Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Những bầy sâu

Nói đến sâu ai cũng sợ, nhất là quý cô quý bà. Con sâu cải với màu xanh của cải non, trông hiền là thế, nhưng nhỡ rơi vào nồi canh, thì dù có ngon đến mấy cũng phải đem đi đổ.

Con sâu làm rầu nồi canh là vậy.

Đến con sâu róm thì thực là kinh hãi. Bộ lông dựng ngược của nó cứ như một con nhím. Lỡ chạm vào, ngứa gãi đến tuột da.


Nhưng đó là sâu local. Sâu ngoại còn kinh khiếp hơn nữa. Những năm đầu 50 thế kỷ trước, sau những chiến dịch quân sự không thành, thực dân Pháp liền mở mặt trận kinh tế. Chúng đem hàng tấn sâu, nghe nói từ những hoang mạc châu Phi xa xôi, thả xuống những ruộng đồng bốn tỉnh Nam-Ngãi-Binh-Phú.

Những con sâu xanh đỏ, tím vàng, rằn rịt, mặt như mặt quỷ, có sừng có mỏ. Chỉ trong một đêm, bao nhiêu cây lúa tốt tươi bị chúng cắn xé tận ruột gan trở nên vàng úa, nằm chết rũ.

Hồi đó không có thuốc trừ sâu, nên dân làng chỉ có mỗi một cách là lội xuống ruộng, vạch từng bụi lúa ra mà bắt. Sâu nhiều đến nỗi, mỗi sáng “thu hoạch” đến cả trăm ký. Người ta đào những cái hố, đổ chúng xuống, phủ trấu lên, đốt.

Mùi tanh theo khói bay lên, nồng nặc đến tận giời.

Vì ăn lúa non nên con nào cũng béo trục béo tròn, lớn nhanh như thổi. Chỉ mới nở dăm hôm, đã biết quấn lấy nhau rồi sinh con đẻ cái.

Có mấy tay cốt cán thấm nhuần cách mạng lý luận rằng: sâu ăn lúa chớ có ăn cứt đâu. Nó ăn lúa của ta thì ta ăn lại nó. Vừa no cái bụng, vừa thể hiện lòng căm thù giặc. Thế là, bọn họ hào hứng bắc ngay cái nồi to tổ chảng lên bếp, đổ cả chục ký sâu vào luộc, ăn như ăn gỏi.

Có lẽ vì ăn quá nhiều, mà cũng có thể vì lũ sâu quỷ quái ấy rất độc, nên chẳng mấy chốc cả bọn nằm lăn quay, phùi bọt mép xanh lè.
Cả làng phát hoảng, chẳng ai dám xuống ruộng bắt sâu nữa.

Từ đó, sâu nhung nhúc bò đi khắp hang cùng ngõ hẽm. Sâu vào từng nhà, leo lên giường, chui vào tận giấc mơ. Vì vậy những đứa bé thiếu ăn không mơ thấy gặp bác Hồ mà chỉ thấy lổn nhổn toàn sâu là sâu!

May sao, năm đó Trời hành cơn lụt sớm, mà lại lụt rất to, nên bao nhiêu sâu đều bị cuốn trôi ra biển.

Giờ, cả nước hòa bình, lúa khoai tràn bờ, nhưng dân chúng vẫn đói khổ hoang mang, vì xuất hiện một loại sâu mới.

Chúng không rằn rịt xanh đỏ, không trần truồng bò tới bò lui với hai hàng chân nhiều như chân rết. Mà Trời ạ, chúng chỉ có hai chân, lúc nào cũng diện đồ veste, đi xe đời mới và ngự trong những cái tổ xinh đẹp có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Chủ tịch nước bảo không chỉ có một con tên X hay tên Y nào đó, mà cả bầy. Ngài bảo dân phải chỉ mặt điểm tên, mỗi người phải xắn tay vào, như trước kia đã từng xuống ruộng bắt sâu của thực dân Pháp.

Ngài bảo vậy là nghe vậy, chứ cho kẹo dân đen cũng không dám.

Bên phủ chính trị rất bực mình, bảo nói mà không làm thì ai nghe. Người ta liền lập ra những đội quân diệt trừ sâu bọ có tên rất kêu, từ trung ương đến địa phương. Rồi trống giong cờ mở, bảo kiếm tuốt trần, tưởng chừng một con kiến cũng không trốn thoát.

Nhưng những con sâu thời hiện đại, chẳng những không lo sợ, mà còn hí hửng kéo nhau ra tận phi trường chào đón. Bởi vì, hồ hỡi quá, đó cũng lại là những bầy lũ từng trốn núp trên rừng Trường Sơn, hay những cháu con của các bậc đại sâu tiền bối.

Cũng có một vài con được đem ra chường mặt trước bàn dân thiên hạ. Cũng có án tử cho oai danh bốn biển. Nhưng thay vì chích thuốc độc lại âm thầm chích thuốc bổ. Đừng có mơ bắn ngay tút xuỵt trước sân tòa như Kim Yong Un bắn dượng ruột của mình.

Vậy nên, chẳng ai ngạc nhiên khi thấy cả nước tràn ngập lũ sâu hai chân, mỗi ngày một nhiều. Chúng chui vào tận trường học, nhà thương. Chúng không thèm ăn lúa ăn khoai, (bõ bèn gì), chúng ăn rừng ăn biển, ăn dầu khí, ăn than đá, ăn bauxite và ăn cả hài cốt liệt sĩ!

Chúng không chỉ có một bầy mà nhiều bầy, gọi là tập đoàn hay nhóm lợi ích.

Đến nước này thì chỉ có Trời mới diệt được chúng. Nhưng hỡi ôi, ngay cả Trời mà cũng đang thấp thỏm lo sợ. Nghe đâu chúng thò thụt định bán cả cái ông Trời nghèo và nhỏ này cho ông Trời giàu và to hơn bên cạnh, mà không thèm mời Thiên Lôi kia đấy!

Vậy thì, chỉ còn có nước botay.com thôi!

29/12/2013

Khuất Đẩu

(Dân luận)

Không có nhận xét nào: