Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Vì sao người Việt tại Mỹ có lợi tức và học vấn thấp hơn dân châu Á khác?

Người châu Á, nhóm di dân lớn nhất tại Hoa Kỳ.Justin Sullivan/Getty Images/AFP
Trọng Nghĩa
Trong số 6 cộng đồng gốc châu Á đông dân nhất tại Mỹ, người Việt Nam có"tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, thu nhập thấp nhất và học vấn ít nhất ". Nhận định trên đây trong một công trình nghiên cứu được trường Đại học Brown có uy tín tại Mỹ công bố ngày 26/06/2013 có thể gây bất bình và sửng sốt cho người Việt. Tuy nhiên, thực tế trên có thể được giải thích từ nguồn gốc xuất thân là người tỵ nạn của đại đa số người Việt tại Mỹ.
Trong công trình nghiên cứu mang tựa đề « Separate but Equal : Asian Nationalities in the U.S. (Biệt lập nhưng ngang hàng : Các sắc dân châu Á tại Hoa Kỳ), hai tác giả John R.Logan và Weiwei Zhang thuộc khoa Xã hội học, Đại học Brown University, đã khảo sát 6 cộng đồng gốc châu Á có hơn một triệu dân tại Mỹ : Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Triều Tiên, Trung Hoa và Việt Nam.
Dựa trên các dữ liệu thống kê từ các cuộc điều tra dân số của chính quyền Mỹ tại ba thời điểm 1990, 2000 và 2010, bài nghiên cứu đã xem xét và so sánh sự phát triển cũng như các đặc điểm về mặt xã hội và kinh tế của từng nhóm người châu Á nói trên. Công trình đã đi đến hai kết luận chính :
Trước hết là ngoại trừ người Nhật, tất cả năm sắc dân châu Á còn lại thường sống tập trung trong những khu tách biệt với người Mỹ da trắng. Ngoài ra, toàn bộ sáu cộng đồng gốc châu Á này đều có mức sống ngang bằng, thậm chí còn cao hơn người Mỹ da trắng.
Riêng về người Việt, bản nghiên cứu cho thấy là vào năm 2010, số dân Việt Nam tại Mỹ lên đến 1.737.433 người, tăng gần gấp ba so với số 614.547 người của năm 1990. Đông dân nhất vẫn là cộng đồng người Hoa - hơn 4 triệu người - theo sau là người Philippines (hơn 3,4 triệu) và người Ấn (3,1 triệu). Đông gần bằng người Việt là dân Hàn Quốc (1,7 triệu), và người Nhật (1,3 triệu).
Về nơi cư trú, dĩ nhiên là cộng đồng người Việt sống đông đảo nhất tại hai tiểu bang California (647.589 người), và Texas (227.968 người). Đứng phía sau, nhưng rất xa, là bang Washington (75.843 người), Florida (65.772 người), Virginia (59.984)…
Thu nhập ít nhất
Yếu tố gây ngạc nhiên nhất là các dữ liệu kinh tế xã hội, theo đó các nhóm châu Á nói chung đều có những chỉ số tương đương – thậm chí tốt hơn - so với cộng đồng người Mỹ da trắng, và như vậy là cao hơn người Mỹ da đen hay người Mỹ gốc châu Mỹ La Tinh (Hispanics). Tuy vậy, trong số 6 cộng đồng châu Á được xem xét, người Việt lại bị xếp vào diện yếu thế nhất, cả về kinh tế lẫn học vấn.
Về kinh tế chẳng hạn, tỷ lệ người không có công ăn việc làm trong cộng đồng người Việt cao nhất, lên đến 10,6% năm 2010, trong lúc các cộng đồng còn lại chỉ bị từ 4,7% (Nhật) cho đến 8,4% (Triều Tiên).
Thu nhập bình quân hàng năm của một hộ gia đình người Việt cũng thuộc loại thấp nhất, với mức 52.830 đô la, chỉ hơn được người Triều Tiên (50.000 đô la) nhưng thua xa 4 cộng đồng còn lại.
Sự yếu kém về kinh tế còn thể hiện qua tỷ lệ 1,8% người Việt nhận trợ cấp xã hội của chính phủ, cao nhất trong số 6 nhóm châu Á, cho dù đã giảm rất đáng kể từ mức 10,7% (năm 1990), hay 4,3% (năm 2000).
Thứ hạng thấp nhất về mặt « học vấn »
Điều có thể gây băn khoăn nhiều nhất tuy nhiên không phải là các chỉ số kinh tế, xã hội như trên, mà lại là thứ hạng thấp nhất của cộng đồng người Việt về phương diện « học vấn » – tính theo số năm học trong trường. Với số năm học bình quân 11,8 năm vào năm 2010, người Việt còn thua cả người Hoa (13,9 năm), người Philippines (14,1 năm) và thua xa người Ấn (15,5 năm).
Điểm đáng buồn là về mặt « học vấn », người Việt Nam là cộng đồng châu Á duy nhất có trình độ thấp hơn người Mỹ da trắng (13,6 năm), trong khi năm nhóm còn lại đều cao hơn.
Tình trạng yếu kém của cộng đồng người Việt tại Mỹ trong tương quan với các nhóm châu Á chủ chốt khác có thể được giải thích ra sao, giá trị của bản nghiên cứu vừa được Đại học Brown công bố như thế nào ? Đó là những câu hỏi mà RFI đã đặt cho ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ).

Ô.Ngô Nhân Dụng-California
 
04/07/2013
 
 
Theo ông Ngô Nhân Dụng, trước tiên hết cần phải công nhận rằng nghiên cứu của hai chuyên gia trường đại học Brown tiến xa hơn các công trình trước đây về cộng đồng châu Á tại Mỹ khi phân biệt các nhóm người Á châu khác nhau, thay vì gộp chung tất cả lại như thường làm.
Cách tiếp cận mới đó đã giúp nâng cao hiểu biết về cộng đồng người châu Á tại Mỹ, và đặc biệt là người Việt. Theo ông Ngô Nhân Dụng, công trình nghiên cứu vừa công bố đã xác nhận thực tế là người Á châu có mức sống cao hơn và trình độ học vấn cao những cộng đồng di dân khác, cũng như hai nhóm thiểu số quan trọng hàng đầu tại là người da đen và người Hispanics, tức là gốc từ các nước Mỹ La Tinh, trong đó có người gốc Mêhicô.
Một thực tế khác là các nhóm dân gốc Á – trừ người Nhật - đều thường tìm cách sống tụ tập lại trong những khu đông người đồng chủng, đồng tiếng nói với mình.
Về ba yếu tố đáng buồn liên quan đến cộng đồng người Việt Nam so với các nhóm châu Á khác - là thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp, có đông người sống nhờ trợ cấp xã hội nhất - nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng đó là hệ quả tất yếu của thực tế lịch sử : Cộng đồng người Việt tại Mỹ là một cộng đồng dân tỵ nạn, khi còn ở Việt Nam lại phải sống trong cảnh chiến tranh, trong lúc người Ấn, người Nhật hay người Philippines… là những người di dân.

Không có nhận xét nào: