất, gần như là một cường quốc đồng minh với Trung Quốc. Họ cùng chia sẻ nỗi lo ngại và căm ghét phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã đem Moscow và Bắc Kinh đến gần nhau hơn bao giờ hết. Tuy vậy, lợi ích kinh tế chung của hai nước lại đang đi xuống: Nga đã làm Trung Quốc thất vọng khi từ chối cung cấp năng lượng và không bán cho Trung Quốc những vũ khí tiến tiến, trong khi Trung Quốc lại không bày tỏ đủ sự hậu thuẫn đối với Nga trong cuộc tranh cãi của nước này với Mỹ liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng như trong vấn đề Gruzia. Nhưng xét về khía cạnh hoàn toàn chiến thuật, Trung Quốc và Nga đã trở thành đối tác lợi dụng lẫn nhau, cùng hợp tác tại Hội đồng Bảo an LHQ nhằm tránh sự cô lập, bảo vệ lợi ích sống còn của mình. Về vấn đề Iran, Nga và Trung Quốc điều phối nhau một cách chặt chẽ để giảm nhẹ áp lực của phương Tây lên Tehran. Đối với Syria, họ từng hai lần phủ quyềt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ để bảo vệ chế độ Assad. Tuy nhiên, bất kỳ người Nga hay người Trung Quốc chân thật nào cũng sẽ nói thẳng với mọi người rằng họ không phải là đồng minh; việc thiếu sự tin cậy chiến lược giữa hai nước đã khiến việc hình thành liên minh thật sự trở thành điều không thể.
Sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc đã tạo nên nỗi lo ngại “tiến thoái lưỡng nan về an ninh”: Thay vì làm cho Trung Quốc an ninh hơn, sức mạnh đang lên của Trung Quốc đã tạo ra nỗi bất an đối với các nước láng giềng, nghiêm trọng hơn, nó đã gây ra sự phản ứng chiến lược từ Mỹ, nước đang tập trung chuyển trọng tâm an ninh hướng về châu Á. Cuộc đối đầu chiến lược đang nổi lên này sẽ thử thách gay gắt kỹ năng ngoại giao của Bắc Kinh. Những lựa chọn chiến lược hiện có đối với Trung Quốc về phương diện tăng cường cấu trúc đồng minh là không nhiều. Hầu hết các nước châu Á đều muốn Mỹ duy trì vai trò cân bằng chủ chốt trong khu vực; những người bạn mà Trung Quốc có được ở những vùng khác trên thế giới không đem lại lợi ích gì cho cuộc đối đầu này. Tuy nhiên, có hai con đường, tuy khó khăn nhưng đầy hứa hẹn, Trung Quốc có thể tiến bước. Một là, Trung Quốc phải giải quyết những tranh chấp lãnh thổ còn tồn tại với các nước láng giềng, và ủng hộ cơ chế an ninh tập thể trong khu vực, một khi thực hiện, có thể làm vơi đi nỗi lo của các quốc gia láng giềng, giảm bớt căng thẳng đối đầu Mỹ – Trung, làm triệt tiêu nhu cầu cần có đồng minh của Trung Quốc. Hai là, Trung Quốc cần dân chủ hóa hệ thống chính trị của mình, bước đi này sẽ loại bỏ triệt để những nguy cơ của một cuộc xung đột chính thức Mỹ-Trung, giúp Trung Quốc có được “bạn bè khắp nơi trên thế giới”. Bước đầu tiên có thể trong khả năng của Trung Quốc, dù quá ít và quá trễ – và phải kiên trì, đừng nôn nóng với bước đi thứ hai.
Tác giả: Ông Minxin Pei là giáo sư môn chính phủ học tại trường Claremont McKenna College.
Nguyễn Tâm chuyển ngữ

Không có nhận xét nào: