Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Sài Gòn và ‘điệp khúc’ đào đường cuối năm

Văn Lang/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Năm nào cũng vậy, cứ hễ tới cuối năm là đường sá ở Sài Gòn (nhất là khu vực quận 1) lại bị đào xới tung cả lên. Dù cho là vỉa hè còn tốt, hay mới được lát đá, lát gạch đẹp đẽ, thì cũng vẫn bị đào tung lên để... lát lại.
Cuối năm là dịp phá vỉa hè và đào đường. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Riêng năm nay có ngoại lệ, vỉa hè đang đẹp đẽ, đang yên đang lành bỗng bị đào tung lên để... trồng cỏ. Dư luận báo chí và dân Sài Gòn lên tiếng chỉ trích thì được trả lời là do “thực thi” kế hoạch “liên kết xanh” toàn thành phố.


Trước sự chất vấn của dư luận là tại sao cứ tới cuối năm, khi mà các cửa hàng kinh doanh lo làm ăn, hút khách bằng cách trang trí cửa tiệm cho thật đẹp thì lại cứ đào xới lung tung làm nhếch nhác mỹ quan đô thị đồng thời cản trở doanh nghiệp làm ăn, là sao?

Một vị chức trách trong giới “đào đường, xới đất” trả lời “tỉnh rụi”: “Có tiền khi nào thì ‘xào’ khi đó, chứ ai mà tính là cuối năm, đầu năm hay là giữa năm?”
Từ trước Noel cho tới Tết Tây và Tết Nguyên Ðán thì ngân sách thành phố lại chi ra nhiều tỉ đồng trang hoàng, kết hoa tại nhiều con đường nhằm làm đẹp thành phố. Riêng anh đào đường thì lại ra sức... bôi bẩn thành phố. Vậy thì kể như là hàng đống tiền thuế má mô hôi, nước mắt của dân lao động lại trôi xuống... cống.

Chưa hết, cái “kịch bản” đào đường cuối năm này thực chất chỉ là “bổn cũ soạn lại”, chứ lời giải thích thì đã có từ... xưa rồi!

Hàng năm khối cơ quan hành chánh, sự nghiệp cũng như bên dịch vụ công ích đều được cấp ngân sách hoạt động. Do vậy, cuối năm phải “vắt giò lên cổ” mà chạy, để mà lo quyết toán cho kịp năm tài khóa.

Hồi xưa, có một ông sếp bị bệnh “ngớ ngẩn” cơ quan năm đó không xài hết tiền được duyệt cấp, nên đem trả lại cho ngân sách thành phố. Kết quả là bị thiên hạ đàm tếu là... “ngu ba đời”.

Sau này, đốt đuốc giữa ban ngày mà kiếm một ông “ngu” để “làm thuốc” cũng không ra, vì toàn thấy mấy ông khôn “quá cỡ thợ mộc” không hà.

Như cái năm nào, để thực hiện phương châm: “Có làm có... ăn, có xây có... cất”. Một ông sếp quýnh quáng chuyện quyết toán đã sắp hết năm, cho lính đi đào đường dựng một loạt đèn xanh đèn đỏ (đèn tín hiệu giao thông), chưa kịp nối điện để “đi vào sử dụng” thì có lẽ do kế toán cấp báo là vẫn chưa đủ để “quyết toán” thế là sếp lại cho dựng thêm một loạt đèn tín hiệu giao thông nữa, “vui” là cái sau lại... kế bên cái trước. Báo chí cuối năm được dịp la oai oái, dân chúng được dịp cười lăn lóc, coi bộ còn vui hơn tấu hài trên TV nữa.

Nói vậy để thấy tình trạng “gà mắc đẻ” cuối năm, hai cột đèn tín hiệu giao thông (mới “bóc tem”) mà người ta còn dám trồng sát bên nhau thì đào đường, phá vỉa hè cuối năm trồng cỏ chỉ là chuyện nhỏ.

Chính quyền ‘tấu hài’, dân ‘khóc’
Chuyện “phá đường” cuối năm của mấy anh “dịch vụ công ích” thành phố thì không có gì mới. Nhưng năm nay dân chúng đặc biệt phẫn uất vì lý do kinh tế khủng hoảng đã hơn năm năm nay, đời sống quá khó khăn, lại thêm “quả bom tấn” vừa phát nổ.
Một công trình đào đường trên đường Nguyễn Du, quận 1. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Khi báo chí Sài Gòn loan tin mấy anh giám đốc dịch vụ công ích (thuộc công ty nhà nước) lãnh lương “khủng”, 2 tỷ 600 triệu một năm, tức mỗi tháng lãnh trên 200 triệu. Trong khi người công nhân móc cống, suốt ngày lao động dưới cống hôi thối, ô nhiễm độc hại không được ký hợp đồng lao động, lãnh lương thời vụ chỉ có 4 tới 5 triệu đồng một tháng.

Dạo quanh những con đường cuối năm bị đào xới, lật tung lên, chúng tôi được nghe những lời ca thán của người dân.

Một bác chạy xe Honda ôm đầu đường Nguyễn Du (gần sân khấu ca nhạc Trống Ðồng), chỉ cái vỉa hè bị cày nát nói với chúng tôi: “Vỉa hè làm mới chưa được một năm bây giờ lại đào hết lên, nếu là nhà của mình, tiền của mình thì có ai đi làm cái việc quăng tiền đi vậy không? Tiền chùa mà, nên mấy ổng đâu có biết xót!”

Tại đường Huyền Trân Công Chúa, gặp một anh bán dừa dạo đang đứng lau mồ hôi sau khi vừa cong lưng gánh gánh dừa chạy theo mấy tay du lịch Tây ba-lô mời chào mà không có kết quả.

Anh nói với chúng tôi: “Con đường rợp bóng mát như vầy, đào lên trồng cỏ cái nỗi gì, cỏ phải có nắng nó mới xanh tốt. Dân dưới quê tụi tôi lên Sài Gòn kiếm sống, tuy là dốt nhưng tụi tôi cũng không có ‘ngốc’ như mấy ông này!”

Một dì làm công nhân vệ sinh (quét đường) trên đường XVNT (Hồng Thập Tự cũ) cho chúng tôi biết: “Trồng cỏ lung tung tốn tiền chăm sóc, nhiều nơi thiếu ánh sáng cỏ chết rụi, còn dơ thêm, chưa kể người đi đường thiếu ý thức, chó hoang chó dạo phóng uế lên mấy chỗ trồng cỏ, lá rụng xuống mấy chỗ này rất khó quét dọn làm khổ thêm công nhân vệ sinh chúng tôi”.

Cổng trước công viên Lê Văn Tám (nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi cũ), trước kia trồng cỏ, sau lát bê tông để làm bãi đậu xe. Bây giờ lại đào tung lên để... trồng cỏ. Trong khi dịp Tết đến nơi này cho tư nhân thuê làm chợ hoa, khách đi chợ hoa đông thì ba cái đám cây cỏ mới trồng “le nghoe” kia có còn sống nổi?

Chuyện dài không hồi kết
Huyện Mường-Tè năm xưa (thời PMU 18), mấy “ông cố nội” làm đường lúc đầu còn làm ăn gian dối, ăn cắp vật tư, “rút ruột” công trình. Sau thấy chẳng có ma nào kiểm soát, họ tiến hành làm đường... trên giấy. Nghĩa là cứ tự khai là đã làm mấy trăm km đường quanh cái huyện miền núi nhỏ xíu này, rồi cùng nhau “quyết toán” lấy tiền ngân sách (tức tiền thuế của dân) chia nhau đút túi.
“Pa-nô” khẳng định quận 1 sẽ thông thoáng trước ngày 26 tháng 11, trong khi giữa tháng 12 đường phố vẫn bề bộn với cảnh đào vỉa hè. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Sài Gòn với hơn 10 triệu dân, với hàng trăm cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình dĩ nhiên không thể là một nơi như huyện Mường-Tè. Ấy vậy mà ông giám đốc công ty thoát nước Sài Gòn (sống bằng tiền ngân sách của thành phố), tự cho mình là xứng đáng lãnh 2 tỉ 6 mỗi năm vì lý do “doanh thu tăng đột biến”.

Trong khi người dân Sài Gòn quanh năm bì bõm lội trong nước mưa, nước triều cường, nước cống rãnh dâng lênh láng, hôi thối... Trong khi ngân sách cho các dịch vụ công ích của thành phố, mà đáng kể nhất là công ty “đuổi nước” của ông giám đốc kể trên mỗi năm mỗi tăng.

Từ 2003 ngân sách chỉ phải chi có 234 tỉ đồng thì tới năm 2013, ngân sách đã phải bội chi là 2,394 tỉ đồng (tăng gấp 10 lần), mà thành phố vẫn cứ dơ và ngày càng ngập nặng.

Với cơ chế và cách quản lý hiện nay thì Sài Gòn và Hà Nội có biến thành huyện Mường-Tè thì cũng không có gì lạ.

Sống giữa Sài Gòn đông người mà lòng người nhiều khi còn hoang vu hơn phố núi.

Không có nhận xét nào: