Pages

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Morsi 'bị giam', phương Tây quan ngại

Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi
Morsi chưa thấy xuất hiện kể từ khi quân đội lên tiếng phế truất ông
Tổng thống Morsi của Ai Cập và các trợ lý cấp cao của ông đang bị ‘quản thúc’ tại một cơ sở quân đội, một thành viên cấp cao của Huynh đệ Hồi giáo có tên là Gehad El-Haddad nói với hãng tin Pháp AFP.
Trong lúc đó, các nước phương Tây bày tỏ quan ngại về sự can thiệp của quân đội Ai Cập và kêu gọi nước này nhanh chóng phục hồi nền dân chủ.

Nhiều lệnh bắt giữ
Trước đó, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi, đã thông báo trên truyền hình rằng Tổng thống Morsi đã bị lật đổ.

Vị tổng thống bị lật đổ đã được đưa đến Bộ Quốc phòng, Gehad El-Haddad nói thêm. Essam El-Haddad, cha của ông và là một trợ lý thân cận của Morsi, cũng nằm trong số bị bắt giữ.
Cảnh sát cũng bắt đầu bắt giữ các lãnh đạo của Huynh đệ Hồi giáo, AFP dẫn lời một vị tướng cảnh sát giấu tên cho biết. Theo đó, ông Saad al-Katani, người đứng đầu Đảng Tự do và Công lý hiện tại đã bị giam, ông nói thêm.
"Vì lợi ích của Ai Cập và để lịch sử ghi lại đúng sự thật, hãy gọi những gì đang xảy ra bằng đúng tên của nó: đảo chính quân sự."
Essam El-Haddad, cố vấn an ninh quốc gia của Morsi
Truyền thông nước này đưa tin đã có trát bắt giữ tổng cộng 300 quan chức của Huynh đệ Hồi giáo.
Morsi đã tỏ thái độ thách thức khi ra lời kêu gọi những người ủng hộ ông bảo vệ ‘tính hợp pháp’ của tổng thống dân cử trong một bài diễn văn được ghi âm trước và được đăng tải trên mạng sau bài phát biểu của Tướng Sisi trên truyền hình.
Trong một đoạn video nghiệp dư được đăng tải trên mạng, vị tổng thống bị lật đổ tuyên bố: “Tôi là tổng thống được dân bầu của Ai Cập’ và kêu gọi người dân ‘bảo vệ tính hợp pháp’ của ông.
Hàng ngàn ủng hộ viên Morsi vẫn cắm trại ngoài trời ở bắc Cairo. Tuy nhiên các kênh truyền hình của nước này đã dừng đưa tin về cuộc tập hợp ủng hộ Morsi sau khi quân đội thông báo đã lật đổ ông ta.
Trước đó, ông Essam El-Haddad, cố vấn an ninh quốc gia của Morsi, viết trên Facebook: “Vì lợi ích của Ai Cập và để lịch sử ghi lại đúng sự thật, hãy gọi những gì đang xảy ra bằng đúng tên của nó: đảo chính quân sự.”
Morsi và Mubarak
Morsi đã cùng chịu chung cảnh ngộ bị lật đổ với cựu tổng thống Mubarak
Tuy nhiên ông Amr Mussa, cựu tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập và giờ là lãnh đạo đảng đối lập ở Ai Cập, thì nhấn mạnh rằng ‘đây không phải là đảo chính’.
“Kể từ lúc này các cuộc tham vấn sẽ bắt đầu để thành lập một chính phủ và hòa giải,” ông nói.
Mussa từng thất bại dưới Morsi trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái.
Quân đội Ai Cập đã chỉ định người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Tối cao, ông Adly al-Mansour, làm lãnh đạo lâm thời của quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập.
Ông Mansour, vốn là một thẩm phán ít tên tuổi, sẽ tuyên thệ nhậm chức vào thứ Năm ngày 4/7.
Trong lúc này, hàng chục xe thiết giáp chở binh sỹ tiến thẳng đến các cuộc tập hợp của các ủng hộ viên Hồi giáo của ông Morsi để chặn đứng nguy cơ nổi loạn.
Tuy nhiên, tại Quảng trường Tahrir ở Cairo, các lực lượng an ninh chỉ đứng nhìn khi hàng chục ngàn người chống Morsi đang hò reo ăn mừng.

Phương Tây quan ngại

Người dân Ai Cập ăn mừng ở Quảng trường Tahrir
Tin Morsi bị phế truất làm bùng nổ những cảnh ăn mừng ở Cairo
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông ‘quan ngại sâu sắc’ trước việc Tổng thống Morsi bị lật đổ và kêu gọi quân đội Ai Cập kiềm chế không tùy tiện bắt giữ ông Morsi và những người ủng hộ.
Hồi tháng Năm, Washington đã phê chuẩn gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ đô la cho Ai Cập. Tổng thống Obama nói gói viện trợ này bây giờ sẽ được xem xét lại và kêu gọi Ai Cập nhanh chóng quay trở lại nền dân chủ.
“Chúng tôi tin rằng cuối cùng thì tương lai của Ai Cập chỉ có thể do nhân dân nước này quyết định,” Obama phát biểu trong một thông cáo sau cuộc gặp khẩn với các cố vấn cao cấp.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thì nói rằng ông hiểu nhân dân Ai Cập ‘bất mãn sâu sắc’ nhưng ông cũng bày tỏ quan ngại trước sự can thiệp của quân đội.
"Chúng tôi tin rằng cuối cùng thì tương lai của Ai Cập chỉ có thể do nhân dân nước này quyết định."
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Đại diện đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton, lên án hành động của quân đội, kêu gọi Ai Cập nhanh chóng trở lại nền dân chủ.
“Tôi kêu gọi tất cả các bên nhanh chóng quay trở lại tiến trình dân chủ, bao gồm tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội một cách tự do và công bằng và phê chuẩn một bản Hiến pháp mới,” bà nói.
Bà nói thêm rằng bà hy vọng chính quyền chuyển tiếp sẽ bao gồm tất cả các phe phái và rằng nhân quyền và pháp trị sẽ được tôn trọng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh William Hague nói nước ông không ủng hộ hành động can thiệp quân sự để giải quyết bất đồng trong một chế độ dân chủ.
Tuy nhiên Quốc vương Abdullah của Ả Rập Saudi đã ca ngợi sự can thiệp của quân đội Ai Cập và chúc mừng Tổng thống lâm thời Mansour.
Mohammed Morsi là vị tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập. Năm đầu tiên cầm quyền của ông đã được đánh dấu bằng khủng hoảng kinh tế lan rộng, thiếu hụt nhiên liệu và các cuộc biểu tình phản đối.
Ông bị chỉ trích là đã phản bội cuộc cách mạng năm 2011 với việc tập trung quyền lực trong tay của những đồng minh của ông thuộc Huynh đệ Hồi giáo.

Không có nhận xét nào: