Báo chí đưa tin ASEAN và Trung quốc sẽ gặp nhau vào Tháng 9 tới đây tại Bắc Kinh để nói chuyện tiếp về tranh chấp Biển Đông nhưng không hy vọng sẽ có gì “đột phá”.
Cuối tuần vừa qua, trong cuộc họp ASEAN và các đối tác cấp ngoại trưởng ở thủ đô Brunei, người ta thấy ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario tố cáo Trung quốc gia tăng “quân sự hóa” ở các vùng tranh chấp với láng diềng. Ông nêu ra những nét tiêu biểu để chứng minh cho lời lên án của mình.
Đối lại, ngoại trưởng Vương Nghị của Trung quốc liệt kê ra những điều Bắc Kinh cáo buộc ngược lại với Phi Luật Tân. Rồi ông del Rosario phản pháo.
Khác ngoại trưởng Phi, ngoại trưởng CSVN tuy có kêu ca về các hành động của Trung quốc trên biển Đông nhưng cũng chỉ dám nói gián tiếp.
Nghe những lời đả kích, cáo buộc nhau công khai trong một phiên họp ngoại giao cấp cao tại một diễn đàn quốc tế, giới quan sát cho rằng những sự lịch sự thông thường của ngành này đã bị gác qua một bên. Sự căm phẫn của kẻ yếu vì bị ức hiếp, sự ngang ngược của kẻ mạnh đã được diễn tả.
Biển Đông, theo cách gọi của Việt Nam, với những căng thẳng gia tăng, có tiềm năng đáng kể về dầu khí và cũng là thủy lộ quan trọng bậc nhất trên thế giới. Bắc Kinh hành động quân sự đi kèm với những lời tuyên bố chủ quyền chiếm gần hết diện tích Biển Đông ngày càng dễ dẫn tới nguy cơ xung đột.
Một mặt Bắc Kinh kêu gọi các nước tranh chấp tôn trọng luật lệ quốc tế, tôn trọng các cam kết ghi trong Bản Tuyên Bố Ứng Xử (DOC) tránh xung đột võ trang, nhưng trên thực tế vì vẫn xua tàu chiến diễu võ dương oai, gấp rút xây dựng pháo đài, công sự ở những nơi đã cướp được.
Các ngoại trưởng ASEAN và các ngoại trưởng đối tác Thái Bình Dương đứng chụp hình kỷ niệm khi dự phiên họp ở thủ đô Brunei ngày mùng 2-7-2013. (Hình: ROSLAN RAHMAN/AFP/Getty Images) |
Tuy Trung quốc đồng ý với các nước ASEAN sẽ họp ở Bắc Kinh vào Tháng 9 tới đây, giới chuyên viên quốc tế không tin rằng sắp có cái gì đặc biệt sẽ thành hình, hòa bình ổn định ở khu vực tranh chấp thấy rõ nét hơn. Bắc Kinh không hề thấy giảm bớt các hành động quân sự đe dọa Việt Nam và Phi Luật Tân.
Đặc biệt, đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung quốc cướp của Việt Nam năm 1974 hiện đang được gấp rút đầu tư nhiều tỉ đô la để trở thành trung tâm chỉ huy kiểm soát cả vùng Biển Đông. Hạm đội Nam hải của Trung quốc được tăng cường thêm nhiều chiến hạm tối tân cỡ lớn.
Một cầu tàu vĩ đại tại cảng Tam Á trên đảo Hải Nam mà người ta tin rằng dành để đón tiếp hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, đang hoàn tất. Sự đe dọa hòa bình, an ninh khu vực đến từ Bắc Kinh xuyên qua cảng Tam Á và đảo Phú Lâm.
Như những gì được hé lộ, cuộc họp ở Bắc Kinh vào Tháng 9-2013 sẽ không đề cập đến những lời tuyên bố chủ quyền của các nước tranh chấp. Nó mới chỉ hy vọng đưa ra một thứ lộ trình để bàn đến một thứ quy tắc ứng xử của các tàu chiến trên Biển Đông hầu tránh xung đột võ trang.
Điều này được hiểu rõ hơn khi người ta thấy cuộc họp đó chỉ có sự tham dự của các cấp thấp và cấp chuyên viên như mô tả trong bản tuyên bố chung giữa Trung quốc và ASEAN. Thêm nữa, cuộc họp được gọi là “tham khảo” (consultations) chứ không phải là đàm phán (negotiations). Khi hiểu như thế, một bộ “Quy Tắc Ứng Xử” (Code of Conduct) để chiến hạm các nước tranh chấp theo đó thi hành, sẽ chưa biết bao giờ mới có.
Trong khi ngoại trưởng Vương Nghị ở thủ đô Brunei đồng ý mở cuộc họp ở Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung quốc vẫn tuyên bố là “Trung quốc có chủ quyền không thể tranh cãi cũng như có lợi ích tại vùng biển Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) và vùng biển xung quanh. Trung quốc trước sau như một sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích của mình”.
Hãy để ý trong lời tuyên bố này cũng như những lời tuyên bố khác của các chức sắc Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp Biển Đông, họ không bao giờ đề cập đến quần đảo Hoàng Sa mà coi như đã cướp xong lâu rồi, không có gì để bàn cãi.
Cuộc họp dự trù vào Tháng 9 ở Bắc Kinh chỉ là trò câu giờ để tiếp tục chuẩn bị cho mình mọi mặt, không có lợi gì cho các nước tranh chấp như Việt Nam và Phi Luật Tân hay cho hòa bình và ổn định khu vực.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét