Pages

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Khủng hoảng chính trị tại Việt Nam đang ngăn cản những cải cách cần thiết

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa sống sót qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội cũng như từ áp lực cực kỳ căng thẳng tại hội nghị toàn thể của đảng vừa qua. Là thủ tướng của một đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền về bên ngoài, trên lý thuyết ông phải phục tùng Bộ Chính trị, nhưng quyền lực chính trị cá nhân của ông đã cho phép ông tiếp tục giữ chức vụ của mình.

Tuy nhiên, với hệ quả của tình trạng tê liệt chính trị, toàn bộ các chính sách hiện đang trong tình trạng dở chừng. Các chính quyền và doanh nghiệp nước ngoài từng xem những quyết định được Bộ Chính trị hậu thuẫn sẽ được thực thi. Điều này không còn đúng nữa. Từ vấn đề Biển Đông đến quan hệ với Hoa Kỳ hoặc với các cơ quan quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chẳng ai biết được tại Việt Nam một văn bản nhà nước có nghĩa gì và ai là người có quyền hành đằng sau, nếu có. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, và hàng loạt những chính sách kinh tế hiện chỉ là mớ giấy lộn, đặc biệt là các biện pháp nhằm quản chế tham nhũng và tìm lại sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô.

Cơn khủng hoảng chính trị ở Việt Nam đang rất sâu đậm và không thể giải quyết được nếu không có sự thay đổi cơ bản về chính trị. Phía sau bình phong của các cơ quan chính phủ, Việt Nam không có một thể chế chủ quyền nội bộ rõ ràng. Thực sự mà nói, Việt Nam đã trở thành “mảnh đất không vua.”

Các cơ quan chính trị tại Việt Nam mang tính chất của một nhà nước độc đảng. Hiến pháp khẳng định rõ ràng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam nắm độc quyền hành pháp, và trên thực thế Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm cách thực thi quyền lực của mình qua hàng loạt những cơ quan theo chủ thuyết Lê-nin-nít. Các cơ quan này bao gồm bộ máy an ninh, trong đó có bộ phận đang tăng cường đàn áp sự chống đối từ giới blogger, công nhân, giới nông dân bất mãn hoặc bất kỳ thành phần nào khác. Cơ chế Lê-nin-nít này vẫn hiện hữu bất chấp những thăm dò từ công chúng cho thấy nhìn chung đa phần đều nồng nhiệt ủng hộ hình thức kinh tế thị trường.

Nguyên nhân chủ yếu là trong hai thập niên qua, kinh tế Việt Nam đã phát triển tốt cùng với nguồn thu từ thuế. Cho đến khoảng 2007, quốc gia này vẫn có được một nền kinh tế vĩ mô ổn định. Nhìn theo góc độ chiến lược, giới cầm quyền Việt Nam đã nắm lợi thế trong việc giữ vững tính chính danh của chế độ qua việc theo đuổi những chính sách nhằm bảo đảm rằng người dân có được những phúc lợi từ cơ sở y tế công, hệ thống giáo dục tạm được, giới công chức tương đối trung thực và kế hoạch tốt về cơ sở hạ tầng thành thị cũng như giao thông công cộng. Quốc gia này cũng có tiềm năng về tăng trưởng nhanh khi nó tiến đến và qua “vị trí thu nhập trung bình.” Có rất nhiều phương pháp hiệu lực để thực hiện tất cả những điều trên với hàng loạt những lựa chọn về chính sách.

Tuy thế, chẳng có lựa chọn nào tồn tại được ở Việt Nam. Một mặt, chính sách được soạn thảo với chất lượng thấp, thường xuyên phản ánh tình trạng đầu tư nghèo nàn vào việc nghiên cứu, xây dựng tính đồng thuận và thử nghiệm. Mặt khác, việc thực thi chính sách thường quá tồi tệ, chủ yếu là vì nạn tham nhũng và thiếu kỷ luật trong guồng máy nhà nước. Trên cả là sự bất lực của giới cầm quyền Việt Nam trong việc lãnh đạo bộ máy nhà nước - ngoại trừ những khu vực “ốc đảo” cá biệt khác thường như Đà Nẵng - điều này cho thấy quốc gia đang thiếu chủ quyền nội bộ. Và dưới những điều kiện như thế, thay vì nên sử dụng chính sách công để bảo vệ chính quyền, giới lãnh đạo Việt Nam lại tăng cường sử dụng các lực lượng công an.

Vốn là một đảng có cơ sở rộng khắp ngay cả trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội theo phương pháp Sô Viết, tính kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép nó thực thi hàng loạt những chiến thuật từ bỏ hình thức kế hoạch tập trung và tái xuất hiện với một số trật tự chặt chẽ về chính trị trong những năm 1990. Từ đấy về sau Việt Nam đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Nhưng từ giai đoạn đầu của thập niên vừa qua khi những nhân vật chính trị đầy quyền lực nắm quyền hành bên trong Đảng Cộng sản như Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải về hưu và được thay thế bởi những nhân vật khác chuyên tránh né việc vận động chính trị hoặc chỉ tìm kiếm hậu thuẫn trong một môi trường ngày càng thối nát - điều này có nghĩa là “nền chính trị vì tiền”.

Đến những năm cuối 2000, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không còn chức năng của một tổ chức chính trị chặt chẽ. Một số những nhân vật chính trị chủ chốt đã phải tìm kiếm hậu thuẫn từ những thành phần kinh tế đầy quyền lực, nổi bật là những nhân vật lớn bên trong các doanh nghiệp nhà nước. Những sự kiện mới đây cho thấy rằng những nhóm đặc lợi đang nắm quyền hành. Bộ Chính trị đã không thể nào kỷ luật những nhà lãnh đạo hàng đầu, những người này đã tìm cách vận động hậu thuẫn từ những cơ chế khác trong đảng để bảo vệ bản thân.

Với sự vắng mặt của một quyền lực chính trị rõ ràng, tình hình cho thấy cần phải có những nhà lãnh đạo nào có thể nắm được tính chính danh, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một ứng cử viên nào nổi bật. Một nhóm cá nhân nào nếu có thể biểu lộ được khả năng lãnh đạo chính quyền, áp dụng kỷ luật với hệ thống quản lý nhà nước và tránh xa trào lưu ngày càng mạnh trong việc sử dụng bộ máy an ninh thay vì chính sách để bảo đảm tính chính danh, thì nhóm ấy sẽ đạt nhiều thắng lợi. Những phần tử trong bộ máy an ninh cũng như đa số quần chúng có thể sẽ ủng hộ nhóm này. Tuy nhiên, quyền lực chính trị một khi đã bị mất đi thì khó để tái lập. Với tình hình thiếu vắng một sự lãnh đạo chính trị rõ ràng, Việt Nam chắc chắn sẽ trải qua hàng loạt những tranh chấp giữa các nhóm khác nhau cũng như sự chia rẽ giữa các vùng địa phương và các lĩnh vực kinh tế.

Khủng hoảng chính trị sẽ làm cho những cải cách cần thiết bất khả thi. Trong nước, những lĩnh vực với khó khăn âm ỉ triền miên như hệ thống y tế và giáo dục công cộng, cơ sở hạ tầng thành thị và chiến lược phát triển vẫn không được giải quyết. Tham nhũng vẫn là một đại dịch. Sự tê liệt chính trị trong nước có nghĩa là chẳng ai biết được quyền lực đang nằm trong tay ai, và liệu những chính sách được thông qua có phải thật hay chỉ đơn giản là những mảnh giấy lộn. Trong khi đó tính chính danh của nhà nước tiếp tục bị xói mòn, làm tăng thêm nỗi lo lắng về tình trạng bất ổn và mong manh.

Tuy nhiên, mở cửa chính trị trong khuôn khổ của quá trình dân chủ hoá chính thức dường như không cần thiết để giải quyết được cơn khủng hoảng, và Việt Nam vẫn chưa có được áp lực tổng thể từ quần chúng đòi hỏi việc dân chủ hoá. Một khi Dũng vẫn còn nắm giữ được hậu thuẫn từ những nhóm lợi ích kinh tế then chốt và vẫn chưa có một giải pháp nào cho cơn khủng hoảng quyền lực chính trị, vị thế của ông, dù sao đi nữa sẽ vẫn an toàn. Nhưng sẽ không có một bảo đảm nào rằng những nhóm kinh tế đang ủng hộ ông sẽ không bỏ rơi ông một khi họ thấy gió đang đổi chiều. Nguyên lý căn bản của chính trị cho thấy rằng mọi việc đều có thể thay đổi rất nhanh ở Việt Nam.

Adam Fforde

Diên Vỹ chuyển ngữ
Theo: World Politics Review 
01.07.2013

(Dân luận)

Không có nhận xét nào: