Pages

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghệ

HÀ NỘI 29-12 (NV) - Ngân sách thất thu nhưng bội chi, doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục chết hàng loạt, thất nghiệp tràn lan, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành “phao cứu sinh”. Phao này có thể là bi kịch mới.
Quân đội tham gia tìm kiếm dân bị nước lũ cuốn trôi khi đập thủy điện Ia Krêl ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bất ngờ vỡ toang hồi tháng 6. Phát triển ồ át các công trình thủy điện để thu hút đầu tư đã hủy diệt môi trường sống ở miền Trung và Tây Nguyên. (Hình: Tuổi Trẻ)
Năm nay, dẫu số lượng doanh nghiệp trong nước phải giải thể, hoặc ngừng hoạt động tại Việt Nam, tăng thêm khoảng 12% so với năm ngoái nhưng chính quyền Việt Nam tỏ ra hoan hỉ vì kim ngạch xuất cảng của Việt Nam vẫn tăng.

Sở dĩ kim ngạch xuất cảng tăng vẫn tăng là nhờ hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Tháng trước, Tổng cục Thống kê loan báo, kim ngạch xuất cảng của 10 tháng năm 2013 đạt 108 tỉ đô la. Trong 108 tỉ này, kim ngạch xuất cảng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm 60% tổng kim ngạch xuất cảng.
Trong hai năm 2009 và 2010, tăng trưởng xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam và của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam xấp xỉ nhau. Tuy nhiên, trong ba năm gần đây, do các doanh nghiệp Việt Nam chết hàng loạt, năm ngoái, tăng trưởng xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam tụt xuống chỉ còn 1,3%.
Bối cảnh như thế khiến những số liệu kiểu như, kim ngạch xuất cảng của các nhà máy Samsung ở Việt Nam hiện chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất cảng hàng hóa của Việt Nam và bằng kim ngạch xuất cảng của tất cả các sản  phẩm nông nghiệp cộng lại. Hoặc những thông tin kiểu như tập đoàn Samsung của Nam Hàn đang xem xét việc chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam vì giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc. Hoặc những dự báo kiểu như khuynh hướng chuyển nhà xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam được dự đoán là sẽ trở thành mạnh mẽ trong những năm tới khiến chính quyền Việt Nam xem vốn đầu tư nước ngoài như “phao cứu sinh”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khuynh hướng chuyển nhà xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam đang đặt Việt Nam trước nhiều nguy cơ. Nguy cơ lớn nhất là môi trường sống bị hủy diệt. Việt Nam gần như là quốc gia duy nhất chấp nhận các dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường mà nhiều quốc gia trong khu vực đã từ chối từ lâu.
Trung Quốc đã từng cố gắng hết mức để trở thành “công xưởng thế giới”, tiếp nhận tất cả, không phân loại dự án đầu tư và kết quả theo sau là môi trường sống bị hủy diệt. Việt Nam đã bắt đầu và đang mời gọi đầu tư theo kiểu giống hệt như vậy.
Chủ các doanh nghiệp mà hoạt động gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường sống đang nhắm tới Việt Nam như “đất hứa”. Thậm chí, hồi tháng 5 vừa qua, ông Hong Tianzhu, Chủ tịch hãng Texhong Textile của Trung Quốc, loan báo sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy dệt nhuộm tại Việt Nam. Dệt nhuộm là một trong những lãnh vực công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng cả về không khí lẫn nguồn nước.
Nguy cơ thứ hai là việc nhắm mắt tiếp nhận tất cả các loại dự án đầu tư sẽ biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ. Trong báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam thực hiện, các số liệu cho thấy, khi đầu tư vào Việt Nam, có đến 80% doanh nghiệp nước ngoài chỉ sử dụng công nghệ loại trung bình của thế giới. Ngoài ra, còn có 14% sử dụng công nghệ lạc hậu.
Nhập công nghệ lạc hậu, nâng giá để hưởng các ưu đãi đầu tư, kể cả ưu đãi về thuế đã là “chiêu” mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài áp dụng khi đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, năm nay, Liên doanh Malaysia - Đài Loan- British Virgin Island đưa vào Việt Nam một dây chuyền cũ, giá trị thực chỉ chừng 400.000 USD, được nâng lên thành 16 triệu USD, gấp 40 lần giá gốc để hưởng tất cả các hình thức ưu đãi.
Nhắm mắt ban phát các hình thức ưu đãi còn là lý do khiến hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam liên tục báo lỗ để được miễn thuế. Có những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến 20 năm nhưng không nộp đồng thuế nào.
Một viên thứ trưởng của Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam, còn cảnh báo về khuynh hướng đầu tư vào Việt Nam nhằm khai thác tài nguyên với giá rẻ đang gia tăng. Ông Đinh Thế Hiển, một chuyên gia kinh tế, cảnh báo thêm, để mời gọi đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải đi vay, đầu tư cho hai lĩnh vực: hạ tầng và  năng lượng. Trong thực tế, việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, dự án thủy điện cho thấy hiệu quả không tương xứng với những hy sinh về môi trường và tài nguyên.
Globalchange - Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn xu thế toàn cầu Globalchange, nhận định, Việt Nam có thể trở thành “công xưởng thế giới” vì dân số đông và trẻ, có nền tảng học vấn, sẵn sàng nhận lương thấp, đang đẩy mạnh đô thị hoá, có xu hướng đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Khi thực tế cho thấy, giới lãnh đạo chính quyền thiếu viễn kiến và lối quản trị quốc gia nhiều hạn chế như hiện nay, viễn cảnh Việt Nam trở thành “công xưởng thế giới” đồng nghĩa với ác mộng cho dân và môi trường. (G.Đ.)

Không có nhận xét nào: