Pages

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Kami - Chính phủ minh bạch phải tiến hành cải tổ Nội các

Hôm Chủ nhật, 30/6/2013, trên báo VnExprees có bài "Bộ trưởng mất chức vì gạo Thái đắt hơn gạo Việt". Theo bài báo cho biết, Thủ tướng Thái Lan hôm nay cách chức Bộ trưởng Thương mại do một chính sách của ông này khiến giá gạo của Thái Lan cao hơn so với Việt Nam và Ấn Độ, dẫn đến việc Thái Lan mất danh hiệu "nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới". Đây là một bình luận không đúng và thiếu cơ sở, xin được phép nói lại cho chính xác.
.
Trong những ngày cuối tháng 6.2013 oi bức, không khí chính trị Thái lan lại bị hâm nóng lên bởi hàng loạt sự kiện lớn, khiến chính trường chao đảo. Áp lực dồn dập đến với Chính phủ từ tứ bề, tới mức Chủ tịch Quốc hội Thái lan phải lên tiếng trấn an rằng không có chuyện giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm. Và trước đó ít lâu có tin đồn sẽ có đảo chính quân sự. Trong bối cảnh tình hình bất ổn định ở Miền Nam Thái lan gia tăng hơn bao giờ hết, khi phiến quân đang triển khai kế hoạch giành quyền kiểm soát gần 1.000 làng thuộc ba tỉnh miền Nam Thái lan, với các cuộc đánh bom thường nhật trong lúc việc tìm ra giải pháp hòa bình cho khu vực này càng ngày càng lâm vào bế tắc.
.
 Giữa lúc Chính phủ của bà Yingluck Sinawatra còn chưa thoát ra khỏi vụ bê bối trong việc thu mua lúa của nông dân. Đây là một trong những chính sách tranh cử quyết định sự thắng cử của đảng cầm quyền, với mục đích cải thiện đời sống cho người nông dân Thái lan, là lực lượng cử tri chiếm đa số. Vấn đề này, ngoài việc đã gây thất thoát cho ngân sách 4,5 tỷ USD trong hai năm, mà còn kèm theo nhiều dấu hiệu biểu hiện sự trục lợi tham nhũng có hệ thống. Trước áp lực mạnh mẽ của dư luận, Chính phủ Thái đã buộc phải quyết định giảm giá thu mua lúa của nông dân từ 15 ngàn baht/tấn xuốn còn 12 ngàn baht/tấn, điều này đã khiến cho nông dân Thái lan nổi giận. Đồng thời họ đã ra tối hậu thư cho Chính phủ, nếu không giữ giá thu mua ở mức 15 ngàn baht/tấn như Cương lĩnh tranh cử, thì họ sẽ tổ chức biểu tình lớn. Tin cuối cùng cho biết, Chính phủ của bà Yingluck Shinnawatra đã chấp nhận duy trì giá thu mua lúa ở mức 15.00 baht/tấn cho đến hết tháng 10.2013, là thời điểm kết thúc vụ mùa.
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck cải thiện uy tín đang tụt dốc.
Chưa hết, cùng lúc đó quyết định của Tòa án Hành chính Thái lan yêu cầu Chính phủ dừng ngay việc triển khai dự án Quy hoạch nguồn nước với giá trị hơn 10 tỷ USD để thăm dò ý kiến của nhân dân và đánh giá việc ảnh hưởng của dự án đối với việc bảo vệ môi trường. Việc này sẽ liên quan đến việc đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, đảng đối lập tuyên bố sẽ đề nghị Tòa Án Hiến pháp xem xét việc cách chức đối với bà Thủ tướng Yingluck Sinawatra và Hội đồng Chính phủ vì đã có những sai phạm mà theo họ là vi phạm Hiesn pháp và không thể tha thứ. Trong những ngày cuối tháng 6.2013, theo công bố kết quả của các tổ chức thăm dò dư luận ở Thái lan cho biết tỷ lệ người dân không hài lòng với chính sách thu mua lúa lên tới trên 80%, với việc giải quyết tình trạng bất ổn ở miền Nam Thái lan trên 60%.... Đứng trước bối cảnh đó, lối thoát duy nhất của bà Yingluck Sinawatra có lợi là tiến hành cải tổ Nội các nhằm giảm nhẹ búa rìu của dư luận và giải pháp trì hoãn tạm thời trước khi đẩy Chính phủ Thái lan đối mặt với các thách thức nặng nề hơn.
.
Đó chính là lý do vì sao bà Thủ tướng Yingluck Sinawatra đã tiến hành cải tổ sâu, rộng và lớn nhất trong năm lần cải tổ nội các sau 2 năm cầm quyền. Thậm chí thay cả Phó Thủ tướng phụ trách nội an và Bộ trưởng Quốc phòng và hàng loạt các Bộ, thứ trưởng khác. Và đặc biệt bà Thủ tướng đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là lần đầu tiên có một nữ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là dân sự đầu tiên trong lịch sử Thái lan. Sự thất bại của chính sách thu mua lúa của nông dân với giá cao là một trong những chính sách tranh cử quyết định sự thắng cử của đảng cầm quyền. Cho dù họ biết sẽ thất bại, nhưng để mua chuộc cử tri để dồn phiếu bầu cho họ họ sẵn sàng chấp nhận trò chơi đánh bạc. Nếu thất bại thì đảng cầm quyền sẽ bị điều tra theo tội danh lọc lừa cử tri và sẽ bị Tòa án Hiến pháp phán xét. Nhưng nếu họ chứng minh được sai sót trên là các yếu tố khách quan mang lại, ví dụ giá lúa gạo trên thị trường thế giới giảm thì họ sẽ thoát tội.

Qua sự việc trên để thấy, trong một xã hội tự do dân chủ, khi quyền lực nhà nước ra đời từ là phiếu bầu của các cử tri, thì sự ủng hộ của quần chúng nhân dân hay vai trò của các cử tri luôn được các đảng chính trị tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Khẩu hiệu "Nhà nước của dân, do dân và vì dân" mới thực sự có ý nghĩa, điều đó sẽ khác hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Việt nam.

Ví dụ, trong bài "Chi phí làm đường cao tốc VN đắt hơn châu Âu" báo Tuổi trẻ cho biết Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản đến Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý về suất đầu tư các dự án đường bộ cao tốc. Bộ Xây dựng cho biết trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT (tổng hợp 13 dự án xây dựng đường cao tốc), sau khi quy đổi giá về thời điểm quý 2-2012 cho thấy suất vốn đầu tư bình quân cho 1km toàn tuyến đường cao tốc (bao gồm cả cầu và đường) khoảng 15,91 triệu USD/km (đường bốn làn xe), khoảng 23,1 triệu USD/km (đường sáu làn xe) và biến động rất lớn giữa các tuyến đường do đi qua các vùng miền có điều kiện địa chất, địa hình khác nhau. Theo đó, suất đầu tư các dự án cao tốc ở VN cao hơn của Trung Quốc 1,4 lần với đường bốn làn xe và hơn 1,74 lần với đường sáu làn xe; cao hơn các nước châu Âu (Đức, Bồ Đào Nha, Áo) 1,63 lần với đường sáu làn xe. Trong khi đó, các dự án xây dựng đường cao tốc tại VN thường có chiều dài không lớn (chủ yếu dưới 100km). Chắc chắn chất lượng đường xá ở Việt nam thì thua xa đường xá ở châu Âu, vậy không hiểu vì lý do gì mà chi phí làm đường cao tốc VN đắt hơn châu Âu? Chênh lệch đó đi đâu và rơi vào túi của ai?

Trong vấn đề này, giữa Việt nam và Thái lan có một điểm chung là tiền đầu tư đều từ tiền thuế của người dân, song việc kiểm tra, kiểm soát theo dõi hiệu quả đầu tư nói riêng và hoạt động của bộ máy nhà nước thì hoàn toàn khác nhau. Ở Thái lan nếu chính phủ hoạt động không công khai, minh bạch thì người dân có quyền phản đối và sẽ không lựa chọn đảng cầm quyền trong các lần bầu cử sau. Còn ở Việt nam thì ra sao?  Xin được nhường câu trả lời cho các bạn. Cứ xem sự đổ bể của hàng loạt cái Vina, quả đấm thép của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm tiêu ta trên 200.000 tỷ, vậy mà Nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn bình chân như vại, như không có điều gì xảy ra.

Ttrong việc quản lý nhà nước, thiết chế Dân chủ chưa phải là tốt nhất, nhưng nó là thiết chế ưu việt nhất trong thời điểm hiện tại. Mà bí quyết quyết định sự thành công của nó là luôn luôn minh bạch, công khai và có một hệ thống kiểm tra để điều chỉnh các sai sót ngay lập tức. Đó chính là lý do vì sao Chủ nghĩa Tư bản "giãy" mãi mà không chết.

Qua đó để thấy, chắc chắn cái thiết chế đó nó ưu việt và hơn hẳn chế độ độc tài toàn trị như ở Việt nam hiện nay, khi mà người dân luôn được vỗ về bằng câu "Đã có đảng và nhà nước lo". Và hậu quả là đất nước ngày càng xác xơ, đời sống nhân dân ngày càng xơ xác, nhưng các đầy tớ nhân dân thì ngày càng mập ú về cả thân xác lẫn khối tài sản.

Ngày 01 tháng 07 năm 2013

© Kami - RFA Blog's

Không có nhận xét nào: