Pages

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Cựu nhà báo Trung Quốc: Viết lách nên được tự do!

Hoàng Hường

"Tôi nghĩ rằng mọi công việc viết lách nên được tự do. Mọi cây viết và mọi công dân nên được khuyến khích tư duy và viết bất kỳ cái gì họ muốn".
Blog của cựu nhà báo Trung Quốc Lý Thừa Bằng (Li Chengpeng) đã được trao giải Blog xuất sắc nhất (Best Blog Award) tại Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu 2013 (Deutsche Welle Global Media Forum 2013), nơi Lý Thừa Bằng được gọi là "nhà phê bình xã hội Trung Quốc" (Chinese social critic).
Được coi là một trong những cây viết trẻ nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện nay, Lý Thừa Bằng thu hút lượng độc giả và fan hâm mộ lớn trong cộng đồng tiếng Trung. Phủ sóng quan tâm tới nhiều vấn đề: xã hội, chính trị, kinh tế.. hiện có khoảng 300 triệu lượt độc giả theo dõi blog của Lý, cùng 7 triệu người theo dõi anh trên mạng SinaWeibo.
"Anh ấy (Lý Thừa Bằng) không chỉ viết, mà hành động, và có những cuộc điều tra cụ thể. Năm 2008, Lý đã đến vùng bị động đất ở tỉnh Tứ Xuyên để thực địa. Anh ấy thực sự là hình mẫu của giới trẻ Trung Quốc trong công cuộc đóng góp xây dựng một tương lai tốt hơn cho đất nước họ", Hu Yong, thành viên ban giám khảo phát biểu tại lễ trao giải.

Qua những bài viết thể hiện góc nhìn sắc sảo, mạnh mẽ của một cựu nhà báo, Lý Thừa Bằng còn khuyến khích độc giả của anh quan tâm nhiều hơn, và tự tin hơn khi thể hiện quan điểm về các vấn đề chính trị - xã hội nóng ở trong và ngoài Trung Quốc.
Hiện Lý Thừa Bằng sống tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết.
Trong khuôn khổ Deutsche Welle Global Media Forum 2013, phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với Lý Thừa Bằng.
Bà Ute Schaeffer, Tổng biên tập tờ Regionalized Content của Deutsche Welle trao giải cho Lý Thừa Bằng tại Global Media Forum 2013. Ảnh: Deutsche Welle/M. Magunia
Mọi công việc viết lách nên được tự do
Trước hết tôi muốn cảm ơn ông đã dành cho tôi cơ hội được phỏng vấn. Được biết ông là một nhà báo, nhà văn và blogger tên tuổi của Trung Quốc, chắc hẳn nhiên ông quan tâm đến những vấn đề không chỉ của Trung Quốc mà trong khu vực. Tôi sẽ rất cảm kích nếu được ông chia sẻ những quan điểm thẳng thắn.
Trong thời đại thông tin và phương tiện truyền thông bùng nổ như hiện nay, sự kiểm soát thông tin nên được nhìn từ góc độ nào, nhìn cụ thể từ đất nước ông?
Ở Trung Quốc, chính phủ rất quan tâm bạn viết cái gì, bạn có thể gọi là kiểm duyệt. Tuy nhiên đó là ở báo chí, nhưng với mạng xã hội thì không ai kiểm duyệt được. Bạn có thể đưa thẳng thông tin bạn viết đến độc giả.
Đó có phải là lý do ông bỏ sự nghiệp của một nhà báo sang viết tự do?
Tôi đã từng làm báo hơn 8 năm. Làm báo là một công việc thú vị, tuy nhiên tôi cần một không gian thoải mái hơn để viết.
Trong "không gian thoải mái hơn" đó, có lúc nào những bài viết của ông đi ngược lại với những quan điểm được kiểm duyệt?
Tôi chỉ viết những gì tôi nhìn thấy, cảm nhận và suy tư về sự phát triển của đất nước, những vấn đề mà người dân chúng tôi đang đối mặt và trăn trở. Tôi không nghĩ quan điểm của tôi có gì mâu thuẫn với những cơ quan kiểm duyệt.
Bản thân tôi đang tập trung viết tự do, tôi làm việc cho tổ chức cá nhân, nhưng tôi cũng tự ứng cử vào chính quyền địa phương. Có nghĩa rằng, một ngày nào đó, có thể tôi là một thành viên chính quyền, tôi cho rằng những việc tôi đang làm là đóng góp xây dựng đất nước.
Tác giả bài viết và Lý Thừa Bằng tại Deutsche Welle Global Media Forum 2013
Qua những ảnh hưởng có thể đong đếm được trên lượng bạn đọc blog, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của công nghệ thông tin và tự do ngôn luận tới sự phát triển dân trí?
Tôi không phải chuyên gia công nghệ thông tin, tôi không thể nói rõ nó ảnh hưởng như thế nào. Tôi chỉ đơn giản viết ra những gì mình thấy, mình nghĩ mà thôi. Bạn đọc có thể thích hay không thích những điều tôi viết, nhưng chắc chắn họ sẵn lòng quan tâm chia sẻ nhiều hơn. Tất nhiên không phải lúc nào những điều viết ra cũng được số đông chấp nhận.
Theo ông, cách đón nhận và phản hồi của độc giả với những bài viết khi ông là một nhà báo, với sự đón nhận những bài viết khi ông là một blogger tự do không?
So với những gì tôi viết 5 năm trước, khi là một nhà báo, tôi nghĩ cách đón nhận của độc giả có sự khác nhau. Trong khuôn khổ nhất định, tôi phải viết những gì tôi không thật sự muốn, đôi khi không phải thật. Tôi muốn thay đổi. Bây giờ những bài viết của tôi hoàn toàn là những gì tôi nghĩ và tôi muốn nói. Tôi nghĩ độc giả hoàn toàn nhận ra sự thay đổi đó, và tất nhiên họ đón nhận tôi nhiệt thành hơn.
Ông có nghĩ rằng trong tương lai, chúng ta cần khuyến khích những người viết tự do như ông, vì trên thực tế, trong thời đại công nghệ này, kiểm soát người dân tư duy và phát tán dường như bất khả thi?
Tôi nghĩ rằng mọi công việc viết lách nên được tự do. Mọi cây viết và mọi công dân nên được khuyến khích tư duy và viết bất kỳ cái gì họ muốn. Tuy nhiên tôi cho rằng người viết tư do không nên chỉ chú trọng đến những vấn đề xung đột chính trị hay quan hệ các nước, mà quan trọng hơn họ nên chú ý vào những câu chuyện xung quanh, những câu chuyện về quyền con người, cuộc sống và văn hóa của họ.
Tôi cũng đã đến Việt Nam vài lần. Tôi rất thích Việt Nam và thấy đây là một đất nước thật đẹp và đáng yêu. Tôi mong được trở lại Việt Nam lần nữa.
Là những công dân, và là nhà báo của Việt Nam và Trung Quốc, chắc hẳn anh và tôi đều quan tâm đến vấn đề trên Biển Đông, nơi mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang có mối quan tâm lớn. Cũng hẳn chúng ta đều từng nghe người phát ngôn của Việt Nam và Trung Quốc đưa ra những quan điểm về vấn đề này. Nhưng tôi thực sự muốn biết: một công dân, một blogger như anh nghĩ như thế nào về những vấn đề đã và đang xảy ra trên Biển Đông, về những quần đảo đang được tranh chấp giữa Việt Nam - Trung Quốc?
Là một nhà báo tự do, tôi thực sự không muốn đề cập quá nhiều vào các vấn đề chính trị. Tôi chỉ cho rằng: xung đột không bao giờ là điều tốt cho sự phát triển chung của thế giới hay bất kỳ đất nước nào trên thế giới.
Vấn đề trên Biển Đông, tôi thật lòng không thể nói chắc chắn cái gì đúng, cái gì sai, hay bất kỳ điều gì, bản thân tôi không được nhìn tận mắt hay có những thông tin cụ thể. Những quan điểm hay thông tin từ người này người khác đưa ra đôi khi phụ thuộc vào cảm nhận cá nhân họ.
Xin cảm ơn ông!
(Từ thành phố Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức)

Không có nhận xét nào: