Pages

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Kinh tế Trung Quốc cảm cúm, cả thế giới nhức đầu

Trước nhà máy thép - Liêu Ninh. Ảnh ngày 15/07/2013
REUTERS/Stringer
Thụy My
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 16/07/2013 đã hạ mức dự báo tăng trưởng đối với các nước mới nổi ở châu Á trong năm 2013 và 2014, do ảnh hưởng từ việc nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Không chỉ tại châu Á, mà tình trạng này có tác động như một vết dầu loang đối với phần còn lại của thế giới.

Tuy mức tăng trưởng vẫn cao, nhưng điều mà nhiều người gọi là « phép lạ kinh tế Trung Quốc » chừng như đã chấm dứt. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) đã dọn đường cho hiện thực này : nhân chuyến viếng thăm Washington ngày 10 và 11/7, ông đã tuyên bố : « Đối với chúng tôi không phải là vấn đề lớn nếu tăng trưởng chỉ đạt 7% hay 6,5% ».
Như vậy không phải là điều bất ngờ khi hôm qua 15/07/2013 Bắc Kinh chính thức công bố tỉ lệ tăng trưởng trong quý II năm nay là 7,5%, so với 7,7% của quý I và 7,9% của quý IV/2012. Con số tăng trưởng 10% liên tục từ ba chục năm qua, nay đã đi vào dĩ vãng. Theo nhà kinh tế Ren Xianfang, thì « Rõ ràng đây là một dấu hiệu đáng thất vọng ». Còn thặng dư thương mại trong tháng Sáu đã giảm 14%, trong khi xuất khẩu cũng sụt mất 3,1%.
Nếu thị trường chứng khoán - hiện nay theo dõi các số liệu thống kê của kinh tế Trung Quốc sát sao không kém kinh tế Hoa Kỳ - thở phào với con số đã được đoán trước này, thì việc nền kinh tế thứ nhì thế giới tăng chậm lại khiến cả thế giới đều lo ngại.
Ngay sau khi tỉ lệ tăng trưởng 7,5% của Trung Quốc được chính thức công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á liền loan báo hạ mức tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu lục này từ 6,6% còn 6,3%. Đối với năm 2014, ADB dự kiến tăng trưởng sẽ chỉ là 6,4% thay vì 6,7%.
Kinh tế gia trưởng của ADB, Changyong Rhee bình luận : « Thương mại sụt giảm, đầu tư theo nhịp độ tăng trưởng quân bình hơn từ Trung Quốc và hiệu ứng domino của tình trạng tăng chậm này rõ ràng rất đáng quan ngại cho các nước trong khu vực ». Theo ông, hoạt động kinh tế tại hầu hết các nước đang phát triển ở châu Á – tức 45 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản – sẽ bị chậm lại theo.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định, sự hụt hơi của nền kinh tế Trung Quốc « làm thiệt hại đến tăng trưởng của toàn khu vực Đông Á, và phần nào đó là Đông Nam Á – nơi mà Philippines và các nước lớn của ASEAN vẫn có tăng trưởng khá tốt ». Đông Á sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 6,7% trong năm 2013 và 2014 thay vì 7,1% như dự kiến. Còn tại Đông Nam Á, tỉ lệ này là 5,2% cho năm 2013 và 5 ,6% cho năm 2014, so với dự báo 5,7% trước đây.
Nhà phân tích Ishaq Siddiqi của ETX Capitol nhận xét: « Tình trạng tăng trưởng chậm của Trung Quốc có tác động ngày càng lớn đến các nước láng giềng châu Á (…) Việc nhu cầu Trung Quốc sụt giảm, đặc biệt là về nguyên vật liệu, không chỉ đè nặng lên các nền kinh tế mới nổi, mà cả những nền kinh tế phát triển như Úc ».
Theo Craig Erlam, chuyên gia của Alpari, thì các nhà đầu tư hiện nay đang có cái nhìn bi quan đối với Trung Quốc. Đó là vì đối với nhiều người, từ các nhà cung cấp dầu hỏa, thép hay đồng cho đến các nhà sản xuất xe hơi hoặc máy công cụ, người khổng lồ châu Á ngoài tư cách công xưởng thế giới, còn là một trong những động cơ chủ yếu cho tăng trưởng của các nước phát triển cũng như các quốc gia mới trỗi dậy.
Tăng trưởng chậm lại, cũng có nghĩa là đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh ra nước ngoài giảm xuống, mà tác động đối với Đài Loan chẳng hạn cũng không kém tại các quốc gia phát triển.
Nhà kinh tế Andreas Rees của ngân hàng Ý UniCredit nêu ví dụ nước Đức, nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc về máy công cụ và xe hơi, ghi nhận : « Hậu quả từ tình trạng tăng trưởng chậm của Trung Quốc lên các doanh nghiệp Đức không chỉ song phương mà còn qua hiệu ứng domino. Xuất khẩu của nhiều nước có thể bị kìm hãm hẳn lại, và gây tác động ngược lại lên nền kinh tế Đức ». 
Khi công bố dự báo kinh tế thế giới vào tuần rồi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo nguy cơ tăng vọt : sự sụt giảm của các nền kinh tế mới nổi quan trọng như Trung Quốc sẽ đè nặng lên sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nếu một điều hiển nhiên là Trung Quốc không còn có thể tiếp tục nhịp độ tăng trưởng chóng mặt như trước đây, vấn đề đặt ra bây giờ là liệu Bắc Kinh có thể thành công trong việc tạo lập tăng trưởng quân bình hơn hay không.
Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc mong muốn động cơ của tăng trưởng là tiêu thụ nội địa thay vì dựa trên xuất khẩu và đầu tư như trước đây.
Ishaq Siddiqi nhận xét : « Bắc Kinh đã chi ra quá nhiều tiền cho nhiều công trình hạ tầng không hiệu quả, ít được sử dụng. Nay cần phải hạn chế việc chi tiêu vô tội vạ này, cố gắng tái thúc đẩy nền kinh tế trên các nền tảng vững chắc hơn, và tập trung cho tiêu dùng hơn là đầu tư ».
Theo nhà kinh tế này, thì tăng trưởng Trung Quốc chậm lại là cần thiết, vì « Khi đầu tư vẫn là động cơ chủ yếu, thì kinh tế tiếp tục mất cân bằng trầm trọng ». Nhưng ông cảnh báo : « Đây sẽ là một con đường dài đầy chông gai, với những rủi ro lớn trong dài hạn và các vấn đề nhức nhối mang tính chu kỳ trong ngắn hạn ».

Không có nhận xét nào: