HOA KỲ (NV) -Năm 2013 ghi dấu nhiều thử thách cũng như thành công của người Việt trẻ tại Hoa Kỳ. Nhật báo Người Việt xin điểm lại năm sự kiện nổi bật nhất trong năm về đời sống giới trẻ.
Thành công...
Thành phố Morrow lần đầu có nghị viên gốc Việt
Hằng Trần, 27 tuổi, nghị viên gốc Việt đầu tiên tại Morrow. (Hình: Hằng Trần cung cấp)
|
Morrow là một thành phố nhỏ với khoảng 7,000 người; tỉ lệ cư dân gốc Việt chiếm đến gần 20%. Tuy vậy, trong lịch sử Morrow, chưa một người Việt nào vào được hội đồng thành phố trước cô Hằng Trần.
Mới 27 tuổi, Hằng Trần dường như có được thành công mà nhiều người ở lứa tuổi cô còn đang mơ đến.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ hoá học tại Đại học Georgia State University, cô được nhận làm việc tại Trung Tâm Kiểm Dịch Hoa Kỳ, lập gia đình và hiện có một bé trai 17 tháng tuổi. Ngoài thành công cá nhân, cô Hằng Trần đã khiến cộng đồng Việt Nam ở thành phố Morrow, Georgia tự hào khi trở thành nghị viên gốc Việt đầu tiên tại đây.
Trong cuộc vận động chức nghị viên bắt đầu từ Tháng Tám, cô cùng chồng, có khi đẩy xe đẩy chở theo con trai, đến gõ cửa hầu như từng nhà trong số hơn 2,000 hộ của thành phố để kêu gọi họ đi bỏ phiếu.
Chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử ngày 5 tháng Mười Một nhằm thay thế hai ghế nghị viên giúp Hằng Trần tạo nên lịch sử cho cộng đồng người Việt Nam tại Morrow.
Chỉ huy đơn vị quân đội Bruin, UCLA là một nữ sinh Việt
Mỹ An Phạm trong nghi thức đeo lon thiếu uý. (Hình: Thiên An/Người Việt)
|
Mỹ An Phạm là người nữ sinh viên thiếu úy gốc Việt duy nhất của lớp, và cũng là chỉ huy của cả đơn vị quân đội Bruin, UCLA, hơn 70 người, thuộc đủ thành phần, sắc dân khác nhau.
Sinh năm 1991, cao chưa đến 4 ft 11 (1.50m) nhưng thân hình nhỏ bé của Mỹ An không làm giảm sút sự tin tưởng từ bạn bè, thầy cô. Cô được chọn để đại diện các sinh viên thiếu úy đọc diễn văn trong ngày đơn vị Bruin hoàn tất khóa huấn luyện. Họ chính thức trở thành cử nhân và thành viên mới của quân đội Hoa Kỳ vào Tháng Sáu 2013.
Chương trình ROTC tại đại học UCLA tiến hành song song với ngành học cử nhân của các sinh viên thiếu úy. Người tham gia chương trình này, ngoài việc lấy các lớp khoa học xã hội bình thường, phải theo thời khóa biểu luyện tập của một người lính. Tại UCLA, các sinh viên thiếu úy buộc tập thể lực từ 6 giờ sáng đến 7 giờ sáng, 3 ngày một tuần, cũng như huấn luyện về lý thuyết quân sự mỗi Thứ Năm trong ba tiếng đồng hồ. Tỉ lệ được thu nhập vào chương trình rất thấp.
Sau khi tốt nghiệp, Mỹ An có ý định theo học tại một trường Y và tham gia đơn vị quân đội gần nhà để giúp mẹ chăm sóc em, và ông bà đã hơn 90 tuổi.
Cassie Nguyễn cho bệnh nhi ung thư thử làm phim
Cassie Nguyễn trong một phỏng vấn của Think Ten Media. (Hình: Think Ten Media cung cấp)
|
Bản thân là một bệnh nhân ung thư não trong bảy năm, Cassie Nguyễn, 24 tuổi, vận động tài trợ cho đoàn làm phim Think Ten Media lần đầu tiên tổ chức buổi làm phim cho các bệnh nhi ung thư vào đầu Tháng Chín vừa qua.
Dự án làm phim Spotlight on Hope không hề đề cập đến căn bệnh của các em, mà chỉ nhằm mục đích duy nhất là giúp quên đi bệnh tật trong khi thả sức sáng tạo, vui chơi.
Để vận động gây quỹ cho dự án, Cassie đến gặp các hội đoàn, tổ chức giúp người ung thư, xin tài trợ cho chương trình. Việc di chứng ung thư khiến đi đứng, nói năng khó khăn không làm cô gái trẻ nản chí. Một mình và thiếu kinh nghiệm, Cassie thu được tổng cộng $700.
Tuy số tiền này thấp hơn nhiều so với kinh phí cần thiết, Think Ten Media vẫn quyết định giúp Cassie tiến hành chương trình. Chỉ trong một buổi sáng giới thiệu về đề án Spotlight on Hope tại trung tâm giúp trẻ ung thư HOPE Resource Center của bệnh viện Children’s Hospital-Los Angeles, người đạo diễn đã có một danh sách dài các em nhỏ ghi danh tham gia. Khi bộ phim chưa đến 10 phút được hoàn tất, các bệnh nhi lại được mời đến để dự buổi “trải thảm đỏ” ra mắt phim.
Và những thử thách...
Sinh viên Việt tại Đại Học Michigan bị kỳ thị
Thư của Hội Sinh Viên Việt Nam trường University of Michigan liệt kê những lời lăng mạ của bạn học. (Hình: Thiên An/Người Việt)
|
Từ Đông sang Tây Hoa Kỳ, các sinh viên gốc Việt cũng như nhiều sinh viên Châu Á khác vẫn phải đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc trong quá trình học tập trên giảng đường đại học.
Mới đây nhất, vào giữa Tháng Mười Hai trong một trận chơi banh giữa Đại học University of Michigan và Michigan State University, một số thành viên của Hội Sinh Viên Việt Nam (VSA) trường University of Michigan bị nhóm sinh viên da trắng của cả hai trường lên tiếng khích bác.
Ban đầu, khi thấy nhóm sinh viên Việt Nam này mặc đồng phục biểu tượng của đội banh đối thủ đi ngang qua, nhóm sinh viên bản xứ trường Michigan State University bắt đầu dùng những lời lẽ kích động và lăng mạ người Châu Á.
Khi nhóm sinh viên Việt đã vượt qua khu vực khán giả của trường đối thủ và đến khu vực khán giả trường mình, các em không những được bênh vực, ủng hộ, mà còn bị sinh viên da trắng tại chính trường mình tiếp tục xúc phạm đến sắc tộc.
“Kỳ thị chủng tộc từ hai phía,” một thành viên viết trên thông cáo của Hội Sinh Viên Việt Nam của University of Michigan.
Đây không phải lần đầu tiên VSA tại một đại học bị công kích. Vào cuối năm ngoái, VSA trường UCLA cũng bị dán giấy có nội dung lăng mạ phụ nữ gốc Á.
Tranh cãi quanh hội chợ Tết Sinh Viên
Năm 2013 có lẽ sẽ để lại nhiều kỷ niệm cũng như kinh nghiệm cho Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California (UVSA).
Năm 2013 có lẽ sẽ để lại nhiều kỷ niệm cũng như kinh nghiệm cho Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California (UVSA).
Hội chợ Tết Sinh Viên 2013. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
|
Trong năm này, Hội nghị Sinh Viên Việt Nam Bắc Mỹ lần 10 từng được UVSA tổ chức lần đầu tiên quay lại Nam California kỷ niệm một thập niên hoạt động, với sự tham dự của gần 500 sinh viên đến từ khắp. Ngoài những hoạt động chính trị và xã hội thường niên tiếp tục diễn ra và lớn mạnh hơn, UVSA cũng giúp cộng đồng tổ chức buổi chạy bộ gây quỹ giúp nạn nhân bão Haiyan tại Phillipines, quyên góp được hơn $100,000.
Bên cạnh những thành công đạt được, các thành viên ban chấp hành UVSA phải trải qua những ngày đầy thử thách khi phải tìm một địa điểm mới đế tổ chức Hội Chợ Tết Sinh Viên.
Trong 11 năm qua, hội chợ Tết tại công viên Garden Grove Park do UVSA đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, năm nay, Garden Grove cáo buộc sinh viên không sổ sách rõ ràng về tài chính và yêu cầu trả $145,000 cho ba ngày mướn chỗ. Trong khi đó, UVSA chỉ muốn trả $105,000 và hai bên quyết định chấm dứt thương lượng.
Đại diện UVSA phải chia nhau liên lạc nhiều địa điểm tại các thành phố lân cận, như Westminster, Garden Grove, Santa Ana và Fountain Valley, dù ngày Tết đã khá gần kề. Mọi việc chỉ mới được ổn thoả khi UVSA thương lượng được với phía Orange County Fair & Event Center tại thành phố Costa Mesa để tổ chức hội chợ trong ba ngày 7, 8 và 9 Tháng Hai sắp tới.
Trong một cuộc họp với thành phố Westminster, Billy Lê, trưởng ban tổ chức của hội chợ, có thừa nhận việc thiếu kinh nghiệm về sổ sách và hứa sẽ làm việc tốt hơn trong tương lai. (T.A.)
Đại diện UVSA phải chia nhau liên lạc nhiều địa điểm tại các thành phố lân cận, như Westminster, Garden Grove, Santa Ana và Fountain Valley, dù ngày Tết đã khá gần kề. Mọi việc chỉ mới được ổn thoả khi UVSA thương lượng được với phía Orange County Fair & Event Center tại thành phố Costa Mesa để tổ chức hội chợ trong ba ngày 7, 8 và 9 Tháng Hai sắp tới.
Trong một cuộc họp với thành phố Westminster, Billy Lê, trưởng ban tổ chức của hội chợ, có thừa nhận việc thiếu kinh nghiệm về sổ sách và hứa sẽ làm việc tốt hơn trong tương lai. (T.A.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét