Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Campuchia: Cảnh sát đàn áp công nhân biểu tình

Quốc Việt, thông tín viên RFA, 


P-11-305.jpg
Khoảng 30.000 công nhân cùng xuống đường biểu tình với phe đối lập đòi tăng lương hôm 27/12/2013.
Photo by Quốc Việt/RFA
Tại Campuchia, công nhân trên toàn quốc xuống đường biểu tình phản đối quyết định tăng mức lương tối thiểu của chính phủ vừa qua. Sáng nay, 27/12, cảnh sát chống bạo động ra tay đàn áp làm 10 công nhân bị thương.
Hơn 1.000 cảnh cát chống bạo động đã dùng đạn thật, khiên và dùi cui trấn áp vào 6.000 công nhân biểu tình tại điểm đặc khu kinh tế trên tuyến đường Quốc lộ số 4, ở Quận Porsenchey, Phnom Penh.
Cuộc đụng độ xảy ra vào lúc 10 giờ sáng, khi các công nhân ngành dệt may, giày da từ 10 nhà máy ở khu vực nói trên diễu hành về trụ sở Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia vì phẫn nộ Bộ quyết định tăng mức lương tối thiếu hàng tháng từ 80$ lên 95$, khi trước đó nhiều người dự kiến mức lương tối thiểu sẽ tăng gấp đôi, lên tới 160$ cho năm 2014.

Cảnh sát đã bắn đạn thật lên trời, dùng khiên và dùi cui ngăn cản, đánh đập để giải tán đám đông làm ít nhất 10 công nhân bị bể đầu, gãy tay và bị thương nặng, nhẹ; trong khi đó có 3 người bị bắt. Còn phía cảnh sát bị thương 3 người do công nhân ném đá đáp trả.
Điều phối viên pháp lý của Tổng Liên đoàn lao động Campuchia (CLC) là ông Um Visal đến giám sát tình hình phát biểu với RFA: “Sự va chạm sáng nay là do cảnh sát chống bạo động tấn công vào công nhân đang đứng trước điểm đặc khu kinh tế Phnom Penh và muốn diễu hành trên đường. Công nhân bị thương nặng 3 người, trong đó có gãy tay, bể mặt gãy mũi...”
Phó Tổng Tư Lệnh Lực lượng Cảnh vệ Vương Quốc Campuchia, kiêm Cố vấn của Thủ tướng Hun Sen là Trung tướng Rath Sreang trả lời báo chí tại chỗ đụng độ rằng những công nhân bị bắt đã được trả tự do vào lúc 2 giờ chiều.
Sự va chạm sáng nay là do cảnh sát chống bạo động tấn công vào công nhân đang đứng trước điểm đặc khu kinh tế Phnom Penh và muốn diễu hành trên đường.
- ông Um Visal
Cùng ngày, đã có hàng ngàn công nhân từ nhiều nhà máy khác kéo nhau đến tập trung biểu tình trước trụ sở Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia khi Bộ này mời 6 lãnh đạo Công đoàn đến làm việc liên quan lời kêu gọi công nhân đình công và biểu tình. Trong khi đó, hàng ngàn công nhân biểu tình trước nhà máy trên phạm vi toàn quốc và gần 30.000 công nhân khác từ 175 nhà máy xuống đường biểu tình cùng phe đối lập tại Quảng trường Tự do, diều hành tại thủ đô Phnom Penh.
Còn ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia cho biết chính phủ không có ý định đàn áp dân chúng biểu tình nhưng chính phủ yêu cầu các công nhân tham gia biểu tình đừng lôi kéo người khác đang làm việc. Theo ông, Quyền Thủ tướng Sar Kheng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã yêu cầu lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy giúp xoa dịu tình hình, đừng để ảnh hưởng đến các nhà máy, xí nghiệp khác đang hoạt động.
Hôm 26/12, Hiệp hội Các nhà sản xuất may mặc của Campuchia thuộc Bộ Lao động đã thông báo đến hơn 500 nhà máy tạm thời đóng cửa đến ngày 30/12.
Ngành công nghiệp may mặc là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Campuchia, với khoảng 770 nhà máy sử dụng 570.000 công nhân. Ngành kiếm được 5 tỷ USD trong 11 tháng đầu của năm 2013.

Không có nhận xét nào: