Pages

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Mỹ-Trung “tranh hùng” trên biển, ai sẽ thắng?

Nếu thế trận không-biển của Mỹ đấu với chiến lược chống tiếp cận-phong tỏa khu vực” của Trung Quốc, nhiều người đặt câu hỏi bên nào sẽ giành chiến thắng?

Khi bàn đến một cuộc đối đầu thực sự giữa thế trận Không-Biển (ASB) của Mỹ và chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” A2/AD của Trung Quốc, những vấn đề được đặc biệt quan tâm và thu hút sự thảo luận liên quan đến các loại vũ khí tối tân mà 2 bên có thể triển khai; chúng được sử dụng thế nào; tình thế của mỗi bên sau khi đã tung ra các loại vũ khí như vậy và chuyện gì diễn ra tiếp đó?...
Bên cạnh đó, bối cảnh dẫn đến một cuộc chiến như vậy cũng là một trong những vấn đề đáng bàn cãi. Hiện nay, những điểm nóng có khả năng đẩy các lực lượng Trung-Mỹ vào một cuộc xung đột sống còn trên biển nhất bao gồm tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật trên Biển Hoa Đông liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và căng thẳng Biển Đông liên quan đến các yêu sách chủ quyền và lợi ích hàng hải của Bắc Kinh và một số đồng minh của Washington.


Trong đó, theo Diplomats, điểm nóng có khả năng thổi bùng cuộc quyết đấu giữa Mỹ với thế trận Không-Biển và Trung Quốc với chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” nằm ở Biển Hoa Đông liên quan đến tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật. Kịch bản chiến tranh nhiều khả năng xảy ra có thể bắt nguồn từ một vụ va chạm ngẫu nhiên của các tàu hoặc máy bay của chính phủ 2 nước tại vùng lãnh hải tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Các nỗ lực ngoại giao thất bại, và vì một lý do nào đó, các vấn đề tranh chấp leo thang mạnh mẽ. Tiếp đó, các bên đều cố huy động và đổ bộ binh sĩ lên quần đảo tranh chấp. Chiến tranh bắt đầu nổ ra. Trong một kịch bản như vậy, giả sử lực lượng Mỹ đến viện trợ cho Nhật Bản. Những gì sẽ xảy ra tiếp đó?

Với chiến lược A2/AD, Trung Quốc sẽ phóng tên lửa ồ ạt, điên cuồng vào
 các mục tiêu Mỹ-Nhật để giành lợi thế.

Khi phân tích chiến lược A2/AD của Trung Quốc, có một lý thuyết phổ biến đó là, Bắc Kinh sẽ dồn toàn lực, phóng tên lửa dồn dập, điên cuồng tấn công các căn cứ của Nhật Bản và Mỹ để giành lợi thế và cuối cùng giành chiến thắng nhanh chóng. Các tên lửa với phạm vi và sức mạnh đa dạng sẽ được phóng để tiêu diệt chiến đấu cơ của đối thủ trước khi chúng xuất kích để vô hiệu hóa tất cả các lợi thế về khả năng hoặc công nghệ.
Các loại vũ khí chống tàu, đặc biệt là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo sẽ được triển khai hàng loạt để làm tê liệt các lực lượng hải quân đối phương. Thủy lôi và tàu ngầm có thể được bố trí xung quanh các đảo tranh chấp để nỗ lực ngăn chặn quân tiếp viện của đối thủ được triển khai tới khu vực.
Các loại vũ khí chống vệ tinh cũng được tung ra để “che mắt” lực lượng liên minh Mỹ-Nhật và vô hiệu hóa hệ thống C4ISR - hệ thống máy tính liên lạc điều khiển chỉ huy và do thám tình báo của đối phương. Tiếp đó, vũ khí không gian mạng được triển khai để quân đội Trung Quốc chiếm thế thượng phong. Nhiều chiến lược gia Trung Quốc còn lập luận, Bắc Kinh sẽ giành lợi thế nếu tấn công phủ đầu, ồ ạt với một lực lượng áp đảo. Kiểu tấn công này tạo ra "một cú sốc và khiếp đảm" cho kẻ thù.

Vậy Mỹ và các đồng minh của họ sẽ phản ứng thế nào? Điều này đương nhiên phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có việc ai tấn công trước. Nếu giả định Trung Quốc là bên mở màn chiến tranh, tấn công trước, các lực lượng Mỹ và đồng minh sẽ nỗ lực bảo vệ quyền truy cập vào các tuyến giao thông trên biển (SLOC) và khả năng di chuyển lực lượng vào khu vực tranh chấp nhằm tạo ra sức mạnh quân sự áp đảo để chống đỡ trước sự tấn công tổng lực của Trung Quốc. Việc chống lại các tên lửa của Trung Quốc có thể trở nên khó khăn nếu số lượng tên lửa tấn công (của Trung Quốc) nhiều lơn số lượng tên lửa đánh chặn sẵn có của các lực lượng Mỹ.
Quân đội Mỹ - trong trường hợp các cơ quan tình báo có thể sớm phát hiện nguy cơ bị tấn công trước đang hiển hiện – có thể nỗ lực tấn công phủ đầu vào các lực lượng tên lửa thông thường của Trung Quốc. Họ cũng có thể khởi động tấn công mạng vô hiệu hóa hệ thống hướng dẫn và định vị của các loại vũ khí của đối phương, giành thế chủ động bằng cách tấn công vào Đại lục. Các nhà hoạch định quân sự Mỹ cũng sẽ tìm cách vô hiệu hóa các hệ thống điều khiển và chỉ huy của đối thủ để “làm mù” các lực lượng quân đội Trung Quốc.
Cuối cùng, câu hỏi quan trọng nhất chính là, rốt cuộc Mỹ-Nhật với thế trận Không-Biển hay Trung Quốc với chiến lược "chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” sẽ giành chiến thắng?. Câu trả lời đơn giản là không ai chiến thắng. Nếu một cuộc chiến như vậy xảy ra, với kho vũ khí hạt nhân mà 2 nước sở hữu, nó sẽ là cuộc chiến tranh hủy diệt với hàng tỉ người vô tội thiệt mạng.
Do đó, điều may mắn nhất là nếu vô tình xảy ra sự cố hoặc tính toán quân sự sai lầm dẫn đến đụng độ xung quanh các đảo trên Biển Hoa Đông, các chỉ huy quân sự của cả 2 bên sẽ dùng “cái đầu lạnh” để giải quyết vấn đề, ngăn chặn nguy cơ ngọn lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn, dẫn đến chiến tranh hủy diệt toàn cầu. Bởi điều quan trọng nhất mà các bên đều cần nhận thức đó là, sẽ không có bất cứ ai, bất cứ bên nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hủy diệt. Cuối cùng, tất cả đều thất bại và mất mát. /VB( Theo Kiến thức )

Không có nhận xét nào: