Pages

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Cuộc chiến đất đai: Khủng hoảng quyền sử dụng đất tại Việt Nam

Bản dịch của Lâm Thành Nhân

Chị Siêu cho biết gia đình chị đã sống nhiều thế hệ trên một mảnh đất nhỏ gắn liền với những cây điều cho tới khi họ trở thành nạn nhân của một vụ cướp đất bởi một nhóm người địa phương có quyền lực, số phận chung của những người nông dân bản địa trên những vùng đồi xanh tươi ở Tây Nguyên.
Theo các nhà hoạt động thì tất cả đất đai trong quốc gia Cộng sản được Nhà nước sở hữu và quyền sử dụng thường không rõ ràng, cho phép những viên chức địa phương tham nhũng và những doanh nhân có quan hệ mật thiết chiếm giữ đất đai mà không bị trừng phạt.
Một nhóm nông dân thuộc dân tộc thiểu số Ê Đê đang chuẩn bị đất để trồng khoai mì tại tỉnh Đắc Lắc (Tây Nguyên) vào ngày 12 tháng 03 năm 2013.
Tây Nguyên từ lâu vốn là một điểm nóng về thái độ bất mãn của dân chúng liên quan đến quyền sử dụng đất, một phần là do kế hoạch của chính phủ thu hút các công ty nông nghiệp lớn và những người di dân vùng đồng bằng tìm kiếm vận may của mình trong các ngành công nghiệp cao su, cà phê và hạt điều đang phát triển mạnh.
Các số liệu chính thức cho thấy dân số của khu vực này đã tăng từ 1,5 triệu người vào năm 1975 lên đến khoảng 6 triệu người vào năm 2010, dẫn đến những khiếu nại của người dân tộc thiểu số bản địa bị những người dân tộc Kinh mới đến, chiếm đến 90% dân số, dùng vũ lực đuổi đi.
Chị Siêu là người M’Nông, một trong những mảng người dân tộc thiểu số bản địa tạo nên 10% dân số còn lại của khoảng 90 triệu người dân Việt Nam.

Chị cho biết cây trái của gia đình đã bị đốn sạch và mồ mả tổ tiên bị phá hủy vào năm 2011 để mở đường cho một đồn điền cao su được điều hành bởi một công ty tư nhân với sự hỗ trợ của các quan chức địa phương.
Chị Siêu, 42 tuổi, nói với đài AFP: “Họ nói nếu chúng tôi không đi họ sẽ đánh đập và giết chúng tôi. Không có bồi thường gì cả. Họ chặt hết cây của chúng tôi. Chúng tôi đã mất hết mọi thứ – đất đai và cây trồng của chúng tôi”.
“Hầu hết đất đai trong khu vực chúng tôi hiện nay thuộc về những người có tiền. Nhiều người trong số họ là người Kinh”, chị nói.
“Hiện nay cộng đồng người M’Nông chúng tôi không có nhiều đất đai. Chúng tôi đã bị đuổi ra khỏi khu vực mà chúng tôi đã sống qua nhiều thế hệ. Chúng tôi bị buộc phải trở thành những người lao động nông nghiệp” chị Siêu nói thêm.
Nhiều bộ tộc địa phương như vậy – được gọi chung là người Thượng – đã sát cánh với miền Nam được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến kéo dài nhiều thập niên của Việt Nam. Một số đang kêu gọi thêm quyền tự trị, trong khi những người khác ở nước ngoài thậm chí còn ủng hộ sự độc lập cho khu vực.
Những vụ biểu tình lớn cuối cùng phản đối việc đất đai truyền thống bị mất cho những vụ trồng rừng quy mô lớn diễn ra năm 2004 và chính quyền vẫn đang săn lùng những người liên quan. Mới đây, 8 người đã bị tuyên án những mức án lên đến 11 năm tù giam cho một vụ biểu tình vào năm 2002.
Cách đây ba thập niên, trước khi Việt Nam bãi bỏ tập thể hóa và bắt đầu quá trình cải cách thị trường, các vụ tranh chấp đất đai phần lớn dựa trên số liệu thống kê dân số và lịch sử và tập trung vào những “điểm nóng” như Tây Nguyên.
Nhưng khi đất nước phát triển và giá trị đất đai gia tăng, sự rắc rối lan sang những thành phố có giá đất cao hơn.
Người ta nhận ra rằng, bằng việc sở hữu đất gần thành phố, họ có thể “kiếm được rất nhiều tiền hơn” so với từ các đồn điền cà phê xa xôi, giáo sư Adam Fforde, một chuyên gia về Việt Nam của trường Đại học Victoria ở Úc, nói.
Theo cụ Lê Hiền Đức, một nhà hoạt động đã trên 80 tuổi, người bắt đầu làm việc về những vấn đề đất đai vào thập niên 1980 – những vụ cướp đất trước đây biệt lập nay đã trở nên “tràn lan”.
“Các viên chức địa phương đã cướp đất của dân làng vì lợi ích”, cụ Đức (người trước đây từng giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập tôn kính của đất nước) nói.
Dân làng không có cách nào đòi bồi thường, khi chính quyền địa phương – nơi đầu tiên để họ khiếu kiện – thường có liên quan đến những vụ mua bán đất đai tham nhũng, bà nói vậy khi kêu gọi một đạo luật đất đai rõ ràng và một đợt phát động chống tham nhũng nghiêm túc
Trên toàn quốc, khoảng 70% đơn thư khiếu nại gửi đến chính quyền có liên quan đến đất đai.
“Nhưng không có giải pháp”, cụ Đức nói, “người ta bị đá lòng vòng như trái banh giữa các cấp chính quyền – xã, huyện, tỉnh. Cuối cùng, họ đổ về Hà Nội”.
Chị Siêu đã đến Hà Nội 3 lần – với chi phí cá nhân tốn kém – để nộp đơn khiếu kiện hầu mong lấy lại đất của mình ở Tây Nguyên, nhưng không thành công. Chị không đơn độc trong nỗ lực của mình.
Bất kể mưa nắng hay bị công an đàn áp, người ta có thể thấy những người biểu tình đứng ở một góc phố đông người gần những tòa nhà chính quyền ở trung tâm Hà Nội, nắm trong tay những tấm biểu ngữ viết bằng tay kể chi tiết những khiếu nại đất đai của họ.
“Tôi đã ở đây được 4 tháng rồi. Công an đã cố đuổi tôi đi nhiều lần. Nhưng tôi sẽ không bỏ đi – chúng tôi sẽ không bỏ đi – cho đến khi họ giải quyết vấn đề này”, bà Đỗ Thị Ngọc Nguyên, một người đến từ tỉnh Đồng Nai ở miền Nam, nói.
Với tất cả đất đai do nhà nước sở hữu, người dân phải dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng trong thực tế họ được bảo vệ rất kém.
Vấn đề được đặt ra trở nên gay gắt hơn trong năm nay với việc hết hạn hợp đồng thuê sử dụng đất 20 năm, mang lại cho nhiều nông dân yêu sách hợp pháp nào đó đối với đất đai của họ. Chính phủ đã không làm rõ là vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào.
“Việc cướp đất đai, bởi chính quyền địa phương, các viên chức và các doanh nghiệp, là nguồn gốc của tất cả mọi bất ổn mà chúng ta thấy”, một học giả Việt Nam hàng đầu ở Hà Nội nói với điều kiện giấu tên, dẫn ra càng ngày nhiều vụ phản đối tại thủ đô.
“Dân làng luôn bị thua cuộc”, ông nói, giải thích rằng chính quyền sung công đất đai với danh nghĩa “lợi ich công cộng” chỉ để bán cho những người phát triển để xây dựng những ngôi nhà đắt tiền và các khu trung tâm mua sắm.
Công luận kiên quyết đứng về phía những người phản đối về chuyện đất đai.
Nông dân Đoàn Văn Vươn đã trở thành một người hùng của dân chúng sau khi sử dụng súng tự chế để chống lại vụ cưỡng chế trục xuất vào năm ngoái – vụ xô xát đã khiến một trang blog được nhiều người biết đến đặt cho ông danh hiệu “Người của Năm 2012”. Ông đã bị cầm tù 5 năm vào tháng 4 vừa rồi”.
Một người bảo vệ đất đai khác đã trả một cái giá khác. Ông Lê Thạch Bàn, 74 tuổi, đi khập khiễng sau vụ ông bị những tên côn đồ tấn công vào năm ngoái, khi ông từ chối giao đất cho một dự phát triển đô thị tại Hưng Yên, một tỉnh gần Hà Nội.
“Phổi tôi bị thủng và đầu bị nhiều chấn thương, gẫy 3 xương sườn và phải nằm 23 ngày ở bệnh viện”, ông cho biết, đồng thời tuyên bố sẽ ở lại bất chấp những nỗ lực hòng đuổi ông đi.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ bảo vệ đất đai vốn thuộc về tổ tiên của chúng tôi”.
(Defend the Defenders)
Nguồn: Bangkok Post

Không có nhận xét nào: