Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

“Cách mạng Cam” lần thứ nhì của Ukraine sẽ đi về đâu?

Biểu tình ở Quảng trường Độc lập, Kiev, ngày 8/12/2013.
 
Phạm Vũ Lửa Hạ Hôm Chủ nhật 8/12, khoảng 500.000 người xuống đường ở Kiev, thủ đô Ukraine, để biểu tình, phong tỏa các tòa nhà chính phủ trong một cuộc đối đầu ngày càng leo thang về tương lai của đất nước. Cuộc biểu tình này kết thúc với việc một đám đông kéo đổ tượng Lenin. Đây là hành động phản đối những cuộc thảo luận bí mật giữa tổng thống Viktor Yanukovych và tổng thống Nga Vladimir Putin.
Người biểu tình kéo đổ tượng Lenin ở Kiev, ngày 8/12/2013.
Cuộc biểu tình lớn nhất ở nước cộng hòa trước kia thuộc Liên Xô kể từ sau Cách mạng Cam đòi dân chủ hồi năm 2004 đã khiến chính quyền phản ứng mạnh. Chính quyền Ukraine đã công bố một cuộc điều tra các lãnh tụ đối lập về âm mưu chiếm đoạt quyền lực và cảnh báo những người biểu tình là họ có thể bị truy tố hình sự.
Những cuộc biểu tình này đã bùng nổ vào cuối tháng 11 sau khi tổng thống Yanukovych bãi bỏ một hiệp định đã có dự trù từ lâu với 28 nước thành viên Liên hiệp Châu Âu để tập trung quan hệ với Nga. Đợt biểu tình này cũng bị châm ngòi bởi hành động bạo lực của cảnh sát và những nỗi lo sợ rằng Yanukovych sắp sửa tham gia một liên hiệp thuế quan do Nga dẫn đầu (liên minh kinh tế này còn có sự tham gia của Belarus và Kazakhstan), mà giới chỉ trích cho rằng sẽ khiến Ukraine mất chủ quyền.
Ngày 30/11, khoảng 4 giờ 30 sáng, cảnh sát chống bạo động của Ukraine xuất hiện và tấn công mấy trăm sinh viên đang tụ tập rất ôn hòa, thắp nến bày tỏ ủng hộ cho tương lai Châu Âu đang rời xa của đất nước. Cảnh sát dùng dùi cui quất túi bụi, đánh đập họ, xịt hơi cay rồi đuổi họ chạy lên một ngọn đồi để đánh tiếp. Trong lịch sử 22 năm độc lập, Ukraine chưa bao giờ gặp cảnh bạo lực kinh khủng như vậy.
Ngày hôm sau, được biết tổng thống Yanukovych đi săn ở vùng đất riêng của mình trong khi hàng trăm ngàn người đổ ra đường phố thủ đô Kiev để biểu tình. Cuộc biểu tình này không còn là về một hiệp định liên kết và thương mại tự do với Châu Âu mà ông Yanukovych vừa mới từ bỏ. Đây là cuộc biểu tình về sự lựa chọn sinh tồn giữa một hệ thống hậu Xô Viết, trong đó một nhà nước tham nhũng và thối nát coi thường công dân, và một hệ thống Châu Âu, dựa trên chế độ pháp trị và tôn trọng công dân.
Để biện minh cho việc sử dụng vũ lực của mình, chính quyền lại khiêu khích thêm bạo lực. Chính quyền cho xe chở hàng ngàn tên du côn mặc thường phục và cho những kẻ gây rối được tự do đi lại giữa các hàng rào cảnh sát trà trộn vào đám đông. Có người đưa máy kéo tới, cố húc vào một hàng cảnh sát. Petro Poroshenko, tỉ phú tích cực ủng hộ cuộc biểu tình, leo lên đầu máy kéo để cố gắng ngăn chặn các cuộc đụng độ. Sau đó những kẻ gây rối đeo mặt nạ bắt đầu ném đá và vung xích quất vào cảnh sát. Mấy phút sau, một cuộc biểu tình ôn hòa đã biến thành bạo lực. Quả là kỳ diệu khi chẳng có ai mất mạng.
Cảnh sát bắt hú họa những người biểu tình trong khi để những kẻ tổ chức bạo loạn được tự do. Kịch bản này có vẻ giống với một cuộc biểu tình ở Moscow vào tháng 5/2012 và một cuộc biểu tình khác ở Belarus trước đó vài năm. Vladimir Putin, tổng thống Nga, nhanh chóng lên án những cuộc biểu tình ở Kiev là “những cuộc tàn sát”. Đài truyền hình nhà nước của Nga trơ trẽn đưa các luận điện tuyên truyền chống biểu tình.
Vài giờ sau, Quảng trường Độc lập ở trung tâm Kiev, và là nơi diễn ra Cách mạng Cam năm 2004, lại tràn ngập hàng trăm ngàn người. Cây thông Giáng sinh ở quảng trường này bị dỡ xuống để làm rào chắn phòng thủ. Thân cây được trang trí bằng cờ Ukraine và các khẩu hiệu chống chính phủ. Nhiều tòa nhà của thành phố bị chiếm đóng. Trên một bức tường của tòa thị chính có kẻ dòng chữ “Đại bản doanh cách mạng”.
Người biểu tình rất ngạc nhiên trước ý nghĩa của các mốc ngày tháng: đúng chín năm trước đã diễn ra Cách mạng Cam đánh bại nỗ lực của ông Yanukovych muốn gian lận kết quả bầu cử tổng thống. Tâm lý thất vọng cùng cực với kết quả của cuộc nổi dậy đó đã khiến sự hồi sinh tinh thần cách mạng đó gần như là điều kỳ diệu. Người biểu tình dựng lều, đốt lửa, mang theo đồ ấm và thức ăn cho những người từ xa đến tham gia biểu tình. Trên đường phố người ta chào nhau “Ukraine vinh quang” và đáp lại “Các anh hùng vinh quang”. Tiết trời lạnh ban đêm tràn ngập lời đồng ca của cả ngàn người hát quốc ca Ukraine. Rượu bị cấm. Để giữ ấm, người ta khiêu vũ và đá bóng.
Khác với cuộc nổi dậy năm 2004, những cuộc biểu tình mới đây nhất mang tính tự phát và không phải do các chính khách, mà do các sinh viên và giới đấu tranh dân sự vận động. Năm 2004, các lực lượng Cách mạng Cam có những lãnh tụ rõ rệt, có mục tiêu dứt khoát (đòi tổ chức bầu cử mới, và họ đạt được) và kỷ cương hết sức chặt chẽ. Hiện nay, tất cả các lãnh tụ đối lập – Arseny Yatseniuk, lãnh tụ đảng của Yulia Tymoshenko, cựu thủ tướng bị ông Yanukovych cầm tù; Vitaly Klitschko, nhà vô địch quyền Anh thế giới; và Oleh Tyagnibok, một nhà dân tộc chủ nghĩa hữu khuynh – đều không tiên liệu được đợt biểu tình này. Chẳng có ai trong số họ có một chiến lược hay thông điệp rõ ràng. Không rõ họ có thể kiểm soát được trào lưu phản kháng này đến mức nào.
Chế độ hiện này cũng khác đến mức nguy hiểm. Năm 2004, vị tổng thống khôn ngoan sắp mãn nhiệm Leonid Kuchma rốt cuộc đã làm trung gian đạt được một giải pháp. (Khi đó, đối thủ có chủ trương ủng hộ phương Tây lên nắm quyền; Yanukovych trở lại vị trí tổng thống sau cuộc bầu cử năm 2010.) Ngược lại, tổng thống hiện nay Yanukovych ghét thỏa hiệp, xem chính trị là trò “được ăn cả, ngã về không”, là cuộc đấu tranh sinh tồn – giống như tổng thống Nga Vladimir Putin. Cách mạng Cam là một điều sỉ nhục đối với ông Putin, mà ông đã có quan niệm sai lầm cho rằng phương Tây đã dàn dựng cuộc cách mạng đó; kể từ năm 2004, bản thân ông đã trở nên cứng rắn hơn về cả phương diện địa chính trị lẫn cách đối xử phe bất đồng chính kiến. Trong khi đó, Mỹ (đã ủng hộ ông Kuchma năm 2004) nay đã không còn quan tâm.
Hôm 3/12, chính phủ vượt qua được một đợt bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội. Ông Yanukovych có thể chưa hy sinh thủ tướng của mình, Nikolai Azarov, nhưng điều này có thể không còn xoa dịu được những người biểu tình hiện nay đang đòi chính ông Yanukovych từ chức. Thủ tướng Azarov nói chính phủ sẵn sàng thương lượng nếu người biểu tình ngừng phong tỏa các tòa nhà chính phủ. Tổng thống Yanukovych dường như không thừa nhận mức độ của cuộc khủng hoảng do chính ông gây ra. Giả vờ như tình hình vẫn bình thường, tuần rồi ông đi Trung Quốc, rồi sang Moscow để đàm phán mức giá khí đốt rẻ hơn và làm việc với Điện Kremlin về một hiệp định chiến lược mới. Điều này có thể khiến cuộc biểu tình bùng phát mạnh hơn nữa.
Dù gì đi nữa, khó có khả năng những người từ khắp đất nước đổ về tham gia biểu tình trên Quảng trường Độc lập sẽ về nhà khi chưa đạt được kết quả gì đó. Có chăng, những cuộc biểu tình này sẽ càng sâu rộng hơn. Họ đang có tâm trạng thách thức, và tinh thần được cổ vũ bởi những cựu chiến binh đã tham gia cuộc chiến Afghanistan, giới giáo sĩ và các ngôi sao nhạc pop tham gia biểu tình. Nhưng khó có khả năng ông Yanukovych sẽ tổ chức bầu cử mới mà ông gần như chắc chắn sẽ thất cử, cũng như mất tài sản, và có thể tự do của ông. Hiện thời cả hai bên đang đợi phía bên kia có nước đi trước, trong khi cũng cảnh báo về một sự khiêu khích có thể xảy ra. Ông Yanukovych có thể không dám huy động quân đội chính quy hay cảnh sát mặc sắc phục, nhưng ông có thể dùng những tên du côn mặc thường phục của mình để khiêu khích dẫn tới tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, phương Tây đang cố gắng kêu gọi tránh bạo lực và khuyến khích đối thoại. Trong một cuộc điện đàm với Yanukovych, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso nhấn mạnh nhu cầu cần có một giải pháp chính trị, và cử trưởng ban chính sách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu Catherine Ashton sang Kiev vào thứ Ba 10/12 và thứ Tư 11/12 để gặp Yanukovych và các lãnh tụ đối lập để làm trung gian đạt được một giải pháp. Tổng thống Yanukovych cũng thảo luận về cuộc khủng hoảng này với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.
Hôm thứ Hai 9/12, tổng thống Yanukovich bày tỏ ý kiến ủng hộ lời kêu gọi đàm phán với phía đối lập để chấm dứt ba tuần biểu tình ở Kiev, nhưng tình hình vẫn còn rất căng thẳng với những người biểu tình dựng chướng ngại vật bảo vệ khu vực đóng trại biểu tình của mình để chuẩn bị đối phó với sự can thiệp của cảnh sát.
Khi cảnh sát chống bạo động chiếm lĩnh các vị trí mới ở thủ đô, Vitaly Klitschko, một trong các lãnh tụ đối lập, kêu gọi người biểu tình quyết tâm giữ lập trường, và cảnh báo tổng thống Yanukovich rằng tay ông sẽ dính máu nếu các lực lượng an ninh cố gắng chấm dứt cuộc đối đầu này bằng bạo lực.
Tòa Bạch ốc cho biết Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với tổng thống Yanukovich rằng bạo lực không có chỗ trong trong một xã hội dân chủ và không phù hợp với mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Trong cuộc điện đàm, ông cũng kêu gọi tổng thống Ukraine tổ chức đối thoại với phe đối lập.
Với áp lực ngày càng tăng đối với nền kinh tế mất ổn định, trang mạng của tổng thống cho biết ông Yanukovich ủng hộ một đề xuất thảo luận bàn tròn gồm có chính quyền và phe đối lập để tạo một diễn đàm giúp các bên hiểu nhau.
Chưa có ngày cụ thể được ấn định để tổ chức các thảo luận này, và cũng chưa rõ phe đối lập thống nhất có phản ứng ra sao với ý kiến của ông Yanukovich. Nhưng đây là dấu hiệu đầu tiên thực sự từ phía Yanukovich cho thấy ông có thể sẵn sàng lắng nghe các yêu sách của phe đối lập về việc chính phủ của ông từ chức và tổ chức bầu cử sớm.
Ông Yanukovych có thể hành động giống ông Putin hay Alexander Lukashenko, tổng thống độc tài của Belarus, nhưng Ukraine không phải Nga mà cũng không phải Belarus. Đất nước này gần phá sản, và mức độ ủng hộ dành cho ông Yanukovych đang rất thấp. Dân số nước này đa dạng, và đài truyền hình thuộc quyền kiểm soát của những nhà tư bản quả đầu căm ghét ông Yanukovych. Cuộc khủng hoảng này đã chia rẽ giới chóp bu quyền thế. Bên trong Đảng Các khu vực của Yanukovych đang có tâm trạng đã kết thúc một kỷ nguyên. Serhiy Levochkin, chánh văn phòng của ông Yanukovych, đã đệ đơn từ chức, dù chưa được chấp nhận.
Ông Yanukovych đã mất kiểm soát miền tây Ukraine, ở đó cảnh sát từ chối giải tán người biểu tình và các hội đồng địa phương đe dọa tổng đình công. Theo tỉ phú Petro Poroshenko, thành phố Kiev cũng cho thấy không tôn trọng chính phủ, không sợ và sẽ không tuân lệnh của chính phủ. Tuy nhiên, do không có một lãnh tụ đối lập nào đứng đằng sau đóng vai trò thống nhất, bất cứ hành động vũ lực nào cũng có thể đẩy đất nước này vào một cuộc nội chiến kiểu như Nam Tư trước đây; đó là nhận định của Inna Bogoslovskaya, một trong những người từng ủng hộ ông Yanukovych nhưng nay đã ra khỏi đảng của ông. Ở Kiev hiện nay người ta không nói là có đổ máu hau không, mà là sẽ đổ bao nhiêu máu. Bất luận chuyện gì xảy ra sắp tới, tình hình sẽ rất rối ren.
Điều này cũng có thể gây những vấn đề cho ông Putin, người xem việc phá vỡ hiệp định của Ukraine với Châu Âu là thắng lợi của mình. Trước đây, Liên Xô kiểm soát các nước chư hầu của mình bằng vũ lực quân sự và ý thức hệ, và nhận trách nhiệm về những điều đó. Hiện nay Nga không nhận trách nhiệm về những hành động của mình. Năm 2008, Nga ngăn chặn việc NATO mở rộng sang Georgia bằng cách khiêu khích một cuộc chiến và chiếm đóng hai lãnh thổ ly khai. Nga chẳng phải trả giá cho hành động này. Nay, Nga ngăn cản việc mở rộng Châu Âu sang Ukraine bằng cách lợi dụng điểm yếu của Ukraine và lòng tham của giới cầm quyền ở nước này. Ông Yanukovych có thể là hy vọng lớn nhất của Nga để Ukraine tránh xa Châu Âu. Nhưng như nhận xét của Yulia Mostovaya, chủ biên tuần báo Zerkalo Nedeli, cuộc đấu tranh vì Ukraine phụ thuộc vào năng lực của thế hệ trẻ Ukraine trong việc duy trì sự gắn kết của đất nước.
Cách đây 22 năm, Ukraine trở thành nước độc lập mà không cần một cuộc chiến. Ngay cả xét theo tiêu chuẩn của Đông Âu, lịch sử của Ukraine vô cùng đẫm máu. Ký ức về những biến cố kinh hoàng trong thế kỷ 20 của nước này đã góp phần giảm căng thẳng nội bộ kể từ Ukraine được độc lập vào năm 1991. Nhưng quốc gia này vẫn là một chính thể mỏng manh, chia rẽ giữa người nói tiếng Nga và người nói tiếng Ukraine, bị Moscow thao túng, và hiện nay có nền kinh tế bấp bênh, thâm hụt ngân sách trầm trọng và nợ ngập đầu. Chủ nghĩa dân tộc trước kia chỉ giới hạn ở một số vùng ở miền tây Ukraine, nay đã lan rộng. Những thế lực xung khắc nhau đang tranh giành quyền kiểm soát thủ đô.
Thay vì hiện đại hóa đất nước và xây dựng các thể chế, giới chóp bu quyền lực vơ vét các tài nguyên của đất nước, khiến đất nước dễ bị áp lực từ bên ngoài. Hiện nay một thế hệ người Ukraine mới, những người cảm thấy mình là một phần của Châu Âu, đang đấu tranh để thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị và vứt bỏ di sản hậu Xô Viết. Họ không muốn là một phần của cuộc tranh giành quyền lực bên trong cùng một giới chóp bu thối nát. Trên Quảng trường Độc lập, họ nhảy múa và đồng ca một bài tên là “Bức tường” thể hiện tinh thần của họ. “Chúng ta sẽ ở đâu khi cuộc chiến của họ chấm dứt? Liệu chúng ta có thể làm mọi thứ để bức tường này sập đổ?”
Tổng hợp từ The Economist & Reuters, 7-9/12/2013.
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 11/12/2013.)


Không có nhận xét nào: